Hà Nội - Điểm Sáng Về Phát Triển Kinh Tế Hợp Tác Xã - Đại Hội XIII

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; trong đó có 790 HTX tổng hợp, 222 HTX trồng trọt, 50 HTX chăn nuôi, 21 HTX nuôi trồng thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp, 6 HTX nước sạch nông thôn. Trong những năm qua, các HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ cho người nông dân thuận lợi và yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động. Toàn thành phố hiện có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 31 HTX với 106 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Hiện nay, các HTX đang thực hiện đa dạng dịch vụ cho các thành viên HTX bao gồm: các dịch vụ công truyền thống (bảo vệ thực vật; bảo vệ đồng ruộng; thủy lợi, khuyến nông) và các dịch vụ khác (làm đất, dịch vụ đầu vào giống, vật tư, thu hoạch, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,…). Thông qua hoạt động HTX, đời sống của thành viên HTX, thành viên liên kết và lao động trong HTX được ổn định và ngày càng nâng cao; góp phần ổn định, phát triển sản xuất, kinh tế tại địa phương.

Nhiều HTX đã chú trọng tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm (bảo hộ nhãn hiệu gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm); tham gia xúc tiến thương mại. Một số HTX đã tham gia đánh giá phân hạng OCOP và thực hiện được liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đã có nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô thôn, xã tiêu biểu trên địa bàn thành phố như: HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), HTX nông nghiệp An Mỹ (huyện Mỹ Đức), HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thắng (huyện Phú Xuyên), HTX nông nghiệp Đan Phượng (huyện Đan Phương), HTX Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai), HTX Dịch vụ nông nghiệp Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ)…

Nhìn chung, kinh tế tập thể, HTX của Hà Nội hoạt động khá ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012, các HTX đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình. Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.

Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.

Đặc biệt là đối với HTX thôn, xã sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012, người đứng đầu có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường; có số lượng thành viên HTX với quy mô vừa (dưới 1000 thành viên); đa dạng dịch vụ hoạt động (10-12 dịch vụ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương; góp phần nâng cao thu nhập thành viên; phát huy vai trò cộng đồng giúp nông dân trên địa bàn xã các dịch vụ truyền thống ổn định tổ chức sản xuất ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong phát triển hợp tác xã, nhưng cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: Nhận thức về vai trò kinh tế hợp tác; HTX nông nghiệp của một số cán bộ, đơn vị và người dân còn chưa đầy đủ. HTX chưa phát huy hết vai trò, vị trí và chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có nhiều mô hình HTX nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi; ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn; số lượng thành viên HTX còn chưa nhiều. Cán bộ quản lý nhà nước phụ trách kinh tế hợp tác còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong phát triển kinh tê tập thể, HTX nông nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, thiếu chế tài xử lý vi phạm dẫn tới công tác quan lý nhà nước đôi khi bị buông lỏng. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Đa số cán bộ quản lý HTX có trình độ quản lý và chuyên môn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý HTX…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Hà Nội xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản pháp quy có liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cấp có liên quan công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhận thức đáp ứng yêu cầu, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vị, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản. Gắn phát triển kinh tế tập thể với xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua khen thưởng. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội trong phát triển kinh tế hợp tác.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất các HTX. Tạo điều kiện phát triển đa dạng dịch vụ HTX như quản lý, khai thác chợ dân sinh, công tác vệ sinh môi trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Định kỳ kiểm tra hoạt động của HTX theo quy định; đồng thời kiểm tra, giám sát các vùng sản xuất HTX đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm…

Đặng Hiếu

Từ khóa » Các Hợp Tác Xã ở Hà Nội