Gọi Bạn Là Bồ - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
"Bây giờ, nói thiệt anh ba/ Thương qua để dạ đừng qua lậu tình". Lậu/lạu là lộ, không kín đáo; còn nghĩa là rỉ, nhỏ giọt. Có thương thì để trong bụng, đừng chớn cháo qua lại mà người ngoài hay biết. "Qua" là tôi, tiếng xưng thân mật với người vai vế ngang hàng hoặc thấp hơn mình.
"Cỏ mọc bờ giếng cheo leo/ Lâm chung có bậu, hiểm nghèo có qua". Bậu là bạn cũng có lúc gọi "em bậu". Ca dao có câu: "Chim chuyền nhành ớt líu lo/ Cảm thương em bậu ốm o gầy mòn". Từ "em bậu" nghe da diết, thân thương quá đỗi.
Từ "qua" ấy, sực nhớ ở Quảng Nam có vế đối: "Con gái La Qua, qua hôn, qua hít, qua vít, qua véo, qua chọc, qua ghẹo, qua biểu em đừng có la qua". Trả lời sao làm sao?
Thì đây, "Con gái Phước Chỉ, chỉ xấu, chỉ xa, chỉ lười, chỉ nhác, chỉ bài, chỉ bạc, chỉ có chồng là may phước chỉ" (chỉ: chị ấy). Cũng là một cách đùa nghịch, chơi chơi tếu táo chứ trước mặt người khác, nào có ai dám mạnh miệng đến thế.
Còn vế ra này, đến nay nhiều người vẫn bí rị: "Hôm qua, qua nói qua qua mà qua không qua; hôm nay, qua không nói qua qua mà qua qua".
Qua còn có nghĩa là từ vị trí này sang vị trí khác. "Qua đình ngã nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói em thương mình bấy nhiêu", có lẽ đây là một trong những câu ca dao diệu vợi nhất bởi gắn với hình ảnh đình làng rất quen thuộc.
Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A. De Rhoses còn ghi nhận thêm: "Mớ qua: Chúng tôi, khi nhiều người có địa vị cao hơn nói với những người dưới hay một người nói thay cho tất cả". Nói tắt một lời, lối xưng hô thân mật "qua, bậu" đã xuất hiện từ đời bà cố Hỷ, tuy nhiên, nay gần như ít ai sử dụng.
Có phải do "bậu-bạn" dần dà về sau được nói trại thành "bầu-bạn"? Không dừng lại đó, trong Tầm nguyên từ điển Việt Nam (NXB TP.HCM-1993), nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ còn cho rằng: "Trại "bầu" ra "bồ" là "bồ bạn", đồng âm với "bồ" là cái "bị lớn" và "bồ bịch" là dụng cụ đựng thóc lúa.
Theo đó, nên nói "họ là bậu bạn" lại nói "họ là bồ bịch" với nhau".
Suy luận này có phù hợp với thói quen sử dụng lời ăn tiếng nói của người Việt hay không? Ông Trụ quả quyết rằng có và dẫn chứng: "Cũng theo lối đó, ta thấy "bầu cử" thành "bầu bí", "hương hào" thành "hương hào hương vũng", "láu cá" thành "láu cá láu tôm"… (tr.67).
Cách giải thích thuyết phục quá, phải không?
Tuy nhiên, nhà văn Dương Thiệu Thanh lại cho rằng: "Gọi bạn là bồ: trước đây ở ngoài Bắc không ai gọi bạn là "bồ" cả, từ khi di cư vào Nam, tiếng "bồ" được nói đến tại Sài Gòn.
Kẻ viết rất thích thú khi có dịp dùng tiếng này, bởi trước các bạn thân ở Paris hồi đó (khoảng thập niên 1930) cũng đã dùng tiếng bồ để gọi nhau, và cũng do các bạn làm dưới tàu phiên âm chữ pot (mon pot) thành ra bồ cũng như chữ Américain thành ra Kẻng". (Mấy chàng "trai thế hệ… trước, Sài Gòn-1969, tr. 218).
Mon pot có nghĩa là vại, bình, nồi của tôi - tức vật dụng dùng để đựng cái gì đó, tương tự chức năng của "bồ" là cái "bị lớn".
Vậy "bồ" khác "bị" thế nào? "Bị" là cái túi đựng đan bằng cót, lác, gai, may bằng vải có quai để xách để mang.
Thú vị là "bị" một khi đã đi chung với "gậy" lại trở thành "đạo cụ" của kẻ ăn mày. "Lấy anh, anh sắm đồ cho/ Sắm bị, sắm gậy, sắm mo đuổi ruồi"; "Ăn mày cầm tinh bị gậy".
Có điều lạ, "bồ" na ná "bị" như ta đã biết, tại sao không đi chung với nhau để trở thành "bồ bị" mà dứt khoát phải "bồ bịch"?
Khi đưa ra cả hai lý giải trên về từ "bồ", ta thấy rằng, chỉ một từ trong tiếng Việt, để truy tìm về nguồn gốc ra đời của nó cũng không dễ dàng chút nào.
Ai cũng biết, bồ là đồ dùng đan bằng tre, nứa, hoặc dùng cốt tre cuốn tròn dựng lên để chứa đựng lúa thóc, thế nhưng "bồ" cũng hiểu nghĩa là bù: "Đưa em cho tới làng Hồ/ Em mua trái mít, em bồ trái thơm". Bồ là "bù" cũng còn có nghĩa như "bổ" là châm thêm cho đồng đều, đầy đủ.
Khi nghe câu ca dao: "Bởi anh chăm việc canh nông/ Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài", hoàn toàn khác nghĩa với bồ bịch trong mẩu đối thoại: "Tay X kia bồ bịch gì chưa?", "Ối dào, thằng chả đào hoa ra phết. Bồ trong bịch ngoài đầy nhóc".
Bồ bịch, tùy ngữ cảnh có thể hiểu là tình nhân, bè bạn cùng trang lứa thân thiết, chí cốt; "bắt bồ/ cặp bồ" là kết bạn với nhau. Mà "bạn", nếu cần thiết còn có thể dùng từ "bọn" - chỉ người cùng phe.
Có những quý ông luống tuổi nhưng vẫn khoái "Già chơi chơi trống bỏi" thì cô nhân tình ấy được gọi bồ nhí, "nhí" là nhỏ/ nhỏ tuổi, chứ không phải nhỏ con.
Đã đành, bồ đi chung với bịch, nay lại lòng thòng với "tèo" để có "bồ tèo" - cùng nghĩa như bồ bịch. Vì sao chúng lại đi chung, có ai trả lời giúp chăng?
Từ khóa » Bồ Nhí Là Sao
-
Nhân Tình – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bồ Nhí Là Gì, Nghĩa Của Từ Bồ Nhí | Từ điển Việt - Việt
-
'bồ Nhí' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Bồ Nhí Nghĩa Là Gì
-
Bồ Nhí Có Nghĩa Là Gì - Bí Quyết Xây Nhà
-
Bồ Nhí - Vui Tý Mất Gì? :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
-
Bồ Nhí Là Gì? định Nghĩa
-
Top 14 Bồ Nhí Là Gì - Mobitool
-
Từ điển Việt Trung "bồ Nhí" - Là Gì? - Vtudien
-
Bồ Nhí Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Bồ Nhí Mang Bầu Tìm đến Tận Nhà, Chồng 'tím Mặt' Tìm Lý Do Thanh ...
-
Vợ Gặp Chồng Và Bồ Nhí ở Sân Bay Sau 6 Tháng 'mất Tích'
-
Nhí Nghĩa Là Gì? - Từ-điể