Hà Nội: “Sém” Sập Cầu Đuống, Tắc đường Nhiều Cây Số - PLO
Có thể bạn quan tâm
Đúng như dự báo của báo chí từ hơn một tháng nay về khả năng cầu Đuống (nằm trên quốc lộ 1A cũ, nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội) có thể bị nứt, sập, sáng ngày 4-5, một vết nứt đã lan rộng trên cầu Đuống khiến cơ quan chức năng phải tạm dừng lưu thông mọi phương tiện một bên của cây cầu. Dòng người, xe kẹt lại hai bên đầu cầu, mỗi bên kéo dài ước tính đến dăm bảy cây số.
Xe đi ngang, cầu rung bần bật
Tại hiện trường, anh Đàm Văn Công, nhân viên gác cầu, kể lại: Sáng ngày 4-5, khi kiểm tra dầm cầu số 4 (nằm ở chiều tay trái cây cầu nếu đi từ Hà Nội đến), đội kiểm tra phát hiện nhiều tấm đan bê-tông tại khu vực này bị vỡ, sắt thép hen rỉ. Đồng thời, cả trên mặt và bên dưới gầm cầu xuất hiện nhiều vết lún, nứt mới ngang, dọc. Mặt cầu bị hõm sâu xuống khoảng 10-15 cm, chiều rộng 2 m và chiều dài khoảng 3 m. Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cho thấy mỗi khi có một xe ôtô ở chiều đường bên kia ngang qua, khu vực dầm cầu số 4 lại rung bần bật.
Ngay trong buổi sáng, bộ phận kỹ thuật của Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị quản lý cây cầu) đã kiểm tra độ an toàn của cây cầu. Kết quả cho thấy khả năng chịu tải của khu vực dầm cầu số 4 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. “Trường hợp xe ôtô tiếp tục đi vào khu sụt lún có thể dẫn tới sập mố cầu này, kéo theo sập dây chuyền cả cây cầu, khi đó hậu quả không thể lường hết được” - anh Công phán đoán.
Để đảm bảo an toàn, đơn vị quản lý cây cầu đã quyết định áp dụng biện pháp cấm lưu thông cầu ở chiều có khu vực sụt lún. Cây cầu vốn có hai làn xe, giờ chỉ còn một làn được phép đi lại, tuyến đường dài khoảng 7 km từ cầu Chui (Gia Lâm) đến đầu cầu Đuống bị kẹt cứng.
Đội cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tổ chức phân làn và ngăn chặn không cho các xe có trọng tải lớn qua cầu. Vụ việc đã được báo cáo lên Tổng Công ty Đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải để xin ý kiến chỉ đạo. “Để khắc phục sự cố này sẽ phải mất dài ngày mới có thể làm xong” - anh Công phán đoán.
Đám kẹt xe kéo dài từ chân cầu Đuống đến cầu Chui (Gia Lâm). |
Biết trước nhưng lực bất tòng tâm
Chiều ngày 4-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Điền, Đội trưởng Đội giám sát an toàn giao thông đường sắt Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, cho biết đơn vị này đã biết chuyện cầu xuống cấp từ rất lâu, có thể sập nhưng “lực bất tòng tâm”. Cầu xây dựng đã gần 30 năm nay, lượng xe thực tế đi lại hàng ngày lớn gấp nhiều lần thiết kế nên dẫn đến hiện tượng cầu rung với biên độ lớn, lớp mặt nhựa bê-tông bị bong vỡ thường xuyên, những tấm đan bê-tông cốt thép bị rạn nứt. Chỉ tính đến tháng 8-2008, cầu Đuống đã có 21 điểm tấm đan rạn nứt, trong đó có sáu điểm bị sụt nguy hiểm.
“Cây cầu đã già nua, phải cõng một lượng lớn xe lưu thông hàng ngày nhưng phương án đại tu thì chưa được cấp trên phê duyệt, mỗi năm chúng tôi chỉ được cấp vài tỷ đồng để duy tu cây cầu này. Áo đã rách, lại vá víu nên cứ ra gió là lại bung ra. Với số tiền này, chúng tôi chỉ có thể cạo rỉ, sơn lại các bộ phận của cầu chứ sao sửa chữa lớn được” - ông Điền nói.
Một nguyên nhân khác khiến cây cầu càng ngày càng “kẽo kẹt” mà ông Điền chỉ ra là hàng ngày, nhiều xe quá tải vẫn ngang nhiên chạy rầm rầm qua cầu. Cầu được thiết kế cho xe có tải trọng tối đa không quá 30 tấn, vậy mà có những xe siêu trường, siêu trọng đến 100 tấn vẫn đi qua. Không có chức năng dừng xe, cấm xe nên đơn vị quản lý cầu chỉ biết bất lực nhìn cây cầu bị từng đoàn xe quá tải “hành hạ” từng ngày.
Lý giải việc kẹt xe hai bên cầu kéo dài đến gần chục cây số, ông Điền cho biết do trong ngày 4-5, cơ quan chức năng dỡ bỏ trạm thu phí gần cầu Đuống nên một số lượng lớn xe thường ngày vẫn lưu thông qua cầu Phù Đổng (cách đó vài cây số và phải mua vé) nay chuyển sang đi đường qua cầu Đuống để khỏi mua vé. Vì thế, lượng phương tiện lưu thông tăng lên đột biến và xảy ra tình trạng kẹt xe.
Được đưa vào sử dụng từ năm 1981 với làn đường sắt chính giữa cầu và hai làn xe hai bên. Trước đây, cầu Đuống được coi là cây cầu huyết mạch trên tuyến quốc lộ 1A (cũ) đi Bắc Ninh - Lạng Sơn và nối với quốc lộ 3. |
VĂN KIÊN - MAI MINH
Từ khóa » Cầu đuống Dài Bao Nhiêu Km
-
Cầu Đuống – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cầu Đuống - Người Kể Sử
-
Cầu Đuống - Cây Cầu Quay đầu Tiên ở Việt Nam - SOHA
-
Vị Trí, Tiến độ Dự án Cầu Đuống 2 (cầu Đuống Mới ) 2020! Bao Giờ ...
-
Hà Nội - Thành Phố Của Những Cây Cầu - Báo Lao Động
-
Cầu Đông Trù Hà Nội - Cây Cầu Rộng Nhất Việt Nam
-
7 Cây Cầu Huyết Mạch ở Thủ đô Nhìn Từ Trên Cao - Hà Nội - VnExpress
-
Cầu Phao Qua Sông Đuống Trước Ngày Thông Xe - VnExpress
-
Hà Nội Sắp Xây Dựng 4 Cây Cầu Mới, Dự án Nào được Hưởng Lợi?
-
Cầu Đuống Hơn 100 Tuổi Có Nên Thay Mới? - Giao Thông Hà Nội
-
Nâng Tĩnh Không Cây Cầu 117 Tuổi, Gỡ Nút Thắt đường Thủy Trọng Yếu
-
Từ Hà Nội đi Cổ Loa Bao Nhiêu Km, đường Nào?