Hà Tĩnh Xin Chuyển Hơn 24 Ha đất Rừng Làm Dự án Nhiệt điện BOT ...

Theo báo cáo kết quả thẩm định của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Tĩnh ngày 1/7, trong 24,42 ha đất rừng xin chuyển đổi là 9,95 ha rừng phòng hộ; 9,31 ha rừng sản xuất và 5,6 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Khu vực đất rừng xin chuyển đổi là rừng trồng một số loại cây như keo, bạch đàn... nằm trên địa bàn hành chính xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh. Diện tích đất rừng do cộng đồng thôn quản lý là 1,08 ha; hộ gia đình quản lý 23,34 ha.

Số diện tích đất rừng chuyển đổi sẽ dùng thực hiện một số hạng mục của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2, như hạng mục tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường xả ống làm mát, trạm bơm...

Theo các quyết định trước đây của UBND tỉnh Hà Tĩnh, diện tích rừng chuyển đổi này phù hợp với số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Hà Tĩnh năm 2020, cũng như điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh này. Việc xin chuyển đổi đất rừng sang thực hiện dự án, là cơ sở để các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo về thủ tục, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.

Giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2. Ảnh: Đức Hùng.

Giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2. Ảnh: Đức Hùng.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 149 ha, thuộc xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh và Kỳ Long (thị xã Kỳ Anh). Nhà máy có tổng 9 hạng mục xây dựng chính, bao gồm; khu vực nhà máy chính, đường vào nhà máy, bãi thi công ban đầu, hệ thống nước làm mát và trạm bơm nước cầu cảng, bãi thi công bổ sung, đường xả làm mát kéo dài của VA1, khu nhà ở cán bộ và công nhân, bãi đổ đất hữu cơ, khu vực bãi chứa xỉ và đường ống chuyển xỉ. Hiện, việc giải phóng mặt bằng và chi trả tiền bồi thường đang được chính quyền địa phương và chủ đầu tư triển khai. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 9.

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng mức đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, sử dụng than nhập khẩu. Dự án có trong quy hoạch VI (giai đoạn 2006-2015) do Lilama làm chủ đầu tư, công suất 1.200 MW. Năm 2009, dự án này chuyển đổi chủ đầu tư, hình thức đầu tư sang BOT và được xét duyệt lại vào quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO), với tỷ lệ cổ đông góp vốn ban đầu gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hong Kong) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.

Giai đoạn 2011-2018 diễn ra việc chuyển nhượng, mua bán lại cổ phần tại VAPCO và hiện Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) sở hữu 40% vốn tại VAPCO, một tập đoàn lớn của Nhật Bản giữ 60% vốn còn lại.

Hiện dự án này đã có hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, bảo lãnh Chính phủ, báo cáo tác động môi trường (DTM)... và dự kiến khởi công trong quý III năm nay.

Dự kiến khi nhà máy điện BOT Vũng Áng II vận hành sẽ cung cấp hơn 8,5 GWh một năm, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động địa phương và góp ngân sách 300 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Minh

  • EVN vay gần 1,2 tỷ USD làm dự án nguồn điện
  • Nhiệt điện Vũng Áng gấp rút xin cấp phép đầu tư
  • Xây nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 theo BOT

Từ khóa » Nhà Máy Nhiệt điện Bot Vũng áng 2