Hai Cựu Chủ Tịch Hà Nội Và Những Sai Phạm để đời - VietNamNet

Ngày 10/12/2015, ông Nguyễn Đức Chung được phê chuẩn chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011- 2016.

Tháng 6/2016, HĐND TP Hà Nội khóa 15 họp kỳ thứ nhất bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021. Với hơn 96% phiếu đồng ý, Nguyễn Đức Chung tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội khoá mới.

Tháng 8/2020, ông Chung bị đình chỉ công tác chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội để điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Đến nay, ông Nguyễn Đức Chung liên tục nhận án tù vì liên quan đến 3 vụ án khác nhau. Tổng hợp cả 3 bản án, hình phạt chung mà ông Nguyễn Đức Chung phải thi hành là 16 năm.

Cụ thể, ngày 11/12/2020, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 5 năm tù vì tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Đức Chung

Cáo buộc cho rằng, từ tháng 7/2019- 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Nguyễn Đức Chung, các đồng phạm của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.

Người đồng phạm đã chuyển cho ông Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.

Đến tháng 12/2021, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, HĐXX cho rằng, ông Nguyễn Đức Chung đã lựa chọn xử lý nước (nhằm cải thiện môi trường nước trên địa bàn) bằng chế phẩm Redoxy 3C. Được sự hậu thuẫn, "bật đèn xanh" của ông Chung, Công ty Arktic đã độc quyền nhập chế phẩm Redoxy- 3C về Việt Nam.

Quá trình thực hiện, mua bán, chế phẩm xảy ra sai phạm, bỏ qua nhiều quy định, gây thất thoát cho nhà nước hơn 36 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, ngày 31/12/2021, ông Chung nhận thêm 3 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì liên quan đến vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội.

Lần này, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị cáo buộc đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 do Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư trái quy định của pháp luật.

Sau khi dừng thầu, ông Chung yêu cầu Sở KH&ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tính tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố (tới thời điểm hiện nay, Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung) và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để doanh nghiệp này tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm Giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.

Hành vi vi phạm đấu thầu của ông Chung và đồng phạm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hệ quả, mục đích, yêu cầu gói thầu trên không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Sai phạm của ông Chu Ngọc Anh

Tháng 8/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác thì đến ngày 25/9/2020, HĐND TP Hà Nội đã bầu chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với ông Chu Ngọc Anh.

Ông Chu Ngọc Anh nhận nhiệm vụ đứng đầu chính quyền Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, ông Chu Ngọc Anh gây chú ý với phát ngôn: "Nếu địa bàn Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm".

Đến ngày 7/6/2022, sau gần 2 năm ngồi ghế Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương tại kỳ họp cuối tháng 3, ông Chu Ngọc Anh có vi phạm liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Chu Ngọc Anh là người phê duyệt đề tài khoa học - công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”.

Bộ Công an cho biết, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ KH&CN và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, với tội danh trên, ông Chu Ngọc Anh phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 10- 20 năm tù.

Đây là một vụ án gây chấn động dư luận, việc đấu tranh với tội phạm về tham nhũng và chức vụ liên quan tới phòng chống dịch như vậy là cần thiết, rất kịp thời và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường chỉ ra rằng, nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc tội phạm tham nhũng và chức vụ trong thời gian qua diễn biến phức tạp.

Trong đó có nguyên nhân về quyền lợi chế độ của người hưởng lương; nguyên nhân từ đạo đức xã hội xuống cấp; nguyên nhân từ công tác cán bộ chưa tốt; nguyên nhân từ cơ chế quản lý kinh tế xã hội còn nhiều sơ hở, thiếu sót...

Để giảm bớt những vụ án tương tự, tránh thất thoát tài sản của nhà nước, thiệt hại đến uy tín của Đảng và nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, cần phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng.

Trong đó cần tăng cường cơ chế quản lý kinh tế để người có chức vụ muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được; cần thực hiện công khai minh bạch, tăng cường cơ chế giám sát để kịp thời phát hiện xử lý tham nhũng...

T.Nhung

Từ khóa » Chu Tich Ha Noi Bi Bat