Góp Tiếng Nói Cho Một Sự Thật Lịch Sử - Tiền Phong
Có thể bạn quan tâm
Mang lại sự thật lịch sử
Đầu năm 1996, một người bạn giới thiệu tôi đến gặp đạo diễn Việt Tùng vì “có chuyện rất đáng chú ý”. Tới nơi, đạo diễn Việt Tùng cho tôi xem mấy bức ảnh đen trắng chụp cảnh xe tăng số hiệu 390 tiến vào Dinh Độc Lập. “Trước nay, lịch sử công nhận xe tăng số hiệu 843 chở đại đội trưởng Bùi Quang Thận là xe tăng vào Dinh Độc Lập trước tiên, để sau đó anh Thận lên nóc Dinh cắm cờ. Nhưng qua những bức ảnh này xác định, xe tăng 390 mới là xe đầu tiên vào Dinh Độc Lập”- đạo diễn Việt Tùng nói.
Những bức ảnh tôi vừa được xem là của nữ nhà báo Pháp Francoise De Munder, người mà ngày 30/4/1975 đã có mặt tại Dinh Độc Lập từ sớm để sau đó chụp được những bức ảnh lịch sử khi chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội ta tiến vào Dinh. Đạo diễn Việt Tùng cho biết: Năm 1995, khi được mời tham gia lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, ông có dịp gặp các cựu chiến binh xe tăng 390 là Vũ Đăng Toàn (nguyên chính trị viên Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2), Nguyễn Văn Tập (lái xe) và Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2). Tại cuộc gặp này, các cựu thành viên xe tăng 390 cho biết cách đây chưa lâu, họ bất ngờ được bà F. De Munder tìm đến nhà, cho xem những bức ảnh mà bà chụp trong ngày 30/4/1975. Sau cuộc gặp, bà Munder tặng mỗi cựu thành viên kíp xe tăng 390 một bộ ảnh làm kỷ niệm.
Tác giả (phía sau) trong lần cùng cựu pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên (ngoài cùng bìa trái) đi thăm đồng đội cũ của anh
Từ câu chuyện trên, đạo diễn Việt Tùng nảy ý tưởng làm một bộ phim về câu chuyện lịch sử này, nên đã mượn các cựu binh xe tăng 390 một bộ ảnh để làm tư liệu. Tìm hiểu thêm, ông được biết việc bà Munder có dịp gặp những nhân vật trong các bức ảnh của mình cũng khá đặc biệt. Số là vào năm 1994, anh Phạm Công Dũng, một cán bộ công tác tại Trung tâm Báo chí (Bộ Ngoại giao) sang Pháp thực tập và có dịp xem một số bức ảnh của nữ nhà báo F. De Munder chụp được những khoảnh khắc khi xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập. Thấy đây là những bức ảnh giá trị, nên sau đó ông Dũng đã có những liên hệ để bà Munder được mời tới Việt Nam dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam. Trở lại Việt Nam, bà Munder đã tìm gặp được ba thành viên kíp xe tăng 390, duy có cựu pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên thì không biết hiện ở đâu. Sau cuộc gặp này, các cựu binh Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập, Lê Văn Phượng được mời vào TPHCM dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, nhưng sự thật lịch sử về xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập vẫn chưa được chú ý đến.
Rồi cũng từ sự tình cờ, trong một lần về quê lại làng Khương Trung (Hà Nội), đạo diễn Việt Tùng gặp được cựu pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên. Từ cuộc gặp này, ông bày tỏ ý định làm một bộ phim về sự kiện lịch sử trên, nhưng có nơi đã ngại vì vấn đề gai góc đặt ra trong tác phẩm. Cuối cùng ba đài truyền hình Hà Nội, Hà Tây và Hải Hưng (cũ) là những địa phương có 4 thành viên kíp xe tăng 390 cư trú thống nhất hợp tác làm phim. “Bộ phim sắp hoàn thành. Nhưng sau khi phát sóng, nếu có những bài viết khắc họa thêm về vấn đề này thì sẽ tốt hơn”- đạo diễn Việt Tùng bày tỏ ý định với tôi.
Không thể lãng quên
Thấy đây là một đề tài hay, tôi đã xin ý kiến Ban Biên tập trước khi triển khai và được đồng ý. Để tránh mô tả theo phim, nên ngoài những chứng lý về việc xe tăng 390 đã vào Dinh Độc Lập đầu tiên, tôi đã đến gặp từng thành viên của kíp xe tăng 390 để viết về cuộc đời của họ sau khi xuất ngũ. Gặp anh Ngô Sỹ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390, tôi mới hay sau khi xuất ngũ anh không về quê Nghệ An mà ở lại Hà Nội sinh sống. Khi đó, vì cuộc sống quá khó khăn, các con lại còn nhỏ nên anh Nguyên đã xin xuống bến Phà Đen làm bốc vác, rồi làm thêm như buôn trứng vịt lộn, bỏ mối kẹo lạc… để có thu nhập. Sau bao năm dành dụm, anh đã mua được chiếc xe lam để chở khách, tạo bước tiến mới trong cuộc mưu sinh cho gia đình.
Tôi cũng về huyện Gia Lộc (ngày ấy thuộc tỉnh Hải Hưng, nay là Hải Dương) để gặp cựu trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn và lái xe Nguyễn Văn Tập. Anh Toàn xuất ngũ năm 1985 giữa lúc cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ già, các con nhỏ nheo nhóc, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán. Để cải thiện cuộc sống, anh Toàn đã thuê ao bỏ không của hợp tác xã để thả cá, rồi dựng chòi và ở luôn tại đây để trông ao. Trong khi đó, cuộc sống của cựu lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập cũng không khá hơn. Xuất ngũ năm 1976, Nguyễn Văn Tập định trở về trường Cơ khí 2 (Bộ Công nghiệp nặng) để học tiếp, nhưng khi anh mang hồ sơ đến thì trường đang dở khóa học nên đành về nhà chờ khóa tới mới có thể nhập học. Nhưng trong thời gian ở nhà, vợ anh sinh con đầu lòng. Lúc đó gia đình khó khăn quá, thương vợ con nên anh Tập đã ở lại nhà làm ruộng mà không lên trường nữa.
Tại thị xã Sơn Tây (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ), sau khi xuất ngũ năm 1986, cựu pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng hành nghề cắt tóc. Hằng ngày, trên chiếc xe Ba-bét-ta cũ, anh Phượng di chuyển hơn 10 cây số tới cổng Trường Sĩ quan Lục quân 1 để cắt tóc, tạo thu nhập thêm cho gia đình.
Sau khi thu thập đủ tư liệu, tôi bắt tay vào viết về cuộc đời những người lính trên chiếc xe tăng 390. Khi bài viết hoàn thành cũng là lúc bộ phim “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” trình chiếu. Xem phim, tôi mừng vì bài viết của mình vẫn có những nét riêng so với bộ phim. Sau khi bài viết được đăng, đã có những hồi âm tốt của bạn đọc gửi về tòa soạn. Đến nay, tôi không rõ bài viết của mình có là bài báo đầu tiên viết về kíp xe tăng 390 hay không, nhưng dù không phải như thế thì chí ít cũng nằm trong số hai hoặc ba bài báo đầu tiên viết về đề tài này. Rồi sau đó, có rất nhiều tờ báo trong toàn quốc viết về sự kiện trên cũng như những thành viên trên chiếc xe tăng 390. Và câu chuyện quanh chiếc xe tăng 390 được đánh giá là một trong mười sự kiện báo chí năm 1996. Để sau đó, xe tăng 390 chính thức được công nhận là xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận xe tăng 390 là Bảo vật quốc gia.
(Từ trái sang) Các cựu binh xe tăng 390 Lê Văn Phượng (thứ 2), Vũ Đăng Toàn (thứ 3), Nguyễn Văn Tập (thứ 8) và Ngô Sỹ Nguyên (thứ 9) trong một cuộc gặp với những đồng đội năm xưa Kiến NghĩaHiện cuộc sống gia đình của bốn thành viên kíp xe tăng 390 đã ổn định, khác xa với lần đầu tôi gặp các anh hơn hai chục năm trước. Năm 2016, cựu pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng mất, khiến kíp xe tăng 390 khuyết đi một thành viên.
Từ khóa » Hình ảnh Chiếc Xe Tăng 390
-
Nhìn Lại Hình ảnh 2 Chiếc Xe Tăng Húc đổ Cổng Dinh Độc Lập - Dân Việt
-
Số Phận đặc Biệt Của Chiếc Xe Tăng 390 - Vietnamnet
-
Xe Tăng T59 Số Hiệu 390 - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Chuyện ít Người Biết Về Hai Chiếc Xe Tăng Húc đổ Cổng Dinh Độc Lập ...
-
Những Dấu Vết đặc Biệt Trên Xe Tăng 390
-
Chiếc Xe Tăng Húc đổ Cổng Phụ Dinh Độc Lập Trong Ngày 30-4-1975
-
Húc đổ Tung Cổng Dinh Độc Lập, Xe Tăng T-59 Thiện Chiến Ra Sao?
-
Cận Cảnh Hai Chiếc Xe Tăng Húc đổ Cổng Dinh Độc Lập
-
Hai Chiếc Xe Tăng Tiến Vào Dinh Độc Lập 40 Năm Trước - VnExpress
-
Nêu Cảm Nhận Của E Về Hình ảnh Chiếc Xe Tăng Mang Số Hiệu ...
-
Nghiên Cứu Lịch Sử - Sự Thật Lịch Sử Về Tăng 390 Và ... - Facebook
-
Đám Cưới Thời Chiến Của Người Lái Xe Tăng Húc đổ Cổng Dinh Độc ...
-
Đó Là Chiến Thắng Của Toàn Thể Nhân Dân Việt Nam