[Góc Giải Ngố] Kim Tự Tháp Ai Cập được Xây Dựng Như Thế Nào?

Kim tự tháp Ai Cập được xem là một trong những kì quan vĩ đại nhất của thế giới mà con người từng xây dựng. Cho đến tận ngày hôm nay, vẫn chưa một ai có thể nhận định chắc chắn các kim tự tháp Ai Cập đã được xây dựng như thế nào. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra, có người cho rằng các kim tự tháp này do các sinh vật ngoài vũ trụ xây dựng, có người thì lại tin rằng người Ai Cập cổ đại sở hữu một công nghệ xây dựng huyền bí nào đó.

Vì vậy, trong hơn hai thập kỉ qua các nhà khảo cổ học đã miệt mài nghiên cứu và khám phá ra những mảnh ghép mới, từ đó bức tranh về cách thức xây dựng các kim tự tháp Ai Cập ngày càng được rõ ràng hơn. Hôm nay hãy cùng Địa Ốc Thịnh Vượng tìm hiểu qua một chút về chủ đề “Làm thế nào mà người Ai Cập lại xây được các kim tự tháp to đùng như thế kia?

Nội dung

  • 1 Kim tự tháp Giza
  • 2 Phát triển kỹ thuật xây dựng kim tự tháp
  • 3 Quy hoạch các kim tự tháp
  • 4 Vật tư và thực phẩm
  • 5 Khai thác đá
  • 6 Di chuyển các khối đá

Kim tự tháp Giza

Kim tự tháp đầu tiên và cũng là lớn nhất ở Giza được xây dựng bởi Pharaon Khufu (bắt đầu trị vì vào khoảng năm 2551 trước công nguyên). Kim tự tháp của ông, ngày nay có độ cao khoảng 138 mét, được xem là một “đại kim tự tháp” và được các nhà văn cổ đại đánh giá là một kỳ quan vĩ đại của nhân loại.

Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập
Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập

Kim tự tháp của Khafre (bắt đầu trị vì vào khoảng năm 2520 trước công nguyên) chỉ nhỏ hơn một chút so với kim tự tháp của Khufu nhưng nằm trên một địa hình cao hơn. Nhiều học giả tin rằng tượng Nhân sư, nằm gần kim tự tháp của Khafre, được xây dựng bởi Khafre, và khuôn mặt Nhân sư được mô phỏng theo khuôn mặt của ông. Pharaon thứ ba xây dựng một kim tự tháp tại Giza là Menkaure (triều đại bắt đầu vào khoảng năm 2490 trước công nguyên), đã quyết định xây dựng một kim tự tháp nhỏ hơn, cao khoảng hơn 65 mét.

Tượng Nhân sư nằm cạnh kim tự tháp Giza
Tượng Nhân sư nằm cạnh kim tự tháp Giza

Trong hai thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã có một số khám phá liên quan đến các kim tự tháp, bao gồm một thị trấn được xây dựng gần kim tự tháp Menkaure, một nghiên cứu cho thấy nước có thể làm cho các khối đá dễ di chuyển hơn và một loại giấy cói* được tìm thấy tại khu vực Biển Đỏ. Những khám phá này cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách mà các kim tự tháp Giza được xây dựng. Những phát hiện mới này đã giúp bổ sung vào các kiến ​​thức cũ đã được khám phá trong hai thế kỷ qua.

*Giấy cói (tên gốc là Papyrus): là một vật liệu dày giống giấy được sản xuất từ ruột cây papyrus (Cyperus papyrus), một loại cói túi mọc trên các vùng đất ẩm đã từng rất phong phú ở Châu thổ sông Nin. Papyrus thường mọc cao tới 2-3 mét (5-9 ft). Papyrus được ghi nhận đã được sử dụng lần đầu tiên ở Ai Cập cổ đại (khoảng vương triều thứ nhất) nhưng nó còn được sử dụng rộng khắp các vùng thuộc Địa Trung Hải. Ở Ai Cập cổ đại, người ta dùng cây này để làm thuyền con, nệm, thảm, chiếu và giấy – Nguồn: Wikipedia

Phát triển kỹ thuật xây dựng kim tự tháp

Các kỹ thuật sử dụng để xây dựng các kim tự tháp Giza đã được phát triển qua hàng thế kỷ, và tất nhiên họ cũng đã đối mặt với các thách thức và thất bại mà bất kỳ nhà khoa học hay kỹ sư thời hiện đại nào cũng phải đối mặt.

Theo phát hiện của nhà khảo cổ học Sir Flinder Petrie, kim tự tháp có nguồn gốc từ những ngôi mộ Mastaba* hình chữ nhật đơn giản được xây dựng ở Ai Cập hơn 5.000 năm trước. Một đột phá lớn đã diễn ra dưới triều đại của Pharaon Djoser (triều đại bắt đầu vào khoảng năm 2630 trước công nguyên), ngôi mộ Mastaba của ông tại Saqqara ban đầu được xây dựng theo kiểu truyền thống trước khi được phát triển thành một kim tự tháp bậc thang sáu tầng với các đường hầm và buồng ngầm.

Một ngôi mộ Mastaba tại Ai Cập
Một ngôi mộ Mastaba tại Ai Cập

*Mastaba: là một loại mộ cổ của người Ai Cập cổ đại, có hình chóp cụt, được xây bằng loại gạch bùn lấy từ sông Nin. Những ngôi mộ kiểu này là nơi chôn cất của những nhân vật hoàng gia và các quý tộc từ thời kỳ Sơ triều đại đến thời kỳ Cổ Vương quốc. “Mastaba” có nghĩa là “Ngôi nhà vĩnh hằng”. Trong tiếng Ả Rập, nó còn nghĩa là “Băng ghế dài bằng đá”, ám chỉ hình dáng của chúng – Nguồn: Wikipedia

Một bước nhảy vọt khác trong kỹ thuật xây dựng kim tự tháp cũng đã xuất hiện dưới triều đại của Pharaon Snefru (triều đại bắt đầu vào khoảng năm 2575 trước công nguyên), người đã xây dựng ít nhất ba kim tự tháp. Đó là thay vì xây dựng các kim tự tháp bậc thang, các kiến ​​trúc sư làm việc cho Snefru đã phát triển ra các phương pháp mới nhằm thiết kế các kim tự tháp có độ chân thực, trông trơn tru hơn.

Có vẻ như các kiến ​​trúc sư của Snefru đã gặp rắc rối. Một trong những kim tự tháp mà ông xây dựng tại địa điểm ngày nay là Dahshur, được gọi là “kim tự tháp uốn cong” vì cạnh của kim tự tháp bị thay đổi giữa chừng, tạo cho cấu trúc một hình dạng uốn cong. Các học giả thường gọi các cạnh uốn cong này là kết quả của một khuyết điểm trong thiết kế.

"Kim tự tháp uốn cong" của Snefru
“Kim tự tháp uốn cong” của Snefru

Các kiến trúc sư của Snefru đã sửa chữa các khuyết điểm này bằng việc xây dựng kim tự tháp thứ hai, ngày nay được biết đến với cái tên “kim tự tháp đỏ“, tên được đặt theo màu sắc của các khối đá dùng để xây dựng kim tự tháp.

Kim tự tháp đỏ
Kim tự tháp đỏ

Sau này, con trai của Snefru là Khufu đã học hỏi được nhiều điều từ cha mình và các bậc tiền bối đi trước để xây dựng nên ĐẠI KIM TỰ THÁP lớn nhất thế giới.

Quy hoạch các kim tự tháp

Theo một bài viết trên Tạp Chí Cận Đông của 2 nhà khảo cổ học Pierre Tallet và Gregory Marouard cho biết các Pharaon sẽ chỉ định một quan chức cấp cao trong triều đình đứng ra giám sát việc thi công các kim tự tháp. Năm 2010, một nhóm các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra giấy cói có niên đại thời Khufu tại Wadi al-Jarf, cạnh Biển Đỏ. Văn bản trên giấy nói rằng vào năm thứ 27 dưới triều đại của Khufu, anh trai cùng cha khác mẹ của Pharaon là Ankhaf, lúc đó đang là tể tướng (quan chức cao nhất phục vụ nhà vua ở Ai Cập cổ đại) và là “người đứng đầu giám sát các công việc của nhà vua”.

Thiết kế của Đại kim tự tháp Giza
Thiết kế của Đại kim tự tháp Giza

Trong khi giấy cói nói rằng ông chính là người đứng ra giám sát việc xây dựng các kim tự tháp, thì có nhiều học giả lại cho rằng có thể là do một người khác phụ trách chứ không phải Ankhaf. Có thể là tể tướng Hemiunu, người phụ trách việc xây dựng kim tự tháp trong thời kỳ đầu của triều đại Khufu.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu các thiết kế quy hoạch phức tạp có thể có liên quan tới quá trình xây dựng kim tự tháp, trong đó chỉ định không những chỉ xây dựng mỗi các kim tự tháp mà còn xây dựng các công trình liền kề khác như các đền thờ, hố thuyền và nghĩa trang.

Một "hố thuyền" ở Giza
Một “hố thuyền” ở Giza

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng người Ai Cập có khả năng sắp xếp các cấu trúc theo hướng bắc rất chính xác, một điều có thể giúp ích trong việc lên kế hoạch xây dựng các kim tự tháp. Glen Dash, một kỹ sư nghiên cứu các kim tự tháp tại Giza thuộc Hiệp hội nghiên cứu Ai Cập cổ đại (AERA), nhận thấy rằng kim tự tháp của Khufu được căn chỉnh chính xác theo hướng bắc mà độ sai số chỉ là 1/10 độ.

Làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể làm được như vậy vẫn là một ẩn số. Trong một báo cáo được công bố gần đây trên bản tin AERA, Dash đã viết rằng có thể họ đã dựa vào chu kỳ di chuyển của ngôi sao Bắc Đẩu để làm thước đo căn chỉnh cho kim tự tháp.

Vật tư và thực phẩm

Trong vài năm qua, các nhà khảo cổ học cùng với AERA đã khai quật và nghiên cứu một bến cảng tại Giza rất có thể đã được sử dụng để vận chuyển vật tư, thực phẩm và con người. Các tài liệu tìm thấy tại Wadi al-Jarf ám chỉ tầm quan trọng của các bến cảng tại Giza, trong đó nói rằng các khối đá vôi được sử dụng để làm phần bên ngoài của kim tự tháp, đã được vận chuyển từ mỏ đá đến các địa điểm xây kim tự tháp chỉ trong vài ngày bằng thuyền.

Mô phỏng một bến cảng tại Giza
Mô phỏng một bến cảng tại Giza

Bến cảng mà các nhà khảo cổ học AERA tìm thấy tọa lạc tại một thị trấn được xây dựng gần kim tự tháp của Menkaure. Thị trấn này có những ngôi nhà khá lớn dành cho các quan chức cấp cao, một tổ hợp doanh trại có khả năng là nơi đóng quân và các tòa nhà nơi chứa số lượng lớn con dấu đất sét (được sử dụng để lưu giữ hồ sơ). Còn công nhân thì ngủ trong các ngôi nhà bình dân gần kim tự tháp.

Các nhà khảo cổ học đã đưa ra ước tính quy mô về số nhân công tại Giza đâu đó khoảng 10.000 người để xây dựng cả 3 kim tự tháp và đều được cho ăn uống đầy đủ. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2013, Richard Redding, giám đốc nghiên cứu của AERA, và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng số lượng thực thịt (dê và cừu) để cung cấp cho các công nhân trung bình mỗi ngày là hơn 1.800kg.

Redding cũng phát hiện ra rằng gia súc được vận chuyển vào từ các khu vực đồng bằng sông Nile và được nhốt trong chuồng cho đến khi chúng bị giết thịt và cung cấp cho công nhân. Redding cho biết chế độ ăn uống giàu thịt của công nhân có thể là nguyên nhân khiến mọi người làm việc trên các kim tự tháp, Redding nói “Họ có thể có chế độ ăn uống tốt hơn nhiều so với khi sống trong làng”, Redding nói với Live Science năm 2013.

Khai thác đá

Mark Lehner, một nhà Ai Cập học, người đứng đầu AERA, và kỹ sư David Goodman, cho biết rằng nhiều khối đá được sử dụng để xây kim tự tháp của Khufu được khai thác từ một mỏ đá hình móng ngựa nằm ở phía nam của kim tự tháp. Họ đã công bố những phát hiện của họ vào năm 1985 trên tạp chí Mitteilungen des Deutschen Archäologischen Instituts.

Các nhà nghiên cứu cho biết công nhân đã sử dụng các khối đá được khai thác từ một mỏ đá nằm ở phía đông nam để xây dựng kim tự tháp của Menkaure. Tuy nhiên, vẫn không rõ mỏ đá nào được khai thác để xây kim tự tháp của Khafre.

Các tài liệu cổ tìm thấy tại Wadi al-Jarf nói rằng đá vôi được sử dụng để xây phần ngoài của kim tự tháp được lấy từ một mỏ đá nằm ở Turah, gần Cairo ngày nay, và được chuyển đến Giza bằng thuyền dọc theo sông Nile và một loạt các kênh đào. Một chuyến đi như vậy sẽ mất 4 ngày.

Vị trí của mỏ đá Turah
Vị trí của mỏ đá Turah

Di chuyển các khối đá

Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên tạp chí Physical Review Letters, một nhóm các nhà vật lý đến từ Đại học Amsterdam phát hiện ra rằng, người Ai Cập có thể đã sử dụng những chiếc xe trượt lớn bằng gỗ để di chuyển (kéo hoặc đẩy) các khối đá trên đất liền. Rất có thể cát ướt hoặc thứ gì đó được sử dụng ở phía trước của xe nhằm làm giảm bớt ma xát, giúp xe di chuyển được dễ dàng hơn.

Cách mà công nhân di chuyển các khối đá
Cách mà công nhân di chuyển các khối đá
Mô phỏng một xe trượt bằng gỗ
Mô phỏng một xe trượt bằng gỗ

Hóa ra việc làm ướt cát sa mạc Ai Cập có thể làm giảm ma sát khá nhiều, điều đó có nghĩa là bạn chỉ cần một nửa số người để kéo một chiếc xe trên cát ướt so với cát khô”

Daniel Bon, giáo sư vật lý tại Đại học Amsterdam và cúng là tác giả chính của nghiên cứu, nói với Live Science vào năm 2014.
Một đường dốc sẽ được dùng để di chuyển đá lên trên
Một đường dốc sẽ được dùng để di chuyển đá lên trên

Hầu hết các nhà Ai Cập học đều đồng ý rằng khi những khối đá được đưa đến kim tự tháp, một hệ thống đường dốc sẽ được sử dụng để vận chuyển những viên đá lên. Tuy nhiên, các nhà Ai Cập học không chắc chắn các đường dốc này được thiết kế như thế nào. Chỉ có một ít số bằng chứng về các đường dốc này còn tồn tại, nhưng cũng có một vài thiết kế giả thuyết đã được đưa ra trong vài thập kỷ qua.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến bài viết của chúng tôi.

Theo Live Science

3.7/5 - (4 bình chọn)
  • Facebook
  • Tweet
  • Pin it
  • LinkedIn
  • Tumblr

Từ khóa » đá Xây Dựng Kim Tự Tháp