Hà Lê: Chàng Rapper Khoác "áo Mới" Cho Nhạc Trịnh - Tạp Chí Đẹp
Có thể bạn quan tâm
Từ khi khởi động dự án “Trịnh Contemporary” (tháng 3/2019), nghệ sỹ Hà Lê gặp nhiều ý kiến trái chiều: sáng tạo hay phá vỡ “đền đài” nhạc Trịnh? Thế nhưng, anh vẫn kiên định với con đường đã chọn, sử dụng yếu tố đương đại trên nhiều phương diện (vũ đạo, hòa âm, trang phục…) để làm mới nhạc Trịnh, khẳng định cá tính âm nhạc riêng.
Gần đây, với việc ra mắt album “Ở trọ” trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến (tối 28/5), Hà Lê tiếp tục thổi một “làn gió” mới, tự do và đầy hứng khởi vào “cõi Trịnh.”
Hà Lê kiên định với con đường đã chọn, sử dụng yếu tố đương đại để làm mới nhạc Trịnh.
“Ở trọ” và những sản phẩm âm nhạc trước đó (MV “Diễm xưa,” “Mưa hồng”…) của Hà Lê không chỉ mang đến cho người nghe những thanh âm mới, một sự phá cách mới mà còn gợi ra câu chuyện: Để chạm được vào trái tim khán giả, mang đến cảm xúc lắng sâu, đôi khi, sản phẩm âm nhạc cần dựa trên chất liệu có sức sống bền lâu. Đây cũng là lý do nhạc Trịnh vẫn luôn tiếp tục truyền cảm hứng cho những nghệ sỹ trẻ muốn tìm tòi, khám phá.
Mới đây, Hà Lê đã trình làng “Ở trọ,” album đầu tiên trong sự nghiệp solo của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Người này có thể là bụi tre, người kia là cây trúc…”
Hà Lê tên đầy đủ là Lê Vĩnh Hà, sinh năm 1984 tại Hà Nội. Anh là một nghệ sỹ nhạc rap, vũ công kiêm biên đạo múa.
“Người này có thể là bụi tre, người kia là cây trúc…”. “Ở trọ,” album đầu tiên trong sự nghiệp solo của Hà Lê, mở đầu bằng những lời tâm sự giản dị nhưng sâu lắng như vậy của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Đó cũng là cách để Hà Lê chiếm lấy những bồi hồi, thổn thức của người nghe.
Lời tâm sự ấy cũng là quan điểm của người nhạc sỹ tài hoa về cuộc đời, thế giới và âm nhạc. Qua đôi mắt của ông, mỗi người có một vẻ đẹp, một vai trò riêng trong thế giới rộng lớn này. Nhiệm vụ của mỗi con người là phải sống đẹp, sống có ích, để không phí phạm cuộc đời mà chính thế giới đã trao tặng.
Hà Lê mang những bước nhảy khỏe khoắn, tinh thần phóng khoáng của một rapper vào những sản phẩm âm nhạc của mình.
Xuyên suốt dự án “Trịnh Contemporary” nói chung và album “Ở trọ” nói riêng, ở Hà Lê vẫn toát lên một vẻ đậm chất phố phường. Anh theo đuổi con đường đưa những yếu tố đương đại vào âm nhạc, đóng góp nhiều sáng tạo vào bản gốc (remake) thay vì cover nhạc Trịnh. Hà Lê mang những bước nhảy khỏe khoắn, tinh thần phóng khoáng của một rapper và giọng hát với màu sắc riêng vào những sản phẩm âm nhạc của mình. Hà Lê cho biết khi thực hiện dự án kết hợp nhạc Trịnh với âm nhạc điện tử, anh đã xin ý kiến của gia đình cố nhạc sỹ.
Việc chọn “Ở Trọ” làm ca khúc mở đầu, ca khúc chủ đề cho thấy sự tôn trọng, đồng điệu của Hà Lê đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Hà Lê hát “Ở trọ” với một tinh thần tràn đầy hứng khởi trên nền nhạc điện tử.
“Tôi đến với nhạc Trịnh như là số mệnh, đúng hơn là từ một tiếng gọi. Sự tự do của âm nhạc là thứ khán giả sẽ thấy rõ nhất trong toàn bộ dự án Trịnh Contemporary. Tổng hòa của album sẽ là một trải nghiệm âm nhạc dịu mát, thư thái như cơn mưa hồng ngọt lành đổ xuống những ngày Hè đầy oi ả,” Hà Lê chia sẻ.
Hà Lê là một nghệ sỹ nhạc rap, vũ công kiêm biên đạo múa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sự sáng tạo của Hà Lê và Tùng Tic (giám đốc âm nhạc) đã mang lại những âm thanh vui nhộn, tô vẽ một gam màu tích cực cho những đôi tai đang tìm kiếm một sự tươi mới ở một kho tàng nhạc đã từng được nhiều thế hệ thể hiện theo những cách khác nhau.
Bằng sự phóng túng trong cách thể hiện, Hà Lê đã bộc lộ rõ cá tính. Album đầu tiên của Hà Lê gồm bảy ca khúc. Ba trong số đó đã ra mắt từ trước dưới hình thức music video: “Diễm xưa,” “Mưa hồng” và “Biển nhớ.” Đó là bước đệm để Hà Lê tự tin sáng tạo, tìm ra những thanh âm, nhịp điệu, cấu trúc, cách thể hiện và cả những người bạn mới; từ đó, làm nên một album hoàn chỉnh, một sản phẩm nhiều dấu ấn trong dự án “Trịnh Contemporary.”
Có thể thấy, qua từng bước đi chắc chắn, vòng tròn sáng tạo hướng tới sự tự do trong cách tân âm nhạc của Hà Lê dần nới rộng. Ở “Nhớ mùa Thu Hà Nội,” những âm thanh hip-hop tưởng chừng lạ lẫm lại có khả năng kết nối quá khứ và hiện tại. Chúng giúp cho những câu chuyện, chuyển động của Hà Nội hôm nay hiện ra trong tâm trí người nghe trước khi gợi nhắc họ về một quá khứ huy hoàng trong đoạn cuối của bài hát.
Hà Lê cho biết “Tuổi đá buồn” là ca khúc được hoàn thiện nhanh nhất. Ở đó, những câu ca trữ tình của thời xưa được chuyển thể thành một ca khúc mang màu sắc thần bí, thích hợp để nghe vào những buổi đêm nhiều suy tư.
Qua từng bước đi chắc chắn, vòng tròn sáng tạo hướng tới sự tự do trong cách tân âm nhạc của Hà Lê dần nới rộng.
Để rồi sau đó, qua “Huế-Sài Gòn-Hà Nội,” ca khúc khép lại album, Hà Lê và Tùng Tíc cho thấy họ là một “cặp bài trùng” khi mang đến cho người nghe sự bất ngờ lớn. Bài hát mang phong cách khác biệt với những ca khúc còn lại nhưng không hề lạc lõng trong chỉnh thể album. Êkíp sản xuất đã thổi vào đó hơi thở rộn rã, tinh thần hứng khởi, cho thấy sự đồng điệu về cảm xúc của nghệ sỹ trẻ hiện nay với thế hệ trước.
Mở đường cho một “công thức” mới?
Với thành công trong việc cách tân nhạc Trịnh, Hà Lê cùng thế hệ nghệ sỹ trẻ Việt Nam (những người đang hoạt động chuyên nghiệp, có sự kết nối với những công ty giải trí, hãng thu âm lớn, có uy tín trên thế giới như Warner, Sony Music…) đang cho thấy một “công thức” phù hợp để tạo ra những sản phẩm, đêm nhạc chất lượng, kết nối được với khán giả đương đại.
Cụ thể, công thức đó là nghệ sỹ đầu tư bài bản, thực hiện chỉn chu một vài sản phẩm đơn lẻ (ca khúc, MV) để thăm dò thị hiếu của khán giả, “đo đếm” phản hồi của người nghe đối với tổng thể ý tưởng muốn triển khai. Từ đó, êkíp sản xuất sẽ có sự điều chỉnh để tạo nên những sản phẩm âm nhạc vừa phù hợp với phong cách của nghệ sỹ vừa đáp ứng được mong mỏi của người hâm mộ.
Hà Lê hướng tới một tinh thần đương đại, tự do, phóng khoáng để nhạc Trịnh đến gần với khán giả trẻ.
Có thể thấy công thức này đã và đang cho ra những album chất lượng, được cả giới chuyên môn và khán giả đại chúng đón nhận tích cực. Đơn cử, album “Hoàng” của Hoàng Thùy Linh, được ra mắt sau thành công của những MV “Để Mị nói cho mà nghe,” “Tứ phủ” đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín, giúp nữ ca sỹ sinh năm 1988 tăng tốc trên “đường đua” nhạc Việt.
Tuy vậy, cách làm này đặt ra yêu cầu khắt khe về một ý tưởng, kịch bản thống nhất, do một nhà sản xuất xứng tầm “cầm trịch.” Bên cạnh đó, nó cũng chứa nhiều rủi ro bởi thời gian làm một album như vậy thường kéo dài, dễ đứt gãy êkíp và trong một số trường hợp, nếu phản ứng công chúng không như mong đợi, album có thể sẽ không bao giờ được ra đời.
Hướng tới một tinh thần đương đại, tự do, phóng khoáng để nhạc Trịnh đến gần với khán giả trẻ hôm nay, Hà Lê và các cộng sự đã mạnh dạn cách tân, thêm phần lời (phần rap) và pha trộn những phong cách, loại hình nghệ thuật thời thượng. Chân dung nghệ sỹ đương đại vừa hát, vừa nhảy vừa đọc rap của Hà Lê trên nền R&B, world music, EDM, reaggae đã mở ra một không gian nhạc Trịnh khác: Tươi mới, trẻ trung nhưng không kém phần mộng ảo, trữ tình, sâu lắng.
Với những thử nghiệm, cách tân có phần liều lĩnh trong dự án “Trịnh Contemporary”, Hà Lê đã khẳng định mình như một “ca quái” trong cõi Trịnh. Nhạc sỹ Phạm Hải Âu chia sẻ: “Tôi đánh giá cao việc Hà Lê đang làm với nhạc Trịnh bởi ít nhất, Hà Lê dám dấn thân làm điều mới mẻ.”
Có cùng quan điểm trên, nhạc sỹ Quốc Trung chia sẻ: “Cách hát của Hà Lê tốt và dấu ấn sáng tạo trong album này rất rõ nét, cho thấy những phá cách, dấu ấn và cá tính riêng. Ở đây, chúng ta nên nghĩ nhạc Trịnh là chất liệu để Hà Lê và êkíp sản xuất thể nghiệm sự sự sáng tạo.”
Những album được đầu tư kỹ lưỡng cho thấy xu hướng vận động trong đời sống nhạc Việt cũng như chân dung, tầm vóc, nỗ lực thể nghiệm, làm mới chính mình của nghệ sỹ.
Ở góc độ khác, nhiều nghệ sỹ cho rằng việc Hà Lê và êkíp có ý thức mang đến những đĩa nhạc như “Ở Trọ” đã và đang giúp điều chỉnh thói quen tiếp nhận âm nhạc của công chúng trong nước. Thời gian qua, cách thưởng thức âm nhạc của khán giả thay đổi nhanh chóng. Từ nghe nhạc bằng những định dạng ghi âm vật lý (CD, cassette…), hiện nay, công chúng chủ yếu nghe nhạc trực tuyến với định dạng số hóa.
Những album được đầu tư kỹ lưỡng cho thấy xu hướng vận động trong đời sống nhạc Việt cũng như chân dung, tầm vóc, nỗ lực thể nghiệm, làm mới chính mình của nghệ sỹ. Nói khác đi, thành công của một album không chỉ đưa đến nhiều cơ hội biểu diễn hơn cho nghệ sỹ mà quan trọng hơn, qua đó, họ có cơ hội bộc lộ thế mạnh, định hình phong cách, thậm chí xác định hướng đi đường dài cho riêng mình.
“Hà Lê không phải là người đầu tiên làm mới nhạc Trịnh Công Sơn nhưng Hà Lê có hướng đi riêng, cách hát riêng để tiếp cận khán giả trẻ. Tôi là người thuộc thế hệ cũ nhưng khi nghe Hà Lê hát, tôi cảm thấy khá bắt tai, thú vị. Quan trọng hơn, tôi thấy cách hát ấy giữ được tinh thần của những nhạc phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn,” ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bày tỏ.
Hà Lê chọn hướng đi riêng trong việc cách tân nhạc Trịnh. Nhiều nhà sản xuất âm nhạc uy tín như Quốc Trung, Phạm Hải Âu… bày tỏ hy vọng ở những sản phẩm tiếp theo, Hà Lê cho thấy sự đột phá mạnh mẽ hơn với các tác phẩm ít phổ biến của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
“Hà Lê có giọng hát đặc biệt, có khả năng phát triển tốt. Tôi hy vọng trong những sản phẩm tiếp theo, Hà Lê và êkíp có thể tìm ra những không gian mới lạ hơn, đi xa vòng an toàn về hòa âm hơn,” nhạc sỹ Võ Thiện Thanh chia sẻ./.
BÀI PHƯƠNG MAI
Close
Từ khóa » Hà Lê Rapper
-
Tiểu Sử Rapper Hà Lê - Người Nổi Tiếng
-
Hà Lê - Giám Khảo đa Tài Của 'Rap Cùng Lona' - Báo Tuổi Trẻ
-
Rapper Hà Lê
-
Tiểu Sử Hà Lê – Rapper Từ Vũ Công Tới Hát Nhạc Trịnh - YouTube
-
Hà Lê - Gã 'dân Chơi' Hát Trịnh - VnExpress Giải Trí
-
Ca Sỹ Hà Lê: 'Lối Rẽ' Năm 31 Tuổi Và Cơ Duyên Với Nhạc Trịnh
-
Tiểu Sử Rapper Hà Lê - Rapper Hà Lê Là Ai? - FGate
-
Bước Tiến Của Rapper Hà Lê - Âm Nhạc - Zing
-
Rapper Hà Lê Bất Ngờ Xuất Hiện Trên Tạp Chí âm Nhạc Danh Tiếng ...
-
Hà Lê | Facebook
-
Rapper Hà Lê: “30 Tuổi Tôi Mắc Sai Lầm Lớn Nhất Và Vẫn Bị Mẹ Tát”
-
Rapper Hà Lê: Vài Gameshow ăn Khách Trên Truyền Hình Không Thể ...