Gốm Việt Nam - Một Truyền Thống Riêng Biệt

Đồ gốm thời tiền sử ở Việt Nam đều là gốm mộc, nặn bằng tay, được nung ở ngoài trời với nhiệt độ khoảng 700oC, xương gốm thô, chủ yếu được làm từ đất trộn với vỏ nhuyễn thể và bã thực vật. Hoa văn trang trí đơn giản ở phía ngoài như các vạch chéo, văn sóng nước, văn chải răng lược... Các hoa văn này được tạo ra khi sản phẩm còn ướt, một số được tạo bằng bàn dập hoặc dùng que nhọn để vẽ, vạch. Theo từng bước phát triển, sang thời đại kim khí, đồ gốm truyền thống Việt đã có những bước chuyển mới, từ kỹ thuật nặn tay đã chuyển sang kỹ thuật tạo hình bằng bàn xoay, tạo nên sự phong phú về chủng loại và kiểu dáng của sản phẩm, tiêu biểu là những đồ gốm giai đoạn Tiền Đông Sơn (văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun). Bên cạnh các sản phẩm đun nấu còn thấy những sản phẩm gốm để chứa đựng, dụng cụ ăn uống, trang sức, công cụ lao động và gốm mỹ thuật. Có thể nói, từ khi ra đời, đồ gốm đã trở nên phổ biến, giữ vai trò chủ đạo và luôn là một nghề thủ công có vị trí xứng đáng trong đời sống của cư dân thời tiền - sơ sử.

Mô hình nhà, thế kỷ 1 - 3

Tuy nhiên, phải đến những thế kỷ đầu Công nguyên, nghề làm gốm Việt Nam mới có bước nhảy vọt đáng kể về công nghệ. Giai đoạn này, cùng với những kỹ thuật mới trong chế tác đồ gốm được phổ biến ở Trung Hoa như: làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đổ khuôn, tráng men và nung trong lò với nhiệt độ cao, người Việt với trình độ, kinh nghiệm truyền thống sẵn có, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa linh hoạt tiếp thu những yếu tố kỹ thuật mới, tạo nên những đồ gốm mang sắc thái riêng biệt, làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà và trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục.

Nếu như thời Đông Sơn trước đó, chúng ta chưa phát hiện được một trung tâm sản xuất nào, bởi những sản phẩm gốm chủ yếu là tự túc, tự cấp, không có sự chuyên biệt, quy trình sản xuất đơn giản và gọn nhẹ, thì đến giai đoạn này, hàng loạt trung tâm sản xuất gốm có quy mô lớn đã ra đời. Những lò gốm ở Tam Thọ (Thanh Hóa), Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh)… xuất hiện cùng với sự chuyển biến từ kỹ thuật sản xuất đồ gốm đất nung không men sang đồ gốm có men, được những người thợ thủ công Việt với thợ gốm người Hán thực hiện nung trong lò cóc, lò ống, với quy trình và tổ chức sản xuất khoa học và tiên tiến. Họ tạo ra những đồ dùng bằng gốm với nhiều loại hình và kiểu dáng rất phong phú, nhiệt độ nung cao, trên 1.000oC. Kết quả khai quật khảo cổ học khu lò gốm Tam Thọ cho thấy có sự phân công lao động mang tính chuyên môn hóa cao. Tại đó, các nhà khảo cổ đã xác định được những khu vực sản xuất chuyên biệt, như: nơi luyện đất, nơi tạo dáng (xương gốm), nơi phơi gốm, nơi nung… Đồ gốm thời kỳ này có xương gốm dày, cứng; men mỏng, thường không phủ hết đồ vật, men màu vàng ngà, trắng nhạt, trắng xám; trang trí văn in nổi ô trám, hoa văn xương cá hoặc lá dừa, hình thoi, chữ S, văn chải, văn sóng nước... một số ấm, âu, hũ có trang trí hình cánh sen, chim, cá, đầu gà, đầu voi. Nhiều loại hình đồ vật được làm phỏng theo hình dáng của các đồ đồng đương thời như hoà (), nhĩ bôi ( ), liêm () hình trụ, bình con tiện, bình có quai, bát chân cao...

Bình hình thú (Hổ tử), thế kỷ 1 - 3

Có thể nói, mặc dù có sự ảnh hưởng về phong cách và kỹ thuật ngoại lai, nhưng nguyên liệu chế tạo xương và men của đồ gốm thời kỳ này được khai thác tại chỗ; nhiều loại hình nồi, vò, vẫn giữ được nguyên dáng của truyền thống gốm Đông Sơn trước đó. Do vậy, khi nghiên cứu về gốm Việt Nam giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên, các nhà nghiên cứu của Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Trung Quốc lục địa, cũng phải thừa nhận rằng, họ không nhìn thấy sự giống nhau giữa gốm thời Đông Hán ở Trung Nguyên với gốm Việt. Đây quả là sự tài tình của cha ông chúng ta trong giai đoạn chuyển biến lớn của nghề làm gốm, vừa giữ gìn bản sắc, vừa lựa chọn tiếp thu kỹ thuật bên ngoài, để tạo nên nền móng vững chắc cho kỹ thuật gốm men truyền thống Việt Nam.

Vò gốm, thế kỷ 5 - 6

Thế kỷ 10 là một bước ngoặt lịch sử. Nước Đại Cồ Việt giành độc lập tự chủ, mở ra thời kỳ phục hưng của văn hóa Đại Việt. Nghề làm gốm thời Lý - Trần có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá, tạo nên bản sắc riêng với loại hình phong phú, trang trí đa dạng, độc đáo về mỹ thuật.

Về kỹ thuật, lò nung gốm thời Lý - Trần có một bước tiến lớn như việc sử dụng các lò cóc, lò nằm, có khi cả lò rồng để nâng nhiệt độ nung cho sản phẩm lên đến 1.200ºC - 1.280ºC. Việc sử dụng kỹ thuật nung chồng bằng con kê được ứng dụng rộng rãi đối với nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng bao nung đã cho thấy đạt trình độ sản xuất gốm cao cấp. Nhiều địa phương đã phát hiện các lò sản xuất gốm như ở Thăng Long (Hà Nội), Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình... chứng tỏ sự hình thành nghề làm gốm tập trung và mang tính chuyên nghiệp.

Liễn và ấm men trắng, thế kỷ 11 - 13

Ấm hình vẹt, gốm men trắng, thế kỷ 12 - 13

Thời Lý - Trần, các dòng gốm men Việt Nam đã được định hình: gốm men ngọc, men trắng, men nâu, men lục, hoa nâu và men hoa lam (tiền lam). Đó là những dòng gốm dường như đều thấy xuất hiện trong phức hợp gốm sứ của Trung Hoa, thế nhưng, gốm men Việt Nam đã một dòng chảy riêng biệt với nhiều bản sắc về loại hình và trang trí mỹ thuật. Với dòng gốm men ngọc, nếu như ở thời Tống - Nguyên của Trung Hoa chỉ có một màu ngọc (màu ngọc bích ở giai đoạn sớm, chuyển dần sang màu ô liu vào giai đoạn muộn) và xương gốm nhiều cao lanh, cốt đanh, mịn (thường gọi là cốt đá - stone ware), sản phẩm được nung trong bao đơn chiếc hoặc úp vào nhau nên có số lượng ít, loại hình cao cấp, thường chỉ hướng tới đồ dùng phục vụ cung đình, tôn giáo và tín ngưỡng. Thì, ở gốm Đại Việt, màu sắc men ngọc lại vô cùng phong phú với các màu men xanh ngọc, xanh ngả màu vàng xám và màu vàng chanh… , chất liệu chủ yếu là đất sét pha ít cao lanh, lại được nung chồng xếp với các hòn kê 5 mấu, 3 mấu, vành khăn, còn để lại dấu tích trên sản phẩm, tuy thiếu thẩm mỹ nhưng với số lượng lớn sản phẩm gốm được nung đã đáp ứng được nhu cầu thị trường và dân chúng. Đồ gốm men trắng cũng vậy, tuy không có màu trắng trong, bóng như gốm Trung Hoa thời Tống - Nguyên, nhưng với chất men trầm, mộc mạc, đường nét uyển chuyển cùng những băng cánh sen đắp nổi trên nắp và bờ vai của các loại hình thạp, liễn, ấm … trong đồ gốm men thời Lý - Trần đã trở thành nét đặc trưng riêng có của đồ gốm Đại Việt.

Ấm men trắng, thế kỷ 12 - 13

Ấm men ngọc, thế kỷ 13 - 14

Đồ gốm hoa nâu (nền trắng hoa nâu và nền nâu hoa trắng) lại là một nét riêng khác. Đây là dòng gốm đặc trưng của Đại Việt mà không có một quốc gia nào trên thế giới có loại gốm này trong lịch sử gốm sứ của mình. Đó là kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền để tạo đồ án trang trí, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn màu nâu trên phần được cạo ấy. Với hai mảng màu trắng - nâu đối lập, cùng các hình khối được đắp, gọt, cắt, tỉa, người nghệ sĩ đương thời đã tạo nên những sản phẩm gốm vô cùng độc đáo, mới lạ, vừa mạnh mẽ, khỏe khoắn nhưng cũng đậm chất dân gian, giản dị. Sự khác biệt đó còn nằm ở hoa văn trang trí, với những đường nét phóng khoáng, không quy phạm và mang đậm đề tài Phật giáo (hoa sen, hoa cúc) - một tôn giáo ở hai thời Lý - Trần được coi là quốc giáo. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu hình dáng và hoa văn trên gốm hoa nâu thời Lý - Trần, các nhà nghiên cứu còn nhận ra nhiều yếu tố hoa văn của nghệ thuật trang trí trên đồ đồng Đông Sơn, có niên đại hơn 1.000 năm trước đó. Thạp gốm hoa nâu như hình thạp đồng dáng quả nhót cùng các băng hoa văn vòng tròn tiếp tuyến, văn kỷ hà, chữ S gấp khúc… hay những hình người, muông thú, thủy tộc xuất hiện với tần xuất dầy qua những nét khắc vẽ sống động, đầy chất ngẫu hứng mà chúng ta đã được chiêm ngưỡng qua các mô tip trên đồ đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy, truyền thống văn hóa Đông Sơn còn được được kế thừa trong tiềm thức của các thợ thủ công Đại Việt. đã tạo cảm hứng nghệ thuật để những người thợ thủ công làm gốm thời Đại Việt, bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, tạo nên những sản phẩm gốm men Đại Việt độc đáo, đặc sắc, mang tính riêng biệt, tự tin song hành cùng với gốm Trung Hoa giai đoạn Tống - Nguyên.

Bát men lục, thế kỷ 13 - 14

Bát men ngọc vẽ hoa nâu dưới men, thế kỷ 13 - 14

Đồ gốm thời kỳ này được sản xuất phục vụ tiêu dùng từ cung đình đến dân gian, đồng thời một số loại hình gốm men đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Lịch sử từng ghi lại, từ đầu nhà Lý đã có nhiều nước tới buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ta như Trảo Oa (Java, Indonesia), Lộ Lạc, Xiêm La (Thái Lan)… Tới thế kỷ XII, các thuyền buồm ngoại quốc cập bến nước ta càng đông. Năm 1149, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Đồn (thương cảng mậu dịch đầu tiên của Quốc gia Đại Việt) để thuyền bè các nước vào ra buôn bán, chắc chắn trong quá trình giao thương, gốm sứ cũng là một trong những mặt hàng được trao đổi, tặng biếu. Cho tới nay, dọc hai bên bờ bến cảng Vân Đồn, Vạn Ninh (Móng Cái) và các khu tiền cảng ở Hoàng Tân (Yên Hưng), bến Bang, bến Gạo Rang (Hoành Bồ) thuộc tỉnh Quảng Ninh, khi nghiên cứu và khai quật, chúng tôi còn phát hiện nhiều mảnh gốm thời Trần, như gốm men ngọc, men trắng, men nâu, hoa nâu, tiền lam… là dấu tích sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của Đại Việt. Những mảnh gốm men đầu thế kỷ 14 phát hiện ở Nhật Bản tại vùng Kanzeon-ji, Dazaifu, tỉnh Fukuoka, đảo Kyushu hay tại Nakijin Gusuku, thuộc Ryukyus, đảo Okinawa… là minh chứng rõ nét cho hoạt động thương mại xuất khẩu gốm sứ Đại Việt trong giai đoạn này.

Ấm hoa nâu, thế kỷ 12 - 13

Ấm men nâu, thế kỷ 13 - 14

Đến thời Lê sơ, thế kỷ 15, gốm Việt Nam có bước chuyển mới, được xem là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hoá, nhiều chủng loại đồ gốm đã có sự cách tân, đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Sự cách tân, đổi mới đó được đánh dấu bằng sự ra đời của ba dòng men mới so với truyền thống gốm men Đại Việt trước đó: gốm men trắng vẽ lam, gốm men đa sắc có vẽ vàng kim và men trắng văn in.

Ấm và Kendy men trắng vẽ lam, thế kỷ 15

Gốm men trắng vẽ lam xuất hiện từ thời cuối Trần, nhưng đến đầu thời Lê sơ mới nở rộ và trở thành mặt hàng chủ yếu trên thị trường. Những chứng tích vật chất được tìm thấy ở khu lò gốm Chu Đậu (Hải Dương), Thăng Long (Hà Nội) đã thể hiện đầy đủ diện mạo trên con tàu cổ đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được khai quật từ năm 1997 - 1999. Có thể nói, với 240.000 hiện vật được trục vớt, qua nghiên cứu đã xác định đầy đủ nhất diện mạo của gốm men Đại Việt thời đại này nói chung và gốm men trắng vẽ lam nói riêng. Trên con tàu, còn phát hiện được gốm men đa sắc (tam thái, ngũ thái), sản phẩm được sản xuất tại Chu Đậu và Thăng Long được đem đi xuất khẩu. Đặc biệt, men tam thái, ngũ thái của đồ gốm thời Lê sơ tìm thấy trên tàu Cù Lao Chàm có vẽ những đường hoa văn bằng vàng kim, khẳng định một thành tựu riêng có của gốm Đại Việt thế kỷ 15. Trên con tàu, cũng tìm thấy đồ gốm men trắng văn in, có xương mỏng như giấy, thấu quang, đã từng xuất hiện trong Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa), có hoa văn rồng 5 móng in nổi, như một chứng tích của đồ dùng Nhà vua thời ấy, nay tìm thấy ở tàu Cù Lào Chàm với số lượng ít, phẩm cấp và chất lượng thấp hơn, được giả thiết như những món quà tặng biếu của Vua Đại Việt đến các vương triều lân bang Đông Nam Á.

Lư hương gốm men lam xám, thế kỷ 16

Bên cạnh gốm men trắng vẽ lam, gốm men lam xám (được sản xuất chủ yếu ở vùng Chu Đậu (Hải Dương) xuất hiện vào thế kỷ 15 với số lượng hiếm hoi các loại hình: ấm, ang, bát, đĩa, chân đèn trang trí khắc chìm hay đắp nổi. Sang thời Mạc (thế kỷ 16), gốm men lam xám xuất hiện chủ yếu với các loại hình chân đèn, lư hương đắp hoặc đúc nổi rồng, mây đao mác, đôi chỗ có điểm men nâu vàng.

Điều đặc biệt, vào thời Mạc, nhiều loại hình đồ thờ bằng đồ gốm men trắng vẽ lam, gốm men lam xám và gốm men đa sắc có minh văn ghi niên đại sản xuất, tên người chế tác, người đặt hàng, người đóng góp cung tiến cùng địa chỉ của họ. Từ những dòng minh văn, chúng ta có được nguồn tài liệu đáng tin cậy cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế hàng hóa thủ công nghiệp đương thời, soi sáng nhiều vấn đề lịch sử xã hội khác như niên biểu chính xác của vương triều Mạc; biết đến các nghệ nhân làm gốm, trong đó có những người có nhiều sáng tác gốm như Đặng Huyền Thông (Chu Đậu), Đỗ Xuân Vi, Đỗ Phủ (Bát Tràng)…Đặc biệt, thông qua niên đại chính xác trên đồ gốm, chúng ta có được những thông tin chuẩn xác để xác định niên đại của các đồ gốm cùng loại hình, hoặc ngược lại, có thể xác định được niên đại của đồ gốm thông qua tên tuổi của nghệ nhân làm gốm…

Giai đoạn cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động lớn: nhà Thanh bãi bỏ chính sách cấm biển, đồ gốm sứ Trung Quốc tràn ngập thị trường Đông Nam Á; Nhật Bản đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước, trong đó có sản xuất gốm sứ; các nước phương Tây bắt đầu Cách mạng Công nghiệp với những nhu cầu hàng hoá mới. Trong nước, chính sách hạn chế ngoại thương của chính quyền Trịnh - Nguyễn (trong thế kỷ 18) và nhà Nguyễn (trong thế kỷ 19) đã làm cho quan hệ mậu dịch đối ngoại của Việt Nam sa sút và việc xuất khẩu đồ gốm suy giảm, do không đủ sức cạnh tranh trên thương trường. Đó là lý do khiến cho các trung tâm gốm xuất khẩu đã từng rất phát đạt trong các thế kỷ trước dần tàn lụi.

Trong bối cảnh đó, Bát Tràng - một làng gốm truyền thống có từ thế kỷ 14 cũng bị ảnh hưởng, thị trường gốm xuất khẩu không còn, nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có một thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những loại hình đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu. Vì vậy, Bát Tràng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay.

Gốm Bát Tràng có 5 dòng men, đặc trưng cho từng thời kỳ khác nhau: men trắng vẽ lam xuất hiện từ cuối thế kỷ 14 và tồn tại cho đến nay với màu lam có sắc xanh chì đến đen sẫm; men nâu cũng có từ giai đoạn đầu lập làng gốm Bát Tràng, nhưng chỉ tham gia điểm xuyến hoặc tạo nền cho các dòng men khác; men trắng ngà sử dụng phổ biến từ thế kỉ 17 đến 19, men mỏng, màu vàng ngà, bóng, thích hợp với các trang trí nổi tỉ mỉ; men ngọc được dùng kết hợp với men trắng ngà và nâu tạo ra một dòng men Tam thái rất đặc trưng của gốm Bát Tràng giai đoạn thế kỉ 16 - 17; men rạn là dòng men xuất hiện muộn nhất, từ cuối thế kỉ 16 và phát triển liên tục đến thế kỷ 19. Men rạn là một loại men độc đáo, rất nổi tiếng, được tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Vì thế, khi nhắc tới gốm Bát Tràng, người ta nghĩ ngay đến dòng gốm men rạn, đó như là “thương hiệu” truyền thống của gốm Bát Tràng.

Có lịch sử lâu đời và là một dòng chảy riêng biệt, hội tụ những tinh hoa văn hoá dân tộc, đồ gốm Việt Nam trở thành đối tượng được các nhà nghiên cứu, hiếu cổ say mê dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu, sưu tầm, hình thành những bộ sưu tập giá trị. Có thể nói lịch sử mỹ thuật Việt Nam được phản ánh phần lớn qua đồ gốm.

Chào mừng ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Sưu tập An Biên tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ Sưu tập An Biên”. Trưng bày giới thiệu với công chúng một sưu tập hiện vật gốm men đặc sắc được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) - sưu tập tư nhân phản ánh khá đầy đủ diện mạo của gốm sứ truyền thống Việt Nam và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thông qua 4 giai đoạn: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên; thế kỷ 11 - 14; thế kỷ 15 - 17 và thế kỷ 18 - 19 với tiêu biểu là gốm Bát Tràng.

Trưng bày là dịp để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có dịp thưởng thức một bộ sưu tập gốm men vô cùng phong phú, hoàn chỉnh, có giá trị mỹ thuật cao, trải dài trên 2.000 năm phát triển của lịch sử đồ gốm men Việt Nam.

NGỌC CHẤT - QUỐC BÌNH

Từ khóa » đồ Gốm Cổ Nhất Việt Nam