Hà Tĩnh: "Săn Ong Rừng" Về Nuôi Lấy Mật - Báo Lao Động Thủ đô

Nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật Thị xã Sơn Tây: Hiệu quả từ mô hình nuôi ong mật

Kỹ năng săn ong

Hà Tĩnh: 'Săn ong rừng' về nuôi lấy mật
Hành trình săn ong "kiếm"

Không chỉ biết tách đàn, gây giống ong, ông Nguyễn Thanh Vận ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang còn là người lành nghề với cách “săn ong kiếm” kể lại: “Bắt ong rừng về thuần hóa để làm giống không chỉ đơn thuần là việc kiếm tiền, nuôi nó sinh sống thành bầy đàn trong vườn nhà có nhiều hữu ích như thụ phấn cho cây ăn quả, làm thuốc…

Để bắt được tổ ong về chúng ta cần có một chiếc vợt bằng vải màn và vài ba cái chang (tổ mồi), sau khi bắt được con ong “kiếm” thì đem nó vào chang nhốt khoảng 5-10 phút cho nó làm quen và lựa chọn nơi mới sinh sống, sau đó thả ra để ong “kiếm” bay về tổ cũ thông báo với bầy đàn, cứ lần lượt sẽ có nhiều con ong mới về xem chang mới có đủ yếu tố cho bầy đàn sinh sống trong mùa tới không. Khi các con ong này xem xét kỹ lưỡng và kéo bầy đàn dời về đây làm tổ thì chúng ta mới nhốt (cùm tướng) rồi đem về vườn mình nuôi”.

Cũng theo ông Vận, từ khi con ong “kiếm” bị bắt đưa vào tổ mồi rồi thả ra, nó về gọi nhiều con ong liên tiếp đến được gọi là “ong thăm”. Đây là thời điểm mà người thợ săn ong hồi hộp đến nín thở. Bởi lúc con ong “kiếm” rời tổ ong mồi bay đi sẽ có ba khả năng xảy ra: Một là nó bỏ đi tìm chỗ khác, hai là nó về gọi đàn, ba là trên đường về bị loài ong khác hoặc nhện ăn thịt. Nếu đợi khoảng 20-30 phút không thấy ong trở lại, người “săn” ong biết là thất bại và phải tìm con ong “kiếm” khác làm lại quy trình.

Hà Tĩnh: 'Săn ong rừng' về nuôi lấy mật
Chờ ong "kiếm" về gọi bầy

Được biết, hàng năm khi vào mùa hè, nhiều loài cây trổ hoa, nguồn thức ăn của loài ong nhiều thì các đàn ong chủ động tách đàn nhiều. Nắm bắt được thời gian ong tách đàn nên người dân thường mang theo chang đi săn về nuôi sau đó lấy mật ong đem bán ra thị trường thu lợi nhuận rất cao.

Ngoài cách săn ong “kiếm” thì cách tìm tổ của chúng rồi bắt đem về nuôi là sự lựa chọn của nhiều người dân ở xã Thọ Điền, Quang Thọ, thị trấn Vũ Quang… huyện Vũ Quang và người dân xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, thị trấn Sơn Tây… huyện Hương Sơn đang áp dụng.

Chúng tôi có mặt dọc các tuyến đường ven rừng núi dễ bắt gặp nhiều nhóm người mang vợt, chang ong, nhang (hương khói) tìm quanh các cây cột điện, vách đá, cây gỗ mục để bắt ong rừng về bán hoặc nuôi lấy mật.

Ông Văn Thông, trú tại huyện Hương Sơn cho biết, “Chỗ mà đàn ong rừng thường làm tổ trú đông là những bọng cây (cây mục) hoặc những cột điện rỗng ruột. Nắm bắt được đặc điểm này, những người “thợ săn” ong như chúng tôi sẽ dùng “kỹ năng” để dụ đàn ong vào ở trong những cái chang ong mồi mang theo của mình. Chang ong mồi là một khúc gỗ, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và khoét một cái cửa nhỏ ở giữa. Trước khi săn ong, người thợ dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành chang để tạo mùi hấp dẫn đàn ong”.

Hà Tĩnh: 'Săn ong rừng' về nuôi lấy mật
Khi ong "kiếm" goi "ong thăm" đến xem tổ mới

Hỏi về cách bắt ong trong cột điện để nhốt vào chang, ông Thông kể lại chi tiết: Những đàn ong đã làm tổ trú ngụ trong đó, có nghĩa là nó đã yên vị trong đó và khả năng để nó rời bỏ tổ để vào các chang mồi là rất khó xảy ra.

Chính vì vậy, những người “thợ săn” ong buộc phải sử dụng “kỹ xảo” là dùng những que nhang (hương) hun khói vào trong cột điện để “phá tổ”. Đàn ong không chịu được mùi khói hương sẽ “vỡ tổ” bay ra ngoài. Trong khi đó, người “thợ săn” ong đã treo những cái chang mồi xung quanh khu vực đó.

Đàn ong trong lúc “vỡ tổ” bay ra, phát hiện những cái chang treo sẵn thì bay vào để trú ngụ. Sau khi đàn ong vào hết trong chang, người “thợ săn” ong sẽ dùng lá cây hoặc giấy bịt lỗ lại và đưa cả chang ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà, bắt đầu một quy trình khác gọi là “săn ong” hay là “tách ong”.

Nghề nuôi ong lấy mật đem lại nguồn thu cao cho người dân

“Săn” ong rừng về thuần hóa làm giống là một nghề độc đáo bởi ngoài nguồn thu nhập khá, nghề này rất dễ gây “nghiện” bởi được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều điều kỳ thú.

Trong một mùa săn ong, có nhiều người thu được hàng chục tổ, bình quân 1 tổ ong giống có giá 750 nghìn đồng, thậm chí có đàn đông “quân” có giá lên đến 1 triệu đồng. Ông Hiền, ở thị trấn Vũ Quang cho biết: “Trong mùa “săn” ong này, ông đã bắt được trên 8 tổ ong. Cùng với những mùa trước, hiện gia đình đã có 40 đàn ong đang cho mật, mang về một nguồn thu nhập khá cho gia đình. Bình quân 1 lít mật ong bán ra thị trường từ 200-250 nghìn đồng, mỗi lần lấy mật có khoảng 3 lít/tổ, mỗi năm lấy 3-4 lần tùy vào tổ ong mạnh hay yếu”.

Hà Tĩnh: 'Săn ong rừng' về nuôi lấy mật
Sau khi ong rừng được thuần, được chia bầy, đàn để nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Ong và Dịch vụ nông nghiệp huyện Vũ Quang cho biết, “Toàn huyện có hơn 1.600 người nuôi ong, còn nuôi theo dự án có 5 HTX nuôi ong. Toàn huyện năm 2021 vừa qua thu được trên 90 tấn mật ong/năm, bình quân 1 tổ lấy mật khoảng 10-15kg/năm và tách ra bán khoảng 3 tổ, 1 tổ bán tầm 750 nghìn. Hiện mật ong Vũ Quang đạt thương hiệu sản phẩm OCOP và VietGAP”.

Mật ong Vũ Quang có chất lượng thơm ngon, là sản phẩm được nhiều người tin dùng, nên dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mặt hàng này vẫn tiêu thụ ổn định, không “đọng” hàng như những sản phẩm nông nghiệp khác.

Để tiếp tục khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong, người dân sẽ được cán bộ chuyên môn về hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi; thành lập mới các tổ hợp tác, HTX nuôi ong, đồng thời tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu mật ong Vũ Quang - ông Dũng kể thêm.

Từ khóa » Tách đàn Ong Mật