Hà Nội: Đồng Bộ Giải Pháp Phát Triển Kinh Tế đô Thị Nhanh, Bền Vững

Các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Ảnh minh họa

Chưa huy động và khai thác đồng bộ, hiệu quả nguồn lực

Trong những năm qua, các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được lợi thế, vai trò động lực, thu hút, lôi kéo hoạt động kinh tế khu vực nông thôn và chung của cả Thành phố. Các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả vào phát triển kinh tế đô thị Thủ đô.

Mới đây, tại hội thảo khoa học "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội" do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quy mô kinh tế của Hà Nội rất lớn, diện tích lớn, dân số đông, đóng góp GDP vào ngân sách cả nước lớn, đặc biệt Hà Nội có cơ hội phát triển lớn trong thời gian tới. Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì TP. Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai Nghị quyết này cùng với Chương trình 03 của Thành ủy. Có thể thấy, đây là những thuận lợi cho Hà Nội để phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn.

Thuận lợi là thế nhưng thách thức cũng rất nhiều, theo PGS.TS Trần Kim Chung, thách thức ở chỗ liệu Hà Nội có nắm bắt được cơ hội và phát triển đúng yêu cầu đặt ra hay không; nguồn lực của Hà Nội có được huy động để sử dụng hiệu quả cho việc phát triển kinh tế đô thị cũng như phát triển Hà Nội hay không bởi quy mô càng lớn quản lý càng đòi hỏi cao hơn.

Chủ động, sáng tạo trong tiếp cận kinh tế đô thị để nâng cao chất lượng quy hoạch

Để kinh tế đô thị TP. Hà Nội trong giai đoạn tới phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, TS Lê Văn Hoạt cho rằng, Thành phố cần tập trung vào 6 giải pháp lớn, cụ thể, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế đô thị TP. Hà Nội; rà soát lại quy hoạch, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả trong xây dựng đô thị, tổ chức đời sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế đô thị;

Đồng thời, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng đô thị và phát triển kinh tế đô thị.

Nhìn nhận phát triển kinh tế đô thị dưới góc nhìn quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội cần xác định tồn tại, bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, từ đó phát hiện các đột phá đổi mới của mô hình kinh tế đô thị như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… để kiến nghị cho giai đoạn tới điều chỉnh bổ sung trong quy hoạch chung trong kinh tế đô thị. Bởi quy hoạch với kinh tế đô thị là quan hệ hữu cơ. Vai trò quy hoạch đã xác định trong giai đoạn phát triển vừa qua không chỉ căn cứ từ cơ sở pháp lý, từ truyền thống và yêu cầu đổi mới với nhận thức mới đầy đủ về kinh tế đô thị gần đây, đòi hỏi phải chủ động, sáng tạo trong tiếp cận kinh tế đô thị để nâng cao chất lượng quy hoạch.

Đứng ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, phát triển kinh tế của quận Hoàn Kiếm dựa trên nền tảng đó là phát triển kinh tế đô thị, đây là một nhiệm vụ xuyên suốt đã được xác định trong nhiều năm qua và với một hạ tầng về quy hoạch, kiến trúc và đặc biệt giá trị lịch sử về văn hóa của quận Hoàn Kiếm là một trong 4 quận nội đô lịch sử. Đây là lợi thế phát triển kinh tế đô thị của quận, trong đó chú trọng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, góp phần lớn vào thu ngân sách trên địa bàn.

Năm 2015 thu ngân sách quận là gần 5 nghìn tỷ, năm 2020 là 10 nghìn tỷ, đến năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thu ngân sách quận vẫn đạt 14 nghìn tỷ, trong đó hơn 80% thu từ dịch vụ tài chính ngân hàng.

Để tạo nguồn lực phát triển giai đoạn tới, quận xác định nhiệm vụ phải đánh giá lại việc sử dụng đất, quỹ đất, cùng với đó tổ chức lại giao thông trên địa bàn. Vì hiện nhiều tuyến phố đi bộ đang triển khai trên địa bàn đã tạo ra nguồn lực cho quận, đặc biệt nguồn lực từ người dân kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ẩm thực.

Quận cũng sẽ tập trung cải tạo lại các nhà chung cư cũ gắn với chỉnh trang đô thị từ công viên vườn hoa, từ đó thu hút nguồn đầu tư vào phát triển quận. Bên cạnh đó, tổ chức lại hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các loại hình dịch vụ khu vực ngoài đê sông Hồng. Hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế đô thị của quận, khai thác thời gian trống trong đo thị đó là kinh tế đêm…

Từ khóa » Giải Pháp Phát Triển Bền Vững Về Xã Hội