Gỗ Công Nghiệp. Các Loại Gỗ Công Nghiệp: Ván Dăm, Ván MDF, MFC

Danh mục nội dung

  1. Gỗ công nghiệp là gì?
  2. Gỗ công nghiệp nào tốt? Phân loại gỗ công nghiệp
    1. Gỗ ván dăm
    2. Gỗ MDF
    3. Gỗ HDF
    4. Ván dán
  3. Ưu, nhược điểm của các loại gỗ công nghiệp
    1. Ưu, nhược điểm của ván dăm
    2. Ưu, nhược điểm ván MDF
    3. Ưu, nhược điểm gỗ HDF
  4. Ứng dụng gỗ công nghiệp trong nội thất
    1. Nội thất nhà ở
    2. Nội thất văn phòng
    3. Nội thất trường học
    4. Nội thất tại khu trung tâm thương mại
    5. Nội thất tại nhà hàng khách sạn, resort
  5. Một số lưu ý khi chọn mua gỗ công nghiệp
Gỗ công nghiệp
Gỗ công nghiệp

1/ Gỗ công nghiệp là gì?

Được hình thành và phát triển từ đầu thế kỷ 20 đến nay, gỗ công nghiệp là tên gọi chung chỉ một loại vật liệu được sử dụng phổ biến trong trang trí nội thất ngày nay mà có nguyên liệu chính là các thân cây gỗ được xử lý theo quy trình sản xuất công nghiệp như băm nhỏ vụn hoặc nghiền nát. Sau đó phần gỗ đã qua xử lý này được trộn với chất kết dính, ép nén dưới áp suất từ vừa đến cao hoặc rất cao để tạo thành các tấm ván gỗ công nghiệp.

Gỗ công nghiệp là gì
Gỗ công nghiệp là gì

Hiện nay, diện tích rừng bị thu hẹp do bị tàn phá trong thời gian dài, trữ lượng gỗ tự nhiên không còn nhiều, quá trình khai thác tốn chi phí lớn. Việc sử dụng gỗ công nghiệp sẽ giải quyết được cả vấn đề giá thành và vấn đề môi trường. Bởi phần lớn gỗ công nghiệp được làm từ các nguyên liệu thừa, nguyên liệu tận dụng từ gỗ tự nhiên.

Bên cạnh đó, gỗ công nghiệp hiện nay được sản xuất với công nghệ hiện đại, xử lý chống ẩm, chống xước, chống nước rất tốt cùng mẫu mã trang trí đa dạng từ màu đơn sắc, vân gỗ, giả da, giả đá, giả xi măng mang đến nhiều phong cách từ hiện đại đến cổ điển.

Vì vậy, đa số người tiêu dùng hiện nay thường lựa chọn gỗ công nghiệp do ưu điểm từ giá cả cho đến khả năng thẩm mỹ mà chất liệu này mang lại.

2/ Gỗ công nghiệp loại nào tốt? Phân loại gỗ công nghiệp

Gỗ công nghiệp có đa dạng các chủng loại từ ván dăm, ván MDF, ván HDF, ván dán plywood… Tất cả các loại gỗ công nghiệp này đều có lớp bề mặt in họa tiết trang trí như vân gỗ, giả đá tự nhiên, màu đơn sắc, giả da…

2.1/ Gỗ ván dăm

Gỗ ván dăm (hay còn gọi là particle board, chipboard, okal) là một loại gỗ công nghiệp có thành phần chính là dăm gỗ, mẩu gỗ nhỏ, vụn, phoi bào, mùn cưa… hoặc các loại bã, vỏ thực vật chứa lignin và xen-lu-lô trong thành phần cấu tạo như rơm rạ, bã mía, thân cây bông, cây lanh, cây gai dầu…

Gỗ ván dăm
Gỗ ván dăm

Thành phần chính của gỗ ván dăm được liên kết với nhau bằng chất kết dính sau đó ép dưới áp suất và nhiệt độ cao, chất kết dính này thường có nguồn gốc từ nhựa tổng hợp nồng độ 50 – 65% như keo UF (Urea Formaldehyde).

Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng chống ẩm cho ván dăm, các nhà sản xuất thường cho thêm melamine vào keo UF, còn gọi là keo MUF (Urea Formaldehyde biến tính bằng Melamine).

Ngoài ra, để tăng cường khả năng chống cháy cho ván chất kết dính đôi khi được làm từ thạch cao, xi măng.

Thông thường, để phân loại ván dăm chống ẩm với ván dăm thường, người ta sẽ thêm chất tạo màu xanh để phân biệt, đối với ván dăm chống cháy sẽ được thêm màu đỏ.

Tấm gỗ ván dăm có lớp bề mặt là giấy trang trí nhúng keo melamine và tạo ra thành phẩm được gọi là gỗ công nghiệp MFC – Melamine Faced Chipboard.

Hiện tại, gỗ MFC được ứng dụng phổ biến để làm đồ nội thất nhà ở, văn phòng, trường học… bởi giá thành rẻ, dễ gia công tuy nhiên loại gỗ này cũng có một số nhược điểm tương đương với giá tiền như dễ sứt mẻ các góc cạnh, chịu ẩm không cao,…

Kích thước phổ thông của ván dăm là 1220 * 2440 mm hoặc 1830 * 2440 mm, độ dày từ 9 – 25mm, độ dày tỉ lệ thuận với độ chịu lực của gỗ, tỷ trọng gỗ trung bình từ 640 – 800 kg/m3.

2.2/ Gỗ MDF

Gỗ công nghiệp MDF (Medium Density Fiberboard – ván gỗ sợi ép mật độ trung bình) là loại gỗ công nghiệp có nguyên liệu chính là bột sợi gỗ (chiếm 75%) được trộn cùng chất kết dính UF (Urea Formaldehyde), nước và chất phụ gia khác (parafin, chất làm cứng…) sau đó ép dưới áp suất và nhiệt độ cao.

Ngoài ra người ta có thể thay thế keo UF bằng MUF (Melamine Urea Formaldehyde) hoặc thêm vào một số phụ gia như nhựa Phenolic và Polymeric Diphenylmethane Diisocyanate (PMDI) để tăng cường tính năng chống ẩm cho tấm ván MDF.

Gỗ MDF
Gỗ MDF

Gỗ ván MDF có độ bền vật lý khá tốt, chống chịu được lực va đập tương đối. Khả năng chống ẩm từ khá đến tốt, ít bị cong vênh, co ngót khi tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời, ít mối mọt, dễ gia công.

Loại gỗ này thường được dùng để làm chế tạo một số đồ nội thất như bàn làm việc, tủ đựng hồ sơ… Tương tự gỗ ván dăm, gỗ công nghiệp MDF cũng được phân biệt bằng chỉ thị màu: màu xanh cho cốt ván chống ẩm, màu đỏ cho cốt ván chống cháy.

Lớp bề mặt của gỗ MDF được phủ giấy melamine, tấm laminate, veneer… có bề mặt tương tự gỗ tự nhiên để đem lại vẻ đẹp ấn tượng.

Tỷ trọng trung bình của gỗ MDF từ 650 – 850 kg/m3, kích thước ván thông dụng là 1220 * 2440mm và 1830 * 2440mm, độ dày từ 3 mm – 25 mm với tùy mục đích sử dụng khác nhau.

2.3/ Gỗ HDF

Gỗ công nghiệp HDF (High Density Fiberboard – Ván gỗ sợi ép mật độ cao) là loại gỗ công nghiệp có thành phần chính là sợi bột gỗ được trộn với chất kết dính và một số phụ gia khác, sau đó ép nén dưới áp suất lớn cho ra tấm ván có tỷ trọng cao, khả năng chịu lực lớn tránh cong vênh.

Chất kết dính được sử dụng cho gỗ công nghiệp HDF cũng tương tự như ván dăm và gỗ MDF đó là keo UF (Urea Formaldehyde) cho ván gỗ thông thường và keo MUF (Melamine Urea Formaldehyde) cho ván HDF chống ẩm.

Ngoài ra, do tỷ trọng cốt ván lên tới hơn 1000 kg/m3 nên ván gỗ HDF có rất nhiều ưu điểm nổi trội như khả năng chống ẩm, cách âm, độ bền và độ cứng được cải thiện rất nhiều so với ván gỗ MDF hay ván dăm.

Gỗ HDF
Gỗ HDF

Để phân biệt gỗ công nghiệp HDF thường và gỗ công nghiệp HDF chống ẩm. Các nhà sản xuất thường cho thêm 1 tỉ lệ nhất định chất tạo màu xanh đậm để chỉ thị ván chống ẩm, và màu đỏ để chỉ thị ván chống cháy. Điều này giúp cho khách hàng dễ dàng phân loại và mua được sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Bề mặt của gỗ HDF được phủ bởi một số loại nguyên liệu như giấy melamine, tấm laminate, veneer… . Gỗ HDF được ứng dụng phổ biến trong ngành nội thất như bàn, ghế, tủ tường, tủ bếp, kệ tivi… hoặc những sản phẩm có thiết kế phức tạp, yêu cầu độ bền cao.

Ván gỗ HDF có kích thước tiêu chuẩn là 2000*2400 mm, độ dày phổ biến từ 6 – 24 mm; tỷ trọng trung bình khoảng 800 – 1040 kg/m3, được ép bằng máy áp suất cao nên khi hấp thụ độ ẩm sẽ ít bị trương nở, kéo dài tuổi thọ cho đồ nội thất.

Bên cạnh ứng dụng thiết kế nội thất, gỗ HDF còn dùng làm đồ gỗ ngoại thất hoặc làm sàn gỗ do có khả năng chịu tải trọng lớn, chống trầy xước tốt và chịu được độ ẩm cao.

2.4/ Ván dán

Ván dán (plywood) là tên gọi chỉ một loại gỗ công nghiệp có cấu tạo gồm các lớp gỗ lạng (bóc) mỏng có độ dày khoảng 1mm được ghép lại với nhau bằng chất kết dính là keo UF (Urea Formaldehyde) hoặc keo MUF (Urea Formaldehyde biến tính bằng Melamine) tùy vào mục đích sử dụng và tính chất của ván như độ chống ẩm hay khả năng chịu đựng thời tiết.

Các lớp gỗ vân ngang và vân dọc được xếp đan xen vuông góc nhau sau đó được ép dưới nhiệt độ, áp suất cao.

Đặc biệt, các lớp của một tấm gỗ dán luôn là số lẻ để sao cho tấm gỗ có một lớp lõi ở giữa, nhằm tạo ra hướng vân giống nhau ở hai lớp phía ngoài lớp lõi, làm cho các lớp gỗ này kiềm chế lẫn nhau không bị cong vênh hoặc nứt gãy và khiến các lớp mỏng ở hai phía bị lớp lõi giữ chặt không thể tự do giãn nở.

Ván dán
Ván dán

Ván dán có tỉ trọng trung bình từ 600 – 700 kg/m3. Khổ ván thông dụng gồm kích thước 1220 * 2440 mm; 1160 * 2440 mm; 1000 * 2000 mm có độ dày từ 3 – 25mm.

Cũng như các loại gỗ công nghiệp khác, ván dán có thể được phủ các lớp bề mặt trang trí để có thể ứng dụng trong ngành nội thất hoặc dùng làm khuôn đổ bê tông, vật liệu phủ ở dạng ván thô.

Ngoài ra, người ta còn dùng ván dán để đóng thuyền hay ghe bởi chất liệu này rất cứng, có độ bền và chống nước cao, ít co ngót, cong vênh hay bị phồng khi ngâm nước.

3/ Ưu nhược điểm của các loại gỗ công nghiệp

3.1/ Ưu nhược điểm của ván dăm

Ưu điểm:

Ván có ưu điểm lớn nhất là giá thành rẻ, nguyên liệu dễ kiếm và sản xuất được số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Chất liệu của ván dăm khá trơn, phẳng dễ dàng để phủ lớp bề mặt như giấy melamine,… giúp bảo vệ lớp cốt ván, chống trầy xước, va đập từ bên ngoài. Tùy thuộc vào lớp bề mặt trang trí thì họa tiết của ván dăm khá phong phú với nhiều phong cách nội thất khác nhau.

Ưu nhược điểm của gỗ công nghiệp
Ưu nhược điểm của gỗ công nghiệp

Ván dăm có thể ứng dụng để làm khá nhiều loại nội thất đa dạng ở phân khúc giá rẻ như làm bàn ghế, giường, tủ kệ cho nhà ở, văn phòng, cửa hàng, trường học…

Nhược điểm:

Ván dăm có độ cứng nhất định nhưng mật độ gỗ không cao bằng gỗ công nghiệp MDF hay HDF nên cách âm, chống ồn không được tốt và độ bền không cao bằng ba loại chất liệu còn lại.

Ván dăm MFC nói riêng cũng như các loại gỗ công nghiệp khác nói chung không thể chế tác được hoa văn phức tạp như điêu khắc hay tạo hình lên bề mặt mà chỉ có thể phủ lớp giấy trang trí lên bề mặt.

Ván dăm có kích thước lớn nên khi đưa vào dây chuyền gia công dễ bị sứt mẻ cạnh, gây mất thẩm mỹ cho cả tấm ván.

3.2/ Ưu nhược điểm ván gỗ MDF

Ưu điểm:

Gỗ công nghiệp MDF không bị cong vênh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, chịu nước khá tốt và không bị mối mọt mốt mọt trong quá trình sử dụng.

Giá thành nằm ở mức tầm trung, thấp hơn gỗ công nghiệp HDF và cao hơn gỗ ván dăm.

Có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt và thời gian gia công nhanh với số lượng lớn.

Có nhiều kích thước và độ dày đa dạng

Gỗ công nghiệp MDF có bảng màu phong phú từ vân gỗ, đá tự nhiên hay đơn sắc kết hợp tạo ra những đồ dùng nội thất mang nhiều phong cách mới lạ.

Nhược điểm:

Có khả năng chịu nước kém hơn ván gỗ HDF nhưng có thể cải thiện bằng tấm MDF chống ẩm (cốt màu xanh). Khả năng chịu lực cũng kém hơn gỗ HDF nhưng mạnh hơn ván dăm.

Mật độ gỗ ở mức trung bình nên cũng có thể bị mẻ cạnh trong quá trình gia công, vận chuyển.

3.3/ Ưu nhược điểm gỗ HDF

Ưu điểm:

Gỗ công nghiệp HDF có khả năng chịu được trọng tải cao, lực lớn nhờ do có mật độ gỗ lớn (hơn 1000kg/m3) được ép dưới áp suât và nhiệt độ cao.

Ván HDF hiện có thể được coi là loại gỗ công nghiệp chống ẩm, chống trầy xước cách âm và cách nhiệt  tốt nhất, hơn ván gỗ MDF và MFC.

Gỗ công nghiệp HDF có thể ứng dụng đa dạng như dùng làm ván sàn, ốp tường hay các công trình ngoại thất nơi tiếp xúc nhiều với đổ ẩm, nước, ánh sáng hay dễ cháy.

Nhược điểm:

Do tỷ trọng gỗ cao nên khối lượng gỗ HDF khá lớn, là nhược điểm trong việc vận chuyển và vẫn có trường hợp mẻ cạnh khi cắt xẻ.

Gỗ HDF có giá thành cao hơn ván MDF và MFC. Tuy nhiên, nhờ có nhiều đặc tính nổi bật, gỗ HDF vẫn luôn ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người tiêu cho không gian sống của mình.

4/ Ứng dụng của gỗ công nghiệp trong nội thất

4.1/ Nội thất nhà ở

Ở các thành phố lớn hiện nay, gỗ công nghiệp là lựa chọn hàng đầu làm nguyên liệu nội thất với nhiều ứng dụng như sàn gỗ, giường, bàn ghế, tủ bếp… Với lớp bề mặt đa dạng và tùy biến theo nhu cầu khách hàng, nội thất làm từ gỗ công nghiệp có thể đáp ứng mọi phong cách nội thất từ cổ điển đến sang trọng, hiện đại.

Nội thất phòng khách:

Gỗ công nghiệp thường dùng để làm kệ tivi, tủ góc tường, sàn gỗ, bàn trà… với nhiều phong cách thiết kế khác nhau, từ màu sắc đến kiểu dáng. Việc sử dụng sàn gỗ công nghiệp sẽ giúp căn nhà bạn trở nên ấm cúng và hiện đại hơn.

Nội thất phòng ngủ:

Đối với ứng dụng trong phòng ngủ, gỗ công nghiệp được sử dụng để làm giường, tủ đựng quần áo, bàn làm việc, tủ giày… Tạo cảm giác gọn gàng, ấm cúng, giúp người dùng an tâm thư giãn với không gian riêng của mình sau một ngày làm việc vất vả.

Ứng dụng gỗ công nghiệp trong nội thất
Ứng dụng gỗ công nghiệp trong nội thất

Nội thất phòng bếp:

Hiện nay phần lớn người tiêu dùng khi lựa chọn chất liệu để làm tủ bếp thường lựa chọn gỗ công nghiệp, bên cạnh đó là một vài ứng dụng khác như bàn ghế ăn, kệ… bề mặt nhẵn, mịn của gỗ công nghiệp giúp cho việc lau chùi được dễ dàng, hạn chế bị bay màu trong thời gian dài sử dụng và độ chống chịu nước cao.

Nội thất phòng tắm:

Nhiều người vẫn nghĩ rằng sử dụng gỗ công nghiệp trong phòng tắm là không thể bởi chất liệu này sẽ nhanh chóng bị ẩm mốc, phồng rộp, công vênh.

Tuy nhiên, với chất lượng gỗ công nghiệp được tối ưu như hiện nay, chất liệu này hoàn toàn có thể chịu nước, chịu ẩm và mối mọt khi được ứng dụng trong không gian này.

Một số loại nội thất phòng tắm sử dụng gỗ công nghiệp có thể kể đến như tủ lavabo, tủ đựng khăn, kệ đựng đồ…

4.2/ Nội thất văn phòng

Gỗ công nghiệp có lớp bề mặt phủ melamine, tấm laminate, acrylic, veneer…có thể dùng để làm tủ đựng tài liệu, bàn làm việc, ghế… ứng dụng trong nội thất văn phòng.

Chất liệu có mức giá phải chăng, mang lại phong cách từ thanh lịch, lịch sự đến hiện đại và dễ dàng lau chùi sắp xếp cũng như vận chuyển nên rất được ưa chuộng tại các công ty, văn phòng, đoàn thể.

Bên cạnh việc làm nội thất, các văn phòng công ty còn ứng dụng gỗ công nghiệp trong việc lát sàn gỗ.

4.3/ Nội thất trường học

Gỗ công nghiệp thường được ứng dụng làm bàn ghế, tủ đựng giày dép, bàn giá viên… trong không gian trường học tạo môi trường thân thiện, không gian thoáng mát sạch sẽ, gọn gàng.

4.4/ Nội thất tại khu trung tâm thương mại

Trong trung tâm thương mại không chỉ có quầy bán hàng, trưng bày sản phẩm mà còn có nơi vui chơi, tổ chức hội nghị, khu ATM hay khu vệ sinh.

Vì vậy mỗi khu vực cần có có những đồ nội thất chuyên biệt, đặc biệt là gỗ công nghiệp để tạo phong cách trẻ trung, thu hút khách hàng tới tham quan. Kích thích mua sắm và tần suất quay lại của khách hàng.

4.5/ Nội thất tại nhà hàng, khách sạn, resort

Những địa điểm này đều có yêu cầu cao về sự sang trọng, chuyên nghiệp. Vì vậy, tính ứng dụng của  gỗ công nghiệp có ưu điểm rất lớn phù hợp với yêu cầu này. Nội thất được làm tủ gỗ công nghiệp như giường ngủ, kệ tivi, bàn ghế… đồng nhất về chất liệu, màu sắc sẽ tăng thêm tính thẩm mỹ cho không gian.

5/ Một số lưu ý khi chọn mua gỗ công nghiệp

5.1/ Chọn loại ván gỗ đáp ứng được đúng nhu cầu

Trước khi mua nội thất làm từ gỗ công nghiệp, bạn nên xác định rõ nhu cầu của bản thân. Gỗ công nghiệp làm nội thất như bàn ghế, giường tủ, kệ tivi… hay ngoại thất thì đều có nhiều mức giá và đặc điểm khác nhau để phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng.

Đối với đồ nội thất trang trí trong nhà như bàn ghế, tủ đựng giày dép, tủ đựng tài liệu…thì không yêu cầu độ chống chịu lực cao, chịu độ ẩm lớn thì bạn có thể chọn gỗ ván dăm hoặc MDF.

Lưu ý chọn gỗ công nghiệp
Lưu ý chọn gỗ công nghiệp

Đối với khu vực có độ ẩm cao, thường xuyên tiếp xúc với ngoại lực lớn hay ánh sáng trực tiếp như bếp, phòng tắm, sàn nhà, ban công… bạn nên sử dụng ván gỗ HDF hoặc MDF cốt xanh chống ẩm sẽ phòng tránh được nguy cơ phồng rộp, mốc ẩm, cong vênh, tăng tuổi thọ cho nội ngoại thất.

5.2/ Màu cốt ván có thể không thể hiện đúng tính năng chống ẩm, chống cháy.

Trên thị trường hiện tại có ba loại gỗ công nghiệp phổ biến gồm gỗ ván dăm, ván MDF, và ván HDF. Mỗi loại được phân biệt bằng màu sắc: cốt gỗ thông thường có màu vàng, nâu vàng hoặc nâu nguyên bản, ván gỗ chống ẩm có màu xanh và ván gỗ chống cháy có màu đỏ.

Tuy nhiên, không phải cứ màu xanh, màu đỏ là ván gỗ chống ẩm, chống cháy. Đây chỉ là màu sắc trên lí thuyết để khách hàng dễ dàng phân biệt.

Bởi hiện nay, một số nhà sản xuất lợi dụng điều này để trà trộn những mặt hàng kém chất lượng, ví dụ như cốt gỗ công nghiệp được pha màu xanh và quảng cáo có chống nước nhưng thực ra không phải như vậy, gỗ công nghiệp chống cháy cũng tương tự.

Điều này dễ gây hoang mang và người tiêu dùng cần tỉnh táo khi tìm hiểu.

5.3/ Chọn mua gỗ công nghiệp tại nơi bán uy tín

Người tiêu dùng nên tham khảo trên mạng xã hội, internet và hỏi ý kiến của người quen đã từng sử dụng để tìm ra được nhà sản xuất, đại lý bán gỗ công nghiệp uy tín.

Tham khảo và so sánh giá cả  giữa nhiều showroom khác nhau. Tìm hiểu đánh giá phản hồi của các khách hàng cũ, khả năng tư vấn khách hàng của các đại lý, showroom chân thực và nhiệt tình.

Địa chỉ mua gỗ công nghiệp uy tín
Địa chỉ mua gỗ công nghiệp uy tín

Trên sản phẩm luôn gắn tem nhãn ghi đầy đủ thông số sản xuất, chỉ tiêu chất lượng, bạn hoàn toàn có thể kiểm tra các thông số này để đánh giá chất lượng sản phẩm có đúng với quảng cáo hay không.

Trên đây là những chia sẻ về gỗ công nghiệp và những lưu ý cần thiết. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức cơ bản  để có thể tìm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình!

Bản quyền thuộc về Công ty Mavina

Từ khóa » đại Lý Bán Gỗ Mdf