Hà Nội Công Bố Hai đồ án Quy Hoạch Hạ Tầng Quan Trọng

Hai đồ án được TP Hà Nội công bố công khai gồm: Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, cùng đại diện một số bộ, sở ngành T.Ư, lãnh đạo các quận huyện trên địa TP.

Phân 3 vùng phát triển không gian ngầm

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Đức Nghĩa đã công bố hai quyết định của UBND, gồm Quyết định số 913/QĐ-UBND, ngày 15/3/2022 và Quyết định số 1218/QĐ-UBND, ngày 8/4/2022 về việc phê duyệt các quy hoạch trên.

Tiếp đó, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đã giới thiệu những nội dung chính của hai đồ án quy hoạch.

Sơ đồ bản vẽ quy hoạch giao thông ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sơ đồ bản vẽ quy hoạch giao thông ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc địa giới 20 quận huyện gồm: Khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

Các nội dung nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Giao thông ngầm (đường bộ ngầm; đường sắt đô thị ngầm; lối đi bộ ngầm); Bãi đỗ xe công cộng ngầm; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm (theo tuyến - hào KT, tuy-nen KT; công trình đầu mối - xử lý nước thải; trạm biến áp cao thế); Công trình công cộng ngầm.

Theo quy hoạch, sẽ phân vùng chức năng để xây dựng. Cụ thể, phân 3 vùng theo chiều ngang gồm: Khu vực nội đô có khu vực nội đô lịch sử, từ Vành đai 2 vào trung tâm sẽ đẩy mạnh phát triển không gian ngầm do cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao. Còn tại khu vực nội đô mở rộng, từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ tăng cường liên kết các không gian ngầm cục bộ tại các công trình đã và đang hình thành, tạo thành hệ thống liên hoàn.

Tại khu vực phát triển mới, từ khu đô thị Đông Vành đai 4 và Khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng sẽ dự phòng quỹ đất cho phát triển đồng bộ giữa không gian ngầm và không gian nổi đồng bộ, hiện đại.

Cuối cùng là khu vực hành lang hai bên sông Hồng, sông Đuống sẽ hạn chế phát triển không gian ngầm, chỉ phát triển công trình hạ tầng ngầm.

Về việc phân vùng theo chiều đứng sẽ gồm 3 lớp: Lớp nông từ 0 - 5m; lớp trung bình từ 5 - 15m; lớp sâu từ 15 - 30m trở xuống.

Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch định hướng phát triển không gian công cộng ngầm xung quanh các tuyến đường sắt ngoại ô kết nối với đô thị trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Một trong những nội dung quan trọng của đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là mạng lưới giao thông ngầm. TP đã định hướng giao thông ngầm chủ yếu là hệ thống các tuyến đường sắt đô thị xây dựng ngầm, gồm 6 tuyến (2, 3, 4, 5, 7, 8) với tổng chiều dài khoảng 86,5km, sâu trung bình khoảng 20m. Dự kiến, có 81 ga ngầm (trong đó 7 ga tuyến số 2 và số 4 là ga kết hợp).

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104ha, chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ, công trình xây dựng từ 3 - 4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ.

Về không gian công cộng ngầm, TP xác định các đầu mối giao thông công cộng lớn (TOD, ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm.

Cụ thể, xác định 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô (lịch sử và mở rộng) với tổng diện tích khoảng 954ha. Định hướng bố trí các chức năng: Dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, ga ra ngầm gắn kết với các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trên tuyến.

Ngoài ra, đề xuất 65 vị trí khuyến khích hình thành không gian ngầm tại các khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng với tổng diện tích khoảng 2.171ha.

Đảm bảo phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại

Đối với quy hoạch Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội có xem xét sự tác động, ảnh hưởng (luồng, tuyến) từ các khu vực lân cận có liên quan trong vùng Thủ đô. Khu vực nghiên cứu chính tại đô thị trung tâm (từ Vành đai 4 trở vào). Quy mô diện tích khoảng 3.344,6km2. Tổng dân số dự báo đến năm 2030 từ 9,1 - 9,3 triệu người, đến năm 2050 từ 10,5 - 10,7 triệu người.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy giới thiệu những nội dung chính của hai đồ án quy hoạch.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy giới thiệu những nội dung chính của hai đồ án quy hoạch.

Mục tiêu Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ nhằm đáp ứng các tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại. Với kế hoạch, lộ trình đầu tư phát triển mạng lưới bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe, giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo việc phát triển đô thị được bền vững và đồng bộ với hạ tầng giao thông vận tải.

Theo quy hoạch, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.

Các trung tâm tiếp vận được bố trí gần các trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa quy mô lớn, gần các đầu mối giao thông, thuận lợi trong việc kết nối giao thông và trung chuyển giữa các phương thức vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Các bãi đỗ xe công cộng tập trung bố trí tại các khu dân cư, khu chức năng xây dựng tập trung mật độ cao, đảm bảo cự ly đi lại hợp lý từ 300m đến 600m, thuận lợi kết nối giao thông.

Đối với các bến xe, bãi đỗ xe đã có quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng hoặc dự án đầu tư được duyệt thì được thực hiện theo quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Đối với các bến xe, bãi đỗ xe (công cộng tập trung và bố trí trong công trình), trung tâm tiếp vận xây dựng mới, vị trí, quy mô diện tích, công suất sẽ được xác định chính thức trong quá trình lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập dự án đầu tư xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch các bến xe khách 
Quy hoạch các bến xe khách

Vị trí, quy mô sử dụng đất của các bến xe khách, xe tải liên tỉnh, trung tâm tiếp vận sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm quy mô diện tích đất (để bổ sung các công năng cho các khu bến nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài trong tương lai 20 - 30 năm tới của TP như kho lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ sửa chữa, nhà hàng, trạm xăng dầu...) trong quá trình triển khai lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan.

Quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là các đồ án quy hoạch phạm vi nghiên cứu rộng, quy mô lớn, trong đó đồ án Quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trung tâm lần đầu tiên thực hiện, chưa có tiền lệ, có độ phức tạp chuyên môn cao, liên quan đến nhiều bộ ngành, lĩnh vực, nhiều cấp quản lý từ T.Ư đến địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nội dung đồ án quy hoạch đáp ứng yêu cầu của Nhiệm vụ nghiên cứu đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; làm cơ sở để triển khai các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư cụ thể, góp phần từng bước xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, phát triển đô thị bền vững theo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tạo lập thêm các không gian phát triển đô thị ngầm cho khu vực trung tâm TP; từng bước góp phần hoàn chỉnh các công cụ pháp lý quan trọng về lĩnh vực quy hoạch, phục vụ công tác đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận trên địa bàn TP theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo công tác phát triển được bền vững, đồng bộ giữa phát triển phương tiện vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông bến bãi, trung tâm tiếp vận và đặc biệt là góp phần hình thành đồng bộ giữa phần không gian nổi với không gian ngầm trong khu vực phát triển đô thị.

Để các đồ án Quy hoạch nêu trên triển khai vào thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở liên quan như: Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở QH-KT kiểm tra, xác nhận để bàn giao cho các Sở ngành, chính quyền các địa phương có liên quan để lưu trữ, cung cấp thông tin...

Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương rà soát, nghiên cứu, tư vấn đề xuất các vị trí bố trí các bến xe liên tỉnh, trung tâm tiếp vận trong quá trình nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và quy hoạch có liên quan.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất danh mục các khu vực lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, báo cáo UBND TP xem xét quyết định.

Đại diện Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các quận huyện ký bàn giao hồ sơ đồ án quy hoạch.
Đại diện Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các quận huyện ký bàn giao hồ sơ đồ án quy hoạch.

Đối với các sở, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương quận, huyện, thị xã có liên quan, lãnh đạo UBND TP yêu cầu, trên cơ sở các đồ án quy hoạch được duyệt, triển khai các đề án, dự án đầu tư, cấp phép xây dựng công trình ngầm theo phân cấp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ các quỹ đất xây dựng bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và không gian công cộng ngầm.

Thay mặt lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định, đây là hai đồ án quy hoạch rất quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Do đó, các quận huyện đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng cập nhật bổ sung nhiều nội dung, số liệu, nghiên cứu xã hội học… phục vụ cho việc lập đồ án.

Để thực hiện hai đồ án quy hoạch, UBND quận Ba Đình cũng như các quận huyện, thị xã trong phạm vi hai đồ án sẽ tổ chức thực hiện các nội dung được giao. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho cơ quan, tổ chức, Nhân dân trên địa bàn, thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo tuân thủ quy hoạch; quán triệt các cấp chính quyền quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng theo quy hoạch, triển hai các đề án, dự án đầu tư xây dựng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất…

Từ khóa » Bản đồ Quy Hoạch Hà Nội đến Năm 2050