Gỗ Dăm Là Gì? Những ứng Dụng Của Gỗ Dăm Trong Nội Thất

Ngày nay, sử dụng sản phẩm gỗ công nghiệp đang là một xu hướng, đặc biệt đối với các gia đình trẻ. Đồ nội thất làm từ các loại ván công nghiệp có độ bền tốt, nhiều mẫu mã và quan trọng là giá thành rẻ. Dongsuh Furniture đã có bài giới thiệu chuyên sâu về những cái tên phổ biến trên thị trường như gỗ veneer, gỗ MFC, gỗ MDF, gỗ acrylic,… Trong bài này, hãy cùng tìm hiểu về gỗ dăm là gì và những ứng dụng của gỗ dăm trong nội thất nhé.

Xem thêm: Gỗ Acrylic là gì? Những điều nên biết về loại gỗ này

I. GỖ DĂM LÀ GÌ?

Phần I sẽ giúp bạn hiểu được khái niệm gỗ dăm là gì, lịch sử hình thành của gỗ dăm, đặc điểm và tính chất vật lý, quy trình sản xuất, ưu và nhược điểm của gỗ dăm.

1. Khái niệm gỗ dăm là gì?

Gỗ dăm hay còn được gọi với những cái tên như ván dăm, ván okal hay particle board (PB) là một loại gỗ công nghiệp. Gỗ dăm được coi là giải pháp để tận dụng các lớp mùn cưa, vụn gỗ trong quá trình sản xuất. Người ta đem các vụn này trộn với keo và ép lại bằng nhiệt độ cao để cho ra những tấm ván gỗ dăm.

Các tấm ván dăm thường được có phần cốt gỗ làm từ dăm gỗ của các loại gỗ của cây bạch đàn, cây thông, cây keo, cây cao su,… Phần bề mặt được phủ lớp chất liệu bề mặt như veneer, melamine, acrylic.

Xem thêm: Veneer là gì? Những ưu nhược điểm mà bạn nên biết

Mặt cắt của tấm gỗ ván dăm cho thấy cấu tạo cơ bản của gỗ dăm gỗm phần cốt gỗ làm từ vụn gỗ và vật liệu bề mặt phủ bên ngoài.

Bằng cách tận dụng các sản phẩm thừa trong quá trình sản xuất nên các sản phẩm nội thất làm từ gỗ dăm có giá thành rẻ. Ván gỗ dăm được ứng dụng làm nhiều đồ nội thất và ngoại thất như: bàn ăn, bàn làm việc, bàn trang điểm, cửa ra vào,…

2. Nguồn gốc ra đời của gỗ dăm

Gỗ dăm là phát minh của Max Himmelheber- một nhà phát minh kiêm lính phi công người Đức. Mặc dù ra đời vào năm 1932, nhưng phải đến những năm 1940, gỗ dăm mới được người ta chú ý đến.

Đây là giai đoạn chiến tranh thế giới diễn ra, nguyên liệu gỗ dùng để sản xuất dần bị thiếu. Lúc này người ta tận dụng các phế phẩm của gỗ như mùn cưa, vỏ bào, phần vụn gỗ kết hợp với keo kết dính chuyên dụng, rồi mang đi ép lại dưới nhiệt độ cao để tạo ra các tấm ván gỗ.

Chân dung của Max Himmelheber – nhà phát minh người Đức đã phát minh ra gỗ ván dăm.

Nhà máy sản xuất gỗ dăm đầu tiên trên thế giới là Torfit Werke AG ở Bremen, Đức. Dần dần, ngành công nghiệp sản xuất gỗ dăm phát triển ở các nước như Anh, Pháp, Bỉ, Ý, Thụy Sĩ,… Hiện nay, sản lượng sản xuất gỗ dăm của các nước châu Âu chiếm 2/3 tổng sản lượng gỗ dăm của toàn thế giới.

3. Thành phần cấu tạo

Ván gỗ dăm thường có thành phần cấu tạo gồm: 80% là vụn gỗ, khoảng 10% là keo kết dính (loại keo được sử dụng phổ biến là Urea Formaldehyde (UF), khoảng 10% là nước. Tỷ lệ nước có thể giảm nếu như trong quá trình sản xuất thêm một số thành phần khác như parafin, chất làm cứng, melamine,…

Các thành phần thêm vào này sẽ làm tăng lên chất lượng cho ván. Ví dụ như thạch cao, xi măng được thêm vào để tăng khả năng chống cháy. Hay melamine làm tăng khả năng chống thấm nước, ẩm mốc. Người ta cho melamine vào keo UF. Hỗn hợp này được gọi là keo MUF.

Cốt gỗ dăm được tạo ra từ các vụn gỗ và được nén lại thành tấm ván dăm.

Nguyên liệu dùng để sản xuất cốt gỗ là vụn gỗ, mùn cưa, phoi bào, vỏ bào của gỗ cây cao su, gỗ cây bạch đàn, gỗ cây thông, gỗ cây keo,… Ngoài ra người ta còn sử dụng rơm rạ, bã cây mía, cây lanh, cây gai để thêm vào cùng vụn gỗ. Đây là các loại thực vật cũng có chứa lignin, xenlulozơ – là các chất thể rắn, không tan trong nước.

4. Phân loại gỗ dăm

Ván gỗ dăm thường được chia làm 2 loại là cốt gỗ thường và cốt gỗ chống ẩm. Cốt gỗ thường là loại được sản xuất theo tiêu chuẩn thường sử dụng các vụn gỗ và keo kết dính chuyên dụng, rồi đem ép lại. Còn loại cốt gỗ chống ẩm thì người ta sẽ cho thêm các chất như chất chống ẩm melamine, xi măng hay thạch cao vào để tăng tính kết dính, tính chịu lực, hạn chế tình trạng trương nở ra tốt hơn.

Cách thông dụng phân biệt cốt gỗ thường và cốt gỗ chống ẩm đó là dựa vào màu sắc. Cốt gỗ thường có màu sáng ngả vàng của gỗ. Còn cốt gỗ chống ẩm thì có màu xanh. Dưới đây là hình ảnh minh họa cho bạn dễ hình dung hơn.

Cốt gỗ thường với màu đặc trưng của gỗ

Cốt gỗ chống ẩm có màu xanh xen lẫn màu gỗ

Cốt gỗ chống ẩm có khả năng chịu được trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm vì bên trong có thành phần chống hút nước. Còn cốt gỗ thường hay dễ bị hư hỏng khi ở trong môi trường ẩm thấp, tiếp xúc nhiều với nước.

5. Đặc điểm và tính chất vật lý của ván gỗ dăm

  • Về màu sắc

Phần cốt gỗ gồm có 2 loại màu. Cốt gỗ thường có màu gỗ: vàng, nâu, vàng nhẹ, nâu nhẹ,… Cột gỗ chống ẩm có màu xanh xen với màu gỗ.

Phần bề mặt có màu sắc hoa văn phụ thuộc vào lớp bề mặt. Nếu lớp bề mặt được phủ bằng veneer thì thường có màu gỗ và đường vân tự nhiên.

Bề mặt của gỗ ván dăm phụ thuộc vào chất liệu của vật liệu bề mặt phủ lên cốt gỗ.

  • Về khối lượng riêng

Ván gỗ dăm thường có khối lượng riêng dao động từ 650 - 750kg/m3

  • Kích thước ván dăm

Khổ ván thường là 1220mm x 2440mm và 1830mm x 2440mm.

Độ dày ván dăm phổ biến là 17mm, 18mm và 25mm.

  • Độ giãn nở

Ván gỗ dăm có khả năng giãn nở khi đặt trong nước hoặc trong môi trường có độ ẩm cao. Chiều giãn nở của ván phụ thuộc vào cách thức ép ván. Ví dụ: với ván được ép phẳng thì sẽ bị giãn theo chiều dọc.

Tỷ lệ co rút của ván gỗ dăm là khá bé. Trong môi trường có độ ẩm không khí là 90%, thì tỷ lệ giãn nở tối đa là 2%. Môi trường có độ ẩm là 50% thì tỷ lệ giãn nở tối đa là 1%.

6. Ưu điểm và nhược điểm của gỗ dăm

Là một loại ván gỗ được sử dụng phổ biến trong nội thất, nhưng ván gỗ dăm cũng có cả ưu và nhược điểm riêng. Dưới đây là một số ưu điểm và nhược điểm nổi bật của ván gỗ dăm.

  • Ưu điểm của gỗ dăm

Giá thành rẻ hơn gỗ tự nhiên và các loại ván như MFC, MDF.

Độ cứng, độ bền vật lý khá cao

Có khả năng bám vít tốt nên dễ dàng trong thi công lắp đặt

Bề mặt phẳng ván gỗ dăm thường phẳng nên việc phủ bề mặt bằng veneer, melamine, laminate khá đơn giản và dễ dàng.

Xem thêm: Ván gỗ MDF hay gỗ công nghiệp nói chung được tạo ra như thế nào?

Tủ quần áo gỗ dăm được phủ lớp bề mặt veneer với những đường vân và màu sắc tự nhiên nhìn khá giống với tủ làm bằng gỗ tự nhiên.

Thân thiện với môi trường vì tận dụng được các phế phẩm của gỗ. Đồng thời ván gỗ dăm còn có khả năng tự phân hủy tự nhiên.

Ván gỗ dăm có trọng lượng nhẹ do đó các sản phẩm làm từ gỗ dăm khá nhẹ, dễ dàng trong khâu vận chuyển.

  • Nhược điểm của gỗ dăm

Do kết cấu bởi các vụn gỗ nên khả năng chịu lực và chịu sức nặng của ván dăm kém hơn gỗ tự nhiên và các loại ván gỗ công nghiệp.

Phần góc cạnh hay bị sứt mẻ hoặc bị trong quá trình sử dụng. Tuổi thọ của các sản phẩm làm bằng ván gỗ dăm khá thấp do gỗ dăm dễ bị ấm mốc, giãn nở.

Gỗ dăm có cốt gỗ thường có phạm vi ứng dụng hẹp hơn so với các loại gỗ khác vì khả năng chống ẩm và chịu lực kém hơn. Đối với gỗ dăm có cốt gỗ chống ẩm thì phạm vi ứng dụng rộng hơn.

7. Quy trình sản xuất gỗ dăm

Về bản chất, gỗ dăm được làm từ các hạt gỗ được kết dính bằng dung dịch keo và nén lại. Dưới đây là quy trình sản xuất gỗ dăm.

Trước đây, gỗ dăm thường được tận dụng các phần thừa của gỗ trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên với nhu cầu về sản phẩm bằng gỗ dăm nhiều, nên người ta đã sử dụng cả những cây gỗ còn nguyên vẹn để làm gỗ dăm.

Bước 1: Cắt nhỏ gỗ hoặc vụn gỗ thành những hạt có kích thước theo yêu cầu.

Đối với cây gỗ còn nguyên, người ta sẽ bóc vỏ, rồi chia thành từng khúc. Sau đó phần gỗ này sẽ được băm ra thành những hạt dăm nhỏ. Đối với phần phế phẩm của gỗ (gỗ vụn, mùn cưa, vỏ bào,…) cũng được đem cắt nhỏ thành hạt dăm theo kích thước quy định.

Dăm bào sau khi được cắt nhỏ để sản xuất gỗ dăm.

Bước 2: Sấy khô

Sau khi được cắt nhỏ, các dăm bào được đem đi sấy khô để độ ẩm giảm xuống còn khoảng 2.5%. Giới hạn độ ẩm của lõi và bề mặt của vỏ bào có thể khác nhau. Do đó khi sấy, người ta sẽ có những điều chỉnh nhiệt độ sấy khác nhau một chút ở hai phần này.

Có hai loại máy sấy đó là máy sấy xoay tròn và máy sấy nhanh. Sau khi sấy xong người ta sẽ dùng sàng để phân loại dăm bào theo kích thước giống nhau.

Bước 3: Dán keo

Tiếp theo người ta sẽ trộn các dăm bào với keo kết dính chuyên dụng. Ở giai đoạn này, người ta sẽ bổ sung thêm một số thành phần như chống ẩm mốc, tăng độ cứng, chống cháy vào để tạo ra loại cốt gỗ chống ẩm. Đối với các loại cốt gỗ không thêm các thành phần phụ gia thì sẽ tạo thành loại cốt gỗ thông thường.

Bước 4: Tạo hình

Hỗn hợp gồm dăm gỗ và chất kết dính sau khi được trộn vào nhau sẽ được đem đi tạo hình với độ dày theo yêu cầu mong muốn.

Bước 5: Ép

Bước tiếp theo, phần gỗ được tạo hình sẽ được đem đi ép sơ bộ và cắt thành kích thước theo quy định. Sau đó, người ta sẽ mang những tấm ván này đi ép nóng với nhiệt độ cao.

Bước 6: Xử lý bề mặt

Sau bước ép nóng, ván gỗ được hình thành. Sau khi nhiệt độ của ván ép nguội, người ta sẽ mang đi xử lý bề mặt cho phẳng và nhẵn.

Gỗ dăm sau khi được ép thành hình sẽ được xử lý bề mặt nhẵn để dễ dạng phủ lớp bề mặt.

Bước 7: Phủ lớp bề mặt

Bước cuối cùng đó là phủ lớp bề mặt cho phần cốt gỗ để tạo thành những tấm ván gỗ dăm hoàn chỉnh mang đi sản xuất ra đồ nội thất. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà người ta phủ lên bằng veneer, melamine, laminate,…

Gỗ dăm được phủ veneer tạo ra tấm ván có vẻ ngoài giống gỗ tự nhiên.

8. Phân biệt ván gỗ dăm (OKAL), MFC, MDF

Trong các loại ván công nghiệp thì ván gỗ dăm, ván MFC và ván MDF thường gây bối rối cho người sử dụng. Vì đây đều là những loại ván phổ biến để làm ra những sản phẩm nội thất gỗ công nghiệp và giá thành rẻ. Dưới đây là một số thông tin giúp bạn phân biệt được ván gỗ dăm, gỗ MFC và gỗ MDF. Từ so sánh này bạn sẽ xác định được, loại gỗ nào có những đặc điểm phù hợp với nhu cầu của mình.

Đặc điểm so sánh

Ván gỗ dăm (OKAL)

Ván gỗ MFC

Ván gỗ MDF

Nguồn gốc

Từ vụn gỗ, mùn cưa, vỏ bào và gỗ các loại cây gỗ ngắn ngày như bạch đàn, keo, thông,…

Từ ván gỗ dăm phủ thêm melamine

Từ bột của các loại cây gỗ mềm như thông, keo, cao su, bạch đàn,…

Đặc trưng nổi bật

Giá thành rẻ nhất trong các loại ván gỗ công nghiệp.

Khả năng chịu lực khá tốt. Với các loại cốt gỗ dăm chống ẩm thì khả năng chống ẩm, chống nước tốt hơn cốt gỗ dăm thường.

Dễ bị công vênh, giãn nở do độ ẩm và hơi nước.

Giá thành rẻ

Với lớp phủ melamine nên các sản phẩm có khả năng chống trầy xước cao, chống thấm nước, chống ẩm mốc, mối mọt tốt.

Giá thành cao trong các loại ván gỗ công nghiệp, nhưng rẻ hơn so với gỗ tự nhiên.

Có khả năng chịu lực cao do mật độ gỗ dày kết hợp với chất kết dính chuyên dụng.

Không bị cong vênh, giãn nở do tác động của môi trường.

Khả năng chống nước cao nhất trong các loại ván gỗ công nghiệp.

Phạm vi sử dụng

Phạm vi ứng dụng hẹp vì khả năng chống ẩm và chịu lực nặng không tốt. Do vậy thường được sử dụng làm bàn, tủ đựng tài liệu, tủ quần áo, kệ trang trí.

Với khả năng thấm nước tốt hơn gỗ dăm nên có phạm vi sử dụng rộng hơn gỗ dăm. Ngoài ứng dụng về bàn ghế, tủ quần áo, kệ trang trí thì còn được sử dụng làm đồ nội thất phòng bếp.

Tuy là gỗ công nghiệp, nhưng chất lượng của MDF chỉ sau gỗ tự nhiên. Do vậy được ứng nhiều trong thiết kế nội thất như làm tủ bếp, giường ngủ, bàn ghế ăn, cửa ra vào, tủ quần áo,…

Xem thêm:Ván gỗ MDF hay gỗ công nghiệp nói chung được tạo ra như thế nào?

Bàn làm việc bằng gỗ dăm sẽ giúp các công ty tiết kiệm được chi phí mua nội thất mà chất lượng vẫn đảm bảo.

Tủ gỗ MFC có khả năng chống ẩm mốc mối mọt nên có thể cất giữ quần áo tốt.

Giường làm bằng gỗ MDF của Dongsuh Furniture có chất lượng tốt chỉ sau gỗ tự nhiên.

II. ỨNG DỤNG CỦA GỖ DĂM

1. Những ứng dụng phổ biến của gỗ dăm trong đời sống

Với giá thành rẻ và chất lượng khá tốt, tận dụng được gỗ vụn bảo vệ môi trường, nên gỗ dăm vẫn được sử dụng nhiều trong nội thất. Bởi vì cốt gỗ dăm không có khả năng chống ẩm, chống nước cao như gỗ tự nhiên, gỗ MDF,… nên gỗ dăm thường được sử dụng để làm đồ nội thất cho những khu vực khô thoáng, ít tiếp xúc trực tiếp với nước. Do vậy, bạn thường thấy gỗ dăm được dùng để làm bàn ghế văn phòng, tủ đựng tài liệu, kệ trang trí, bàn học,…

Bàn học bằng gỗ dăm với thiết kế đơn giản, tính thẩm mỹ tốt, giá thành rẻ là một lựa chọn hợp lý cho các bạn học sinh, sinh viên.

Đối với loại cốt gỗ chống ẩm thì phạm vi ứng dụng của nó rộng rãi hơn. Vì trong cốt gỗ đã được bổ sung thêm chất chống ẩm nên nó có khả năng chống thấm hút, chống vi khuẩn ẩm mốc. Người ta đã ứng dụng gỗ dăm chống ẩm để làm tủ bếp, cửa phòng vệ sinh, tủ lavabo,…

Dưới đây là một số ví dụ về các ứng dụng của gỗ dăm trong nội thất.

  • Bàn ăn gỗ dăm

Bàn ăn gỗ dăm đơn giản phù hợp với những gia đình trẻ vì có giá thành phải chăng mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng.

Xem thêm: 5 bộ bàn ăn gỗ cao su đang hot nhất trên thị trường

  • Bàn làm việc gỗ dăm

Mẫu bàn ghế làm việc bằng gỗ dăm đơn giản

  • Tủ bếp bằng gỗ dăm

Tủ bếp bằng gỗ dăm cốt gỗ chống ẩm phù hợp cho môi trường nhà bếp

Xem thêm: Các kiểu tủ bếp phổ biến hiện nay mà nhà nào cũng nên có

  • Bàn trang điểm gỗ dăm

Mẫu bàn trang điểm bằng gỗ dăm.

  • Tủ quần áo gỗ dăm

Mẫu tủ quần áo bằng gỗ dăm

Xem thêm: Tủ quần áo gỗ MDF giảm giá mạnh - Mua ngay kẻo lỡ

2. Mẹo sử dụng đồ nội thất làm bằng gỗ dăm

  • Bạn không nên đặt gỗ dăm trong các môi trường tiếp xúc nhiều với nước. Tốt nhất bạn nên đặt đồ nội thất bằng gỗ dăm ở nơi thông thoáng, khô ráo.
  • Bạn nên sử dụng khăn ẩm để lau chùi bề mặt gỗ và sau đó lau lại bằng khăn khô để tránh tình trạng bề mặt gỗ hút nước gây ẩm mốc, giãn nở, cong vênh.
  • Bạn không nên để quá nhiều vật nặng lên bề mặt gỗ dăm. Vì nếu để trong thời gian dài sẽ khiến cho gỗ bị nứt gãy do khả năng chịu lực của gỗ dăm khá kém.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về gỗ dăm là gì, đồng thời biết được các ưu nhược điểm và ứng dụng của gỗ dăm trong đời sống. Từ các thông tin này bạn có thể đưa ra những quyết định lựa chọn loại gỗ công nghiệp phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của mình. Nếu muốn tìm hiểu thêm các thông tin hay ho và hữu ích về nội thất gỗ nói riêng và các đồ nội thất nói chung, ghé trang Dongsuh Furniture nhé.

Xem thêm: Gỗ tự nhiên khác gì gỗ công nghiệp

Từ khóa » Gỗ đầm