Gửi Hàng Từ Nhật đi Nước Ngoài! Cách Gửi, Cước Phí Bưu Kiện Quốc Tế
Có thể bạn quan tâm
Phương thức gửi hàng từ Nhật đi nước ngoài
Nếu các bạn muốn gửi hàng từ Nhật cho bạn bè hiện đang sinh sống ở nước ngoài, hoặc khi các bạn đến Nhật du lịch và muốn chuyển hàng đến địa chỉ nhà ở nước ngoài, các bạn hãy thử sử dụng gói dịch vụ bưu kiện quốc tế.
Chắc hẳn sẽ có nhiều bạn lo lắng “chi phí có cao không?”, “những hàng hoá không thể gửi được là gì?”, v.v tuy nhiên các bạn không cần phải lo lắng.
Khi các bạn gửi hàng từ Nhật đi nước ngoài, cách thức gửi rẻ nhất mà thủ tục đơn giản đó là bưu kiện quốc tế của bưu điện. Bài viết này sẽ giới thiệu về phương thức gửi hàng từ bưu điện ra nước ngoài.
4 phương thức gửi hàng. Đặc trưng của các phương thức gửi hàng đường biển, gửi hàng qua SAL, gửi hàng bằng đường hàng không và gửi hàng EMS
Photo by Pixta
Trong phương thức bưu kiện quốc tế của bưu điện có 4 loại là gửi hàng đường biển, gửi hàng qua đường hàng không tiết kiệm (SAL), gửi hàng bằng đường hàng không và gửi hàng EMS. Bài viết sẽ tổng hợp các đặc trưng đơn giản qua bảng dưới đây.
Mức giá sẽ thay đổi tuỳ theo phương thức gửi, trọng lượng kiện hàng, nước gửi đến, phương thức vận chuyển. Kiện hàng có thể gửi được tối đa 30kg cho 1 kiện.
Cước phí vận chuyển từ Nhật đi các nước Đông Á (Trung Quốc, Đài Loan) rẻ nhất, tiếp đó là các nước Đông Nam Á, Trung Bắc Mỹ, các nước Châu Đại Dương, Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Phi sẽ theo thứ tự có cước phí tăng dần.
Các bạn có thể tra cứu mức cước phí trước qua trang web của bưu chính Nhật Bản!
“Tra cứu cước phí, số ngày vận chuyển” tại trang chủ của bưu điện: https://www.post.japanpost.jp/cgi-charge/
Phương thức gửi | Thời gian | Cước phí |
Đường biển | 1~3 tháng | Rẻ nhất |
SAL | 1~2 tuần | Rẻ hơn đường hàng không thông thường |
Đường hàng không | 3~6 ngày | Đắt hơn SAL |
EMS | 2~4 ngày | Đắt nhất |
※ Số ngày trong bảng trên không bao gồm số ngày để thông quan. Tuỳ vào tình hình vận chuyển ví dụ như cách thức vận chuyển, thông quan, tình hình thực tế tại địa phương, v.v. mà số ngày sẽ thay đổi.
Trong phần sau chúng ta hãy tìm hiểu về đặc trưng của mỗi phương thức gửi hàng.
1. Đường biển
Photo by Pixta
Đường biển có cước phí rẻ nhất nhưng lại mất từ 1 ~ 3 tháng. Ví dụ cước phí khi chuyển hàng dưới 10kg đến Trung Quốc là 4,300 Yên, Thái Lan là 5,300 Yên, Mỹ là 6,750 Yên.
Khi đóng gói kiện hàng, các bạn nên sử dụng thùng giấy dày hơn bình thường. Bởi vì có thể trong thời gian chuyển hàng dài như vậy có thể thùng giấy mỏng sẽ bị thủng, rách.
Photo by Pixta
Khi chuyển hàng nặng ví dụ như đồ điện gia dụng, đồ gỗ nội thất, sách, v.v. để tránh cho các hàng hoá không bị va đập vào nhau gây vỡ, hỏng thì các bạn nên đóng gói cẩn thận bằng vật liệu đệm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết khi vận chuyển nên thùng bên ngoài có thể bị ướt. Với các hàng hoá cần tránh nước thì các bạn nên đóng gói bằng vật liệu chống nước.
Vận chuyển bằng đường biển sẽ mất hơn 1 tháng. Các loại thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn hay các sản phẩm dễ bị hư hỏng khi có sự chênh lệch nhiệt độ thì nên tránh vận chuyển bằng đường biển.
2. Phương thức gửi hàng qua đường hàng không tiết kiệm (SAL)
Phương thức gửi hàng qua đường hàng không tiết kiệm (SAL) là phương thức vận chuyển hàng sử dụng không gian trống trên máy bay. Phương thức này có ưu điểm là giá cước rẻ hơn phương thức vận chuyển bằng đường hàng không, vận chuyển hàng nhanh hơn phương thức vận chuyển đường biển.
Thời gian vận chuyển khoảng 6 ~ 13 ngày. Tuỳ từng quốc gia mà có thể sẽ mất thêm nhiều ngày hơn. Cước phí trong trường hợp gửi hàng dưới 10kg đến Trung Quốc là 6,700 Yên, Thái Lan là 8,000 Yên, Mỹ là 12,550 Yên.
Các quốc gia nơi gửi đến cũng bị giới hạn vì vậy các bạn nên xác nhận xem có thể gửi hàng đến nước mình hay không qua trang chủ bưu chính Nhật Bản. Tại thời điểm tháng 8/2020, từ Nhật có thể gửi hàng đến Trung Quốc, Thái, Mỹ, Canada, v.v.
Trang chủ bưu chính Nhật Bản HP: “Các quốc gia, khu vực có thể sử dụng phương thức gửi hàng bằng đường hàng không tiết kiệm (SAL)”: https://www.post.japanpost.jp/int/service/dispatch/sal_ichiran.html
3.Đường hàng không
Photo by Pixta
Phương thức gửi hàng bằng đường hàng không là phương thức gửi hàng bằng máy bay đúng như tên gọi của nó. Thời gian vận chuyển khoảng 3 ~ 6 ngày. Cước phí trong trường hợp gửi hàng dưới 10kg đến Trung Quốc là 7,850 Yên, Thái là 12,500 Yên, Mỹ là 17,650 Yên.
Đây là phương thức thích hợp khi vận chuyển hàng hoá cần gửi nhanh ví dụ như thực phẩm.
4. EMS (Chuyển phát nhanh quốc tế)
Trong số 4 phương thức vận chuyển thì EMS là phương thức vận chuyển nhanh nhất. Phương tiện vận chuyển là máy bay, hàng hoá được vận chuyển với mức độ ưu tiên cao nhất trong số các loại bưu chính quốc tế, thời gian vận chuyển khoảng 2 ~ 5 ngày sẽ đến các nước.
Cước phí vận chuyển kiện hàng dưới 10kg đến Trung Quốc là 10,500 Yên, Thái là 10,500 Yên, Mỹ là 14,500 Yên.
Phương thức này phù hợp khi vận chuyển hàng hoá cần gửi nhanh ví dụ như tài liệu, thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, v.v. Ngoài ra cũng có dịch vụ Cool EMS để vận chuyển hàng hoá ở nhiệt độ thấp đi 8 nước như Đài Loan, Thái, Pháp, v.v.
Tại thời điểm tháng 8/2020, dịch vụ Cool EMS ngừng nhận hàng do ảnh hưởng của dịch cúm chủng mới. Các bạn hãy xem lại về thời gian mở lại dịch vụ này trên trang chủ của bưu chính Nhật Bản nhé.
Trang chủ bưu chính “Cool EMS”: https://www.post.japanpost.jp/int/ems/cool/index.html
Chi tiết về phương thức gửi có thể xem thêm bài viết dưới đây.
Những lưu ý trước khi gửi
Trước khi gửi, trước tiên các bạn hãy xác nhận xem trong hàng hoá gửi đi có vật nguy hiểm cho hàng không hay không. Sau đó hãy chuẩn bị phiếu gửi hàng trước sẽ nhanh hơn.
Chú ý về “vật nguy hiểm cho hàng không” không thể gửi đi nước ngoài!
Trong bưu kiện quốc tế dù là đường biển hay đường hàng không thì cũng không được gửi “vật nguy hiểm cho hàng không”. Trước khi gửi đi, các bạn hãy xác nhận lại xem trong kiện hàng có những vật nguy hiểm cho hàng không hay không.
Vật nguy hiểm cho hàng không | Nước hoa, thuốc chăm sóc tóc, sơn móng tay, pháo hoa, đồ uống có cồn, pin sạc di động, thuốc lá điện tử, bình xịt, v.v. |
Hãy viết chính xác hàng hoá lên phiếu gửi
Các bạn phải viết chính xác nội dung hàng hoá, mức giá, số lượng lên nhãn bưu kiện quốc tế. Các bạn nên chuẩn bị trước ghi chú về các hàng hoá để không bị bỏ sót.
Ngoài EMS ra thì các bạn cũng lưu ý viết địa chỉ dự bị ví dụ như nhà của bạn bè để đề phòng trường hợp không thể chuyển được đến nhà bạn.
Khi có nhiều kiện hàng, các bạn có thể xin phiếu gửi tại các bưu cục để viết ở nhà. Các bạn hãy tham khảo trang chủ của bưu chính Nhật Bản về cách viết nhãn hàng hoá khi gửi nhé.
Trang chủ của bưu chính Nhật Bản “Cách viết nhãn hàng”: https://www.post.japanpost.jp/int/use/writing/parcel.html
Tra cứu các bưu cục cho phép không sử dụng tiền mặt
Phần lớn các bưu cục đều nhận thanh toán bằng tiền mặt. Nếu các bạn muốn sử dụng thẻ tín dụng thì hãy xác nhận tại trang chủ bưu chính Nhật Bản về các bưu cục có thể thanh toán mà không sử dụng tiền mặt.
Trang chủ bưu chính Nhật Bản “Thanh toán không sử dụng tiền mặt tại các bưu cục": https://www.post.japanpost.jp/life/cashless/index.html
Sử dụng bưu kiện quốc tế tiện lợi!
Yamato Unyu, Sagawa Kyubin, Nittsu v.v cũng có dịch vụ vận chuyển bưu kiện quốc tế mặc dù cước phí cao hơn so với bưu cục. Các bạn hãy xem thêm tại trang chủ của các công ty để so sánh và cân nhắc nhé.
Việc vận chuyển bưu kiện quốc tế tại Nhật không quá khó khăn. Các bạn nên chuẩn bị trước để có thể gửi hàng đơn giản. Các bạn hãy thử sử dụng dịch vụ này khi hàng hoá tăng thêm nhiều khi đang du lịch Nhật Bản nhé.
Bài viết liên quan
-
Dịch vụ giao hàng tận nhà! So sánh 3 công ty Yamato, Sagawa, bưu điện
-
Kiến thức cơ bản liên quan tới gửi chuyển phát nhanh ở Nhật ~ thư gửi kèm, hộp nhận hàng, hay thông báo vắng nhà
Từ khóa » Cách Kiểm Tra Bưu Phẩm Gửi Bưu điện Nhật Bản
-
Cách Kiểm Tra Bưu Phẩm Gửi đi ở Nhật Bản - Diiho
-
Hướng Dẫn Cách Kiểm Tra Tình Trạng Món Hàng đang được Gửi Tại ...
-
Hướng Dẫn Kiểm Tra Tình Trạng Thư, Bưu Phẩm Gửi Chuyển Phát ở ...
-
Hệ Thống Tracking JAPAN POST | Giám Sát Chuyến Hàng | Ship24
-
Tra Cứu Tình Trạng Hàng Gửi đi Tại Nhật
-
Hướng Dẫn Check Tình Trạng Hàng, Hẹn Gửi Lại Hàng Yamato - Vietmart
-
Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Gửi Hàng đến Nhật, Từ Nhật đi Các Nước Và ...
-
4 Cách Tra Cứu Vận đơn Bưu điện, Bưu Cục VNPost Nhanh
-
Định Vị Bưu Gửi - VNPost
-
Tra Vận đơn Bưu điện Nhanh Gọn Lẹ Trong 4 Bước - DooPage
-
Tra Cứu Bưu Gửi - EMS
-
EMS - Tổng Công Ty Chuyển Phát Nhanh Bưu điện
-
Cách Hẹn Thời Gian Giao Hàng Với Bưu điện ở Nhật (Japan Post)
-
Phí Gửi Hàng Bưu điện Từ Việt Nam Sang Nhật Rẻ Nhất ở đâu?