Hà Lều - Cuộc Vui Không Có Hồi Kết

Cách đây khoảng 20 năm về trước, tại một cuộc hội thảo về văn hóa dân gian, tình cờ tôi được nghe lời phàn nàn bên lề hội nghị rằng: "Hà Lều có gì hay, lúc nào cũng chỉ điệp khúc ì ì... Hà Lều... Hà đới... chán lắm!".

Nghe xong giận ít, buồn nhiều. Buồn vì nhân vật ấy cũng sinh ra và lớn lên từ dòng sữa mẹ Tày, Nùng Cao Bằng. Trong những năm tháng anh ta may mắn được làm "sếp" cũng ít nhiều liên quan đến văn hóa, văn nghệ thế mà lại buông lời thiếu văn hóa như vậy thì không buồn sao được! Tại sao anh ta lại không chịu hiểu cái điều đơn giản ở đời là đối với bất cứ ai, trước một vấn đề gì cũng vậy, khi chưa hiểu, chưa biết hoặc chỉ biết lơ mơ về một sự việc nào đó, chưa thấy được cái hay, cái đẹp của vấn đề đó sẽ không bao giờ mê say, thích thú, trăn trở về nó.

Ví như một học sinh môn học nào mà không thích sẽ chểnh mảng, lơ là môn học đó, dẫn đến học kém và đã học kém thì làm sao mà say mê với việc học của mình. Hoặc giả một cặp uyên ương vì một lý do nào đó phải chung sống với nhau, không đến với nhau từ vị ngọt của tình yêu thì cuộc sống vợ chồng ấy chẳng vô vị lắm sao! Làm gì tìm thấy được sự mặn nồng của tình yêu chăn gối!

Thực ra cái âm điệu ì ì... à lều... à đới của Hà Lều cũng giống như cái hứ hà... hứ hợi... của Lượn Cọi hoặc cái nàng lé ới... nàng à nỏ... của Nàng ới... Tất cả đó chỉ là cái vỏ âm thanh đưa người hát và người nghe vào nội dung của câu hát. Còn cuộc hát ấy có hấp dẫn hay không, làm mê hồn người nghe hay không nó phụ thuộc vào hai yếu tố.

Trước hết cặp hát phải có chất giọng trong trẻo, đằm thắm; lên xuống, bổng trầm, luyến láy phải đúng lúc, đúng chỗ và đủ độ của nó, tóm lại phải diễn tả được cái tình và cái tứ của câu lượn. Yếu tố thứ hai là ý nghĩa của câu lượn. Người ứng tác nào mà giỏi giang, sắc sảo đưa ra được những câu lượn hợp người, hợp cảnh, hợp tình, có hàm ý sâu xa, lay động tâm can thì cuộc lượn ấy sẽ như một sợi dây vô hình "trói chân" người nghe lại, làm cho người nghe dù bận công việc đến mấy cũng phải ngồi nghe, nhiều khi ngồi cả ngày, thức cả đêm, thậm chí nghe ngày này sang ngày khác vẫn không thấy chán và không biết mệt mỏi là gì.

Cách đây trên 50 năm, lúc đó tôi vừa chập chững theo hầu các cuộc lượn, có một đêm chợ áp phiên, biết là có tốp lượn từ phương xa đến, sau khi cơm tối xong, các chị gái làng tôi liền cất giọng "lượn mời''. Lượn đến bốn, năm câu mà "Đối phương'' vẫn chưa "mủi lòng", các chị liền lượn câu "Khửn rườn tỉnh mổ táy rà rà/Khẳm pay pỉ mí mà rừ lố'' (Chỉ được nghe xay ngô rà rà/Mai sau chắc không đến nhà em nữa), ngay lập tức các anh ấy lên giọng đáp: "Khảu táy van nuổn quá khảu nà/Háng xục pỉ tẻo mà dương noọng" (Cơm ngô dẻo thơm hơn cơm gạo/Phiên sau anh lại đến tìm em).

Mới nghe qua ta cũng đủ thấy bên hát mời cực khéo và bên hát đáp cũng cực giỏi. Khéo ở chỗ là tối hôm đó chủ nhà có xay ngô và nấu cơm ngô mời khách đâu! Mời cơm rượu, thịt gà hẳn hoi. Chẳng qua các chị ấy mượn tiếng xay ngô rà rà để muốn nói rằng chắc là các anh chê giọng lượn chúng em không trong, không ngọt, chỉ vỡ "rà rà'' như xay ngô ấy nên mới không thèm hát đáp lại. Còn bên nam đáp giỏi ở chỗ là rất "khéo nịnh" chủ nhà, nói là cơm ngô còn ngọt dẻo hơn cả cơm gạo thì quả là tài tình trong việc biến cái không thể thành cái có thể.

Trong thực tế, ai cũng biết rằng dù nấu khéo, nấu giỏi đến mấy thì cơm ngô không thể nào dẻo và thơm hơn cơm gạo được, chỉ trừ khi gạo ấy là gạo ẩm, gạo mốc. Nhưng ở đây các anh ấy lại lượn đáp "khảu táy van nuổn quá khảu nà'' thì quả là "siêu''. Lượn thế mới là lượn. Chỉ cần một câu thế thôi là đã làm cho các chị làng tôi hả hê tấm lòng, vì cái "nút thắt'' của đêm lượn đã được mở ra, lòng đã gặp lòng.

Dẫu họ ngồi cách nhau hai ô cửa nhưng lúc đó ai ai cũng có cảm tưởng như họ ngồi rất gần nhau, dường như nghe được nhịp đập con tim của nhau, cứ thế bên "mở" bên "thắt", người nâng người đỡ, lòng quyện lấy lòng, cái âm điệu ì ì... à lều... à đới... kéo dài đến thâu đêm suốt sáng, vang vọng cả bản, cả mường, làm thổn thức cà già lẫn trẻ.

Và cũng từ đó hễ cứ có nam thanh, nữ tú từ phương xa đến là cả làng tôi lại chìm đắm trong đêm Hà Lều. Như vậy Hà Lều hay và đẹp ở chỗ qua câu lượn để giãi bày tâm tư, tình cảm của mình về điều mình đang thích, đang muốn nói với "đối phương'' nhưng lại không bao giờ nói thẳng ra, hay nói một cách khác là câu lượn Hà Lều rất mộc mạc nhưng không bao giờ trần trụi, thô thiển mà lại thông qua những hiện tượng, sự vật cụ thể để ví von một cách ý nhị, sâu xa, giọng mà ngọt nữa thì khác nào như rót mật vào tim người nghe.

Hà Lều hay là hay ở chỗ đó, làm mê hồn người nghe cũng là ở chỗ đó. Ví như câu: "Mạy diển tín cốc đán xử dàu/Đảy thẳm mí đảy au chăn riết" (Nghiến mọc bên vách đá thật thẳng/Chặt rồi không lấy được tiếc thay). Đây là câu lượn nói về sự tiếc nuối, có phần khổ đau, thất vọng của một chàng trai nghèo yêu được một cô gái đẹp người, đẹp nết nhưng vì cô gái này là con của một gia đình giàu sang, quyền quý nên không lấy làm vợ được, vì không ''môn đăng, hậu đối''. Những câu lượn kiểu này thì nhiều, nhiều lắm. Có thể nói mấy ngày, mấy đêm cũng không hết được.

Nhưng chỉ nêu ngần ấy thôi cũng đủ để thấy được cái hay, cái đẹp của Hà Lều. Phải nói rằng chất nhân văn trong Hà Lều rất đa dạng và phong phú. Nếu được khai thác, bảo tồn và phát huy cùng các làn điệu dân ca khác thì chắc hẳn sẽ góp phần làm đẹp tâm hồn của người Tày - Nùng nói riêng, người miền núi nói chung.

Có thể nói rằng cũng như quan họ, cuộc hát Hà Lều là những cuộc chơi không có hồi kết, giã bạn rồi hẹn bạn trở về trong tiết tháng Giêng, tháng Hai lất phất mưa bay, để cùng soi vào mắt nhau, trao gửi cho nhau những thăm thẳm ân tình.

Từ khóa » Hà Lều Cao Bằng