Giúp đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE (VUI LÊN VÀ HÃY ...
Có thể bạn quan tâm
Vp. M. Dominico Phạm Văn Hiền
Điều gây ấn tượng cho tôi nhất, khi đọc các văn kiện do Đức Thánh cha Phanxicô ban hành, từ ngày lên ngôi giáo hoàng, đó là điểm nhấn niềm vui: ngài đã đánh trúng khát vọng của độc giả, đồng thời qua đó ngài cho thấy bản tính lạc quan của ngài!
Quả vậy, để khai mạc sứ vụ giáo hoàng, ngài đã viết Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng (EG); để giúp các vợ chồng sống ơn gọi hôn nhân, ngài công bố Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình yêu (AL); để khai mạc năm thánh cho những người sống đời tận hiến, ngài khẳng định: Ở đâu có tu sĩ, ở đấy có niềm vui; để khích lệ việc giáo huấn trong các Đại học Công giáo, ngài cho công bố Tông thư Gaudium Veritatis – Niềm Vui Của Chân Lý (GV); và hôm nay để gióng lên một lời mời gọi tha thiết về việc nên thánh trong thời đại chúng ta, ngài công bố Tông huấn Gaudete et Exsultate – Vui Lên và Hãy Nhảy Mừng (GE). Niềm vui này là một niềm vui trào tràn, hồn nhiên của đứa bé nhảy lên (exsultate) vì sung sướng.
Nói đến niềm vui, tất nhiên phải nêu cao tính lạc quan của Đức Thánh cha Phanxicô. Tính lạc quan ấy đặt cơ sở trên niềm tin vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tính lạc quan được diễn tả qua cái nhìn tích cực đối với mọi vấn đề. Tính lạc quan làm nảy sinh lòng nhiệt thành trong khát vọng ra xa bờ và lên đỉnh thánh thiện: ra tận vùng nước sâu để “đánh cá người” (Mt 4,19). Khát vọng lên cao là muốn cho mọi tâm hồn ý thức ơn gọi nên thánh như Chúa Cha hằng mong ước, trước cả khi khai thiên lập địa (Mt 5,48; Ep 1,4).
Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Thánh cha coi việc nên thánh như là một thách thức khí phách anh hùng nơi mỗi tín hữu. Khí phách anh hùng đó, chắc chắn không cho phép Kitô hữu sống tầm thường.
Tại sao vậy? Thưa, vì hai lý do: Kitô hữu đã nhận được một sự sống đích thực và một hạnh phúc viên mãn.
Lý do thứ nhất: Sự sống đích thực.
Sự sống đích thực là gì, nếu không phải sự sống làm con Thiên Chúa. Thánh Gioan đã kêu lên: “Anh em xem Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào, đến nỗi cho chúng ta được gọi là con, và quả thật chúng ta là thế” (1Ga 3,1). Sự sống đích thực này vô cùng phong phú: “Ta đến để cho chiên Ta được sống dồi dào” (Ga 10,10).
Sự sống mới trong Đức Kitô cũng được gọi là sự sống Thần Khí. Thế mà Thần Khí được ví như gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Với một sự sống linh động như thế, Chúa không bằng lòng để ta sống ù lì, nhàm chán, khép kín, thủ phận (GE, số 1).
Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu nêu rõ hiệu năng của sự sống Ngài ban cho ta qua câu: “Ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).
Lý do thứ hai: Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta hạnh phúc viên mãn.
Để được cúp vàng bóng đá, các cầu thủ phải dãi dầu tập luyện và thi đấu hăng say biết bao! Theo Thánh Phaolô, Kitô hữu phải sống nhiệt thành hăng hái như các vận động viên trên thao trường (1Cr 9,23-24), đặc biệt các chiến sĩ Tin Mừng đầy Thần Khí (EG, số 259; 2Tm 2,3-6). Hạnh phúc vĩnh cửu là chính Thiên Chúa. Thánh Bênađô khẳng định: “Phần thưởng cho ai yêu mến Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa, chứ không gì khác ngoài Thiên Chúa”. Người khôn ngoan phải biết so sánh giữa cái được và cái mất, giữa cái lợi to và lợi nhỏ: “Mất mạng sống tạm thời để được sự sống vĩnh cửu” (Mc 8,35). Chịu một chút gian nan tạm thời để nhận một khối vinh quang bất diệt (Rm 8,18; 2Cr 4,16; Pl 3,8).
Được đầy tràn sự sống thật và hạnh phúc viên mãn ngay từ đời này, Kitô hữu nào lại chấp nhận sống tầm thường được? Nhưng muốn sống không tầm thường, đương nhiên phải canh tân mỗi ngày: nhật nhật tân! Đây là yêu sách số một mà cha thánh Biển Đức gói ghém trong Lời khấn Canh tân hay Cải quá Tự tân! Quên yêu sách số một này, ta làm cho đời đan tu mất ý nghĩa. Con quỷ ban trưa (démon du midi) đang chờ sẵn trước cửa nhà ta rồi đó!
Tông huấn Gaudete et Exsultate gồm 177 số, chia thành 5 chương:
- Chương 1: Lời kêu gọi nên thánh.
- Chương 2: Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện.
- Chương 3: Trong ánh sáng của Thầy Giêsu.
- Chương 4: Những dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay.
- Chương 5: Cuộc chiến đấu, cảnh giác và biện phân.
Giữa các chương, ta nhận thấy có một logic xuyên suốt: chương một là lời mời gọi nên thánh, chương hai là một tiếng cảnh giác, chương ba giới thiệu một vị tôn sư, chương bốn nêu những nét cụ thể của một đời sống thánh trong thế giới hôm nay, chương cuối cùng đòi hỏi nơi những ai muốn nên thánh ba điều kiện: kiên trì, tỉnh thức và biện phân. Kết thúc Tông huấn, Đức Thánh cha tôn vinh và khẩn nguyện Mẹ Maria như vị thánh cao cả, đang dắt dìu đoàn con trong hành trình lên đỉnh thánh thiện.
Chương 1 Lời mời gọi nên thánhƠn gọi nên thánh, ta đã có sẵn. Vì bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đều được thánh hiến cho Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Như thế, người lãnh nhận bí tích được phúc chia sẻ bản tính thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi (x.2Pr 1,4). Và một khi mang bản tính thần linh, đương nhiên họ là con, kèm theo một ơn gọi. Ơn gọi đó đã nằm sẵn trong bản tính con cái. Vì thế, làm thánh không gì khác hơn là làm con như Chúa Con (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis).
Lời mời gọi nên thánh. Đa phần Kitô hữu cảm thấy ngại ngùng khi nghĩ tới việc nên thánh, mặc dù, như đã trình bày, đó là ơn gọi căn bản của đời mình. Bởi muốn đánh tan mối ngại ngùng ấy, Đức Thánh cha Phanxicô tha thiết gióng lên lời kêu gọi nên thánh (l’appel à la sainteté).
Để khích lệ chúng ta mạnh dạn nên thánh, Đức Thánh cha đặt ngay trước mắt chúng ta cả một tập thể các thánh! Đó là một đoàn người đông đúc, mà tác giả thư Do Thái mô tả: “Phần chúng ta được ngần ấy chứng nhân đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1). Tác giả mới chỉ nêu các thánh của Cựu Ước thôi đấy nha! Còn phải nói thế nào về các thánh của Tân Ước: các vị đi lên từ hàng tông đồ, môn đệ, tử đạo, hiển tu, trinh nữ…? Nhưng phải chăng chỉ những ai đã được tôn phong, mới gọi là thánh? Đức Giáo hoàng Phanxicô không muốn chúng ta giới hạn sự thánh thiện trong cái khung nhỏ bé đó. Vậy xin đưa ra 3 câu hỏi: Ai được mời gọi nên thánh? Muốn nên thánh thì phải làm gì? Việc nên thánh mang lại lợi ích gì cho ta và Hội Thánh?
1/ Ai là người được mời gọi nên thánh?
Đức Thánh cha trả lời: ơn gọi nên thánh không dành riêng cho giám mục, linh mục hay các tu sĩ, những người sống đời thánh hiến. Ơn gọi đã có sẵn nơi các Kitô hữu, dù họ ở thứ bậc, giai cấp, trình độ hay nghề nghiệp nào trong Giáo hội và xã hội. Nói theo kiểu bình dân của Đức Thánh cha Phanxicô, họ là những người hàng xóm bên cửa nhà ta (Les saints de la porte d’à côté).
Tiếp đến Đức Thánh Cha nêu lên thiên tài nữ giới (le génie féminin).
Nhiều nền văn minh và tôn giáo đánh giá thấp nữ giới, thậm chí sách Nho còn viết: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một người nam cũng viết có, mười người nữ cũng viết không). Tân Ước đã dành một chỗ cao quý cho Đức Maria và các người nữ bên cạnh Chúa Giêsu như Maria Magdala, Martha, Maria Bêtania… Thế rồi trong lịch sử Giáo hội, biết bao người nữ đã nên thánh và có ảnh hưởng trong cộng đồng dân Chúa như: Catharina Sienna, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Têrêxa Calcutta. Marthe Robin…
Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được mời gọi nên thánh: ta đã được thánh hóa trong Bí tích Rửa Tội rồi! Cũng như các cây cam, dù già hay non, đẹp hay xấu… đều có khả năng sinh trái – nhiều hay ít – thì cũng là cam; nếu được chăm bón, nó sẽ sinh hoa kết trái nhiều hơn (Ga 15,8).
2/ Nên thánh bằng cách nào?
Đức Thánh Cha trả lời: Chúa không muốn ta copy sự thánh thiện của một vị thánh nào đó. Nói cách tích cực: Chúa muốn ta nên thánh theo những điều kiện hiện sinh của mỗi người (GE, số 11). Ta hãy để cho ơn Bí tích Rửa tội đơm hoa kết trái trong cuộc đời của ta: Ta hãy hoàn thiện thiên chức làm con Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha góp ý: sự hoàn thiện phải thực hiện theo một quy trình tiệm tiến: Khởi đi từ những cái nho nhỏ, rồi chuẩn bị đương đầu với những khó khăn và thách đố lớn hơn. Ở đây Đức Thánh cha trích dẫn lời Đức Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận trong thời gian ngài đi tù: ngài đã chọn sống giây phút hiện tại, cố lấp đầy nó bằng tình yêu. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc thường ngày của tôi một cách phi thường”.
Nhưng thế nào là phi thường? Theo Đức Thánh cha Biển Đức XVI: mọi hành động có kèm theo lòng mến đều được coi là cao cả, phi thường (Thông điệp Spe Salvi). Lòng mến nói đây hẳn nhiên là agape đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu được lớn lên với hành động hy sinh khi nó thông hiệp với Đức Kitô Phục sinh, Đấng đang thánh hóa ta ngang qua sự yếu hèn của ta (2Cr 12,9).
Ta nên thánh khi thi hành sứ vụ (missio).
Đức Thánh Cha muốn nói gì qua cụm từ này?
Ngài muốn nối kết ơn gọi và sứ vụ: Vocatio et missio (kêu ai tới là để trao cho họ một việc nào đó). Như thế, nên thánh là chu toàn một sứ vụ. Đó là sứ vụ xây dựng Nước Thiên Chúa. Sứ vụ vượt quá tầm tay chúng ta chăng? Đúng thế, nhưng khi thông hiệp với Đức Kitô, ta làm được mọi sự. Hẳn thật, Chúa Giêsu đang yêu khi ta yêu; Chúa Giêsu hành động khi ta hành động; Chúa Giêsu mở Nước Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng Nước Thiên Chúa ở đâu? Đức Thánh Cha trích dẫn Tin Mừng Mt 25,31… như một chương trình cần thực hiện, nếu ta muốn xây dựng Nước Thiên Chúa, và làm thánh. Trong phần này Đức Thánh Cha nói khá dài về sự quân bình giữa hoạt động và chiêm niệm (GE, số 26-29).
3/ Nên thánh mang lại lợi ích gì cho ta và Giáo Hội?
3.1. Lợi cho ta
Thường người ta quan niệm rằng: đã là thánh thì phải thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ. Một người mong lợi khi hành động là còn vị kỷ, mà vị kỷ thì hết thánh! Không hẳn thế, Phêrô tông đồ được coi như thánh cả, mà cũng mong lợi đó chứ. Ông đã thưa với Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? ” (Mt 19,27). Trong câu trả lời cho Phêrô, Chúa Giêsu cũng hứa những món lợi kếch xù! Thiết nghĩ ai cũng mong lợi khi làm một việc gì, chỉ khác nhau ở chỗ tìm lợi to hay nhỏ, lợi chóng qua hay trường tồn mà thôi.
Những cái lợi do việc nên thánh, theo Đức Thánh cha Phanxicô, xuất phát từ bản tính con người hay căn tính Kitô hữu:
- Trước hết từ bản tính con người: nên thánh giúp ta thể hiện ý nghĩa sâu thẳm của con người, nghĩa là được giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ để nhận ra phẩm giá cao quý của mình
- Thứ đến, với tư cách Kitô hữu, việc nên thánh làm cho cuộc đời Kitô hữu sống động và hoàn hảo hơn. Hẳn thật việc nên thánh không lấy đi năng lượng, sức sống và niềm vui. Chúng ta chỉ cần có một tinh thần thánh thiện là có khả năng lấp đầy sự cô độc và việc phục vụ của chúng ta ngay, miễn là mỗi giây phút là một biểu hiện tình yêu tự hiến trong mắt Chúa. Bằng cách này, mỗi giây phút là mỗi bước đi lên đỉnh thánh thiện (GE, số 31).
- Chúng ta có thể suy niệm thêm số 34: “Đừng sợ nhìn lên cao hơn, hãy cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện không làm giảm sút tính nhân bản, trái lại, đó là một sự gặp gỡ giữa sự yếu đuối của chúng ta và quyền năng ân sủng Thiên Chúa”.
- Leon Bloy phát biểu: “Bi kịch thảm hại nhất trong cuộc đời là không nên thánh”.
- Lợi cho Giáo hội
Xin ghi lại đây những khẳng định của Tông huấn Gaudete et Exsultate:
– Sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp nhất của Hội thánh (GE, số 9).
- Việc làm chứng tá cho Đức Kitô đến đổ máu của con cái Giáo hội đã trở thành gia sản chung cho Công giáo cũng như các giáo đoàn Kitô anh em (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).
- Bạn không thể hiểu Đức Kitô, nếu không đặt mình trong bối cảnh Vương quốc mà Ngài mang đến. Cũng vậy, sứ mạng của bạn không thể tách rời khỏi việc xây dựng Vương quốc này. Vì Chúa Giêsu phán: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính (thánh thiện) của Ngài” (Mt 6,33).
- “Trong mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, người ấy sẽ sinh hoa trái nhiều hơn cho Giáo Hội và thế giới” (GE, số 33).
3.3. Lợi cho thế giới
- Chúa Giêsu đã khẳng định rằng chúng ta là muối và ánh sáng của trần gian. Nên thánh là làm tăng độ mặn cho muối và tăng độ sáng cho đèn, khả dĩ ướp mặn và soi sáng trần gian bằng các công việc thánh thiện (x.Mt 5,14-15).
Chương 2 Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện: Thuyết Ngộ đạo và thuyết Pelagio
Các nhà tu đức như Thánh Biển Đức, Bênađô, Têrêxa Avila,… dựa trên Kinh Thánh để khẳng định rằng: Ai muốn được nâng lên thì phải hạ mình xuống (Magnificat). Do đó, khiêm nhượng (humilis) là nền tảng thiêng liêng như đất (humus) để xây nhà và trồng cây! Adam và Eva đã bị Thiên Chúa loại bỏ chỉ vì kiêu ngạo khi muốn được nâng lên bằng Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã tuyên chứng: “Trong Thiên Chúa, ta sống, ta động, ta hiện hữu” (Cv 17,28). Hay nói rõ hơn, ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, kể cả việc nên thánh.
Hai nhóm Ngộ đạo và Pelagio đã tự hào về khả năng của lý trí và ý chí mình, nên chúng được Đức Thánh Cha coi như hai kẻ thù tinh vi của việc nên thánh. Sau đây xin nêu lên khái quát những nhận định của Đức Thánh Cha về hai chủ thuyết này:
1/ Ngộ Đạo
Ngộ là thông suốt, như trong chữ giác ngộ Phật giáo. Nhóm này đề cao sự hiểu biết. Nên thánh là đạt tới một kinh nghiệm hiểu biết cao siêu hay thông suốt các mầu nhiệm.
Tuy nhiên, chân lý có hai thứ: tự nhiên và siêu nhiên. Với lý trí, con người chỉ biết những chân lý tự nhiên, chứ không quán triệt được các mầu nhiệm mặc khải. Sai lầm của nhóm này là duy lý, nghĩa là đưa tất cả các mầu nhiệm vào trong giới hạn của lý trí. Họ tưởng rằng càng có kiến thức phong phú, càng được coi là thánh thiện, một sự thánh thiện mang tính chủ quan. Thiết nghĩ nhóm kinh sư thời Chúa Giêsu đã rơi vào sai lầm này. Họ tự mãn và thích phê phán tha nhân. Chúa Giêsu đã bị họ theo dõi và phê phán. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có nhóm Loisy và Eloy đã kéo lôi rất nhiều học giả theo mình.
Về Ngộ đạo thuyết, Đức Thánh Cha nhận xét: “Có một thứ tân thuyết ngộ giáo trình bày việc cứu độ hoàn toàn nội tâm, khép kín trong thái độ chủ quan. Người ta chủ trương giải thoát con người khỏi thân xác và vũ trụ vật chất, trong đó ta không còn khám phá những dấu vết bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hóa, nhưng chỉ thấy một thực tại vô nghĩa, có thể lèo lái được theo lợi ích của con người” (n.2). Xu hướng này quan niệm “một sự cứu độ hoàn toàn nội tâm, sự cứu độ này khơi lên một xác tín bản thân mạnh mẽ, hoặc một tâm tình mãnh liệt, như được kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng không đảm nhận, chữa lành và canh tân những tương quan của chúng ta với người khác và với thế giới được tạo dựng”. Nhóm ngộ đạo biến Thiên Chúa giáo thành một tôn giáo không có Thiên Chúa; một Kitô giáo không có Kitô.
2/ Nhóm Pelagio
Thời nay xuất hiện chủ thuyết tân Pelagio, đang lan tràn khắp nơi họ cho rằng mỗi người hoàn toàn độc lập, có thể cứu độ chính mình mà không cần lệ thuộc Thiên Chúa hay tha nhân. Vì thế, việc cứu độ tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi người, hoặc vào những cơ cấu hoàn toàn phàm nhân. Do đó, con người không còn có khả năng đón nhận sự mới mẻ nào của Thánh Thần (n.2). Trong nhãn giới này, Chúa Kitô bị coi như một gương mẫu cần noi theo nhưng không phải là “Đấng có khả năng biến đổi thân phận phàm nhân bằng cách tháp nhập chúng ta vào một cuộc sống mới được hòa giải với Chúa Cha và giữa chúng ta với nhau, nhờ Thánh Linh”.
Thiết nghĩ đa phần tín hữu Việt Nam thường nói đến việc lập công phúc để mai sau được thưởng (na ná quan niệm Phật giáo). Nhưng theo Đức Thánh Cha: “Cảm tạ Thiên Chúa, trong suốt lịch sử Hội thánh luôn luôn có sự rõ ràng rằng sự hoàn hảo của một người không được đo lường bằng tin tức hay kiến thức mà người ấy có được, nhưng bằng chiều sâu của đức ái nơi người ấy”.
Quyết tâm:
- Hãy luôn học hỏi Lời Chúa và giáo lý, nhưng luôn chân nhận giới hạn của mình (câu truyện của Thánh Augustino và em nhỏ).
- Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần dẫn vào trong sự thật viên mãn (Ga 16,13).
- Phải tăng thêm lòng mến qua đời sống nội tâm, vì “ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
- Hãy xác tín như Vịnh gia: “Nếu Chúa không xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1).
- Tuy nhiên ta cũng ý thức chỗ đứng của con người trong hoàn vũ: họ làm chủ vạn vật nên phải huy động mọi khả năng: lý trí, ý chí, sức khỏe, con tim… để hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao. Dĩ nhiên ta không quá ỷ lại vào thành quả công việc, vì không gì mua được Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu.
Chương 3
Trong ánh sáng của Thầy Giêsu
Việt Nam ta có câu: “Không thầy, đố mày làm nên”. Ý muốn nói rằng: làm nghề gì cũng phải học. Trong xã hội tiên tiến Âu Mỹ, muốn hành nghề phải có bằng để bảo đảm kiến thức về nghề đó.
Nên thánh là nghề trên tất cả các nghề, và vị thầy của nghề cao cả này không ai khác, ngoài Chúa Giêsu: Anh em chỉ có một thầy là Đức Kitô (x. Mt 23,8). Vị Thầy này là ánh sáng thế gian (Ga 8,12). Đức Thánh cha nhấn mạnh chân lý này, nên ngài khẳng định: “Mặc dù về đời sống thiêng liêng có nhiều lý thuyết và linh đạo thật hữu ích…nhưng không gì soi sáng cho ta bằng giáo huấn của Đức Kitô. Giáo huấn của Ngài rất đơn sơ khi Ngài đưa ra những giải thích về việc nên thánh”. Tiếp đó, Đức Thánh cha khuyên ta tập chú vào Bát Phúc, vì Bát Phúc họa lại chân dung của Đức Kitô, đồng thời là chứng minh thư của Kitô hữu. Hẳn thật ai giữ trọn vẹn Bát Phúc, người ấy chứng minh rằng mình là môn đệ đích thực của Thầy Giêsu.
Sau đây là những nhận định đầu tiên của Đức Thánh cha Phanxicô:
- Muốn giữ được Bát Phúc, phải ‘lội ngược dòng’ với thế gian, vì quan niệm của thế gian về hạnh phúc hoàn toàn khác.
- Muốn sống Bát Phúc, phải có ơn Chúa Thánh Thần. Ngài giúp ta giải thoát khỏi cái tôi vị kỷ và thủ lợi.
Tôi có thể thêm một nhận định: Chúng ta có thể coi Bát Phúc như những phản đề trong tiến trình biện chứng: muốn trở thành cây, hạt giống phải mục nát trước (Ga 12,24); hay như rào chắn trong trường đua ngựa: rào chắn giúp ngựa phóng xa và cao hơn tùy độ cao của vật cản.
Thiết nghĩ chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến những nét độc đáo trong lối giải thích của Đức Thánh cha Phanxicô về Bát Phúc.
Phúc 1: ‘Nghèo trong lòng’
Nghèo trong lòng không có nghĩa chỉ nghèo về tinh thần như thanh thoát, không dính bén của cải, dù mình đang ăn sung mặc sướng hơn người. Nghèo trong lòng là nghèo từ trong lòng rồi hiện rõ trong cuộc sống cụ thể.
Theo Đức Thánh cha Phanxicô, nghèo trong lòng là không đi tìm sự bảo đảm an toàn cho cuộc sống nơi của cải. Câu truyện người phú hộ trong Lc 12,12…chứng minh điều đó.
Nghèo trong lòng cũng có nghĩa theo gương Đức Kitô, chúng ta sẵn sàng nghèo đi để cứu giúp những ai đang nghèo túng: Ngài vốn giàu có vô song, nhưng Ngài đã trở nên nghèo để ta trở nên giàu có (x.2Cr 8,9).
Chúa Giêsu đã nghèo trong mầu nhiệm tự hủy (x.Pl 2,6-11), Ngài nghèo khi sinh ra trong hang lừa Bêlem, Ngài nghèo trong mái ấm Nazareth, nghèo trong hành trình truyền giáo (x.Mt 8,20), nhất là nghèo trong cuộc khổ nạn: Ngài bị lột trần trên thập giá.
Ở đây, xin nêu một gợi ý của tu huynh Roger Schutz, đấng sáng lập phong trào đại kết Taizé: “Nghèo trong lòng là sống vui: vui khi nhận cũng như vui khi cho; vui khi chấp nhận những giới hạn của bản thân; vui khi phải ở chỗ khiêm tốn trong cộng đoàn”.
Phúc 2: Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp.
Hiền lành và khiêm nhượng là đức tính số một mà Chúa Giêsu muốn chúng ta học với Ngài: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).
Đức Thánh Cha góp ý: muốn hiền, ta phải chấp nhận những giới hạn của tha nhân, đồng thời khiêm tốn dẹp bớt tự ái. Đàng khác, phải biết dịu dàng, thông cảm trong cách hành xử. Ở trường hợp này, khả năng khôi hài (đùa) cách chừng mực cũng hữu ích!
Hiền lành và nghèo, trong Kinh Thánh, là anawin. Do đó, hiền lành cũng là cách biểu lộ sự khó nghèo nội tâm của những ai chỉ đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Hẳn thật họ chấp nhận trong vui tươi mọi điều vui buồn như đến từ tình thương của Thiên Chúa.
Hiền lành, theo Thánh Phaolô, là hoa trái của đức ái do Chúa Thánh Thần ban (x.Gl 5,22). Nó đi đôi với tiết độ, vì hiền từ không do bản tính tự nhiên, nhưng do một sự tập luyện tự chủ.
Kết quả: Họ sẽ được Đất làm cơ nghiệp. Đất nói đây là adamah, gốc của chữ Adam (người). Ý muốn nói: người hiền sẽ chinh phục được lòng người. Hẳn đây là đức tính của những người lãnh đạo, như ông Môsê, như Đức Thánh cha Gioan XXIII hay thánh Phanxicô Salêsiô…
Phúc 3: Phúc cho những ai than khóc vì họ sẽ được ủi an
Một thực trạng: Thế giới ngập tràn nước mắt của những người đau khổ. Nhưng mấy ai quan tâm! Người ta tìm cách tránh né hay lờ đi những cảnh khổ ấy. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài chạnh lòng đối với những ai đang đau khổ, câu nói của Ngài ‘Ta chạnh lòng thương dân ta’ nói lên điều ấy (x.Xh 3).
Những người môn đệ Chúa Giêsu nếu muốn nên giống Ngài, họ cảm thấy hạnh phúc khi có trái tim biết chạnh thương như Ngài. Họ thực hành câu “khóc cùng người khóc” (Rm 12,15). Họ như người Samaritanô nhân hậu vội vàng xuống lừa, đụng chạm đến da thịt người bất hạnh và ra tay săn sóc… Đức Thánh cha kết luận: biết cách khóc lóc với tha nhân đang khóc, đó là thánh thiện.
Phúc 4: Phúc cho những ai đói khát công chính (hay công lý) vì họ sẽ được no thỏa
Từ Justitia (justice) có thể dịch là công chính hay công lý. Trong Kinh Thánh, công chính đồng nghĩa với sự thánh thiện. Các tổ phụ Israel như Abraham, Giuse, Samuel… được gọi là công chính, vì các ngài luôn làm trọn thánh ý Thiên Chúa. Khao khát sự công chính đồng nghĩa khao khát nên thánh.
Ở đây, Đức Thánh cha Phanxicô hiểu Justice theo nghĩa công lý hay công bình. Như chúng ta biết công bình có ba thứ: công bình phân phối, công bình giao hoán (mua bán), công bình xã hội (lao động theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu). Thường trong giáo huấn của Hội thánh, công bình được hiểu theo nghĩa cuối cùng này.
Khi chứng kiến cảnh bất công như tham nhũng, áp bức, bóc lột… tràn lan trong xã hội, ai ai cũng khao khát công bình theo cả ba nghĩa trên đây. Mỗi Kitô hữu vừa khao khát sự công chính, vừa ra tay lập lại sự công bình cho xã hội, tùy khả năng của mình, chứ không được làm ngơ hay trốn tránh bổn phận. Vì khao khát mang lại công lý cho những người bất hạnh, đó là cách làm cho mình nên công chính, tức thánh thiện.
Phúc 5: Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương
Thương xót là nét rõ rệt và đặc thù của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại. Thương xót bao gồm hai yếu tố: cho và tha.
– Cho: Đối với những người bất hạnh, nghèo túng, Chúa cho dư đầy (Magnificat).
– Tha: Đối với những tội nhân – mắc nợ tình thương Chúa rộng lòng tha thứ.
Thương xót là nên thánh: ta hãy so sánh hai câu Kinh Thánh Lc 6,36 và Mt 5,48. Trong cả hai trích dẫn, Thầy Giêsu luôn đặt Chúa Cha làm gương mẫu: như Cha là Đấng Thánh, như Cha là Đấng thương xót. Và để cho ta thấy lòng dạ Thiên Chúa quảng đại hơn con người dường nào, Chúa Giêsu kể dụ ngôn Mt 18,21-35. Dù hào phóng như Phêrô, con người vẫn cho và tha thứ cho nhau ít hơn Thiên Chúa (xem thêm Tông thư Misericordiae Vultus của Đức Thánh cha Phanxicô).
Phúc 6: Phúc cho ai có lòng trong sạch, họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa
Nhìn thấy Thiên Chúa, đó là hạnh phúc vĩnh cửu (x.Ga 17,1-3).
Điều kiện: lòng trong sạch. Trong Kinh Thánh, “Lòng” là nguồn của mọi tâm tình.
Thánh Augustino gọi đó là chốn sâu thẳm nhất của con người, nơi tiếp cận với Thiên Chúa (Deus est intimior intimo meo).
“Lòng” cũng là trái tim mới Thiên Chúa ban cho ta (x. Ed 36).
Trong triết học Phật giáo, người ta đề cao chữ TÂM (Tứ vô lượng tâm): tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả.
Tâm như tấm kiếng chắn gió đầu xe, kiếng phải sạch, tài xế mới thấy đường đi. Cũng thế, trong hành trình về thiên đàng để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, lòng ta phải sạch, phải tinh tuyền. Nhưng thế nào là sạch và cái gì sạch?
Đối với quan niệm Do Thái, người ta đã có cả một danh sách những vật sạch và dơ (x. Cv 10,11-16). Nhưng đối với Chúa Giêsu, mọi vật tự bản chất đều sạch. Vậy theo tiêu chuẩn nào để nói cái gì sạch hay dơ? Thánh Augustino trả lời: dơ là không đúng trật tự. Hành động được coi là dơ khi nó đi ngược giới trật tự của Thiên Chúa, đó là thờ ngẫu tượng, dâm ô, gian dối, ích kỷ, thù ghét. Con người được dựng nên giống hình ảnh (bản tính) Thiên Chúa. Thế mà Thiên Chúa là yêu thương. Do đó, bất cứ hành động nào đi ngược với tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, đều xấu xa dơ uế.
Muốn cho lòng sạch phải xin Chúa Thánh Thần đổ tình yêu Thiên Chúa vào lòng ta (x. Rm 5,5). Chính Ngài, theo ngôn sứ, sẽ lấy khỏi ta quả tim chai đá, rồi thay vào đó một quả tim biết yêu thương chân thành (x. Ed 36).
Đức Thánh Cha dựa vào Phúc Âm để nhấn mạnh đức tính này. Hẳn thật mọi tội nhân đến với Chúa Giêsu, như người đàn bà ngoại tình (x.Ga 8), người thu thuế (x. Mt 9,9-13), kể cả tên cướp trên thập giá (x. Lc 23,42) cũng được Chúa Giêsu tha thứ, dĩ nhiên với điều kiện biết hối hận ăn năn. Nhưng Chúa Giêsu dứt khoát lên án lối sống giả hình, tô vẽ, mà Ngài ví như nấm mồ thối tha (x. Mt 23,27)!
Với tình yêu trong sạch, chúng ta sẽ có con mắt tình yêu để thấy Thiên Chúa (x. 1Ga 4,8.16).
Đức Thánh Cha kết luận: giữ cho lòng mình không vương những gì làm cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân bị hoen ố. Đó là thánh thiện!
Phúc 7: Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa
Mở đầu mối phúc này, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau khi thấy thế giới hôm nay đang bị chiến tranh hết chỗ này đến chỗ kia. Tại sao? Thưa vì hòa bình phải được xây dựng chứ không có sẵn. Mỗi người hãy tự vấn lương tâm xem bản thân mình có gây nên tình trạng chiến tranh ấy không?
Theo Thánh Phaolô, Đức Kitô là hòa bình (x. Ep 2,14). Vậy ta muốn xứng đáng là con Cha như Ngài, ta phải cộng tác với Ngài để xây dựng hòa bình. Bằng cách nào?
Đức Thánh Cha trả lời:
– Trước hết, chúng ta phải tránh những gì gây chia rẽ, ghen ghét, xung đột, hiểu lầm.
– Thứ đến, một cách tích cực, ta hãy làm tất cả những gì mang lại bình an và hiệp nhất.
Nhìn vào tình trạng xã hội hôm nay, Đức Thánh cha khuyên ta hãy tìm ra cách giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn, với thái độ bình tĩnh, sáng tạo và đầy kỹ năng.
Thiết tưởng cần nhắc lại đây định nghĩa bình an của thánh Augustino: Tranquilitas in ordine (ổn định trong trật tự). Muốn có sự ổn định này, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đưa ra 4 điều kiện sau đây trong Thông điệp Pacem in Terris: chân thật, công bình, yêu thương, tự do.
Hạnh phúc Chúa hứa cho ta là ta sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa. Cụm từ “được gọi” có nghĩa là được mọi người nhận ra ta là con cái Thiên Chúa. Đó quả là hạnh phúc cao quý nhất, mang tính ngôn sứ: “Anh em xem Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào, vì cho ta được gọi là con Thiên Chúa, và quả thật ta là thế” (1Ga 3,1). Được gọi là con Thiên Chúa, đương nhiên cũng là thánh vậy.
Phúc 8: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ
Lịch sử hai nghìn năm cho thấy Giáo Hội và con cái Giáo Hội hầu như triền miên bị bách hại.
1/ Đâu là lý do?
Thưa có 3 lý do:
- Do xã hội: Như đã nói trên, vì Kitô hữu đi ngược dòng với ‘thế gian’ (x. 1Ga 2,16). Trong khi thế gian chạy theo danh, lợi, thú cách bất chính, thì Đạo Tin Mừng chủ trương bác ái, công bình, hy sinh, quên lợi danh để phục vụ mọi người.
- Do ta: Đức Thánh Cha cho rằng vì các Kitô hữu không chịu đến với tha nhân và đối xử tốt với họ. Những người như Mẹ Têrêxa Calcutta, thì cả những người không cùng niềm tin của Kitô giáo cũng phải nể phục và yêu mến (chẳng hạn những người theo đạo Ấn, đạo Hồi hay cộng sản cũng trân quý Mẹ).
- Lý do sâu xa nhất: vì chúng ta đi theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá.
Đức Thánh Cha tóm kết trong một câu: chấp nhận đi theo Chúa trên con đường thập giá mới có thể nên thánh được!
2/Những phương cách bách hại trong thế giới hôm nay: công khai hay âm thầm
- Bách hại công khai như ở Rôma, như tại Việt Nam thế kỷ 17-19, hay như hiện nay tại Trung Quốc và Trung Đông.
- Bách hại âm thầm hay gián tiếp như Mafia: đồi trụy hóa xã hội. Hoặc việc “sát hại” lẫn nhau trong các cộng đoàn với những lời nói xúc phạm hay thái độ khai trừ… (Một ‘ông thánh Pharisêu’ làm nảy sinh trăm vị tử đạo!).
3/ Hạnh phúc Chúa hứa ban (có điều kiện kèm theo: chịu bách hại vì sự công chính, chứ không vì tội của mình), đó là Nước Trời.
Nhưng Nước Trời là gì? Nước Trời có nhiều nghĩa từ văn cảnh Kinh Thánh:
+ Nước Trời là sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế giữa trần gian (x. Mc 1,15).
+ Nước Trời là Giáo hội đang phát triển (x. Mt 13).
+ Nước Trời là hạnh phúc Thiên Đàng, là chính Chúa Ba Ngôi (x. Mt 25,34 ; Cl 3,14). Trong mối phúc 8: Nước Trời phải hiểu theo nghĩa cuối cùng này: “Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
Để kết thúc chương 3, Đức Thánh Cha trình bày Mt 25,31-46, vì coi đây như “cuộc phỏng vấn cuối cùng để cấp VISA vào Thiên đàng”. Cuộc phỏng vấn chung cuộc này tập trung vào tình thương đối với tha nhân, mà Chúa Giêsu coi như hiện thân của mình: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Còn gì dễ hơn khi bài thi đã ra đề lâu năm trước?
Chương 4
Những biểu hiện của sự thánh thiện hôm nay
Từ giáo huấn của Chúa Giêsu, như đã được trình bày trong ba chương đầu, Đức Thánh cha muốn đưa ra 5 biểu hiện của sự thánh thiện, khả thi cho Kitô hữu đang sống trong thế giới hôm nay.
Thật đáng bái phục khoa sư phạm của Đức Thánh cha Phanxicô. Ngài đang mời gọi mọi người nên thánh, và đa phần là những con người bình dân, chất phác (như dân chúng đi theo Chúa xưa kia). Họ chỉ nắm bắt được những gì cụ thể và khả thi.
Năm biểu hiện đó là:
1/ Kiên trì, nhẫn nại, hiền hòa (endurance, patience et douceur).
2/ Niềm vui và khiếu hài hước (joie et sens de l’humour).
3/ Táo bạo và nhiệt thành (audace et ferveur).
4/ Trong cộng đoàn (en communauté).
5/ Trong cầu nguyện liên lỉ (en prière constante).
Biểu hiện 1: Kiên trì, nhẫn nại và hiền hòa
+ Kiên trì:
Theo Đức Thánh cha Phanxicô, ‘Kiên trì là đứng vững giữa những thăng trầm của cuộc sống và bền chí hoạt động cho Nước Trời’ (số 112). Nền tảng của sự kiên trì này là niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã hãnh diện về niềm tin này: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,31.37). Nói được câu này, Phaolo đã có một cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa trong đời sống nội tâm và hoạt động truyền giáo.
Nhưng phải đối đầu với những chống đối và thử thách bằng cách nào?
+ Nhẫn nại và hiền hòa:
Trước hết chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu: “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).
Thứ đến chúng ta hãy tránh dùng bạo lực (số 116). Không tự đặt mình ngồi trên tòa mà xét xử hay lên án (số 117). Chúa là gương mẫu cho chúng ta về sự nhẫn nhục: Ngài chịu đựng cả những nỗi nhục vì ta.
Các vị thánh như Pio Năm Dấu, Gioan Vianney, Josephine Bakhita,… đều đã nhẫn nại và hiền hòa đón nhận mọi nhục nhã để đi tới cùng con đường mà Chúa đã đi.
Để có khả năng chịu đựng như thế, theo Đức Thánh cha Phanxicô, chúng ta ‘cần có một con tim được lấp đầy sự bình an của Đức Kitô, một con tim đã được giải thoát khỏi sự hung hăng do lòng tự cao tự đại” (số 121).
Biểu hiện 2: Niềm vui và khiếu hài hước
Làm thánh là sống triệt để ý nghĩa của Tin Mừng. Tin Mừng là một tin mang lại niềm vui: Này tôi loan báo cho anh em một niềm vui trọng đại, niềm vui cho toàn dân (x.Lc 2.10). Một vị thánh dãi dầu đau khổ, như vừa nói trên, không hẳn là ông thánh buồn. Tại sao? Sau đây xin nêu lên những lý do mà Đức Thánh Cha đề cập trong Tông huấn này:
- Ông thánh vui vì luôn có niềm hy vọng (x. Rm 14-17).
- Ông thánh vui vì đầy bác ái. Thánh Phaolô coi niềm vui như hoa trái đầu tiên của agape (x. Gl 5,22).
- Ông thánh vui, vì luôn ý thức rằng mình là Kitô hữu (x. Pl 4,1)
- Ông thánh vui vì biết rằng mình đã gặp Đức Kitô Phục Sinh và có nhiệm vụ làm chứng cho Ngài (x. Ga 16,20-22; Cv 1,8).
- Ông thánh vui vì biết cảm tạ như Đức Maria (x. Lc 1,46-55).
Khiếu hài hước
Trong số 126, Đức Thánh Cha nhận định: Niềm vui của Kitô hữu thường kèm theo một chút hài hước. Chẳng hạn Thánh Thomas More nói với bà xã: Nếu anh vâng lời vua để làm điều bất công, thì anh còn sống với em và con cái thêm được bao lâu? – Thì ít nhất cũng hơn chục năm – Bà xã trả lời. Ngài hóm hỉnh trách: Làm sao anh có thể ngu như vậy được! chọn 10 năm sống với em và các con, mà đánh mất sự sống đời đời ư!?
Chúng ta có thể kể thêm những câu chuyện khôi hài khác của Thánh Lôrenxô phó tế, Thánh Phanxicô Assisi…
Trong đời sống cộng đoàn, tính khôi hài có thể giúp giải tỏa nhiều căng thẳng. Tuy nhiên khôi hài không nhằm ý xấu, không nhằm chọc tức người khác.
Để kết luận, Đức Thánh Cha phân biệt hai thứ niềm vui: niềm vui tiêu thụ, vị kỷ (nhậu nhẹt, hút sách…) và niềm vui mang tính chia sẻ và hiệp thông (x. Cv 20,35).
Đối với tu sĩ: thiết tưởng chúng ta cần nhắc lại những gì đã được nêu lên trong Tông thư Đức Thánh cha Phanxicô gửi những người sống đời dâng hiến năm thánh dành cho tu sĩ năm 2015: Tu sĩ phải luôn vui vì 3 lý do: “Họ cảm thấy dư tràn ân huệ Thiên Chúa; đời hiến dâng chỉ được Thiên Chúa chấp nhận, khi thực hiện trong vui tươi; cuối cùng, đời tu được thêm đông không do chiêu mộ, song do sự cuốn hút của một cuộc sống vui tươi”.
Biểu hiện 3: Táo bạo và nhiệt thành
Táo bạo phát xuất từ tính dũng cảm; còn tính dũng cảm đặt cơ sở trên niềm tin vào Đấng đã phán: Các con đừng sợ, có Thầy đây (x. Mc 6,50).
Chúa Giêsu rất hài lòng vì tính táo bạo của các Tông đồ:
- Các ngài dám ra chỗ sâu (x. Lc 5,4).
- Các ngài dám bỏ tất cả mà theo Thầy Giêsu (x. Mt 19,27).
- Các ngài cảm thấy được tình yêu Đức Kitô thúc bách (x. 2Cr 5,14). Tình yêu hẳn thật mạnh hơn sự chết! (x. Dc 8,9).
- Các ngài xác tín rằng mình đang mang một kho tàng chân lý, là Đức Kitô.
Tuy nhiên Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc mà nêu lên những vật cản trở cho tính táo bạo và nhiệt thành nơi Kitô hữu, đó là:
- Tính thận trọng quá mức: người Kitô hữu muốn luẩn quẩn trong những ranh giới an toàn của trần thế. Chẳng hạn ngôn sứ Giona tìm đường trốn lánh qua một vùng an toàn hơn!
- Ngoài ra còn có những đầu óc vị luật: người ta thích sống rập khuôn, vị luật và giáo điều; đó là những người thích dễ dãi nên đeo bám những thói quen đã lỗi thời.
Chúng ta hãy nghe lời khuyên quý báu sau đây của Đức Thánh Cha:“Chúng ta hãy luôn bắt đầu lại cuộc hành trình của mình” (Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô).
- Hãy có cái nhìn tích cực về cuộc sống và sứ vụ của mình.
- Hãy để cho ngọn gió của Thánh Thần cuốn mình theo hướng nào mang lại lợi ích cho Giáo Hội và tha nhân (Đọc thêm, số 135).
- Chúng ta được thôi thúc để hành động theo gương biết bao chiến sỹ đức tin: linh mục, tu sĩ, giáo dân đang dấn thân rao giảng Tin Mừng và phục vụ tha nhân với một sự nhiệt thành đến độ dám hy sinh tính mạng… Giáo Hội không cần những viên chức bàn giấy cho bằng những thừa sai đầy nhiệt huyết, hăng hái chia sẻ đời sống thực với mọi người (số 138).
Biểu hiện 4: Trong cộng đoàn
Giáo Hội được Kinh Thánh mô tả như một thân thể, một gia đình hay một cộng đoàn huynh đệ. Yếu tố này nổi bật trong Giáo hội sơ khai tại Giêrusalem. Các tín hữu chỉ có một lòng, một linh hồn (x. Cv 4,42). Đời sống cộng đoàn ấy đã giúp ích cho việc nên thánh của các tín hữu.
Trong Tông huấn này, Đức Thánh cha Phanxicô nêu lên những lợi ích sau đây:
- Trần gian là một cuộc chiến với ma quỉ, thế gian và xác thịt. Những kẻ thù ấy rất mạnh mẽ. Chúng ta khó đương đầu với chúng, nếu chúng ta đơn phương độc mã. Cộng đoàn tạo nên một sức mạnh, vì l’union fait la force, hợp quần gây sức mạnh, khả dĩ giúp chiến thắng ba thù.
- Thánh hóa là một hành trình trong cộng đoàn. Thánh Gioan Thánh Giá đã quả quyết điều này với môn đệ của mình: “Bạn đang sống với những người khác để được uốn nắn và thử thách”.
- Cộng đoàn tạo một không gian để tập đức, chẳng hạn nhẫn nhục, phục vụ, tương trợ lẫn nhau. Ngoài ra, cộng đoàn là nơi ta cử hành phụng vụ, suy niệm Lời Chúa, tạo một nguồn lực vừa mãnh liệt, vừa kiên vững cho công cuộc truyền giáo…
- Đức Thánh Cha có một nhận định sâu sắc về việc xây dựng cộng đoàn: trong gia đình, trong giáo xứ hay trong tu viện: Chúng ta cần lưu ý đến những yếu tố nhỏ nhặt hằng ngày. Hẳn thật, chính Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ lưu ý đến những điều chi tiết: chẳng hạn như chuyện tiệc cưới hết rượu, một trong 100 con chiên bị lạc, hai đồng tiền kẽm của bà goá dâng cho đền thờ, mang dầu dự phòng cho đến khi chàng rể đến, Ngài hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu bánh, Ngài nhóm một bếp lửa và nướng cá cho các môn đệ lúc rạng sáng trên bờ Biển Hồ, sau Phục sinh.
- Một cộng đoàn phải biết trân quý những chi tiết nhỏ của tình yêu, trong đó các thành viên quan tâm đến nhau, tạo nên một môi trường cởi mở và có sức loan báo Tin Mừng (số 142-146).
Biểu hiện 5: Trong cầu nguyện liên lỉ
Trên đây, khi đề cập đến nguy cơ của nhóm Pelagio, Đức Thánh Cha đã nhắc lại giáo huấn Kinh Thánh và các giáo phụ: Nên thánh không phải là kết quả của nỗ lực con người, nhưng do ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nói rõ hơn: ai mở lòng ra cho ân sủng, thì sẽ nên thánh dễ dàng hơn.
Nhưng thế nào là mở lòng ra? Trước hết lòng phải rỗng và đã được thanh tẩy khỏi “dấm chua” (x. Đức Thánh cha Biển Đức XVI, Spe Salvi, số 32). Vì ân sủng ví như mật ngọt, sẽ được Thánh Thần tràn đổ vào lòng để thánh hóa (x. Rm 5,5). Ân sủng hay mật ngọt nói đây, chính là tình yêu Thiên Chúa. Chỉ tình yêu Thiên Chúa mới thánh hóa chúng ta mà thôi. Dĩ nhiên, chúng ta phải làm trung gian cho dòng tình yêu ấy tràn chảy qua anh em bằng những việc bác ái huynh đệ.
Nhưng làm sao ta nhận được tình yêu Thiên Chúa? Thưa, nhờ sự thông hiệp với Chúa như cành nho dính liền với cây nho. Sự dính kết giữa cành nho và cây nho mang tính liên tục: dòng chảy nhựa sống không lúc nào ngừng, vì ngừng là cành bị khô héo ngay.
Chính theo nghĩa này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh chữ liên lỉ. Cầu nguyện liên lỉ nghĩa là triền miên cầu nguyện hay nói khác đi, phải xây dựng một đời sống cầu nguyện.
Làm sao thực hiện việc cầu nguyện liên lỉ này? Đức Thánh Cha đưa ra ba phương thế:
1/ Sống trước sự hiện diện của Chúa
Thiên Chúa phán với Ông Abraham: “Con hãy đi trước mặt Ta, và con sẽ nên hoàn thiện” (x. St 17,1). Đi trước mặt Chúa có nghĩa luôn sống trước sự hiện diện của Ngài. Như Abraham, ta phải vận dụng lòng tin và lòng mến. Đức tin như đôi mắt mới, cho ta khả năng nhìn thấy Đấng vô hình (x. Dt 11,27). Đức mến cho ta biết Ngài đang yêu ta và ngự trong cung lòng ta.
Dĩ nhiên ta cần có những thời gian đặc biệt dành cho Chúa với một khung cảnh tĩnh lặng, vì ta có hồn và xác. Xác lệ thuộc không gian nội tâm như chầu Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa với con tim (EG, số 264).
Đây là một linh đạo, được các bậc thầy thiêng liêng nhấn mạnh (như Roger Viseau: Je marcherai en présence de Dieu – ‘Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa’).
2/ Để lời cầu nguyện của ta được liên lỉ, trong ta phải sẵn có một bộ nhớ (EG, số 13) về các hồng ân. Đây là điều các vịnh gia đã thực hành. Các ngài nhắc lại các biến cố lịch sử của dân Chúa như những biểu lộ tình thương của Yaweh. Vì thế, các ngài luôn nhắc lại điệp khúc:“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135).
3/ Ý thức phải dâng lời nguyện chuyển cầu cho thế giới, cho Giáo Hội hay một ý chí đặc biệt nào đó. Các giờ phụng vụ đan tu thường kết thúc với lời cầu: Xin nhớ đến anh/chị em vắng mặt, xin thương ban ơn cho những người xin cầu nguyện, xin chúc lành cho cộng đồng dân Chúa và cho những người chưa tin Chúa đón nhận Tin Mừng.
Trong tình liên đới huynh đệ, ta vui với người vui, ta khóc với người khóc (x. Rm 12,15). Liên đới trong lời cầu nguyện là việc lúc nào ta cũng làm được, và có ích luôn (x. Di Ngôn, số 118).
Để kết thúc triệt này, thiết nghĩ ta nên nhắc lại cuộc tâm sự cuối cùng giữa hai mẹ con Mônica và Augustino: Mẹ mong con luôn nhớ đến mẹ trong lời cầu nguyện và thánh lễ của con mỗi ngày!
Chương 5
Cuộc chiến, cảnh giác và biện phân
-
Cuộc chiến
Mở đầu chương này, Đức Thánh Cha khẳng định đời Kitô hữu là một cuộc chiến triền miên. Vì thế, chúng ta cần có một sức mạnh và sự can đảm. Chúng ta luôn lạc quan, vì cuộc chiến chắc chắn mang lại toàn thắng vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Trong cuộc chiến này, chúng ta đối đầu với ai?
Thưa: ma quỷ, thế gian và xác thịt.
- Nhưng ma quỷ hiện hữu chăng?
Ngày nay, nhiều người phủ nhận sự hiện hữu của ma quỷ. Họ cho rằng những trường hợp quỷ ám, được Phúc Âm kể lại, chẳng qua là bệnh tâm thần.
Trái lại Đức Thánh Cha căn cứ vào Kinh Thánh để trả lời: có ma quỷ.
- Câu truyện: Satan đã cám dỗ Adam và Evà (x. St 3).
- Trong sách Khải Huyền: Cuộc chiến giữa Thiên sứ Micael và quỷ Luxiphe.
- Chúa Giêsu đã kết thúc kinh Lạy Cha (Pater) bằng lời cầu: Xin cứu chúng con khỏi Thần Dữ (le Malin).
- Thánh Phêrô cảnh giác chúng ta về ma quỷ: “Như sư tử, ma quỷ rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
– Về thế gian và xác thịt: quá rõ rồi. Chữ thế gian có nghĩa là những lực lượng chống lại Thiên Chúa (x. 1Ga 2,16); Còn xác thịt là những dục vọng xấu xa (x. Gc 1,13-14).
-
Cảnh giác
Trước những kẻ thù lưu manh và quyến rũ như trên, chúng ta cần cảnh giác cao độ. Nhưng bằng cách nào? Cách đối phó hữu hiệu nhất là phải trưởng thành về đời sống tâm linh, nghĩa là lớn lên trong ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Nhờ tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, chúng ta can đảm chiến đấu. Những ai nhát đảm, chủ bại và buông khí giới, sẽ bị đánh bại. Một câu nói cần ghi tâm: ‘Ai mới bắt đầu mà không tự tin, thì đã thua một nửa trận chiến rồi’, hơn nữa họ chôn vùi các khả năng của mình. Chiến thắng Kitô giáo luôn luôn đi kèm thập giá, nhưng thập giá ấy đồng thời là ngọn cờ chiến thắng, nếu vác thập giá với sự dịu hiền nhưng bất khuất chống lại những tấn công của ma quỷ’ (số 163).
Chúng ta cần tránh sự bại hoại tinh thần (la corruption spirituelle), nghĩa là không còn cố gắng: chỉ tìm cho bản thân những thoải mái và không còn cố gắng chu toàn bổn phận… Sự bại hoại này còn tệ hơn việc sa ngã của một tội nhân – la corruption spirituelle est pire que la chute d’un pécheur (số 165). Đức Thánh cha so sánh Salomon và David, để rút ra một bài học cho trường hợp băng hoại thiêng liêng.
- Biện phân (Le discernement)
Biện phân là khả năng phân biệt cái gì tốt/xấu; cái gì hợp/không hợp cho mình lúc này; cái gì do Chúa/do tà thần. Đức Thánh Cha lần lượt nêu lên ba điểm sau đây:
- Sự cần thiết của việc biện phân.
- Biện phân dưới ánh sáng của Chúa.
– Thái độ của ta: “Lạy Chúa, xin hãy phán, con đang lắng nghe” (1Sm 3,10).
3.1. Sự cần thiết của biện phân
Cuộc sống hôm nay cung ứng cho chúng ta quá nhiều khả năng hành động và thú tiêu khiển. Để lôi cuốn ta, người ta trình bày tất cả mọi đối tượng đều hợp lệ và tốt lành. Đặc biệt giới trẻ trong nền văn hóa ‘bấm nút’, họ phải hối hả chọn lựa một lúc hai, ba đối tượng, dù đó là những đối tượng ảo! Nếu không có sự biện phân, họ dễ trở thành mồi ngon cho mọi trào lưu nhất thời (số 167).
3.2. Cần thực hiện việc biện phân dưới ánh sáng của Chúa vì biện phân là một ân huệ (don de Dieu).
Biện phân là phương tiện chiến đấu trong hành trình theo Chúa. Vì thế, cần Chúa đồng hành, vì “Ngài là đường, là sự thật và sự sống” (Ga 14,6). Biện phân cần thiết cho toàn bộ cuộc hành trình thiêng liêng: không những lúc ngoại thường mà suốt cả cuộc đời; không chỉ trong những chọn lựa quan trọng mà cả trong những chuyện nhỏ, thuộc bổn phận thường nhật. Đức Thánh Cha khuyên mọi tín hữu ‘hãy xét mình cách chân thành mỗi ngày’(số 170). Hẳn thật, để lắng nghe tiếng Chúa, cần có những phút cầu nguyện trong thinh lặng. Vì biện phân trước hết là một ân ban siêu nhiên của Chúa Thánh Thần nên hãy lắng nghe Đấng Phù Trợ (x. Ga 16,13).
Dĩ nhiên biện phân không loại trừ những hiểu biết về hiện sinh, tâm lý, xã hội hay luân lý, rút từ khoa học nhân văn. Tất cả đều hữu ích trong giới hạn của chúng. Mục tiêu mà biện phân thiêng liêng nhắm tới là tìm ra thánh ý Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế cần một nguồn trợ lực siêu nhiên.
3.3. “Lạy Chúa xin hãy phán, tôi tớ Ngài đang nghe”.
Lắng nghe là thái độ của người con ngoan hay người môn đệ trung thành. Thiên Chúa nói với chúng ta nhiều cách và trong nhiều hoàn cảnh cũng như cơ hội khác nhau, chẳng hạn trong khi cầu nguyện; trong khi thi hành sứ vụ; trong giáo huấn của Giáo Hội. Trong chính thực tại, hic et nunc (nơi đây và bây giờ), qua những dấu chỉ thời đại (signes des temps).
Ân huệ luôn đi kèm Thánh Giá. Biện phân không có nghĩa xét xem mình đã nhận được ân huệ Chúa như thế nào, nhưng điều quan trọng hơn là xem phải làm cách nào để thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
- Trước hết phải học sự kiên nhẫn của Chúa: Ngài không muốn ta nhổ ngay cỏ lùng (x. Mt 13,28-29); hay khiến lửa bởi trời xuống thiêu rụi Samari (x. Lc 9,54).
- Phải sẵn sàng đón nhận, ngay cả khi phải hy sinh mọi sự. Đó là logic của mầu nhiệm Thập giá! ‘Ngày nào tôi bị treo lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi’ (x. Ga 12,32).
- Phải tìm duy một điều là làm cho Chúa được vinh danh hơn (x. Ga 15,8).
- Phải luôn xác tín: Chúa đòi hỏi ta mọi sự, nhưng Ngài cũng ban cho ta mọi sự, (số 175).
4/ Kết quả của biện phân
Để gút lại những gì Đức Thánh cha Phanxicô đã trình bày về việc biện phân thiêng liêng, chúng ta cần kiểm lại những điểm chủ yếu sau đây:
– Xác tín rằng chúng ta đang sống trong một xã hội, mà mọi sự việc được đưa lên mạng, bất kể tốt/xấu, xây dựng hay không xây dựng việc hoàn thiện, miễn sao kiếm được lợi, thỏa mãn được thú tính và có cơ hội để tự khẳng định trước mọi người! Là người dám đi ngược dòng với thế gian trên đường khiêm hạ và quên mình, theo gương Chúa Kitô, ta nhìn nhận: việc biện phân thiêng liêng là tuyệt đối cần thiết cho ta trong mọi nơi mọi lúc.
– Trước hết chúng ta phải cầu xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Vì biện phân thiêng liêng là một ân ban của Ngài.
– Thứ đến chúng ta đừng quên: Kết quả không do sự phân tích mang tính duy ngã, một hình thức nội quan qui ngã (tập trung vào bản thân), nhưng là một sự ra khỏi chính mình để tìm thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đấng đang giúp chúng ta thực thi trọn vẹn sứ vụ của mình.
– Cuối cùng chúng ta hãy luôn cởi mở với các vị linh hướng, đối chiếu đời mình với những đòi hỏi Tin Mừng và sẵn sàng thưa tiếng Fiat như Mẹ Maria khi nhận rõ tiếng mời gọi của Thiên Chúa.
Kết luận
Chúng ta đã cùng với Đức Thánh cha Phanxicô đi tìm niềm vui trong việc nên thánh, qua Tông huấn Gaudete et Exsultate – Vui lên và hãy nhảy mừng. Chúng ta cũng như mọi Kitô hữu được Thánh Phaolô coi như là niềm vui và vinh dự của ngài. Ngài khuyên: làm sao cho mọi người thấy ta luôn hiền hòa quảng đại (x. Pl 4,1.4).
Niềm vui chúng ta đặt nền tảng trên sự thông hiệp với Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh (x. 1Ga 1,3).
Sự hiệp thông ấy tạo nên mối tương giao con cái giữa ta với Thiên Chúa khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy (x. Rm 6,3-5; 2Pr 1,4).
Như thế, một khi đã thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, chúng ta đã được thánh hóa. Nói rõ hơn: Chúng ta đã là Thánh. Ơn gọi nên thánh nằm ngay trong bản thân chúng ta.
Đức Thánh Cha chỉ nhân danh Chúa và Giáo hội kêu mời chúng ta nên thánh, đồng thời cống hiến cho chúng ta những phương thế nên thánh rất cụ thể và giản đơn.
Tuy nhiên, tính yếu đuối con người làm chúng ta quên bổn phận căn bản ấy, nên lời mời gọi và sự nhắc nhớ luôn hữu ích. Điều quan trọng hơn cả là chúng phải giữ cho lửa nhiệt thành luôn bừng cháy trong tâm hồn chúng ta. Lửa nhiệt thành ấy chắc chắn xuất phát từ Thánh Thần, Đấng đã hiện xuống trên các Tông Đồ qua hình lưỡi lửa trong Lễ Ngũ Tuần năm xưa.
Chúng ta có một truyền thống đan tu, đặt nền tảng trên Tu luật Biển Đức. Trong tu luật này, Thánh Tổ đã đưa ra lời cam kết quan trọng nhất: kiên định trong ơn gọi qua Lời khấn vinh cư, và canh tân đời sống trong nếp sống đan tu, tức nên thánh. Lời khấn thứ năm này, theo thiển ý của tôi, bảo đảm cho tất cả mọi cam kết của đời tu. Hẳn thật, một khi không còn muốn tiến xa trên con đường trọn lành nữa, thì đan sĩ sẽ rơi vào sự bại hoại tinh thần, corruption spirituelle (GE, số 165): thiếu cố gắng, buông xuôi, tìm thỏa mãn trong những niềm vui chốc lát… (GE, số 165). Trong đan tu, có một thuật ngữ mô tả tình trạng tương tự của đan sĩ, đó là ‘chú quỷ ban trưa’ (démon du midi).
Theo gương Mẹ và nhờ Mẹ giúp đỡ.
Như hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI, Đức Thánh cha Phanxicô kết thúc các văn kiện của ngài với lời tôn dương Mẹ Maria: Mẹ là vị thánh kiệt xuất giữa các thánh; Mẹ là vị thầy dạy đường nên thánh và là người đồng hành với chúng ta trên con đường nên thánh.
1/ Mẹ là khuôn mẫu và thầy dạy đường nên thánh: vì Mẹ sống Bát Phúc hơn bất cứ ai; Mẹ có tâm hồn luôn hoan hỷ (Magnificat); Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng mầu nhiệm của Chúa; Mẹ chấp nhận lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn.
2/ Mẹ đồng hành với chúng ta: vì Mẹ không để ta sa ngã nhưng luôn ôm ấp chúng ta trong vòng tay; Mẹ an ủi khi ta đến xin Mẹ giải thoát khỏi tội lỗi và giúp ta tiến bước trên đường hoàn thiện.
Như thế, giữa Mẹ và ta có mối tương giao thật thân tình như đứa con nhỏ với mẹ hiền: đơn sơ, ít lời, nhưng tín thác ta thầm kêu Mẹ “Ave Maria!”.
Lời kết thúc Tông huấn nói lên thiện chí đầy khiêm tốn của một vị Cha Chung: “Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ hữu ích giúp toàn thể Hội thánh một lần nữa tận hiến cho việc cổ võ lòng khao khát nên thánh để Thiên Chúa được vinh hiển, đồng thời chúng ta giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Như thế, chúng ta cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian không sao cướp đi được”.
Xin tạ ơn Chúa. Xin tri ân Đức Thánh cha Phanxicô quý mến trong Đức Kitô!
Từ khóa » Tóm Tắt Tông Huấn Gaudete Et Exsultate
-
TÓM TẮT TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTARE
-
Giới Thiệu Tông Huấn Gaudete Et Exsultate | Học Viện Đa Minh
-
TÓM LƯỢC TẤT CẢ CÁC ĐOẠN TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG ...
-
5 Bài Học Tiêu Biểu Rút Ra Từ Tông Huấn "Gaudete Et Exsultate"
-
“GAUDETE ET EXSULTATE”: Nguồn Gốc, Cấu Trúc Và Ý Nghĩa Của ...
-
Học Hỏi Tông Huấn Gaudete Et Exsultate Của Đức Giáo Hoàng ...
-
Tông Huấn "Gaudete Et Exsultate" - Vui Mừng Và Hân Hoan Của Đức ...
-
Tóm Lược Tông Huấn Niềm Vui Hoan Hỷ – Gaudete Et Exsultate
-
Tong Huan Gaudete Et Exsultate Cua DTC Phanxico
-
Khuôn Mẫu Thánh Thiện Theo Quan điểm Của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Chương IV: Các Dấu Chỉ Của Sự Thánh Thiện Trong Thế Giới Hôm Nay
-
Tông Huấn Gaudete Et Exsultate - KinhMungMaria