Hà Nội Nuôi Gà đẻ Trứng Thơm Ngon Kỳ Lạ

Tại thôn Phượng Nghĩa xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội). Trại gà của chị Nguyễn Thị Hương đã áp dụng cho ăn chế phẩm sinh học cho ra sản phẩm trứng trứng thơm ngon đậm đà đặc biệt.

Trại gà của chị Hương nuôi gà đẻ trứng được 14 năm nay, lúc đầu chị chỉ có quy mô 5.000 con về sau mở rộng tới 20.000 gà đẻ và 15.000 gà hậu bị. Cứ như lời chị kể, trước đây, khi chưa áp dụng chế phẩm sinh học, con gà rất yếu, phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, ảnh hưởng đến kinh tế đã đành mà môi trường lại còn rất bẩn.

Gà đi phân lỏng, trong chuồng kín nóng sực, mùi nồng nặc, đi từ đầu đến cuối là ám vào quần áo, tóc tai ngay dù có chịu khó cào dọn 2-3 ngày 1 lần. Có những lúc ô nhiễm quá gà trong chuồng còn bị ngộ độc khí amoniac, gan sưng to lên, vỡ ra rồi chết còn người ở trong nhà cũng phải thường xuyên phải đóng chặt cửa.  

Ruồi nhiều đến mức quả trứng bị ruồi ỉa lên chuyển sang đen lấm tấm. Bởi thế khi nghe người ta nói đến việc dùng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường chăn nuôi, chị Hương như “chết đuối vớ phải cọc”.

Lúc đầu chị dùng chế phẩm sinh học phun lên phân, rồi sau dùng trực tiếp cho gà ăn mang tên AT-YTB, cuối cùng mới đổi sang Bio EM 5in1 của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Theo chân chị, tôi vào chuồng gà. Vẫn kiểu nuôi lồng có nhiều tầng quen thuộc nhưng cuối cùng là lớp phân rất dày xếp lớp, cao có ngọn…

Không giấu nổi vẻ tự hào, chị giải thích: Chế phẩm sinh học khi đưa vào cùng thức ăn sẽ giúp con vật hấp thu dinh dưỡng tối ưu hơn, chất lượng trứng tốt hơn, chất thải ra giảm được mùi hôi, phân hủy nhanh, rất khô, xốp như tro, 4 tháng mới phải dọn 1 lần.

Không như trước đây, phân gà rất ướt, đi cho còn phải thêm tiền người ta mới chịu xúc nhưng giờ bán rẻ nhất cũng 18-20.000đ/bao, nhờ đó mỗi năm chị thu được cả trăm triệu. Phân sạch nên hợp để đưa xuống ruộng rươi theo quy trình sản xuất Vietgap hay đưa vào các trang trại, vườn cây chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Hơn thế, ăn chế phẩm sinh học gà đẻ ra quả trứng màu sắc bóng rất đẹp, luộc lên lòng trắng ăn giòn sần sật, lòng đỏ ăn tơi xốp, béo ngậy, không khô đến dễ mắc nghẹn mà còn thơm đậm đà. Ruồi tuy vẫn còn nhiều nhưng không kinh khủng như trước, chỉ khi dọn phân ra mới bung, nếu biết cách để diệt thì gần như vãn...

Bên cạnh sử dụng chế phẩm sinh học, chị Hương còn dùng rượu tỏi để phòng bệnh cho gà, giúp tăng sức đề kháng của chúng, trước tốn kém mười đồng tiền thuốc giờ không đến một đồng. Tỏi ta, tách vỏ, bỏ lõi, sàng sảy sạch sẽ, cho vào máy xay, 1 tạ thì ngâm với 200 lít rượu gạo, men ta loại 40 độ khoảng 15-20 hôm thì đem vắt, lọc để cho khỏi làm tắc đường ống uống nước của gà.

Mỗi tuần 2 lần cho gà uống bổ sung như thế nhưng nếu ngày mai đài báo thời tiết thay đổi thì hôm nay chị đã cho gà uống rồi, ngay cả khi người hắt hơi, sổ mũi cũng uống để điều trị.

Mỗi năm hết chừng 2 tạ tỏi với 400 lít rượu cho trại gà 3,5 vạn cộng thêm chế phẩm sinh học và một lượng cám ta, tổng cộng mất thêm chừng vài chục triệu đồng chi phí, không nhiều nhưng theo chị Hương lại tốn công và tỉ mỉ.

Ví dụ như chế phẩm sinh học dạng nước mua về phải thêm cám gạo loại tốt, không có trấu, đưa lên miệng thử phải tan trên đầu lưỡi, vị ngọt đọng lại. Tất cả trộn theo công thức 4 lít chế phẩm sinh học đổ vào 30 kg cám ủ kín, hôm sau trộn hỗn hợp rất dính đó vào khoảng 1 tạ cám ta nữa rồi đậy kỹ lại, dùng dần. Nếu để hở ra là chết men, mốc cám, gà ăn vào hóa ho, hóa hen.

Cứ mỗi ngày 1 vạn gà ăn khoảng 1,2 tấn cám công nghiệp thì bốc cho thêm khoảng 1,5 kg cám ta ủ chế phẩm sinh học nên 1,2 tạ cám ủ dùng kèm với 100 tấn cám công nghiệp sẽ ăn được khoảng 30 ngày.

Cầu kỳ là thế nhưng vẫn không bằng công đoạn pha chế rượu tỏi, nhiều chủ trại không theo được chính bởi vì lý do này. Như trại gà của chị Hương mỗi lần pha chế cần huy động 6 người ngồi còng lưng trong 2 ngày mới có thể bóc được 1 tạ tỏi. Rồi đến công đoạn phun thuốc để khống chế số lượng ruồi cũng rất tỉ mỉ.

Quả trứng nếu thấy biểu hiện khác thường, người nuôi không để ý sẽ “đánh chặn” bằng cách đưa kháng sinh vào ồ ạt cho cả chuồng, vừa tốn kém cả chục triệu đồng, vừa hại gà, tụt sản lượng đẻ.

Chị Hương không bao giờ làm thế mà khi đi nhặt trứng, thấy quả nào có vấn đề thì trộn thuốc vào chữa trị luôn cho 4 con gà ở ô đó. Gà khi bị mò đốt sẽ khiến cho không đẻ được thậm chí còn chết thì phải xử lý ngay bằng cách lấy cây mần tưới cộng lá mơ trắng, băm nhỏ vừa cho uống vừa tung xuống nền, rất hiệu quả.   

Quả trứng gà sinh học của chị Hương vừa rồi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy đẹp đẽ, thơm ngon là thế nhưng khi ra thị trường chúng vẫn bị đánh đồng với trứng thông thường nên giá bán khá thấp, trung bình chỉ khoảng 2.000đ/quả. Hiện thị trường trứng nói chung đang bị tồn đọng, đóng băng rất nhiều, quả trứng sinh học của chị cũng không nằm ngoài quy luật.

Từ khóa » Trứng Gà Sinh Học