Hà Anh Tuấn – The Veston Concert - LAZY NEWS

Mua vé concert của Hà Anh Tuấn ngày càng khó, ngày càng oải mà chẳng hiểu sao cứ thấy có thông tin là lại muốn canh vé. Viet Vision tài thật! The Veston Concert còn là lần mua vé và đi xem show nhọc nhằn nhất từ trước đến giờ, vì sự rình rập của Covid.

Kể từ sau Romance Concert năm 2018, chẳng hiểu sao mình không thể mua được vé show của Hà Anh Tuấn thêm một lần nào nữa. May mắn có đồng bọn khá hữu duyên với show của Tuấn nên mình mới được hưởng sái. Lần bán vé đầu tiên cho ngày 26/12/2020 trên nền tảng Storii bị vỡ trận, mình thậm chí còn chưa mở được sơ đồ chỗ ngồi ra xem. Khi ngày diễn bị rời lại vì Covid, đã tự nhủ thật may mắn vì… không mua được vé. Lần bán vé thứ hai cho ngày 26 & 27/2/2021 bằng hình thức đăng ký qua Google form, mình còn đang loay hoay chưa điền xong thông tin đã thấy đồng bọn báo đăng ký xong rồi, thế là buông tay ngay lập tức vì nó mà không mua được vé thì còn lâu mới đến lượt mình. Và nó đăng ký mua vé thành công, cho ngày 27/2. Hẹn bạn, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, lên kế hoạch ăn chơi xong xuôi chỉ chờ ngày lên đường thì Covid quay lại. Ngày diễn tiếp tục bị rời đến 2 & 3/4/2021. Mọi kế hoạch bị đảo lộn, thậm chí đã phải nghĩ đến việc có đi xem show nữa hay không.

Chiều 3/4, máy bay hạ cánh xuống Đà Lạt. Trời nắng đẹp. Buổi tối cũng chỉ se lạnh chứ không bị mưa như hôm trước. Đã chuẩn bị tinh thần xếp hàng như hồi đi xem Truyện ngắn ở Hội An mà khi đến nơi lại chẳng thấy hàng dài nào cả (nghe đồn fan đã đến xếp hàng từ 5h chiều), cứ thế đi thẳng vào phía trong thì thấy mọi người đang đứng chụp ảnh bên cạnh rất nhiều standee và backdrop được bố trí dọc lối vào và quanh khu vực bán đĩa (CD và đĩa than). Không nán lại lâu, hai đứa nhanh chóng đi tìm chỗ ngồi. Ban đầu hơi run vì khán đài cao quá mà lại được trụ đỡ theo kiểu dàn giáo. Sau mới quen dần và yên tâm vì độ chắc chắn khi mọi người đi lên đi xuống và di chuyển vào chỗ.

Đây là lần thứ hai Tuấn mang sân khấu lớn đến Đà Lạt nhưng là lần đầu tiên mình đến Đà Lạt với mục đích chính là đi xem show và bị thuyết phục ngay bởi cách lựa chọn, sắp xếp không gian biểu diễn rộng và thoáng mà vẫn tạo được sự ấm áp, gần gũi. Sân khấu tròn là trung tâm, được thiết kế dưới hình thức một chiếc máy hát với đầy đủ chi tiết từ mâm đĩa, tay cần, đầu kim đến họng loa kèn khổng lồ siêu đẹp – tâm điểm của mọi sự ngỡ ngàng, háo hức và những cú bấm máy lia lịa. Ôm trọn sân khấu là dãy giảng đường hình vòng cung với tháp chuông cao vút, suốt đêm diễn lại trở thành màn hình cong lý tưởng cho những thước phim về dự án cộng đồng Rừng Việt Nam, những phóng chiếu nhân vật và khoảnh khắc đáng nhớ từ sân khấu, những thiết kế hình ảnh và ánh sáng riêng cho mỗi phần biểu diễn.

Ấn tượng nhất với mình là khoảnh khắc Tuấn nhấc tay cần, đặt đầu kim lên mặt đĩa, chiếc đĩa chầm chậm quay và những âm thanh đầu tiên của Thành phố buồn vang lên. Chiếc đĩa than chính là mặt sân khấu. Khi Tuấn vừa thong thả bước đi vừa hát thì, wow, mình thấy khoảnh khắc này đẹp và tạo ấn tượng mạnh chẳng kém gì khoảnh khắc mái vòm của sân khấu Lan Anh mở ra, chiếc phi thuyền sừng sững xuất hiện đưa Hồ Ngọc Hà xuống sân khấu trong Live Concert 2011. Hai cách thức thể hiện khác nhau (một tĩnh, một động), hai bầu không khí khác nhau (một nhẹ nhàng, một náo nhiệt) nhưng đều đẩy mình vào trạng thái chứng kiến những thứ mới trước đó tưởng không thể, giờ lại đang diễn ra ngay trước mắt.

Sự ấn tượng có lẽ còn được cộng thêm khi mình chẳng “đề phòng” gì vì đây là Đà Lạt, không phải Sài Gòn hay Hà Nội, đây cũng là show của Hà Anh Tuấn, không phải của Hồ Ngọc Hà hay Sơn Tùng M-TP. Viet Vision, dễ đoán được, vẫn phát huy tối đa thế mạnh về thiết kế. Đẹp từ poster, hộp vé, standee, backdrop đến sân khấu. Tuy nhiên, hoành tráng và chơi “chiêu” mà không đi ngược lại phong cách của ca sĩ thì mình chưa hề nghĩ tới. Hơn nữa, mọi thứ đều xuyên suốt và hài hòa với không gian, cảnh quan của địa điểm biểu diễn – một trong những công trình kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt.

Vietcetera phỏng vấn đạo diễn Cao Trung Hiếu

Về âm nhạc, The Veston Concert là điểm đến cuối của dự án Veston, tiếp nối See Sing Share 4 Trong rừng có cơn mát lành và album Cuối ngày người đàn ông một mình. Mình thích không khí mát lành của See Sing Share 4. Mình cũng thích cách chỉ sử dụng giới hạn và kết hợp giữa các nhạc cụ guitar, violin, tranh, sáo trong album, đều là những nhạc cụ thân gỗ hoặc trúc, vừa có sự kết nối với See Sing Share 4, vừa mang lại âm thanh trong vắt, mộc mạc tương phản với cách hát thu vào bên trong, có phần sâu và tối của ca sĩ. Concert có cách thể hiện hoành tráng hơn, kết hợp ban nhạc nhẹ với dàn dây và dàn kèn, thêm sự xuất hiện của guitarist Thanh Phương và nghệ sĩ sáo Hoàng Anh là đủ để bao quát từ câu chuyện Đà Lạt, câu chuyện ký ức, đến những sắc thái khác nhau của câu chuyện tình yêu đương thời. Âm thanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tải âm nhạc đến khán giả, nổi bật nhất là sự uy lực của tiếng trống, sự tách bạch và rõ nét của nhóm bè, sự đầy đặn và rộng lớn của dàn dây, nhất là khi bản phối đã “phân vai” để dàn dây “đối thoại” với ca sĩ chứ không nhẹ nhàng lùi về phía sau như thường thấy.

Điểm hấp dẫn khác của The Veston Concert là khách mời. Chillies nhỏ tuổi hơn, trẻ trung, tươi mới, đôi chút rụt rè nhưng đủ sức lôi cuốn khán giả bất kể chủ nhà có mặt trên sân khấu hay không. Không rành nhạc indie như mình mà còn biết Và thế là hết, Vùng ký ức, Mascara thì đủ hiểu các bạn trẻ đã hào hứng đến mức nào, bảo sao chủ nhà chỉ cho khách mời chiếm trọn sân khấu có hai bài, còn lại đều song ca. Không dễ bị phát hiện như Chillies, chú Tuấn Ngọc là một bất ngờ lớn. Biết rành rành chú là người Đà Lạt nhưng mình chẳng mảy may nghĩ tới việc chú sẽ xuất hiện trong chương trình. Ở những concert trước, với khả năng ăn nói của mình, Tuấn là người dẫn dắt khách mời, thì lần này lại bị chú Tuấn Ngọc đối đáp không tha câu nào bằng lối nói chuyện dửng dưng và hóm hỉnh hiếm có. Giọng hát của chú tuy không được tốt do bị đau họng, nhưng vẫn giữ được những nốt cao với độ căng đáng nể, vẫn thể hiện khả năng hát như chơi với tiết tấu và sự điêu luyện ẩn trong lối hát điềm tĩnh. Tuấn tự nhận đã già đi nhiều, nhưng khi song ca với chú Tuấn Ngọc, dù là bài cũ (Khúc thụy du) hay bài mới (Xin lỗi, Tôi vẫn đợi em nơi hẹn cũ), bên cạnh sự vững chãi của chú, mình thấy Tuấn vẫn còn xanh non lắm, bất kể chú đã mặc bộ vest màu xanh và đi đôi giày màu đỏ.

Quay về với nhân vật chính. Dù đắm đuối với bolero, giao duyên với âm hưởng dân ca hay thử thách đôi chút với jazz thì thế mạnh của Tuấn vẫn là những bản ballad. Mình thích cách dàn dựng Thành phố buồn (đẹp đẽ, lãng mạn), thích cách làm mới Thuở ấy có em (rất phù hợp để chuẩn bị cho sự xuất hiện của chú Tuấn Ngọc), thích những luyến láy và cách Tuấn kéo khán giả vào cuộc với Tùy hứng lý qua cầu (màn đối đáp, phụ họa tưởng không có hồi kết của hoàng tử và công chúa Đà Lạt), nhưng mong chờ nhất vẫn là ballad. Tuấn biết cách chọn và hát hay bài của người khác (Còn nguyên vết thương sâu, Cơn đau cuối cùng, Trái tim em cũng biết đau). Mình thậm chí đã có lúc nghe một bài hát, tự nhiên lại nghĩ xem nếu là Tuấn thì sẽ hát như thế nào. Dĩ nhiên, Tuấn phải có những bài hát hay của riêng mình. Bắt đầu từ những sáng tác của Phạm Toàn Thắng, rồi đến Phan Mạnh Quỳnh, và gần đây là Hồ Tiến Đạt, Nguyễn Minh Cường, Tuấn là phiên bản mới của những bức thư tình rất gần gũi, đời thường nhưng không kém phần lãng mạn, ngọt ngào mà bộ đôi Tấn Minh – Đỗ Bảo đã có công mở ra rồi lại bỏ ngỏ. Mặt khác, ballad thường phù hợp với không gian nhỏ, ấm cúng, Tuấn lại có khả năng duy trì sức hấp dẫn của ballad trên sân khấu lớn. Bằng chứng là khán giả có thể hát thay ca sĩ Tháng tư là lời nói dối của em từ thời Fragile cho đến Tháng mấy em nhớ anh? chỉ vừa mới ra mắt ngay trước concert.

https://youtu.be/lxFmeBhoA1Y&amp
Lyric video Tháng mấy em nhớ anh?

Thích ballad là vậy, nhưng “trùm cuối” của The Veston Concert lại thuộc về combo uống rượu – hút thuốc – ghen tuông (Một đêm say – Em bỏ hút thuốc chưa – Ghen) làm “náo loạn” đêm Đà Lạt. Ngay khi âm nhạc nổi lên, đội quân khán đài được một phen đứng tim vì chính những chấn động tự gây ra. Không ai bảo ai, rón rén chứng kiến Tuấn “xử đẹp” ba bản hit của Thịnh Suy, Bích Phương, Min & Erik trong nhịp điệu disco/soul/funk lôi cuốn. Đây chính là Hà Anh Tuấn vẫn thiếu vắng ở những concert trước. Một Hà Anh Tuấn trẻ, quậy, có chút ngông. Một Hà Anh Tuấn nhạy cảm và thích thú với tiết tấu. Một Hà Anh Tuấn với những quãng chuyển giọng đẹp, mượt, bắt tai. Vì vậy mà The Veston Concert gần nhất với những gì mình mong đợi ở concert của Tuấn từ trước đến giờ.

Đêm Đà Lạt được trả lại sự bình yên với Phố mùa đông, với hàng dài người nhất định phải đến gần sân khấu một lần để ngắm bông loa kèn khổng lồ, với cuộc dạo bộ quanh hồ Xuân Hương mãi không về đến khách sạn. Hôm sau đi chơi với cái “đài phát thanh” từ sáng đến tối. Tự nhiên lại thấy Chillies, Hà Anh Tuấn, chú Tuấn Ngọc giống như đại diện của thời tuổi trẻ, thời trưởng thành, thời an yên trong một đời người. Cũng cảm thấy Tears in heaven mà Tuấn hát ở concert đầu tiên trong sự nghiệp và lời hứa về một Glorious horizon (Chân trời rực rỡ) ở concert lần này đều hướng đến một người – chủ nhân của chiếc áo vest mà cậu bé khi xưa vẫn thường trộm nhìn và khoác lên mình những giấc mơ trưởng thành.

Khi bản mashup Có chàng trai viết lên cây – Mưa rừng vang lên như lời chào hân hoan sau bao khó khăn, trở ngại để The Veston Concert có thể diễn ra, những tưởng Covid sắp lùi xa. Đâu thể ngờ đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão lớn và khốc liệt gấp nhiều lần. Để bây giờ, vẫn được bình an mà nhớ về concert yêu thích, về chuyến đi không theo kế hoạch, về khoang máy bay toàn dân Veston đang trên đường về nhà thì tự biết mình may mắn lắm phải không đồng bọn.

Nhấc tay cần. Đặt nhẹ đầu kim lên mặt đĩa. Âm nhạc bắt đầu…

The Veston ConcertHà Anh Tuấn03.04.2021Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Đà Lạt)

Chia sẻ:

  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để gửi một liên kết tới bạn bè (Mở trong cửa sổ mới)
Thích Đang tải…

Từ khóa » Sơ đồ Chỗ Ngồi Concert Veston