GS Tôn Thất Tùng: 'Danh Tiếng Giả Sẽ Sớm Tiêu Tan' - Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
- Bà Tôn Nữ Ngọc Trân nhớ nhất về người cha thân yêu của mình – GS.BS Tôn Thất Tùng – là hình ảnh ông ngồi bên bàn đọc tài liệu dưới ánh đèn vàng ấm áp mỗi khi đêm về.
“Nghiêm khắc nhưng cũng rất chiều con” – bà Trân mở đầu câu chuyện về người cha danh tiếng của mình. “Ông cũng vô cùng ngăn nắp. Trên bàn làm việc của ông, chúng tôi chỉ lấy cái kéo mà không đặt lại đúng chỗ cũ sẽ bị ông giận”.
“Tôi học được ở ông nhiều nhất là tính công bằng, yêu thương mọi người, đối xử với con cháu như nhau, không phân biệt”.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962) |
Một người cha “bình thường”, và nhân ái
Cha tôi là người có tấm lòng nhân ái bẩm sinh, ông thương yêu con người một cách tự nhiên, cảm nhận được nỗi đau của từng con người. Ông thường dạy chúng tôi về sự yêu thương của con người với con người, và con người với động vật.
Tôi vẫn nhớ ông rất thương bệnh nhân. Ngày đó, nhà tôi hay có người quen, rồi người quen của người quen…, đến nhờ ông khám. Thuốc men thiếu thốn, nhưng ai đến ông cũng tìm cách để giúp đỡ ngay.
Chúng tôi còn nhớ ông đã giận dữ đến thế nào khi thấy đứa cháu lỡ tay bóp một con mèo con gần chết. Ông từng nói, “chúng ta ăn thịt động vật để sống, nhưng phải tôn trọng động vật bằng cách không được giết chúng bừa bãi chỉ vì thú vui hoặc để ăn uống thừa thãi”...
Nhưng trước hết, trong mắt chúng tôi, ông là người cha bình thường như bao người cha khác.
Với việc học trên trường, như bao bậc phụ huynh thời đó, ông rất tin tưởng vào nhà trường, thầy cô. Ông chỉ hỏi chúng tôi về kết quả học tập, chứ không kèm cặp hay dạy thêm. Nhưng ông dành thời gian để dạy chúng tôi tiếng Pháp, mỗi tuần vài ba buổi.
Buổi tối, trước khi đi ngủ, ông thường kể chuyện cho chúng tôi, chờ chúng tôi ngủ rồi mới dậy làm việc tiếp. Ông kể những câu truyện cổ tích của châu Âu như Truyện cổ tích Andersen, Truyện cổ Grim…
Sinh nhật các con ông không bao giờ quên. Cứ đến Noel là ông bỏ kẹo vào giày, để sáng ra khi tìm thấy thì mấy chị em chúng tôi ai cũng tưởng có ông già Noel từ ngày đấy.
Nhà tôi có nguyên tắc em nhỏ hư, cha mẹ mắng cả người anh lớn. Anh lớn chịu trách nhiệm trông coi các em. Em chẳng may dẫm đinh, đứt tay là anh bị khiển trách.
Trong những kỷ niệm về cha, không hiểu sao tôi lại rất nhớ căn phòng làm việc riêng của ông ở bệnh viện, nơi có… phòng tắm khép kín. Ngày đó ở các gia đình làm gì có nhà vệ sinh, nhà tắm có bình nước nóng như bây giờ. Muốn tắm nước nóng, chúng tôi phải tự đun ở ngoài rồi xách vào, pha vào xô, vào chậu. Vì vậy khi đến phòng làm việc của ông, vài ba lần được ông cho sử dụng nhà tắm này, khiến tôi cứ nhớ mãi.
GS Tôn Thất Tùng (tóc bạc) cùng các con và vợ chụp ảnh cùng gia đình GS Bùi Duy Tâm. Từ trái qua: Tôn Thất Bách, Bùi Duy Linh, Bùi Duy Việt Hà, Tôn Thất Tùng, Bà Bùi Duy Tâm (Đỗ Thị Việt Hương), Bà Tôn Thất Tùng (Vi Nguyệt Hồ), Tôn Nữ Ngọc Trân, Bùi Duy Thiện, Bùi Duy Việt Hồng, Tôn Nữ Hồng Tâm |
Trung thực là điều quan trọng nhất
Cha chúng tôi thường tâm sự với chúng tôi rằng trong cuộc sống, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, cần lấy trung thực làm đầu. Những gì gian dối sớm muộn cũng sẽ lộ ra, và lúc đó các danh tiếng giả cũng sẽ tiêu tan.
Hồi học lớp 7, có lần tôi làm bài kiểm tra toán xong trước bèn ném bài cho bạn, bị thầy giáo bắt được. Thầy nói lại với cha tôi. Ông đã mắng tôi rất ghê, vì với ông không ai được làm điều dối trá.
Ông không dặn dò, không nói lời răn dạy, nhưng tất cả những người trong gia đình đều biết không bao giờ được nói dối. Ông chỉ cần nhìn là biết chúng tôi đang nói dối hay nói thật.
Chúng tôi còn nhớ vào những năm cuối thập kỷ 70, một nhà khoa học Mỹ bị lật tẩy giả mạo trong công trình ghép da khác màu trên động vật, ông đã rất vui mừng nói với chúng tôi rằng ông nghi ngờ người này từ lâu, ngay cả khi ông ta đang rất nổi tiếng và được cả giới y học thế giới tâng bốc.
Theo cha tôi, đức tính trung thực trong khoa học nhiều lúc cũng cần sự dũng cảm để không bị lung lay, cầu lợi. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây tố cáo Việt Nam sử dụng chất độc hóa học tại Campuchia, trong khi Việt Nam đang thu thập các chứng cứ và tố cáo Mỹ trên thế giới về tác hại của chất diệt cỏ đã rải xuống nước ta. Cha tôi đã viết một bài đăng trên Báo Nhân dân nói về vấn đề chất độc hóa học trong chiến tranh, và Việt Nam không có cơ sở nào chế tạo chất độc này.
Bài báo có tiếng vang nhất định trong dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có một số nguồn tin của phương Tây tung ra là Việt Nam đã sử dụng kho chất độc hóa học của Mỹ để lại và cha tôi được yêu cầu viết thêm một bài nữa để phản bác. Ông đã không viết với lý do ông không có bằng chứng xác thực nào về vấn đề này, mặc dù ông rất muốn ủng hộ ta.
“Những người con của tương lai”
Câu đầu tiên trong quyển sách “Đường vào khoa học của tôi” xuất bản lần đầu tiên, ông viết “Tặng Hồng Tâm và Hiếu Thảo, những người con của tương lai” – điều này thể hiện cha chúng tôi coi trọng việc chăm lo cho thế hệ trẻ, tương lai của gia đình và dân tộc, như thế nào.
Bà Ngọc Trân kể chuyện với VietNamNet về những ký ức đẹp với người cha. Ảnh: Hồng Hạnh |
Ông hiểu biết rất sâu sắc nền văn hóa phương Tây, đặc biệt là về nền văn hóa Pháp đã được hấp thụ từ nền giáo dục của Pháp, mặc dù có một số phần đã bị méo mó do chính sách thuộc địa.
Ông cũng là người am hiểu rất sâu văn hóa phương Đông và văn hóa của dân tộc. Ông có một quyển vở tự tay ông chép các bài thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… bằng chữ Hán, và có lời dịch sang tiếng Việt. Ông cũng hay dịch thơ của Tố Hữu sang tiếng Pháp, rồi đọc cho chúng tôi nghe.
Sự yêu quý sách và ham mê đọc sách của ông đã truyền sang cho chúng tôi, với tâm niệm cách nâng cao tri thức rẻ nhất và chắc chắn nhất là bằng con đường đọc sách.
Với con cái, ông không đặt ra vấn đề hướng các con vào ngành y hay ngành nào đó, mà để chúng tôi tự do lựa chọn. Nhưng với những người trẻ đã “đi theo” ông, ông luôn có những cách riêng để bồi dưỡng, hướng dẫn và giúp đỡ.
Với người con trai duy nhất - anh Tôn Thất Bách - được ông đào tạo rất kỹ trong nghề y theo phương châm lấy thực tiễn làm chân lý, và người bác sĩ giỏi phải là người hiểu hết các công việc trong bệnh viện.
Khi anh Bách mới ra trường, công tác tại Bệnh viện Việt –Đức và Trường ĐH Y Hà Nội, chúng tôi rất ít khi được nghe ông khen anh Bách trước mặt người khác, nhưng ông biểu lộ sự hài lòng về sự tiến bộ trong chuyên môn của anh.
Đầu năm 1982, sau chuyến công tác của ông và anh Bách ở châu Âu có mổ biểu diễn phương pháp cắt gan “khô”, ông đã nói với mẹ chúng tôi rằng anh Bách đã trưởng thành trong nghề nghiệp, ngang tầm với các đồng nghiệp trên thế giới. Sau đó vài hôm, ông đã ra đi vĩnh viễn.
Chúng tôi nhìn gương cha mẹ mà cư xử
Cha mẹ đi làm vất vả, người làm con như chúng tôi đều biết.
Cha kết hôn với mẹ chúng tôi, bà Vi Thị Nguyệt Hồ, khi ông 32 tuổi và đã có danh tiếng trong ngành y với các công trình về cấu trúc mạch máu và phẫu thuật gan.
Mẹ tôi là cựu nữ sinh Trường Trung học nữ Felix Faure danh tiếng ở Hà Nội, nhưng bà đã không học tiếp để lấy bằng Bác sĩ như nhiều người khác đã làm, mà sẵn sàng làm công việc của một y sĩ, trợ giúp cho ông trong mổ xẻ gần 30 năm.
Mẹ chúng tôi thường nói trong gia đình cần có những người sẵn sàng hy sinh những ước vọng của bản thân mình để giúp cho người bạn đời của mình hoàn thành sự nghiệp. Và bà đã làm tốt việc rất khó như vậy.
Cha đã tuyệt đối tin tưởng ở mẹ chúng tôi trong công việc và trong cuộc sống, kể từ khi bà rũ bỏ đời sống an nhàn sung sướng ở Hà Nội, ôm con mới vài tháng tuổi theo ông lên chiến khu Việt Bắc để cùng ông chia sẻ ngọt bùi và thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc của ông...
GS Tôn Thất Tùng và vợ trong chuyến thăm CHDC Đức |
Cha tôi có thói quen dậy sớm, tự làm bữa ăn sáng, pha cà phê cho ông và cho mẹ tôi, rồi đi làm.
Cha chúng tôi nổi tiếng là người “nóng tính” trong bệnh viện khi có các sai sót trong điều trị nguy hại đến tính mạng bệnh nhân, tuy nhiên ở nhà ông là người rất hòa nhã, vui vẻ, luôn đối xử công bằng với mọi người.
Gia đình chúng tôi và gia đình GS. BS Hồ Đắc Di có chung một bếp ăn lớn nấu bằng than, hàng này có gần hai chục người cùng ăn, nên không khác bếp ăn tập thể là mấy. Bà Hồ Đắc Di làm quản gia cho đại gia đình trong thời gian bao cấp đầy khó khăn nhưng cũng có rất nhiều chuyện vui vẻ.
Hàng ngày trước bữa ăn, mọi người thường tụ tập quanh gốc cây bàng cổ thụ gần bếp để trò chuyện, trao đổi. Mỗi khi cha tôi xuống bếp, mọi người đều “báo động” cho nhau để các thanh niên hút thuốc lá kịp “thủ tiêu” hoặc giấu các điếu thuốc đang cháy dở, bởi vì ông rất ghét thuốc lá.
Có nhiều câu chuyện được nói trong bữa ăn. Và rất nhiều lần chúng tôi được nghe ông thông báo các tin mới đã đạt được trong bệnh viện, như nối thành công các chi bị đứt rời, các kỹ thuật mới được triển khai áp dụng…
Chúng tôi nhớ có lần ông nói cuối thế kỷ XIX các gia đình tại Pháp đã có thể một tuần ăn một con gà và mong chúng ta sớm đạt được chỉ tiêu này. Ông còn có câu nói đùa “Một con gà chết, cả nhà vui”…
Khi cha tôi mất, GS.BS Hồ Đắc Di nói về cha tôi rằng: “Ông Tùng là người có nhân cách cao thượng, lòng nhân ái vô bờ, trí tuệ siêu việt, là nhà khoa học xuất sắc tầm cỡ thế giới, nhà văn hóa lớn và là danh nhân”.
Còn những người con của ông - chúng tôi coi cha là một “CON NGƯỜI HOÀN HẢO”, xứng đáng được viết chữ hoa để mọi người, mọi thế hệ trong gia đình phấn đấu noi theo.
Cố GS.BS Tôn Thất Tùng có ba người con đều thành đạt. Con trai cả của ông là PGS. VS Tôn Thất Bách (1946 – 2004), là người có "bàn tay vàng' đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về gan và tim nổi tiếng trong nước và trên thế giới, được báo chí vinh danh là "ông nghị của người nghèo". Con gái thứ hai là Tôn Nữ Ngọc Trân, là kỹ sư hóa học. Con gái út là Tôn Nữ Hồng Tâm, là bác sỹ sinh hóa. |
Chi Mai Ghi
Xem thêm:
Cách dạy con lạ lùng của nữ giảng viên rực rỡ Bài học cho con của Bộ trưởng Tư pháp tại vị 181 ngày Cách “giữ” con của phu nhân Bộ trưởng Giáo dục "Người ta ngẩng lên trời cao, sao con cắm đầu xuống đất?" Vị tướng “Trương Phi” và giọt nước mắt đánh đòn con trai út Cách dạy con của một kiến trúc sư tài hoaTừ khóa » Tôn Nữ Hiếu Thảo
-
Chàng Rể Tôn Thất Tùng - Tuổi Trẻ Online
-
Cố Viện Sỹ Tôn Thất Bách Và Văn Hóa Gia đình
-
Những Dòng Họ đáng Ngưỡng Mộ Nhất Việt Nam - Webtretho
-
Tôn-nữ-hiếu-thảo Trang Cá Nhân | Facebook
-
Lờ Những áp Lực đi Mà Sống
-
Tôn Hiếu Anh: Ngu Cũng đến Lúc Khôn”
-
Tôn Thất Bách – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Dòng Họ đáng Ngưỡng Mộ Nhất Việt Nam - AFamily
-
Tìm Hiểu Về Dòng Họ Tôn Thất Và Tôn Nữ - Hình Ảnh Việt Nam
-
Tôn Thất Bách Là Gì? Chi Tiết Về Tôn Thất Bách Mới Nhất 2021
-
Chuyện Tình Của Cố Giáo Sư, Bác Sĩ Tôn Thất Tùng - Báo Bắc Giang
-
Tôn Ngộ Không Ngoài đời Thực: Vô Cùng Hiếu Thảo Nhưng Từng ...