Hà Nội: Quy Hoạch, Vị Trí, Tiến độ Thi Công đường Vành đai 4

Việc đề cử thành phố Hà Nội giữ vai trò chủ trì lập quy hoạch, nghiên cứu, đầu tư toàn tuyến, đồng thời là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm sẽ góp phần thúc đẩy dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô được triển khai sớm, đồng bộ. Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất thêm phương án đầu tư để bảo đảm dự án khả thi, hiệu quả sử dụng cao.

Bản đồ vị trí quy hoạch đường vành đai 4 Hà Nội
Bản đồ vị trí quy hoạch đường vành đai 4 Hà Nội

Đề xuất xây dựng cầu cạn toàn tuyến

Ngày 6-5 vừa qua, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã cùng đề xuất Chính phủ triển khai nhanh đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, với tổng chiều dài khoảng 98km. Theo đề xuất này, ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường Vành đai 4 có thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc trên cao thay cho tuyến mặt đất quy mô 4-6 làn xe. Việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện một lần bằng vốn đầu tư công. Cùng với đó, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư theo địa phận của từng địa phương, các tỉnh thống nhất sẽ triển khai toàn tuyến, nhằm bảo đảm tính kết nối.

Xem thêm: Hé lộ hình ảnh thiết kế tuyến đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh 1 thành phố

Theo Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 98km đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh).

Theo tính toán, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án nếu là cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỷ đồng, đi trên cao toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng).

So sánh phương án 1 (tuyến đi trên mặt đất với quy mô mặt cắt ngang đường rộng 120m theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với phương án 2 (đề xuất nghiên cứu xây dựng đường cao tốc trên cao), Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, phương án 1 có ưu điểm là quy mô mặt cắt ngang đủ lớn để bố trí tuyến đường sắt quốc gia vành đai trong thành phần đường; thi công xây dựng đơn giản, chi phí xây dựng công trình thấp; tổ chức các nhánh tách nhập đường cao tốc từ đường gom thuận lợi. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là quy mô chiếm dụng đất lớn (riêng trên địa bàn Hà Nội là 740ha); chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn; kết nối giao thông đô thị hai bên tuyến đường phức tạp (phải xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt, hoặc phải đi vòng đến các nút giao khác mức trên tuyến).

Phương án 2 thi công xây dựng phức tạp, chi phí xây dựng công trình lớn song có nhiều ưu điểm. Cụ thể: Quy mô chiếm dụng đất thấp (giảm khoảng 1/4 tổng diện tích chiếm đất xây dựng tuyến đường); tổ chức giao thông đô thị kết nối hai bên tuyến đường thuận lợi do không phải xây dựng cầu vượt hoặc hầm; giảm phạm vi chiếm dụng đất tại các nút giao liên thông.

Đánh giá về đề xuất quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, bởi mặc dù mức đầu tư lớn hơn nhưng công năng sử dụng và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ điều hòa hệ thống giao thông trung tâm, giảm quá tải cho đường Vành đai 3.

Quy hoạch đường vành đai 4 dài 98km đi qua Hà Nội, Hưng Yên & Bắc Ninh
Quy hoạch đường vành đai 4 dài 98km đi qua Hà Nội, Hưng Yên & Bắc Ninh

Huy động sức mạnh tổng lực

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu không quyết tâm đẩy nhanh, làm sớm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 càng khó khăn và giá cả đội lên rất cao. Để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho thành phố Hà Nội làm “tổng chỉ huy” đầu tư xây dựng. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện theo địa bàn quản lý.

Sớm có được một tuyến đường vành đai liên vùng là mong mỏi của chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011, đến nay, sau 10 năm, dự án vẫn nằm… trên giấy. Nguyên nhân chủ yếu là do tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội được tách thành dự án độc lập theo từng địa phương. Quy mô tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn, tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện; kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc các địa phương cùng thống nhất báo cáo Chính phủ đề cử thành phố Hà Nội giữ vai trò chủ trì sẽ tạo động lực để dự án được triển khai sớm và đồng bộ về quy hoạch.

Về kinh phí đầu tư, việc xây dựng toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là khó khả thi. Gỡ điểm nghẽn này, các địa phương đề xuất đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP. Về cơ cấu nguồn vốn, Hà Nội dự kiến đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỷ đồng cho 3 địa phương (gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Các địa phương có tuyến đi qua ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia một phần kinh phí đầu tư xây dựng đoạn đường dưới thấp. Toàn bộ kinh phí còn lại (ngoài phần kinh phí trung ương và địa phương cân đối bố trí, khoảng 50%) là phần vốn của nhà đầu tư.

Đường Vành đai 4 sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ hưng Yên, Bắc Ninh vào trung tâm Thủ đô
Đường Vành đai 4 sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ hưng Yên, Bắc Ninh vào trung tâm Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện, ùn tắc giao thông do dân số và phương tiện gia tăng nhanh chóng đã tạo sức ép cho đô thị trung tâm. Đường Vành đai 4 Hà Nội trong hệ thống vành đai cao tốc liên Vùng Thủ đô có 3 tỉnh, thành phố trực tiếp và 2 tỉnh gián tiếp. Việc thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông – Vận tải và các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô về phương án xây dựng đường Vành đai 4 là vô cùng quan trọng; giúp hướng tới điều hòa hệ thống giao thông trung tâm, tạo không gian kết nối với các đô thị vệ tinh, các tỉnh kề cận trong vùng.

Các dự án Bất động sản được hưởng lợi từ quy hoạch đường vành đai 4 như: khu đô thị Đô Nghĩa Nam Cường; Park City Hà Đông; Hà Đô Charm Villas; Sudico Nam An Khánh; Sol Lake Villa; Hud Mê Linh Central; Sơn Đồng Center;  Avuenue Garden ; Sunshine Capital Tây Tựu; Jade Lake Residen Tây Thăng Long; ….

Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 4 sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, trong đó có Thủ đô, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố đã đề ra. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, dự án sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình. Vì thế, ngay lúc này các đơn vị cần vào cuộc với một quyết tâm cao nhất.

Từ khóa » Sơ đồ Tuyến Vành đai 4 Hà Nội