Google - ‘ngôi Nhà’ Của Những Bản Thảo Vô Giá

Một trang bản thảo Timbuktu cổ xưa đã được số hóa. (Nguồn: Google Arts and Culture)
Một trang bản thảo Timbuktu cổ xưa đã được số hóa. (Nguồn: Google Arts and Culture)

Nằm ở Mali (Tây Phi), thành phố cổ Timbuktu từng nổi tiếng là trung tâm học tập, tôn giáo và thương mại thời xưa. Ngày nay, Timbuktu vẫn được biết đến với các nhà thờ Hồi giáo bằng đất hoành tráng và là nơi lưu giữ hàng trăm nghìn bản thảo học thuật.

Những bản thảo đó có một quá khứ đầy biến động, bị quân nổi dậy đe dọa phá hủy và mất mát không thể thu hồi. Giờ đây, nhờ cư dân địa phương và các học giả trên toàn thế giới, hơn 40.000 trang có từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX đã được lưu giữ trên cổng thông tin “Mali kỳ diệu” của Google Văn hóa và Nghệ thuật (Google Arts and Culture) dưới dạng bản tóm tắt các hiện vật được số hóa, nhiều trang trong số đó chưa được công khai trước đây.

Vào những năm 1300, Timbuktu được biết đến với nhà thờ Hồi giáo Djinguereber và Đại học Sankoré, hai trung tâm học tập quan trọng. Vào những năm 1500, Timbuktu trải qua thời kỳ hoàng kim của sự giàu có và thương mại, các học giả thuộc mọi lĩnh vực của cuộc sống và từ khắp nơi trên thế giới đã hội tụ về thành phố này để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm.

Các học giả đã tạo ra một số lượng lớn bản thảo, bao gồm các chủ đề khác nhau, từ triết học đến kinh tế, y học đến nông nghiệp, thiên văn học đến toán học và tôn giáo. Ngoài nội dung về chính trị và xã hội, họ còn mô tả cuộc sống hàng ngày, như cách điều trị bệnh và cách buôn bán - thậm chí cả những lời khuyên phòng the, và ma thuật đen.

Động lực số hóa

Mohamed Shahid Mathee, giảng viên cao cấp tại Khoa nghiên cứu tôn giáo, Đại học Johannesburg (Nam Phi), người đã nghiên cứu các bản thảo này trong hơn hai thập niên, nhận xét các tài liệu này “tuyệt vời và thay đổi cuộc sống”. Ông cho rằng “việc tiếp cận chúng không chỉ giúp xóa bỏ những tuyên bố trước đây rằng lịch sử châu Phi chỉ đơn giản là truyền miệng, mà còn khẳng định châu Phi có một truyền thống trí tuệ được viết thành văn”.

Vào năm 2012 và 2013, xung đột ở Mali đã ảnh hưởng đến các bản thảo của Timbuktu. Thời điểm đó, hàng trăm nghìn tài liệu được cho là đã bị những người theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo phá hủy. Nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, nhiều bản thảo đã được giữ lại và người ta tin rằng chỉ có vài nghìn tài liệu bị đốt cháy.

Abdel Kader Haidara, người được giới thiệu trong cuốn sách Những thủ thư của Timbuktu là chìa khóa cho nỗ lực giải cứu này. Ông Haidara được thừa kế các bản thảo từ cha mình, người có thư viện cá nhân trở thành một trong những thư viện công cộng đầu tiên ở Timbuktu.

Ông Haidara và các thủ thư khác khi đó đã chuyển khoảng 350.000 bản thảo từ Timbuktu đi hơn 600 dặm đến thủ đô Bamako của Mali, nơi ông gửi chúng ở 27 gia đình bạn bè, người quen để bảo quản.

Theo thời gian, hầu hết tài liệu này đã được trả lại về Timbuktu, và ngày nay hơn 30.000 bản thảo đã được sao chụp và cất giữ an toàn tại hơn 30 thư viện trong thành phố. Ông Haidara vẫn bảo vệ những văn bản quý giá này, dành phần lớn thời gian của mình để lập chỉ mục - một công việc đòi hỏi ông phải đọc qua các bản thảo trước khi tóm tắt nội dung. Với quyết tâm không để di sản của đất nước bị mai một, năm 2014, ông đã liên hệ với Google.

Lợi ích cho cộng đồng

“Tôi sử dụng Google để số hóa vì tôi muốn ghi lại di sản của đất nước chúng tôi. Di sản này được truyền lại từ các nhà khoa học, các hoàng đế và triết gia, và là tối quan trọng, cần bảo vệ”, Haidara giải thích.

Các bản thảo được làm từ nhiều chất liệu, từ da động vật đến giấy Italy và được viết bằng thư pháp Arab tuyệt đẹp.

Theo quy định, các bản thảo không được mang ra khỏi Mali, vì vậy, ông Haidara và một nhóm các nhà lưu trữ Mali đã số hóa chúng. Google đã gửi thiết bị bao gồm một máy quét độ phân giải cao có gắn camera từ châu Âu, và nhóm của Haidara đã mất tám năm để hoàn thành việc quét và lập chỉ mục hàng chục nghìn trang.

Ông Amit Sood, giám đốc Google Arts and Culture, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Google Arts and Culture làm điều gì đó ở quy mô này liên quan đến các bản thảo cổ và công khai chúng trên nền tảng Google”.

Các học giả và công chúng quan tâm giờ đây có thể đọc những câu chuyện từ các bản thảo đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Arab. Ngoài ra còn có tài liệu bổ sung, bao gồm các chế độ xem 3D các địa điểm di sản ở Mali như nhà thờ Hồi giáo lớn Djenné, Di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Ông Haidara hy vọng việc bảo quản các tài liệu, làm cho chúng dễ tiếp cận hơn sẽ giữ cho lịch sử của đất nước họ tồn tại lâu dài.

Ông nói: “Khi các bản thảo không được đọc, chúng không mang lại lợi ích gì. Chúng tôi muốn nắm bắt cơ hội này để dịch một số bản thảo và xuất bản cho công chúng”. Bằng cách phổ biến lịch sử và văn hóa phong phú của Timbuktu, nhóm của Haidara mong muốn mang lại những lợi ích khác cho đất nước.

“Đối với nhiều người, Mali có thể không nằm trong hành trình của bạn, nhưng sau khi truy cập những trang này, bạn có thể sẽ thay đổi quyết định”, ông nói.

Ngôi nhà cùng hành trình mới của Viện Pháp tại Hà Nội Ngôi nhà cùng hành trình mới của Viện Pháp tại Hà Nội

Ngày 8/4, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức họp báo về việc thay đổi địa điểm sau hơn 20 năm hoạt động tại ...

Sách dịch mới: 'Những lá thư từ Tây Ban Nha' của Prosper Mérimée Sách dịch mới: 'Những lá thư từ Tây Ban Nha' của Prosper Mérimée

'Những lá thư từ Tây Ban Nha' là một cuốn sách vừa lãng mạn vừa thẫm đẫm hiện thực về đất nước phía Tây Nam ...

Từ khóa » Google Dịch Sang Tiếng Hàn