Gọi Tên Các "F" Trong Truy Vết COVID-19: Còn Nhiều Bất Cập

Gọi tên các "F" trong truy vết COVID-19: Còn nhiều bất cập
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: PĐ.

Cứ có ca F0 lập tức sẽ có danh sách các F1, cần cách ly tập trung, hay cách ly y tế tại nhà (một số địa phương), có các địa bàn cần phong toả, kiểm soát; sau đó sẽ có danh sách các F2, cần giám sát y tế tại nhà, theo dõi sức khoẻ tại nhà thời gian cũng đã thay đổi nhiều từ cách ly tập trung 21 ngày, 14 ngày; hiện nay có nơi áp dụng 7 ngày, giám sát y tế tại nơi lưu trú 7 ngày, kèm theo số lần xét nghiệm có kết quả âm tính.

Những quy định hiện đang áp dụng

Nhiều bất cập đã và đang xảy ra trên mọi địa phương, tạo nên nhiều hệ luỵ như trốn cách ly, khai báo không trung thực, cực kỳ khó khăn trong truy vết, phong toả diện rộng, ngăn cấm đi lại, lưu thông, cần giấy xét nghiệm.

Theo quy định của ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều khái niệm về người nhiễm, nguồn lây song hành với các biện pháp kiểm soát từ tháng 3.2020 đến nay như sau:

Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát): Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với virus SARS-CoV-2.

F0: Ca bệnh xác định. Là người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của virus được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định. Những người này được cách ly, điều trị tại bệnh viện, tại cơ sở thu dung chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.

F1: Người tiếp xúc gần. Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

F2: Người tiếp xúc với (F1) (người tiếp xúc gần). Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế. Cách ly y tế tại nhà hay giám sát y tế tại nơi lưu trú.

F3: Người tiếp xúc với F2: Đeo ngay khẩu trang, báo cho cơ sở y tế gần nhất, tự cách ly, theo dõi tại nhà, tự báo cho F4 về tình trạng của mình.

F4, F5 là người tiếp xúc với F3, F4: Những người này cần tự cách ly, theo dõi ở nhà, báo cho cơ sở y tế gần nhất.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, với nhóm cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cần lưu ý chấp hành cách ly đúng theo quy định, tốt nhất cách ly ở phòng riêng.

Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người bệnh được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng...

Sự bất cập và thiếu khả thi

Các quy định trên trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả khá tốt khi số ca mắc ít, số ca mắc cộng đồng thấp, dịch bệnh chỉ khu trú ở một số ít địa phương hay địa bàn, còn khả năng cách ly tập trung hay đủ năng lực thu dung ca bệnh.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca cộng đồng nhiều, số ca nặng và tử vong nhiều, đặc biệt khi thông điệp 5K được người dân tự giác chấp hành ở tỷ lệ cao, mức độ bao phủ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao vượt quá 60-70%, thậm chí người trẻ từ 12-17 tuổi cũng đã được tiêm chủng vaccine thì những quy định trên bộc lộ nhiều bất cập, có thể là:

Sự phức tạp và thiếu cơ sở trong việc truy vết; khai báo không đầy đủ do thời gian quá dài; khai báo không trung thực vì sợ phải đi cách ly (người ta không sợ nhiễm bệnh mà sợ phải đi cách ly?); sự kỳ thị và xa lánh của cộng đồng; lây nhiễm chéo trong khu cách ly; giám sát y tế tại nhà không đảm bảo làm cho việc truy vết các F trở nên khó khăn, sai sót, nhầm lẫn, quy mô phong toả rộng nên nhiều người, nhiều địa bàn tìm cách khai báo gian dối, không rõ ràng, thiếu bằng chứng.

Làm mất hoặc giảm giá trị thật sự của thông điệp 5K, khi mọi người đã tự giác chấp hành và thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm của COVID-19 giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, việc áp đặt các "F" cho người tiếp xúc làm cho ý nghĩa của 5K không còn nữa, cứ cho là có tiếp xúc nhưng có đeo khẩu trang, khoảng cách xa, thời gian ngắn thì nguy cơ lây nhiễm không có hoặc rất thấp, hà cớ gì người ta trở thành F1?

Làm giảm niềm tin của người dân vào mục tiêu tiêm chủng của nhà nước, vì dù đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, thậm chí là đã tiêm đủ 2 mũi rồi nhưng vẫn là F1, F2? Vậy, việc tiêm chủng còn có ý nghĩa gì?

Bài 2: Thực tế và đề xuất 

Từ khóa » F4 Thành đô Bất Nhiễm