GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính: Tâm Huyết Vì Nền Giáo Dục ...

VNHN - Nét mặt đôn hậu, tươi tắn với mái tóc cắt ngắn gọn gàng, toát lên vẻ sắc sảo, thông thái, quyết đoán, đó là những ấn tượng khi tôi được gặp Bà trong lần công tác tại Đại học Thăng Long mới đây. Ẩn sau hình ảnh hiền dịu, thùy mị của người phụ nữ Việt Nam là những đóng góp đáng tự hào với công tác đào tạo cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của người nữ trí thức nhiệt thành, tâm huyết. Bà là GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại Học Thăng Long.

GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính sinh ngày 5/9/1933 tại làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội) - miền quê giàu truyền thống hiếu học của cả nước. Trong suốt thời niên thiếu gia đình bà sống tại nhà số 102 phố Hàng Bông, Hà Nội. Bà từng du học đại học, cao học, bảo vệ luận án Tiến sĩ Quốc gia Toán học ở Pháp. Đề tài thứ nhất của luận án là về "Lý thuyết Gr - phạm trù", một phạm trù với phép toán tính chất như một nhóm, đề tài thứ hai của luận án là "Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên". Người hướng dẫn bà làm luận án là nhà toán học nổi tiếng thế giới Grothendieck.

GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính

Tới đây Bà nói: tôi muốn lợi dụng buổi gặp mặt này để nói đôi điều về bằng cấp của Pháp. Bằng thạc sĩ của tôi có tên tiếng Pháp là Agrégation, nó không phải là một bằng cấp, mà là một kỳ thi tuyển dụng công chức cho bộ Giáo dục của Pháp, phải là công dân Pháp hay công dân Liên hiệp Pháp mới được thi, sau khi thi đỗ phải đi làm cho Pháp, nếu không bị xóa tên khỏi danh sách, đó là thời của tôi, tôi không biết bây giờ thế nào. Các bậc tiền bối của tôi như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Ngụy Như Kontum, giáo sư Phạm Duy Khiêm khi đỗ Agrégation được xã hội gọi là thạc sĩ, nên đến tôi người ta cũng gọi là thạc sĩ. Về sau, sau năm 1975, nước mình mở bậc học cao học (master) và gọi bằng của bậc học này là thạc sĩ, nên nhiều người tưởng Agrégation cũng như bằng cao học bây giờ vì cũng có tên là thạc sĩ. Hồi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ, thì nước Pháp lúc bấy giờ có hai cấp tiến sĩ: tiến sĩ cấp ba và tiến sĩ quốc gia; việc thi tiến sĩ cấp ba là để ông thày thử thách xem có đủ sức thi tiến sĩ quốc gia hay không, vì thi tiến sĩ quốc gia là để dấn thân vào dạy đại học - nghiên cứu hay nghiên cứu, chứ không phải để làm việc khác. Vì vậy khi thi tiến sĩ quốc gia, thày luôn đòi hỏi nghiên cứu sinh phải làm một đề tài nhỏ, ở lãnh vực khác lãnh vực mình nghiên cứu trong một năm để thử thách nghiên cứu sinh, sau khi bảo vệ luận án xong, có khả năng dạy được nhiều lãnh vực khác nhau ở đại học không. Sau này theo chương trình của châu Âu, nước Pháp bỏ chế độ hai luận án tiến sĩ, mà chỉ còn một luận án mà người mình quen gọi là PHD. Phải nói hiện giờ Pháp cũng như một số nước khác, có hai bậc cao học: cao học nghiên cứu và cao học nghề nghiệp. Cao học nghề nghiệp để dành cho những người muốn có kiến thức sâu hơn về nghề nghiệp mình chọn; còn cao học nghiên cứu dành cho người muốn làm tiến sĩ, dấn thân vào dạy đại học và nghiên cứu. Ở Pháp, nhiều trường chọn làm tiến sĩ những ai tốt nghiệp cao học nghiên cứu có xếp hạng cao. Ở ta, cũng muốn có cao học nghiên cứu, nhưng các trường đại học lại sợ không có người học; còn lấy cao học nghề nghiệp thì đào tạo tiến sĩ rất vất vả cho thày và cho cả trò nữa vì vốn liếng về tri thức ít quá và cho ra những tiến sĩ sau này không biết để làm gì.

Bà là nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam và cũng là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam. Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng Từ điển Bách khoa Việt Nam. Nhiều lần bà là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Chắc tôi làm Bà mỉm cười khi nhắc tới một loạt hội đồng mà bà đã tham dự, vì Bà đã nói tới với tôi: nhắc làm chi chuyện cũ, tôi ngồi bao nhiêu hội đồng mà chẳng bao giờ ý kiến của tôi được ủng hộ, còn bây giờ tôi chỉ có mỗi Hội đồng Quản trị của Thăng Long, thì được anh chị em nhất nhất chấp nhận ý kiến của tôi, chắc anh chị em không sai khi ủng hộ tôi vì tôi thấy Thăng Long cũng có tiến bộ hằng năm đấy chứ.

Nhắc đến GS.TSKH Hoàng Xuân Sính là nhắc đến hình ảnh người tiên phong của mô hình đại học ngoài công lập ở Việt Nam. Bà chính là một trong những người sáng lập ra Trường Đại học dân lập Thăng Long, trường ngoài công lập đào tạo bậc đại học đầu tiên tại Việt Nam. GS Hoàng Xuân Sính là Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng của Trường khi thành lập, nhưng bà vẫn đảm nhiệm công việc giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội đến đầu những năm 2000. Trường Đại học Thăng Long cũng là nơi đầu tiên được Bộ Đại học lấy ý kiến khi soạn thảo Quy chế Đại học dân lập tạm thời tại Việt Nam, mở đường cho hàng loạt trường đại học và trung học dân lập đăng ký xin phép mở sau này như Đại học Phương Đông, Đại học Đông Đô, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội,vv.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, dấu mốc quan trọng nhất để Đại học dân lập Thăng Long ra đời là năm 1986, khi đất nước bắt đầu mở cửa. Kinh tế xã hội khó khăn đã ảnh hưởng đến giáo dục. GS Bùi Trọng Liễu, khi đó đang giảng dạy tại Đại học Paris (Pháp), trong bối cảnh đó đã đưa ra ý tưởng thành lập mô hình giáo dục ngoài công lập. “Ý tưởng đó một phần để cứu nguy cho đời sống cán bộ giáo viên lúc bấy giờ, nhưng chính là tạo cơ hội để sinh viên vẫn được học đại học trong hoàn cảnh đó” - GS Hoàng Xuân Sính cho biết. Chính vì vậy GS Bùi Trọng Liễu đã viết một bức thư cho năm nhà toán học tại Việt Nam là GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Đình Trí, GS Bùi Trọng Lựu và GS Hoàng Xuân Sính. Ý tưởng ban đầu là chỉ mở một lớp khoảng 30 sinh viên và không đặt mục tiêu thu học phí. “Giờ nhìn lại, tôi thấy đây là ý tưởng lãng mạn nhất cuộc đời mình” - GS Sính mỉm cười hồi tưởng. Nhưng ngày đó, khái niệm ngoài công lập chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, nhóm năm nhà toán học đã họp đi họp lại nhưng không ai đủ can đảm để viết thư cho Bộ trưởng Bộ Đại học bấy giờ. Cuối cùng, GS Hoàng Xuân Sính đã viết một bức thư gửi Bộ nhưng nhờ Sở KHCN Hà Nội đứng ra “bảo lãnh”. Tuy nhiên, bức thư đó đã không đến được đúng địa chỉ.

Trường ĐH Thăng Long có hệ thống cơ sở vật chất quy mô, hiện đại luôn đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên.

GS Sính lại về cặm cụi đánh máy một bức thư khác xin Bộ cho mở thí điểm mô hình trường ngoài công lập và ký tên năm nhà toán học. Nhưng tất nhiên không ai trả lời. Lá thư rơi vào im lặng. Vì vậy GS Hoàng Xuân Sính quyết định đến “gõ cửa” Tổng bí thư lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Linh. “Tôi nói với Tổng bí thư là chỉ xin mở trường, không xin tiền. Rồi tôi đến xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang phụ trách khoa học, giáo dục. Tôi nghĩ thế là tôi đã làm xong bổn phận của mình” - GS Sính cho hay. Nhưng bất ngờ, tháng 12/1988, Ban Khoa giáo Trung ương (bây giờ là Ban Tuyên giáo) mời Bà đến nói chuyện. Sau đó lại đến Bộ Đại học. Ngày 15/12 trường ra đời với tên Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long. Ra Tết năm 1989, sau khi xin tiền một người em trai là Việt Kiểu về ăn Tết, GS Hoàng Xuân Sính đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên của Trường Đại học Thăng Long tại Văn miếu Quốc tử giám, khách mời có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là bà Nguyễn Thị Tâm Đan, Bộ trưởng Bộ Đại học là GS. Trần Hồng Quân. Khởi đầu thuận lợi nhưng GS. Hoàng Xuân Sính cho biết, hoạt động sau 3 năm, những người bạn của bà tại Pháp không còn đủ sức để viện trợ cho trường, bà phải tự xoay. Nhưng có lẽ, khó khăn nhất giai đoạn này chính là cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Vì trong luật, trong mọi văn bản pháp quy khác không có quy định mô hình trường học ngoài công lập nên Đại học Thăng Long lúc bấy giờ không thể cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. “Ngày đó, tôi ở tình thế tiến không được, lùi không xong. Bộ Đại học không cho cấp bằng còn phụ huynh thì la ó. Tối đến, tôi cứ nghe thấy điện thoại là giật mình. Vì phụ huynh luôn gọi vào giờ đó để “nắn” tinh thần tôi. Không những thế, cán bộ hành chính của Trường cũng bỏ việc hết. Tôi, vừa là Hiệu trưởng, vừa là người lao công, vừa xách nước, vừa quét lớp” - GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ khó khăn. Phải mất hai năm khó khăn như vậy, Bộ Đại học mới có quy chế Đại học dân lập tạm thời và GS Hoàng Xuân Sính mới được “cởi trói”.

Khuôn viên khang trang, hiện đại, tiện nghi nhưng cũng rất gần gũi với thiên nhiên, nhiều cây xanh, hoa lá của trường ĐH Thăng Long

Để rồi, hôm nay, khi đến thăm trường những ngày tổng kết năm học đầy bận rộn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ngôi trường hiện đại, tiện nghi này là mọi bụi bặm và ồn ào từ con đường vành đai 3 chạy ngang qua đều bị chặn lại phía sau hàng cây xanh mát trồng ở hàng rào bao quanh Trường. Dù ngoài trời có nắng nóng bụi bặm, hay mưa giông ướt lép nhép nhưng sảnh đường của Nhà trường vẫn sạch bóng và ấm cúng. Những hàng cây xanh mát hiện diện khắp mọi nơi, màn hình liên tục chạy dòng chữ khuyến khích sinh viên nên chọn đi cầu thang bộ vì điều đó có lợi cho sức khỏe. Các lớp học được cách âm lý tưởng, từ ngoài có thể thấy giảng viên đang giảng bài hoặc sinh viên đang phát biểu qua dải kính trong suốt trên tấm cửa gỗ. Hiện nay, cùng với một số trường khác, Đại học Thăng Long đang là ngọn cờ đầu, là mô hình thành công bậc nhất của khối Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Chất lượng, phương thức đào tạo của nhà trường rất tiên tiến, hiện đại nhờ cơ chế năng động và được điều hành bởi những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học có tên tuổi. Và còn lý do này nữa, đó là Nhà trường tha thiết mong được cùng với hệ đại học ngoài công lập và các đại học công của cả nước trở thành đôi cánh của con chim muốn vượt bão để vươn ra hội nhập quốc tế.

Với những đóng góp, cống hiến đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp vẻ vang đã qua, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cùng nhiều bằng khen, giấy khen ý nghĩa.

Từ khóa » Tiểu Sử Giáo Sư Hoàng Xuân Sính