Gỗ Công Nghiệp “lên Ngôi”

Các sản phẩm nội thất gỗ công nghiệp có ưu điểm là vận chuyển, lắp ráp đơn giản, thời gian thi công nhanh. Ảnh: Thành Luân  
Các sản phẩm nội thất gỗ công nghiệp có ưu điểm là vận chuyển, lắp ráp đơn giản, thời gian thi công nhanh. Ảnh: Thành Luân

Giá thành phù hợp, thân thiện với môi trường

Kinh doanh nội thất đồ gỗ đã không còn mới mẻ ở Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn gỗ rừng ngày càng cạn kiệt, để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất ngày càng lớn và đa dạng của người tiêu dùng, vài năm trở lại đây, thị trường đồ gỗ công nghiệp phát triển nhanh chóng, số lượng cửa hàng, showroom, siêu thị nội thất mọc lên ngày càng nhiều.

Ông Đỗ Anh Tiến, chủ một xưởng gỗ công nghiệp trên đường Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho biết, hiện nay, xu hướng thiết kế nội thất bằng gỗ công nghiệp được ứng dụng trong rất nhiều công trình nhà ở, văn phòng, khách sạn, quán cà phê với đủ mọi phong cách cổ điển, bán cổ điển, hiện đại. Người tiêu dùng thoải mái chọn mua sản phẩm tùy theo nhu cầu, sở thích, điều kiện kinh tế cá nhân.

"Gỗ công nghiệp hiện khá đa dạng, gồm ván MDF (ván sợi ), MFC (ván dăm), ván ghép thanh (gỗ ghép)…, được sử dụng rất rộng rãi. Những loại gỗ này được sản xuất đồng loạt về chất lượng, kích cỡ, màu sắc nên rất thuận tiện trong việc thi công và công đoạn bảo quản không phức tạp" - ông Tiến cho hay.

Bên cạnh đó, về thẩm mỹ, nếu gỗ tự nhiên chiếm được cảm tình của người dùng nhờ vân đẹp, thì gỗ công nghiệp cũng có thể tạo những bề mặt giả vân gỗ với màu sắc, kiểu dáng ấn tượng. Gỗ công nghiệp mang ưu điểm vượt trội là mẫu mã đa dạng, tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa tình trạng cong vênh, mối mọt hay co ngót. Đặc tính cơ bản của gỗ công nghiệp là dễ thao tác, với ba công đoạn cắt - dán - khoan ghép nên việc lắp ráp cực kỳ nhanh chóng. Chất liệu này đặc biệt phù hợp để sản xuất đồ nội thất thông minh, tích hợp nhiều công năng như bàn gấp di động, giường gấp, tủ quần áo kết hợp kệ tivi…

Đại diện Công ty CP Gỗ công nghiệp Thuận Phát cho biết, hiện nay, trong công trình nhà ở, có hơn 90% đồ nội thất đều sử dụng loại gỗ công nghiệp. Xu hướng sử dụng đồ gỗ trong nhà hiện nay là kiểu dáng đơn giản, đơn sắc, hình khối với các đường thẳng trơn nhẵn, không có chi tiết. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại, người sử dụng đòi hỏi đồ gỗ trong nhà phải có nhiều tính năng, dễ bảo quản và tận dụng diện tích.

Vì thế, một cái tủ trong phòng phải có khả năng chứa nhiều loại đồ hơn, đòi hỏi sự kết hợp với các phụ kiện thông minh. Qua nhiều nghiên cứu và cải tiến công nghệ trong những năm qua, ván gỗ công nghiệp đã khắc phục được các nhược điểm, không chứa chất độc hại, thân thiện môi trường, không biến dạng khi gặp nước, khó bắt lửa, chống mối mọt, không nứt tách.

Hiện đại hóa sản xuất

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ nỗ lực của cộng đồng DN, ngành chế biến gỗ đã trở lại sản xuất thuận lợi. 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. "Khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm đa dạng mẫu mã, tinh tế, đẹp hơn nhưng giá cả tăng rất ít hoặc không thay đổi. Điều này tạo áp lực cải tiến rất lớn cho ngành gỗ.

Do đó, công nghệ 4.0 giúp DN hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhân công lao động và tiết giảm tối đa chi phí; tạo ra nhiều cơ hội giúp ngành công nghiệp gỗ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu" - đại diện một DN nghiệp gỗ cho hay .

Là DN có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các dòng máy chế biến gỗ công nghiệp, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Anco Đỗ Hoài Nam cho biết, hiện tại, nhiều DN trong ngành gỗ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự… Từ đó từng bước tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.

"Đổi mới công nghệ bao gồm cả việc thay thế các công nghệ cũ, gây lãng phí trong sử dụng nguyên liệu cũng như thay đổi cách vận hành quản lý công nghệ trong các nhà xưởng. Bên cạnh đó, đòi hỏi việc giảm nguồn lao động có chất lượng thấp tham gia trong sản xuất, thay thế bằng nguồn lao động có chất lượng cao; giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ, máy móc" - ông Nam phân tích.

Để tạo điều kiện cho ngành chế biến gỗ thực hiện các chiến lược phát triển, ngay trong đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ chủ trương phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Đồng thời đặt mục tiêu phấn đấu để Việt Nam có thể nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế...

Từ khóa » Gỗ Tuỳ Tùng