'Hạ Nhiệt' Cơn Sốt Giá Test Nhanh COVID ... - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Bộ Y tế: Các địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt việc găm hàng, "thổi giá" test xét nghiệm, máy SpO2Bộ Y tế: Các địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt việc găm hàng, 'thổi giá' test xét nghiệm, máy SpO2

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy SpO2.... tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý.

Do số lượng người mua bộ test nhanh kháng nguyên COVID-19 quá lớn nên giá cũng bị đẩy lên cao khiến nhiều người dân gặp khó khăn khi tìm mua mặt hàng này.

Đầu tháng 2 vừa qua, người nhà của tôi ra hiệu thuốc ở quận Hà Đông mua 1 hộp test nhanh kháng nguyên COVID-19 với giá bán lẻ mỗi que test là 80.000 đồng. Nhưng chỉ sau mấy ngày, cùng loại đó giá lại là 90.000 đồng. Có những người bán hàng trên mạng, ban đầu còn đăng công khai giá bán nhưng hiện giờ sẽ là "inbox". Người bán hàng cho biết, giá thay đổi liên tục nên không thể công khai. Thậm chí, cùng một mặt hàng, cùng một nhà sản xuất nhưng người bán khác nhau lại có giá bán khác nhau. Như vậy là không có sự thống nhất về giá bán, chỉ có người dân chịu khổ khi vừa phải mua hàng với giá đắt mà không có đảm bảo là mua được hàng đạt chất lượng.Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị sản xuất, kinh doanh kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo nguồn cung, yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không lợi dụng làm lũng đoạn thị trường. Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra và ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, tăng giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.

Tâm lý chung của người dân sợ nhất là vừa tốn tiền mà mua phải que test giả. Bởi kit-test nhanh SARS-CoV-2 cũng như thuốc điều trị COVID-19 là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế cấp phép, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng việc kinh doanh mặt hàng này hiện nay đang hỗn loạn.

Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể và đã đưa ra khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm test trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng. Mua sản phẩm thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cũng như giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định; có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên, vì lo lắng quá mức và tâm lý mua là được nên nhiều người cũng không kịp kiểm tra, xác minh. Từ đó cũng vô hình tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng trà trộn vào.

'Chữa' bão giá test nhanh COVID-19: Chỉ Bộ Y tế thôi chưa đủ! - Ảnh 2.

Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm test trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được Bộ cấp phép.

Tôi có chị bạn làm tại một công ty điện tử lớn của Hàn Quốc. Công ty này có cả mấy chục nghìn người lao động hàng ngày liên tục có ca dương tính. Vì thế, ngày nào đi làm về chị cũng tự test nhanh bởi nhà có con nhỏ 2 tuổi chưa được tiêm phòng. Giá mỗi que test nhanh kháng nguyên COVID-19 dao động từ 80.000 đồng đến 95.000 đồng. Gần một tháng qua, chị đã chi khoảng chục triệu tiền mua bộ test nhanh. Khi hỏi chị mua test thì có để ý đến nhãn mác, ngày sản xuất và đã được Bộ Y tế cấp phép chưa? Chị thú thật là cũng không để ý, chỉ biết mua là test.

Việc có khan hàng hay không thì người dân không thể kiểm chứng được. Nhưng có hai vấn đề mà nhiều người dân thấy khó hiểu.

Thứ nhất là khi ra hiệu thuốc mua hàng thì người bán nói có ít hàng để bán, còn khi đặt mua trên mạng thì vẫn mua được nhiều. Chỉ có điều là mua với giá cao hơn thời gian trước.

Thứ hai là thời điểm dịch mới bùng phát trên toàn cầu thì không có test để mua là đúng, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã sản xuất được, theo lẽ thường thì giá test phải có xu hướng ngày càng giảm mới là phù hợp với quy luật. Vậy, có hay chăng việc "khan hàng" ảo để tăng giá?

Trong suốt hơn hai năm đại dịch, nền kinh tế khó khăn chung, người dân lao động, đặc biệt là lao động phổ thông làm công việc chân tay đã gặp muôn vàn khó khăn, rơi vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập, hoặc có công việc để làm nhưng thu nhập thấp không đủ đảm bảo cuộc sống cho gia đình, lại làm việc trong môi trường có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị nhiễm bệnh, phải tốn kém thêm một khoản tiền không nhỏ mua bộ test nhanh kháng nguyên COVID-19.

Người dân vẫn hy vọng các lực lượng chức năng sớm vào cuộc để ổn định giá. Cục Quản lý thị trường cần thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng test nhanh kháng nguyên COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Trong vấn đề này vai trò của UBND các tỉnh, thành phố cũng rất quan trọng để kiểm tra xử phạt các đơn vị, cơ sở, các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá các mặt hàng đặc biệt này. Thậm chí, cả Bộ Tài chính cũng cần phải vào cuộc và nghiên cứu các biện pháp trong quản lý điều hành giá, bảo đảm công khai, minh bạch cho người dân đỡ khổ.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Từ khóa » Giá Bán Que Test Nhanh Covid