Gói Hỗ Trợ 26.000 Tỷ đồng Có Giải Ngân được Như Kỳ Vọng?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 với trị giá 26.000 tỷ. Trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp, gói hỗ trợ này càng được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, với điều kiện đơn giản hơn, dễ tiếp cận hơn gói hỗ trợ trước, liệu gói hỗ trợ này có giải ngân được như kỳ vọng. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quang Tú-Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- PV: Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 với trị giá 26.000 tỷ, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Ông nhận định như thế nào về gói hỗ trợ này?

- Ông Phạm Quang Tú: Trước tiên, Tổ chức Oxfam hoan nghênh Việt Nam tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lần thứ 2 đối với các đối tượng là người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Điều này thể hiện chính sách nhân văn của Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch với tinh thần đã đề ra “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Chúng tôi cũng đánh giá cao đối tượng được hưởng lợi chính sách lần này được mở rộng và đặc biệt ghi nhận Chính phủ đã đưa nhóm đối tượng lao động tự do vào trong Nghị quyết mặc dù theo dự thảo trình ban đầu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì đối tượng này không phải là đối tượng được đưa vào trong dự kiến ban đầu.

Đây là đối tượng qua quan sát và nghiên cứu của chúng tôi, đây là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhiều nhất. Vì thế việc Chính phủ đã đưa nhóm đối tượng này vào danh sách hưởng lợi là quyết định rất chính xác và rất đáng hoan nghênh.

- PV: Vậy theo ông, việc xác định các đối tượng cần được hỗ trợ lần thứ hai cần được thực hiện như thế nào để tất cả các đối tượng đủ điều kiện đều được tiếp cận nhanh nhất, đơn giản nhất như nội dung Nghị quyết nêu?

- Ông Phạm Quang Tú: Nghị quyết 68 đã nêu rõ các đối tượng rồi, tuy nhiên còn một số đối tượng nữa mà theo chúng tôi là chưa được bao gồm trong Nghị quyết này. Ví dụ như người nông dân sản xuất mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid do bị hạn chế hoặc phong tỏa trong các vùng bị dịch, nông sản của họ không được tiêu thụ hoặc tiêu thụ với giá thấp hơn giá thị trường hoặc thấp hơn cả giá sản xuất của họ, đó cũng là đối tượng cần được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết 68, cho đến nay các đối tượng đã được xác định và cơ bản làm sao chúng ta xác định đúng các đối tượng trong Nghị quyết này. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động có hợp đồng lao động bị mất việc hay bị gián đoạn công việc thì tôi nghĩ rất dễ xác định bởi đó là nhóm mà có đăng ký như doanh nghiệp có đăng kí kinh doanh, có khả năng chứng minh được thiệt hại của họ.

Quan trọng nhất là đối tượng người lao động tự do thì rõ ràng cần cải tiến quá trình xét điều kiện cũng như quá trình xác định nhóm đối tượng này. Bởi vì bài học kinh nghiệm của gói hỗ trợ lần thứ nhất, rất nhiều người lao động tự do, lao động phi chính thức đủ điều kiện để được hưởng lợi từ gói hỗ trợ, tuy nhiên do thủ tục, giấy tờ chứng minh điều kiện của mình, đối tượng đáng được hưởng lợi lại không được hưởng.

- PV: Theo quy định tại Nghị quyết 68, đối tượng lao động tự do sẽ do mỗi địa phương thực hiện tùy theo ngân sách địa phương với mức hỗ trợ không thấp hơn 1 triệu đồng/người. Điều này có thỏa đáng không, thưa ông?

- Ông Phạm Quang Tú: Về số tiền hỗ trợ, tôi thấy rất là thấp. Thực tế, trong lần hỗ trợ thứ nhất, con số cao hơn, có thể là 1 triệu rưỡi-2 triệu nhưng do thủ tục khá phức tạp, cộng với số tiền hỗ trợ không nhiều cho nên có nhiều trường hợp người lao động họ không nộp hồ sơ vì số tiền đó không đáng hoặc không đủ lớn để hỗ trợ gia đình họ và so với chi phí về thời gian làm hồ sơ, giấy tờ quá nhiều nên họ quyết định không nộp hồ sơ nữa.

Đó là lý do vì sao mà gói hỗ trợ lần thứ nhất đối với lao động di cư, tỷ lệ hỗ trợ và giải ngân rất thấp. Chính vì vậy mức hỗ trợ không thấp hơn 1 triệu đồng trong Nghị quyết 68 cần cân nhắc, có thể cần tăng hơn. Song song với đó, thủ tục cần phải đơn giản, linh hoạt.

Chúng ta không đánh giá họ thiệt hại nhiều, thiệt hại ít, bị tác động nhiều hay ít, bởi khi nói đến mức độ tác động thì chúng ta phải đánh giá, mà khi đánh giá phải sử dụng phương pháp rất phức tạp để xác định anh bị ảnh hưởng đến mức độ nào. Nhưng nếu chỉ cần có ảnh hưởng là được hỗ trợ thì sẽ dễ dàng hơn và đơn giản hơn.

Như vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm thực hiện chính sách này cũng tự tin hơn trong quá trình thực hiện. Bởi như kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ lần thứ nhất, nhiều cán bộ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn phụ trách vấn đề này họ rất lo lắng về trách nhiệm có xác định đúng hay không đúng đối tượng.

- PV: Đối tượng mở rộng cũng kéo theo những lo ngại về việc xảy ra hiện tượng trục lợi, theo ông cần có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

- Ông Phạm Quang Tú: Việc trục lợi chính sách, đưa ra danh sách chồng chéo cũng có thể xảy ra ở địa phương này, địa phương kia, lúc này hay lúc khác. Để giảm thiểu vấn đề này, cái đề xuất đầu tiên là phương pháp làm việc liện ngành, làm việc theo hình thức tổ công tác như UBND phường, tổ chức đoàn thể, mặt trận tổ quốc, tổ dân phố. Tức là phải làm việc chung, đối chiếu thông tin và xác nhận thông tin giữa các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm khác nhau.

Như vậy ở bước đầu tiên nó sẽ giảm thiểu được rủi ro là trục lợi bởi một cá nhân hay tổ chức nào đấy. Bởi khi mình giao cho một cá nhân hay một tổ chức, nếu không có sự kiểm tra, tham gia giám sát của nhóm khác thì sẽ không hiệu quả và nguy cơ trục lợi rất cao. Đối với lao động di cư, như tôi đã nêu, cần kiểm tra chéo thông tin giữa địa phương có lao động đi và địa phương có lao động đến, với cách đó sẽ làm cho thông tin chúng ta một lần nữa được kiểm tra đối chiếu, nguy cơ trùng lặp và trục lợi lần thứ hai được giảm.

Điều quan trọng nữa là Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cần xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến, tính theo thời gian thực, có nghĩa khi có bất cứ người lao động nào đăng kí nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ này, lập tức thông tin người đó sẽ hiện thị trên trực tuyến. Như vậy, người đó nếu muốn nhận hỗ trợ lần 2 lập tức sẽ bị trùng, hệ thống báo lỗi, chúng ta sẽ loại trừ được những kẻ lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

Xin cảm ơn ông!./.

Đọc bài phỏng vấn trên VOV tại đây.

Từ khóa » Những đối Tượng được Hỗ Trợ Gói 26 Nghìn Tỷ