Hà Nội Của Tôi, Những Mùa đông Yêu Dấu | Quán Thời Gian

Một ngày Hà Nội lập đông, ta bàng hoàng nhìn hàng cây già nua trút lá, những vệt nắng cuối mùa trên con đường chống chếnh, nhớ đến xót xa một nụ cười…

Ca khúc:

Những mùa đông yêu dấu (Sáng tác: Đỗ Bảo; Trình bày: Tấn Minh)

Lãng đãng chiều đông Hà Nội (Nhạc: Phú Quang; Thơ: Tạ Quốc Chương; Trình bày: Ngọc Anh)

Bài hát ru mùa đông (sáng tác: Dương Thụ; Trình bày: Hồng Nhung)

—–

Một ngày Hà Nội vào đông, ta một mình chạy xe trên đại lộ thênh thang bụi cuốn gót chân mùa, lặng nghe thành phố thở bằng tiếng gió lạnh căm vỗ về nỗi nhớ. Mùa đông dường như thấy dòng người không vội vã, cuộc đời bớt những xô bồ… Ta yêu Hà Nội tự bao giờ? Ngay cả lòng cũng không nhớ nữa! Hình minh họa. Nguồn: Nhacvietplus

Ta yêu Hà Nội mùa đông, yêu những con đường mịt mù trong sương lạnh đến tê người, yêu cái giá rét đến cóng tay, để khát khao hơn một bờ vai ấm. Ta yêu Hà Nội mùa đông, yêu những buổi sáng thức dậy nhâm nhi ly cà phê nóng và lắng nghe những giai điệu viết cho thành phố một nghìn năm tuổi, viết cho những mùa đông yêu dấu, để khe khẽ thấy trái tim mình đập một nhịp bình yên.

Sương lạnh căm nóc nhà

Thẫm đen hàng cây đứng chơ vơ

Nối nhau về xa tít mờ

Nối nhau những khuôn mặt phố.

(Những mùa đông yêu dấu – Đỗ Bảo)

Đó là một chiều thênh thang gió, một mình dạo qua những phố cổ ngoằn ngoèo in bóng thời gian, lắng nghe qua ô cửa sổ nhà ai một khúc tự tình Đỗ Bảo. Chợt yêu đến thế giọng ca ngọt ngào của chàng ca sĩ vẫn hay hát những bài tình êm như gió và nhẹ như chút nắng vàng phai nơi góc phố mùa đông.

Phố vẫn chạy dài, kìa Hàng Ngang, Hàng Đào tấp nập người qua lại, Hàng Mã sặc sỡ trong sắc giấy đỏ xanh và những thứ đồ chơi trẻ em ngộ nghĩnh, Hàng Đường thơm mùi ô mai sấu gừng chua, cay, mặn, ngọt, là món quà vặt không thể thiếu trong cặp sách cô nữ sinh mỗi buổi đến trường, thèm được tấp vào quán quen trên phố Lương Văn Can xì xụp một bát mì vằn thắn, để lại nhớ cồn cào cái ngày xưa đòi mẹ mua mì gõ mỗi đêm đông…

Hà Nội nghìn năm là biết mấy đổi thay, cả những khuôn mặt phố cũng chẳng còn như trước. Nhưng có một điều có lẽ chẳng bao giờ thay đổi, đó là cái hồn cốt ngàn năm còn in trên từng viên gạch đã xỉn màu năm tháng, và phảng phất đâu đó trên mái tóc bạc phơ của bà cụ bán nước vối đầu ngõ nhỏ – nơi giao nhau của những con đường hun hút gió chạy dài về mãi phía tháng năm.

Hà Nội của tôi những mùa đông giá lạnh

Những con đường thanh vắng trong sương

Bước chân người đi không hối hả

Những khuôn mặt không vất vả

Đêm nào trong chăn ấm nghe mưa

Những mùa đông thấm thoắt thoi đưa

Nhớ đôi môi nào vẫn tươi hồng trong giá lạnh

(Những mùa đông yêu dấu)

Hà Nội mùa đông cho ta biết yêu thêm từng quán cóc vỉa hè – nơi người mẹ nghèo tảo tần nuôi ba con vào đại học; cho ta yêu từng con đường đẫm sương mỗi sớm còn in bóng dáng nhọc nhằn bàn tay chị lao công; cho ta yêu gánh hàng hoa thơm ngát giữa phố đông, ghé lại mua một vài bông hồng, chợt ấm lòng trước nụ cười cô bán hàng nghiêng nghiêng sau vành nón; yêu lắm những gương mặt người dưng nhạt nhòa trong giá lạnh, khi dừng đèn đỏ, có người khe khẽ nhắc mình quên tắt đèn xe…

Hà Nội mùa đông cho ta nhớ những buổi chiều tìm em trên phố cũ – chốn hẹn hò nay chỉ có mình ta với bức tường mốc meo màu rêu phủ, nghe đâu đây một tiếng lá rơi rất nhẹ, mùa đông khe khẽ trở mình. Ta lang thang hát tặng riêng mình bài ca ngày xưa mình cùng yêu thích. Phú Quang ơi, dường như ta mắc nợ nhạc người, mắc nợ những điều không bao giờ trọn vẹn, mắc nợ với những nhớ nhung, day dứt chẳng thể nguôi…

Chiều đông sương giăng phố vắng

Hàng cây lặng câm, tháp cổ mặc trầm

Ta còn chờ ai, nhạt phai sắc nắng

Heo may tan nhòa, bao giấc mơ xưa

Giờ em mong manh như khói,

Giờ ta nắng đã chiều rồi.

Tình xưa giờ như chiếc lá bay đi phương nào, tan tác muôn nơi…

(Lãng đãng chiều đông Hà Nội – Phú Quang)

Lại thêm một chiều đông Hà Nội lãng đãng, lãng đãng mây mù, lãng đãng sương, lãng đãng bước chân một kẻ lạc đường trong những chuyến hành hương về quá khứ. Phủ Tây Hồ vẳng một tiếng chuông xa, khói sương nơi nào bảng lảng, liệu có phải em đang đứng đó đợi ta, nơi cuối con đường những vạt nắng ngủ quên?

Thì em ơi, ta vẫn sẽ mãi đi tìm, qua chiều lại sang đêm những con đường vắng người qua lại. Giọt mưa phùn ướt áo ta mà con đường xa ngái, bước chân người… liệu có về lối cũ nữa không?

Đêm mùa đông đi trên con đường quen

Nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ

Đâu hàng cây quạnh hiu phố cũ

Hà Nội ơi, đêm mùa đông, Hà Nội ơi…

Đi tìm em ta men theo thời gian

Qua tháng năm và mùa đông ấy

Cho dù xa lòng ta vẫn nhớ

Hà Nội ơi, đêm mùa đông, Hà Nội ơi…

(Đêm mùa đông Hà Nội – Hoàng Phúc Thắng)

Tiếng dương cầm lạnh và giọng hát Thùy Dung còn ám ảnh ta nhiều đêm đông Hà Nội buồn như thế. Hà Nội về đêm, những con đường se lại, phố cũng dài hơn. Hà Nội về đêm vẫn sáng ánh đèn. Từ ánh đèn đường vàng vọt, đìu hiu trên những đại lộ không người, đến ánh đèn mờ trong những quán bar, vũ trường ồn ào một cuộc sống xa hoa nhưng hư vô, phù phiếm; từ ánh đèn leo lét trên một chiếc xe đẩy bán ngô nướng, khoai nướng, đến ánh đèn tuýp sáng trắng của những quán ăn đêm; từ những ánh đèn biển hiệu quảng cáo sáng trưng đến những ánh sáng hiếm hoi còn tỏa ra từ một ô cửa kính mờ trên căn gác mái, nơi cậu sinh viên bộn bề bài vở, người nhạc sỹ miệt mài viết cho xong những nốt nhạc cuối cùng, hay đơn giản chỉ là một người còn thao thức… nhớ nhớ, thương thương…

Đâu đó trong đêm, giữa một Hà Nội phồn hoa những màu sắc thị thành, ta lại nhớ đến cồn cào một miền quê yêu dấu, nơi có những cánh đồng mùa này trơ cuống rạ, nước lạnh tím bàn chân mẹ lam lũ tảo tần. Nơi có đàn em thơ lớn lên bằng tiếng à ơi đưa võng, bằng cánh cò trong câu ca dao, bằng củ khoai, củ sắn, bằng cả âm thầm mẹ tưới tắm những yêu thương.

Mùa đông, mùa đông

Bài hát ru nghe buồn không, buồn không

Bờ đê, bờ đê

Dài mãi những con đường quê, đường quê

Thương con cò trắng bay, lạc lối trong mây trời

Thương em lạnh cóng môi

Bài hát ru nghe xa vời

Nhắn nhủ trời xanh khuất sau làn mây

Nhắn nhủ mùa xuân trốn sau hàng cây

(Bài hát ru mùa đông – Dương Thụ)

Ta nhớ cồn cào những triền đê hoa cỏ may thêu dệt nắng, nhớ con đường đất đỏ về làng bụi bám gót chân, những đêm gió bấc lùa qua cánh cửa gỗ kêu cọt kẹt, mẹ thương con khe khẽ lau nước mắt, năm nay mưa bão, mất mùa…

Mùa đông, cho ta về bãi sông Hồng bồi đắp những phù sa, cho ta gối đầu lên hoa cải vàng, mơ về những ngày xưa yêu dấu.

Em có nhớ không, để ta gửi cho chút đông Hà Nội? Không có em, Hà Nội ru ta bằng những khúc nhạc buồn…

Hoàng Hải Anh

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Sương Lạnh Căm Góc Nhà