Gỡ Khó Trong đấu Thầu, Mua Sắm Thuốc, Vật Tư Y Tế - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Tâm lý lo ngại…
Trong sáu tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30/6/2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31/12/2022. Đồng thời, cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách.
Hiện, có khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua bán trang thiết bị y tế theo quy định.
Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua báo cáo của các đơn vị địa phương cho thấy, việc thiếu thuốc chủ yếu là thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị sốt xuất huyết.
Đối với trang thiết bị, vật tư y tế, việc thiếu hụt tập trung vào các trang thiết bị y tế chuyên sâu như: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu và hóa chất xét nghiệm.
Trước đó, tại thông cáo báo chí, Bộ Y tế cho rằng, có năm nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Nguyên nhân thứ nhất là hiện Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm. “Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước. Thế nhưng, các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn”, Bộ Y tế cho biết thêm.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, theo Bộ Y tế, đó là việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ nhu cầu chống dịch. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động nên việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân thứ ba là việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.
Nguyên nhân thứ tư là tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.
Nguyên nhân thứ năm là do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Trách nhiệm thủ trưởng đơn vị
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.
Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trước ngày 22/6. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.
Trước nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. “Thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, Bộ Y tế đề nghị.
Bộ Y tế cũng đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.
Sáng 20/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh để tìm giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19; tháo gỡ khó khăn, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phó Thủ tướng yêu cầu không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đồng thời nêu rõ, việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung…
Từ khóa » Ban Dược Và Vật Tư Y Tế
-
Tháo Gỡ Khó Khăn, Vật Tư, Trang Thiết Bị Y Tế Tại Các địa Phương Và ...
-
Thông Tin Về Thực Trạng Công Tác đấu Thầu, Mua Sắm Thuốc, Vật Tư Và ...
-
Mua Sắm Thuốc Và Vật Tư Y Tế Thực Hiện Theo Quy định Nào?
-
Giải Quyết Vướng Mắc Trong đấu Thầu Thuốc, Vật Tư Y Tế
-
Giải Pháp Nào Cho Tình Trạng Sợ đấu Thầu Thuốc?
-
Bộ Y Tế Lên Tiếng Về Thực Trạng đấu Thầu, Mua Sắm Thuốc Và Vật Tư Y Tế
-
Nguyên Nhân Chính Dẫn Tới Tình Trạng Thiếu Thuốc, Vật Tư Y Tế
-
Phải đảm Bảo Có đủ Thuốc, Vật Tư, Trang Thiết Bị Phục Vụ Nhu Cầu ...
-
Tình Trạng Thiếu Thuốc Và Vật Tư Y Tế: Giải Quyết Khó Khăn Ban đầu
-
Thiếu Thuốc, Vật Tư Y Tế: Nguyên Nhân đã Biết, Giải Pháp Thì Sao?
-
Tình Trạng Thiếu Thuốc, Hóa Chất, Vật Tư Y Tế ở Bệnh Viện
-
BHXH Việt Nam Và Hiệp Hội DN Dược Việt Nam - Bảo Hiểm Xã Hội
-
Không để Người Bệnh Phải Tự Mua Các Thuốc, Vật Tư Y Tế Thuộc Danh ...