Gom Rơm Khô Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày - VietNamNet

Việc thu mua rơm rạ vừa khắc phục tình trạng đốt bỏ lãng phí, ô nhiễm môi trường vừa mang về thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông, từ bé, anh Vũ Văn Duy (trú tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đã gắn bó với đồng ruộng, với những cây rơm cao ngút góc vườn dùng để đun nấu và cho trâu bò ăn.

Thế nhưng, lớn lên, xã hội phát triển, bếp rơm thay bằng bếp ga, bếp điện; trâu bò chăn nuôi nhỏ lẻ không còn mà thay vào đó là nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Vì thế, sau mỗi vụ mùa, người dân quê anh và khắp các tỉnh lân cận thi nhau đốt bỏ rơm ngay tại cánh đồng.

{keywords}
Tình trạng đốt bỏ rơm ngay tại cánh đồng gây ô nhiễm không khí, mất an toàn giao thông và gây lãng phí.

“Tôi tiền sử mắc bệnh hen suyễn nên dị ứng khói bụi, mỗi lần người dân đốt rơm, khói bay vào nhà rất khó chịu nên luôn trăn trở làm sao cho người dân không đốt rơm nữa”, anh Duy nói.

Qua tìm hiểu, anh Duy được biết một số trang trại chăn nuôi trâu bò phải tìm mua rơm tận miền Nam vận chuyển ra Bắc để làm thức ăn cho chúng vào mùa đông. Vậy là hành trình làm rơm cuộn ở khu vực miền Bắc bắt đầu.

“Mỗi mùa gặt, tôi đi xin rơm khắp các cánh đồng rồi thuê máy cuộn rơm đến từng ruộng cuộn mang về. Nhà nào cho thì lấy, nhà nào bán thì mua, đi đến đâu tôi cũng giải thích cho mọi người tác hại của việc đốt rơm rạ. Dần dần,họ thấy bán rơm cho thêm thu nhập nên không đốt nữa”, anh Duy chia sẻ.

{keywords}
Suốt 4 năm qua, anh Duy đi khắp các cánh đồng thu mua rơm rạ để hạn chế tình trạng đốt bỏ của bà con.

Bắt tay vào làm, công việc không hề đơn giản, anh Duy phải đi khắp nơi thuyết phục người dân bán rơm cho mình. Nhiều người vẫn giữ thói quen đốt đồng nên không bán. Thuyết phục mãi họ đồng ý thì phải xem chân ruộng cao hay thấp, rơm đẹp hay xấu để quyết định giá cả. Cuộn rơm xong anh lại thuê xe vận chuyển chất thành đống, ai mua thì mang bán quanh năm.

“Mỗi cuộn sẽ được bán với mức giá dao động từ 27.000-30.000 đồng. Rơm đẹp là rơm loại 1 tôi cuộn lại rồi bán cho các trang trại làm thức ăn cho trâu bò. Rơm xấu tôi bán cho các trang trại làm nấm, ủ gốc cây, nuôi giun quế”, anh Duy cho hay.

{keywords}
Những chiếc máy cuốn rơm đã dần dần trở thành hình ảnh quen thuộc trên các cánh đồng.

Từng coi là công việc thời vụ bởi 1 năm miền Bắc chỉ có 2 mùa lúa, công việc thu mua rơm rạ của anh Duy cũng chỉ kéo dài trong thời gian chừng 1-2 tháng. Đến nay, nhờ tận dụng các phụ phẩm, phụ phẩm tron nông nghiệp để tái sinh thành sản phẩm có ích mà rơm rạ đã trở thành “nghiệp”, trở thành công việc chính giúp anh có thu nhập ổn định.

{keywords}
Dự kiến năm 2020, sản lượng rơm rạ được anh Duy thu mua và tiêu thụ lên tới 200 tấn.

Năm 2017, sản lượng rơm được anh Duy thu gom và bán ra là 30 tấn, đến năm 2019 cơ sở của anh đã cung cấp gần 180 tấn rơm cho hơn 200 trang trại khắp miền Bắc và miền Trung như Ba Vì, Mộc Châu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… mang về thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng từ công việc bán rơm.

Ngoài rơm rối từ máy giặt liên hợp cung cấp làm thức ăn cho gia súc, làm phôi nấm, năm 2020, anh Duy tiếp tục phát triển sản phẩm tấm dệt, dây rơm để sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, trang trí phục vụ cho các du du lịch và xuất khẩu.

{keywords}
Rơm rối cung cấp làm thức ăn gia súc.

“Trước khi làm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thu về bao nhiêu tiền mà nghĩ, mình có sức khỏe,  đam mê và đôi bàn tay, khi nào còn rơm rạ còn đốt là tôi còn làm. Công việc gì cũng có cái khổ, cái khó, phải mất công mất sức thì khi đạt thành quả mới biết trân trọng”, anh Duy bộc bạch.

Khi cung cấp rơm cho các trang trại chăn nuôi, anh Duy còn liên kết mua lại phân trâu bò, giới thiệu sản phẩm cho một số đơn vị nuôi giun hoặc trồng cây. Tiếp đó, anh lại mua phân giun, giun khô để cung cấp cho các đơn vị làm thức ăn chăn nuôi và làm nông nghiệp công nghệ cao.

{keywords}
Rơm có thể làm tấm dệt và dây rơm phục vụ cho sản xuất thủ công mỹ nghệ.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở.

“Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên. Người bị bệnh luôn thiếu ôxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi”, TS. Hoàng Lương Tùng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu sử dụng rơm rạ vào những việc hữu ích hơn, không gây ô nhiễm môi trường.

(Theo Dân Việt)

Từ khóa » Thu Mua Rơm Rạ