Glycerol - Dược Thư

Tên chung quốc tế:Glycerol.

Mã ATC:A06A G04, A06A X01.

Loại thuốc:Nhuận tràng thẩm thấu, thuốc xổ, thuốc thẩm thấu.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dạng uống (Osmoglyn): Glycerin 50% với kali sorbat trong tá dược lỏng và vị chanh.

Ðạn trực tràng (Sani - supp): Glycerin và natri stearat (các cỡ trẻ em và người lớn).

Thuốc trực tràng (Fleet, Babylax): 4 ml/dụng cụ đặt.

Thuốc nhỏ mắt (Ophthalgan): Glycerin khan có thêm 0,55% clorobutanol.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Glycerol là một tác nhân loại nước qua thẩm thấu, có các đặc tính hút ẩm và làm trơn. Khi uống, glycerol, làm tăng tính thẩm thấu huyết tương, làm cho nước thẩm thấu từ các khoang ngoài mạch máu đi vào huyết tương.

Glycerol đã được dùng uống làm giảm áp suất nhãn cầu và giảm thể tích dịch kính trong phẫu thuật mắt và để phụ trị trong điều trị glôcôm cấp (thuốc uống Osmoglyn).

Glycerol có thể dùng bôi ngoài để giảm phù nề giác mạc, nhưng vì tác dụng là tạm thời nên chủ yếu chỉ được dùng để làm thuận lợi cho việc khám và chẩn đoán nhãn khoa (thuốc tra mắt Ophthalgan).

Glycerol đã được dùng uống hoặc tiêm tĩnh mạch để giảm áp suất nội sọ trong các trường hợp bệnh nhồi máu não hoặc đột quỵ.

Glycerol thường được dùng qua đường trực tràng (biệt dược: Feet, Babylax, Sani - supp) để hút dịch vào đại tràng và do đó thúc đẩy thải phân khi táo bón. Thuốc còn có tác dụng gây trơn và làm mềm phân.

Dược động học

Khi uống: Glycerol dễ dàng hấp thụ ở ống tiêu hóa và được chuyển hóa nhiều.

Trực tràng: Hấp thu kém.

Chuyển hóa: Glycerol chuyển hóa chủ yếu ở gan, 20% chuyển hóa ở thận. Chỉ có một phần nhỏ thuốc không chuyển hóa đào thải vào nước tiểu.

Nửa đời thải trừ: 30 - 45 phút.

Chỉ định

Táo bón.

Giảm phù nề giác mạc, giảm áp lực nhãn cầu.

Giảm áp lực nội sọ (ít sử dụng trên lâm sàng).

Chống chỉ định

Quá mẫn với glycerol hoặc bất kỳ một thành phần nào của thuốc.

Phù phổi, mất nước nghiêm trọng.

Khi gây tê hoặc gây mê vì có thể gây nôn.

Thận trọng

Glycerol phải được dùng thận trọng đối với người bệnh bị bệnh tim, thận hay gan. Glycerol có thể gây tăng đường huyết và đường niệu, vì thế cần thận trọng khi dùng cho người bệnh đái tháo đường.

Glycerol cũng phải dùng thận trọng với người bệnh bị mất nước, người bệnh cao tuổi.

Tác dụng chủ yếu của glycerol đối với người cao tuổi là nhuận tràng, mặc dù không được khuyên là thuốc chữa trị hàng đầu. Phải thận trọng khi sử dụng glycerol đối với người bệnh ở tình trạng tinh thần lú lẫn, suy tim sung huyết, lão suy ở người cao tuổi, đái tháo đường và mất nước trầm trọng

Thời kỳ mang thai

Tính an toàn của thuốc chưa được xác định.

Glycerol có thể sử dụng trong quá trình mang thai nếu thực sự cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Chưa được biết glycerol có vào sữa hay không, nhưng do tính an toàn của thuốc chưa được xác định nên phải thận trọng đối với phụ nữ cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Các tác dụng không mong muốn bao gồm buồn nôn, nôn, đau đầu, lú lẫn và mất định hướng. Trường hợp nặng có thể gây mất nước trầm trọng, loạn nhịp tim, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng.

Thường gặp, ADR >1/100

Thần kinh trung ương: Ðau đầu.

Tiêu hóa: Nôn.

Ít gặp, 1/100 >ADR >1/1000

Thần kinh trung ương: Choáng váng, lú lẫn.

Nội tiết và chuyển hóa: Uống nhiều.

Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn.

Các triệu chứng khác: Khát.

Hiếm gặp, ADR <1/1000

Tim mạch: Loạn nhịp tim

Thần kinh trung ương: Ðau.

Nội tiết và chuyển hóa: Tăng đường huyết.

Cục bộ: Kích ứng trực tràng, đau rát, co rút.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Khi sử dụng tại chỗ hay ở trực tràng, glycerol có thể gây kích ứng. Có thể sử dụng một thuốc tê trước khi dùng glycerol tại chỗ để giảm khả năng gây phản ứng đau.

Liều lượng và cách dùng

Chữa táo bón qua đường trực tràng:

Trẻ em dưới 6 tuổi: Dùng 1 đạn trực tràng trẻ em, mỗi ngày 1 - 2 lần, hay 2 - 5 ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt.

Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn: Dùng 1 đạn trực tràng người lớn, mỗi ngày 1 - 2 lần nếu cần, hay 5 - 15 ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt.

Giảm phù nề giác mạc trước khi khámhoặc để làm trơn cứ 3 - 4 giờ nhỏ 1 - 2 giọt vào mắt.

Giảm áp lực nhãn cầu:Uống với liều 1 - 1,8 g/kg thể trọng trước khi mổ 1 - 1,5 giờ, cách 5 giờ uống 1 lần.

Giảm áp lực nội sọ:Uống với liều 1,5 g/kg/ngày, chia làm 6 lần hoặc 1 g/kg/lần, cách 6 giờ uống 1 lần.

Ðộ ổn định và bảo quản

Dung dịch glycerol uống cần phải bảo quản trong bình kín ở nhiệt độ dưới 400C (tốt nhất là 15 - 300C). Cần tránh để đông lạnh.

Viên đặt trực tràng: Bảo quản ở lạnh.

Tương kỵ

Không dùng glycerol cùng với bismut subnitrat hay kẽm oxyd vì tương kỵ, làm mất tác dụng của glycerol.

Quá liều và xử trí

Quá liều có thể gây ỉa chảy nặng, nôn, loạn nhịp tim, kích ứng trực tràng, đau rát trực tràng và co rút, tăng đường huyết.

Trường hợp quá liều mạnh phải ngừng thuốc và đưa người bệnh vào bệnh viện.

Nguồn: Dược Thư 2012

Từ khóa » Dị ứng Glycerin