Hạ Long đẩy Mạnh Trồng Rừng Gỗ Lớn
Có thể bạn quan tâm
Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm từ rừng sản xuất, TP Hạ Long đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 337 ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh việc khuyến khích người dân chuyển hóa rừng gỗ lớn và bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Xã Dân Chủ có trên 2.400 ha rừng; trong đó có 860 ha rừng sản xuất, chủ yếu là trồng keo. Tuy nhiên, cây keo sau khi trồng 1-2 vụ đã dần bộc lộ nhược điểm như: khả năng giữ nước mặt và nước ngầm kém, gây bạc màu đất nhanh. Do vậy, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi dần một số diện tích trồng keo sang trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa.
Cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ tham gia trồng cây gỗ lớn
Bước đầu, xã triển khai trồng cây gỗ lớn trên diện tích đất rừng do UBND xã quản lý. Đồng chí Đinh Văn Lượng, PCT UBND xã cho biết: Năm 2021, xã đã trồng thí điểm một số diện tích cây gỗ lớn gồm dổi, dè vàng, dè đỏ. Việc chăm sóc cây sau trồng được cán bộ, nhân dân trong xã thực hiện thường xuyên nên cây phát triển khá tốt. Năm nay, theo kế hoạch xã sẽ trồng 20 ha cây gỗ lớn. Các loại cây được chọn trồng chủ yếu là dổi, lim, trám. Đến thời điểm này đã trồng được khoảng 19 ha. Kinh phí mua cây giống và phân bón từ nguồn ngân sách xã; còn nhân lực phát dọn thực bì, cuốc hố, trồng cây và chăm sóc cây sau khi trồng do cán bộ, nhân dân xã cùng thực hiện.
Để nhân rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, xã đã chỉ đạo Bộ phận phối hợp thống nhất hành động xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký trồng lim, dổi, trám… thay thế cho các diện tích keo đến tuổi thu hoạch. Đến nay, đã có 7 hộ đăng ký trồng trên diện tích 40 ha; trong đó dự tính sẽ có 14 ha được trồng trong năm 2022.
Diện tích dổi, dè vàng, dẻ đỏ do cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ trồng và chăm sóc, sau 1 năm đã phát triển tốt
Tại xã Đồng Sơn, nhiều hộ có đất rừng sản xuất cũng đã nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của cây keo đối với nguồn sinh thủy và hệ sinh thái rừng. Do đó đã có hàng trăm hộ chuyển đổi dần các diện tích trồng keo sang trồng quế - một loài cây bản địa. Mặc dù thời gian sinh trưởng lâu hơn song nếu so sánh về giá trị kinh tế, cây quế sẽ cho giá trị cao hơn, đồng thời giữ nước và chất đất tốt hơn so với cây keo.
Ông Triệu Quý Tài ở thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn có hơn 9 ha rừng, trước đây đều trồng keo. Năm 2021, sau khi thu hoạch 3 ha keo đến tuổi, ông đã chuyển đổi sang trồng quế. Ông Tài cho biết: với hơn 6 ha keo còn lại, ông cũng sẽ tiếp tục chuyển đổi dần sang trồng quế.
Ông Triệu Quý Tài đang chăm sóc đồi quế mới trồng
Trao đổi với ông Đặng Đức Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Sơn, được biết: Với khí hậu, thổ nhưỡng ở Đồng Sơn, cây keo sau khi trồng khoảng 6 năm sẽ cho thu hoạch với giá trị khoảng 50 triệu đồng/ha. Cây quế có thời gian sinh trưởng lâu hơn gấp đôi (10-12 năm) song lại cho thu nhập lớn hơn gấp 5-6 lần, từ trên 200 triệu đến 300 triệu/ha, cá biệt có hộ thu đến 400 triệu/ha. Mặt khác, cây keo rễ chùm, không giữ được nước ngầm và dễ gây sạt lở đất; trong khi cây quế có rễ cọc, giữ đất, giữ nước tốt hơn nhiều so với cây keo.
Vì vậy, khi có chủ trương chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn, đa số các hộ có rừng ở Đồng Sơn đều đăng ký chuyển sang trồng quế. Năm 2021, có trên 40 hộ đăng ký trồng hơn 50 ha. 3 tháng đầu năm 2022 đã có 64 hộ đăng ký trồng với diện tích 123 ha.
Cán bộ xã Đồng Sơn hướng dẫn người dân chăm sóc cây quế
Là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với 150.000 ha rừng sản xuất, thành phố Hạ Long có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các loại cây gỗ lớn. Từ khi Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào cuộc sống, việc trồng cây gỗ lớn tại Hạ Long càng được đẩy mạnh. Các xã, phường có rừng đã tích cực vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn với các giống chủ yếu là lim, giổi, lát...
Đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố đã trồng 144 ha rừng cây gỗ lớn với 64 hộ tham gia; tổng số tiền hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư theo Nghị quyết 337 là 1,5 tỷ đồng. Năm 2022, trên địa bàn thành phố có 113 hộ dân đăng ký tham gia trồng cây gỗ lớn với diện tích chuyển đổi là 238 ha. Hết quý I, đã trồng được 34 ha lim, giổi, lát; thành phố cũng đã thẩm định, phê duyệt phương án trồng rừng gỗ lớn tại 10 xã, phường với diện tích 351.65 ha.
Việc chuyển đổi từ rừng cây gỗ nhỏ (chủ yếu là cây keo) sang trồng cây gỗ lớn trên địa bàn thành phố Hạ Long đang ngày càng được đẩy mạnh và được sự hưởng ứng, đồng thuận lớn từ nhân dân. Những cánh rừng gỗ lớn, rừng lâu năm được nhân rộng sẽ góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ sinh thái và môi trường tự nhiên bền vững; đồng thời sẽ là động lực để Hạ Long phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Phương Loan – Trần Khánh
Từ khóa » Trồng Cây Da Lợn
-
Đi Thăm Rùng Cây Da Lợn. Hay Còn Gọi Là Cây Lõi Thọ 1 Năm Tuổi
-
Giống Cây Lõi Thọ - Da Lợn - Mạy Phặng - Posts | Facebook
-
Cây Lõi Thọ - Đặc điểm, Công Dụng Và Cách Trồng - Nuoitrong123
-
Cây Lõi Thọ - Cây Mạy Phặng - Cây H'man - Cây Da Lợn(hiệu Quả Gấp 5 ...
-
"Lợi ích Kép" Của Cây Lõi Thọ - Báo Đắk Nông
-
Sau 20 Năm Trồng, Giờ Chỉ Việc Ra Vườn đếm Từng Cây Gỗ Ra Cây Vàng
-
TOP 10 Các Loại Cây Lấy Gỗ Quý HOT Nhất 2022
-
Phú Thọ Phát Triển Trồng Cây Gỗ Lớn | Kinh Nghiệm Làm ăn
-
Ổn định, Cải Thiện đời Sống Nhờ Trồng Rừng Gỗ Lớn - Báo Lao Động
-
Kỹ Thuật Trồng Cây Sưa Đỏ - Nuibavi
-
Gỡ Khó Cho Việc Thực Hiện Trồng Rừng Gỗ Lớn
-
Kết Quả Triển Khai Kế Hoạch Trồng Rừng Gỗ Lớn đạt Thấp
-
Ban Hành Chính Sách Hỗ Trợ đầu Tư Trồng Rừng Nguyên Liệu Gỗ Lớn