Siêu thị hoạt động đảm bảo an toàn phòng chống dịchTheo lãnh đạo phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội, hôm nay (5/8), siêu thị VinMart Xa La tại khu đô thị Xa La đã mở cửa trở lại cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng trên địa bàn. Đây là 1 trong 3 siêu thị VinMart và 2 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên địa bàn quận Hà Đông phải tạm dừng kinh doanh kể từ ngày 2/8 khi có liên quan đến ca nhiễm Covid-19 là nhân viên giao hàng của Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga.
Rau xanh trong VinMart Xa La được đảm bảo nguồn cung.
Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến cho biết: Sau khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với các nhân viên của VinMart Xa La, ngày 3/8, phường Phúc La đã trao đổi với quản lý của VinMart Xa La thay toàn bộ nhân viên và quản lý ở đó. Đồng thời, tiến hành khử khuẩn, tiêu độc, làm vệ sinh môi trường đảm bảo ngày 5/8 đi vào hoạt động kinh doanh được. Riêng siêu thị VinMart Văn Quán tại khu đô thị Yên Phúc kết quả xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với nhân viên Công ty Thanh Nga chưa ổn định nên vẫn bị phong tỏa.
Thịt tươi các loại đã lên kệ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại siêu thị VinMart Xa La trong ngày mở cửa trở lại, ngay từ ngoài cửa, nhân viên siêu thị đã yêu cầu khách khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay khửa khuẩn trước khi vào siêu thị.Các hàng hóa trong siêu thị khá dồi dào, nhất là các mặt hàng thực phẩm khô và chế biến; còn rau xanh, thịt đảm bảo tương đối khá lượng hàng. Chỉ có cá, các loại thủy hải sản chưa nhiều.“Sau mấy ngày phường phải tạm dừng hoạt động của 2 siêu thị, nhưng lượng hàng hóa thực phẩm, nhu yếu phẩm cung cấp trên thị trường không thiếu. Hiện Phúc La còn có 2 chợ dân sinh là chợ Yên Phúc và chợ Xanh Văn Quán đều đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và một phần dân cư của phường Văn Quán. Phường đã chỉ đạo các Ban quản lý chợ tuyên truyền cho các tiểu thương tăng lượng cung ứng hàng thực phẩm, rau xanh, hàng hóa thiết yếu khác nhưng không được tăng giá bán" - ông Nguyễn Đức Tiến trao đổi thêm.Nguồn cung hàng hóa không thiếuGhi nhận của phóng viên tại chợ Xanh Văn Quán cho thấy, sau khi VinMart Văn Quán tạm dừng hoạt động, lượng người vào chợ khá đông cả sáng và chiều. Theo Ban quản lý chợ, sau khi siêu thị tạm dừng hoạt động, số lượng người vào chợ tăng mạnh, nhưng giá hàng hóa không tăng. Mỗi ngày chợ đón trên nghìn lượt người đến mua sắm.Phường Văn Quán và Phúc La đều phát thẻ cho người dân đi chợ luân phiên 2 ngày 1 lần; đồng thời đo thân nhiệt, ghi lại thông tin trước khi vào chợ để dễ truy vết nếu có ai mắc Covid-19. Để hạn chế tiếp xúc trong khi mua sắm, Ban quản lý chợ cũng đã yêu cầu người dân vào 1 cổng và ra một cổng.
Chợ Xanh Văn Quán có lượng người đến mua sắm đông, nhưng nguồn cung thực phẩm, rau xanh dồi dào và không tăng giá bán.
Một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Xanh cho biết: Trước kia chị chỉ lấy 1 con lợn vào buổi sáng, nhưng nay phải lấy 2 con để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng của người dân. Mặc dù người dân vào chợ mua sắm đông nhưng nguồn cung thịt lợn và giá vẫn ổn định như trước kia. Cụ thể, như sấn mông, bắp giò, ba chỉ, sườn bán với giá 150.000 đồng/kg.Thời gian qua, quận Hà Đông tạm dừng hoạt động 3 siêu thị VinMart và 2 cửa hàng VinMart+, 1 chợ đầu mối bán buôn nông sản trên địa bàn là chợ đêm Nông sản Văn Quán, 1 chợ tạm ở Yết Kiêu và gần 100 gian hàng cung ứng hàng hóa tại khu đất dịch vụ Phúc La để phòng, chống dịch Covid-19. Nói về công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa, sau khi các siêu thị, chợ phải dừng hoạt động, đại diện Phòng Kinh tế quận Hà Đông cho biết: Đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Các tiểu thương trước kia lấy nguồn hàng ở chợ đêm Nông sản Văn Quán nay chuyển sang các chợ đầu mối khác trên toàn thành phố nên chưa xảy ra thiếu nguồn cung. Giá hàng hóa trên địa bàn đều ổn định.Ngày 4/8, UBND quận đã chỉ đạo các phường tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hóa, chủ động điều phối hàng hóa và thực hiện phương châm “4 tại chỗ" và “3 sẵn sàng" đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân trên địa bàn. UBND các phường có chợ chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ chủ động, linh hoạt cho phép người dân ở các phường không có chợ (gồm Yết Kiêu, Quang Trung, Hà Cầu, Biên Giang, Phú Lương) được vào mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Các chợ, chuỗi cửa hàng, siêu thị tổ chức các giải pháp đảm bảo các hoạt động, đi đôi phương án phòng, chống dịch theo quy định, không để lây nhiễm dịch bệnh tại các hệ thống.