Gỗ Ghép Thanh - Gỗ Minh Long

1. Định nghĩa gỗ ghép thanh

Gỗ ghép thanh hay còn gọi là ván ghép (Finger joint) là một sản phẩm ván gỗ công nghiệp được sản xuất bằng cách ghép các thanh gỗ tự nhiên có kích thước nhỏ lại với nhau nhờ chất kết dính sau đó được ép dưới nhiệt độ và áp suất quy định để tạo thành những tấm ván có kích thước lớn hơn.

Các thanh gỗ được ghép với nhau nhờ khớp nối có sử dụng chất kết dính. Mặt cắt của các khớp nối giống như những ngón tay đan vào nhau nên có tên là “finger joint”. Các thanh gỗ được ghép lại với nhau tạo nên thiết diện bề mặt tấm ván lớn, có liên kết tốt và độ bền chắc cao. Ván ghép thanh thường dễ bị nhầm lẫn với những mộng khớp của các thùng/hộp gỗ ứng dụng ở các góc hộp/các công trình dạng hộp.

Gỗ ghép thanh
Gỗ ghép thanh

2. Lịch sử hình thành & phát triển

Gỗ ghép thanh xuất hiện từ rất sớm nhưng chỉ được phát triển mạnh sau năm 1970. Khu vực có sản lượng gỗ ghép thanh lớn nhất là Châu Âu, tiếp theo là Châu Mỹ và Châu Á. Tại Châu Á, Nhật Bản là nước sản xuất ván ghép thanh nhiều nhất, theo sau là Hàn Quốc và Indonesia.

Gỗ ghép thanh - Minh Long
Gỗ ghép thanh - Minh Long

3. Thành phần cấu tạo của gỗ ghép thanh

Tấm ván ghép thực chất là gỗ ghép công nghiệp nhưng có chất lượng tương tự như tấm ván gỗ tự nhiên do thực chất nguyên liệu sản xuất tấm ván vẫn là những thanh gỗ tự nhiên. Thông thường, gỗ ghép thanh được sản xuất từ gỗ cao su, gỗ thông, gỗ keo, gỗ tràm,… hoặc các loại gỗ phi tiêu chuẩn như bìa bắp từ các phân xưởng lẻ, gỗ có đường kính nhỏ và một số loại gỗ tận dụng khác không thể dùng để đóng đồ nội thất thành phẩm.

Các chất kết dính và phụ liệu chủ yếu để sản xuất gỗ ghép thanh bao gồm keo Urea Formaldehyde (keo UF); keo Phenol Formaldehyde (keo PF); keo Polyvinyl Acetate (keo PVAc).

Ván gỗ ghép thanh
Ván gỗ ghép thanh

4. Quy trình sản xuất ván ghép thanh

Quy trình sản xuất gỗ ghép thanh trải qua các bước như sau:

Bước 1: Sấy gỗ

Để loại bỏ các thành phần như vỏ cây, nhựa, mủ trong thân cây, các thanh gỗ cần trải qua quá trình sấy tẩm nghiêm ngặt ở nhiệt độ quy định. Quá trình này giúp hạn chế sự xâm nhập của côn trùng, mối mọt và giảm thiểu sự biến thiên của thanh gỗ (co rút hoặc giãn nở) do tác động của các điều kiện ngoại cảnh như thời tiết, môi trường.

Bước 2: Cắt phôi gỗ

Phôi gỗ được cắt theo nhu cầu và mục đích sử dụng của sản phẩm. Thông thường, bản rộng của thanh gỗ dao động từ 50 – 95mm; chiều dài từ 200 – 500mm và độ dày từ 10 – 40mm.

Tiếp theo, các phôi gỗ được tạo rãnh (mộng) với 2 định dạng mộng phổ biến là mộng đứng (hình răng lược) và mộng nằm. Mộng đứng tạo độ chắc chắn cho tấm gỗ nhưng để lộ ra những vết ghép răng lược trên bề mặt tấm ván. Với mộng nằm ngang, các mối ghép được giấu đi tạo tính thẩm mỹ cho tấm ván, tuy nhiên phương pháp này không tạo được sự rắn chắc và ổn định cho tấm ván bằng mộng đứng.

Những phôi gỗ cũng được chọn lọc kỹ càng để loại bỏ những phôi không đồng đều về màu sắc, có mắt gỗ xấu hoặc bị tách, nứt. Phôi gỗ ghép được phân loại chất lượng AA, AB, AC – AD, BC, CD… Cụ thể:

  • Ván ghép thanh chất lượng AA: Loại ván có hai mặt đẹp, không có khuyết tật, tương đối đồng màu. Hai mặt không có khuyết tật từ 90% trở lên, 10% còn lại có thể là những khuyết tật nhẹ như vệt đen, mắt chết dưới 3mm.
  • Ván ghép thanh chất lượng AB: Loại ván có một mặt đẹp, không có khuyết tật và tương đối đồng đều về màu sắc. Mặt còn lại có khuyết tật là vệt đen, mắt chết ≤10mm.
  • Ván ghép thanh chất lượng AC – AD: Loại ván có một mặt đẹp, không có khuyết tật, tương đối đồng màu. Mặt còn lại có khuyết tật là các đốm đen, mắt chết đường kính lớn >10mm hoặc khuyết tật ở ruột gỗ.
  • Ván ghép thanh chất lượng BC: Loại ván có cả hai mặt khuyết tật, trong đó, một mặt (mặt B) khuyết tật nhỏ hơn mặt còn lại (mặt C). Mặt C có khuyết tật kể cả khuyết tật là ruột.
  • Ván ghép thanh chất lượng CD: Loại ván có hai mặt khuyết tật nhiều hơn ván chất lượng BC, bề mặt có thể có mốc. Loại này thường được sử dụng làm ván nền, cần xử lý bề mặt bằng cách chà nhám hoặc trám trét. Loại ván này thích hợp làm ván nền sàn nhà hoặc sơn với yêu cầu độ bóng thấp hoặc dán phủ veneer.

Bước 3: Bào thô

Ván sau khi được phân loại sẽ được đem đi bào sơ bộ để giảm độ nhám, chuẩn bị cho công đoạn tẩm keo và ghép mộng.

Bước 4: Tẩm keo, ghép mộng

Keo/chất kết dính được đưa vào các rãnh định hình và phần cạnh bên của phôi. Tiếp đó, các phôi này được ghép mộng (mộng đứng hoặc mộng nằm) và được ghép với nhau thành tấm lớn có chiều dài tiêu chuẩn 1220x2440mm hoặc cắt theo kích thước mong muốn của nhà sản xuất.

Sau khi ghép tấm, các tấm ván ghép thanh được ép trên bề mặt và cạnh tấm ván theo áp lực tiêu chuẩn trong vòng 12 giờ để đảm bảo mật độ kết dính và chờ cho keo khô.

Bước 5: Chà nhám và làm phẳng bề mặt

Sau công đoạn ép, các tấm ván được đưa vào máy chà nhám và làm phẳng bề mặt theo kích thước tiêu chuẩn 1220x2240mm hoặc 1200x2400mm tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và nhà sản xuất.

Bước 6: Kiểm định chất lượng

Ván thành phẩm được kiểm định chất lượng và hoàn thiện những chi tiết nhỏ trước khi được xuất sang kho thành phẩm.

5. Ưu, nhược điểm của ván ghép thanh

Về cơ bản, gỗ ghép thanh kế thừa được rất nhiều ưu điểm của gỗ tự nhiên và hoàn toàn có thể thay thế gỗ tự nhiên nhờ độ bền cơ lý, khả năng chịu nước, khả năng chịu lực....

Ván ghép thanh có độ chịu lực tốt nên được ứng dụng trong nhiều loại hình công trình xây dựng và nhà ở. Đây cũng là loại gỗ phổ biến, dễ sản xuất nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có, có tính bền vững vì sử dụng gỗ rừng trồng và đang được mở rộng đặc biệt cho ngành nội thất.

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, gỗ ghép thanh có nhược điểm về tính thẩm mỹ (với loại mộng đứng). Thông thường, các tấm ván gỗ ghép thanh không được sử dụng trực tiếp trong những bề mặt nội thất mà được ép phủ lớp veneer/HPL lên bề mặt để tăng tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng. Bởi vậy, những ứng dụng của loại gỗ này đối với đồ nội thất (ở dạng tấm) vẫn còn hạn chế so với các loại ván gỗ công nghiệp phổ thông khác như ván dăm, ván MDF, ván HDF,…

Ván ghép thanh
Ván ghép thanh

6. Ứng dụng của gỗ ghép thanh và ván ghép thanh

Ván ghép thanh thường được ứng dụng trong ngành xây dựng hay đóng tàu thuyền. Ngoài ra, ván ghép thanh còn được sử dụng làm ván ốp tường, ván ốp trần và các chi tiết dạng tấm phẳng.

Đặc biệt, trong ngành xây dựng, ván gỗ ghép thanh được sử dụng trong các kết cấu dầm, làm tấm ván khuôn cho ngành bê tông. Ngoài ra, ván ghép thanh cũng được sử dụng nhiều trong nội thất: sản xuất đồ nội thất, làm phụ kiện cho ngành cửa sổ gỗ,…

Ứng dụng gỗ ghép thanh
Ứng dụng gỗ ghép thanh

7. Báo giá gỗ ghép thanh

Trên thị trường hiện nay, ván gỗ ghép thanh đã trở thành sản phẩm ván gỗ công nghiệp phổ biến được nhiều nhà cung cấp uy tín sản xuất. Giá tấm ván ghép thanh thành phẩm thông thường cao hơn giá ván dăm hay ván MDF do thành phần nguyên liệu cơ bản của sản phẩm này là các thanh gỗ tự nhiên, không phải dăm gỗ hay bột gỗ như các loại ván trên. Khách hàng khi tìm báo giá ván gỗ ghép thanh nên lựa chọn những nhà cung cấp uy tín trên thị trường, có giấy chứng nhận nguồn gốc và kiểm định chất lượng rõ ràng để mua được sản phẩm ưng ý, bền đẹp. Để nhận báo giá về các loại ván gỗ công nghiệp phổ biến trên thị trường hiện nay như ván dăm, ván MDF, ván dán (plywood) của Gỗ Minh Long, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 636 668 để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.    

Từ khóa » Giá Gỗ Ghép Thanh