HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG (Tác Giả: Thạch Lam)

Từ trước đến nay mình mới chỉ tiếp xúc với văn chương của Thạch Lam qua những tác phẩm được giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông. Đó là truyện ngắn Hai đứa trẻ, là một đoạn trích nhỏ trong truyện ngắn Nhà mẹ Lê. Văn của Thạch Lam giàu chất thơ, nhẹ nhàng như một làn “gió đầu mùa” và có tính nhân văn sâu sắc. Đa số là những truyện ngắn được đăng rải rác trên các báo rồi sau này mới được tập hợp và in thành sách. Hà Nội Băm Sáu Phố Phường là cuốn bút ký duy nhất trong cuộc đời cầm bút của Thạch Lam, viết về Hà Nội, mà đúng hơn là về những nét tinh tế trong nghệ thuật ăn uống của đất Kinh Kỳ.

wpid-20140930_214215

Cuốn sách của mình được tái bản bởi NXB Nhã Nam, nằm trong bộ sách Việt Nam Danh Tác. Ngoài lề một chút thì phải nói rằng trong số các NXB hiện nay thì Nhã Nam nổi bật hơn hẳn về chất lượng sách cũng như rất biết cách chiều lòng độc giả. Ngoài những đầu sách mới được dịch và phát hành một cách có chọn lọc thì Nhã Nam còn chú trọng đến việc tái bản trọn bộ những tác phẩm kinh điển với bìa đẹp, giấy đẹp để những người yêu sách có thể mua về để lưu trữ, nhìn ngắm, chẳng hạn như bộ Nhã Nam Kinh Điển hay Việt Nam Danh Tác này.

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, như đã nói ở trên, là một cuốn bút ký về ẩm thực Hà Nội. Chỉ cần lật giở qua mục lục thôi sẽ thấy ngay tên gọi của đủ thức quà ngon lành nào phở, nào bún, nào bánh khảo, kẹo lạc, cốm non và cả những chốn ăn chơi nức tiếng.

“Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự…. Bao nhiêu ý tốt tình hay gửi vào trong chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi cái vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường”

Thạch Lam đã nói rằng “một cách cầm đũa, một cách đưa thìa lên húp canh bảo cho ta biết nhiều về một hạng người hơn là trăm pho sách”. Và còn cách nào tốt hơn để tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của một vùng đất bằng việc khám phá những chốn ăn, chơi? Vậy nên nhắc đến Hà Nội- vùng đất Thăng Long xưa là nhắc đến những gánh quà rong như “bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa”, “cái thứ bún chả ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi”, gánh xôi vừng mỡ, gánh cơm nắm “lẳng lơ”, ngô bung, tiết canh và lòng lợn, ấy là mới điểm tên qua vài món.

Và, sẽ là một thiếu sót nếu viết về những thức quà Hà Nội mà thiếu đi tô phở gánh. Thạch Lam đã mô tả một gánh phở ngon thì “cả Hà Nội không có đâu làm nhiều- nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”. Rồi “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một thoáng nghi ngờ”.

Còn nhiều những thức quà ngon khác: cốm non thơm ngát, bánh đậu ướt béo ngọt, tô bún ốc chua “làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả giọt lệ tình”, cả những thứ bánh Tây, bánh Tàu tên nghe là lạ. Người ăn cũng đủ cả, từ ông trưởng giả giàu có đến văn sĩ nghèo nàn, phu xe, thợ dạo. Cái sự ăn quà trở thành một nghệ thuật :ăn đúng vào cái giờ ấy và chọn đúng người bán ấy mới gọi là sành!

Mà Thạch Lam quả thực rất “sành”, ông biết rõ hàng nào làm ngon, người bán nào nấu khéo. Có khi những tiệm ăn to đẹp sang trọng lại chẳng thể bì được với bà hàng gánh rong đội thúng rao đêm. Ông cũng căm ghét những thứ đồ ăn nhập ngoại, chẳng hạn như “cái thứ thịt bò khô với củ cải đầm đậm, chế thêm ít phẩm đỏ, bẩn thỉu và độc vô cùng mà các trò Hà Nội hay ưa thích”. Quả thực văn hóa ăn uống ngày nay đã khác xưa nhiều, người ta ăn đồ ăn “nhanh” cho kịp ngày hối hả, ăn những thức lạ cho sang và hợp thời. Vậy nên câu chuyện về ẩm thực “Hà Nội ba mươi sáu phố phường/ Hàng mứt, hàng đường, hàng muối trắng tinh” có sức hấp dẫn rất kỳ lạ, khiến độc giả vừa thèm thuồng vừa luyến tiếc nhớ nhung Hà Nội, Hà Nội của những ngày xa rất xa.

Một cuốn sách phải đọc!

  Post Views: 3.417

Từ khóa » Hà Nội Băm Sáu Phố Phường Review