​Hai Bệnh Nhân Nghi Mắc Bệnh “bò điên” - Tuổi Trẻ Online

Do bệnh tình diễn tiến xấu đi rất nhanh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sau khi điều trị triệu chứng, bệnh viện cho cả hai bệnh nhân xuất viện về nhà.

Diễn tiến nặng nhanh

Ngày 6-9, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân P.V.L. (86 tuổi, TP.HCM). Khi nhập viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng tri giác và tinh thần lú lẫn, liệt vận động, không tiếp xúc được, chỉ nằm một chỗ.

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó khoảng hai năm ông L. có biểu hiện hay quên, sau đó trí tuệ sa sút dần và biểu hiện này ngày càng nặng hơn nhưng gia đình cứ nghĩ ông L. bị như vậy là do tuổi già.

Trước khi nhập viện hơn một tháng, bệnh của ông L. trở nặng rất nhanh. Ngoài dấu hiệu sa sút tinh thần, bệnh nhân còn đi lại rất khó khăn, chân tay quơ quào...

Ông L. được bác sĩ cho chụp MRI (cộng hưởng từ), xét nghiệm dịch não tủy để loại trừ các nguyên nhân khác và đo điện não. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy của bệnh nhân bình thường với các bệnh liên quan đến não, màng não nhưng kết quả đo điện não thấy có sóng ba pha một chu kỳ giây.

Trước đó, ngày 20-8 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng tiếp nhận một bệnh nhân nghi bị bệnh “bò điên” là anh L.B.H (44 tuổi, ngụ Bình Phước). Anh H. từng đi khám và điều trị ở một bệnh viện tại Bình Phước nhưng bệnh không giảm.

Sau đó anh đến hai bệnh viện lớn khác tại TP.HCM nhưng các bác sĩ chưa chẩn đoán ra bệnh gì và bệnh của anh tiếp tục nặng thêm.

Khi nhập viện Bệnh viện Đại học Y Dược TP, anh L. đã nói khó, trí nhớ giảm sút, bất thường về vận động, giật cơ, loạn trương lực cơ, không thể nhấc chân, giơ tay lên cao được.

Bệnh nhân được cho chụp MRI não với kết quả tổn thương nhân não đối xứng hai bên; đo điện não thấy có sóng ba pha một chu kỳ giây và xét nghiệm dịch não tủy để loại trừ các nguyên nhân khác (viêm não màng não do vi trùng, virút, bệnh nhiễm độc đồng Wilson...).

Theo bác sĩ Võ Đôn - phụ trách khoa nội thần kinh Bệnh viện Nhân Dân 115 và bác sĩ Trần Ngọc Tài - khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP, tuy có ba yếu tố (triệu chứng lâm sàng, điện não có sóng ba pha một chu kỳ giây và MRI não có tổn thương nhân não đối xứng hai bên) gợi ý chẩn đoán ông L. và anh H. bị bệnh “bò điên”.

Nhưng để xác định thêm có phải bệnh này không thì phải làm xét nghiệm định lượng chất protein prion trong dịch não tủy. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để xác định bệnh này nhưng các bệnh viện của VN hiện chưa làm được.

Thường gặp ở tuổi trung niên

Theo bác sĩ Trần Ngọc Tài, bệnh “bò điên” có tên là bệnh Creutzfeldt - Jakob. Bệnh thường khởi phát ở người 55-60 tuổi. Khi mới khởi phát, đa số bệnh nhân có biểu hiện hay quên, nói rồi quên, sau đó quên đường về, quên con cái...

Biểu hiện sa sút tâm thần của bệnh nhân tiến triển rất nhanh nhưng khác với sa sút tâm thần do bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và một số bệnh lý khác. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện bất thường về hành vi, rối loạn hành vi, hay cáu gắt, nóng giận.

Tiếp theo bệnh nhân có bất thường về vận động, dáng đi không vững (đi như người say rượu), giật tay giật chân.

Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh không điển hình, bệnh nhân mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn (25-30 tuổi), có những biểu hiện bất thường về vận động trước rồi trí nhớ mới giảm sút. Khi bệnh ở giai đoạn nặng, bệnh nhân mất hoàn toàn nhận thức, không ăn uống được, sống đời thực vật.

Về nguyên nhân gây bệnh, theo bác sĩ Trần Ngọc Tài, khoảng 85% bệnh nhân mắc bệnh “bò điên” không tìm ra nguyên nhân.

Còn 10-15% còn lại là do di truyền (y học đã xác định được gen gây ra bệnh “bò điên”) và dưới 1% là do yếu tố mắc phải (bệnh nhân bị lây nhiễm từ những người có tiếp xúc với mô của người bệnh, mô tủy sống, dụng cụ y tế không được vô trùng sạch...). 

Bác sĩ Ngọc Tài khẳng định tỉ lệ lây nhiễm bệnh “bò điên” là rất thấp (dưới 1%) và cũng không liên quan gì tới việc ăn thịt “bò điên” hay bị con bò mắc bệnh “bò điên” lây qua như nhiều người lầm tưởng. Sở dĩ người ta gọi là bệnh “bò điên” vì loài bò cũng bị bệnh này giống như con người.

Không thể điều trị

Theo các bác sĩ, bệnh “bò điên” tương đối hiếm gặp. Theo y văn của Mỹ, mỗi năm Mỹ phát hiện 200-300 bệnh nhân bị bệnh “bò điên”.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP, bảy năm qua phát hiện được bốn ca. Bác sĩ Võ Đôn cho biết mỗi năm Bệnh viện Nhân Dân 115 cũng tiếp nhận 1-2 bệnh nhân nghi mắc bệnh “bò điên”.

Bác sĩ Võ Đôn cho biết bệnh “bò điên” hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân như cho ăn bằng ống thông dạ dày hoặc đường tĩnh mạch, chống lở loét, chống viêm phổi.

Không chỉ VN, các nước có trình độ y học phát triển cũng chưa điều trị được bệnh này. Khi bị bệnh “bò điên”, tùy theo từng người, bệnh có thể diễn tiến nhanh hoặc chậm.

Nếu nhanh, bệnh nhân sống được vài tháng, chậm thì vài năm tùy sự chăm sóc của người nhà hoặc nơi bệnh nhân điều trị.

Thường bệnh nhân tử vong vì biến chứng nằm tại chỗ lâu ngày như loét, nhiễm trùng, viêm phổi, do suy kiệt vì ăn uống không được (bị liệt phản xạ nuốt). Còn bệnh “bò điên” chỉ làm cho bệnh nhân không cử động được, không tiếp xúc được, hôn mê, sống đời thực vật.

Từ khóa » Dịch Bệnh Bò điên