Hai địa Chỉ Tư Vấn Và điều Trị Chứng Béo Phì Tại TP HCM - VnExpress

Sau đây là phương thức điều trị của hai trung tâm trên:

1. Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM

Bệnh nhân sẽ được khảo sát về chế độ ăn để biết cơ thể thừa và thiếu chất gì, vì béo phì là tình trạng thừa năng lượng chứ chưa chắc đã thừa dinh dưỡng. Nhiều người béo phì nhưng vẫn thiếu máu, thiếu sắt, vitamin, khoáng chất do chế độ ăn có sự thiên lệch. Sau khi khảo sát, bác sĩ sẽ cắt đi lượng calo rỗng (không có các dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, canxi, magiê) như dầu, mỡ, đường. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc trung tâm, cho biết, ngoài một số ít trường hợp cần dùng thuốc, đa số bệnh nhân được áp dụng 1 trong 3 phương pháp sau:

- Giữ nguyên chế độ ăn nhưng tăng tiêu hao năng lượng bằng cách tăng vận động.

- Giảm chế độ ăn, mức tiêu hao năng lượng bình thường.

- Vừa giảm chế độ ăn vừa tăng vận động ở mức độ vừa phải (đây là phương pháp tốt nhất).

Ngoài ra, trung tâm cũng coi trọng việc tư vấn để thay đổi hành vi và thói quen ăn uống, vận động của bệnh nhân, bởi việc điều trị sẽ rất khó khăn nếu bệnh nhân không có sự kiên nhẫn hợp tác với bác sĩ.

2. Viện Y học Dân tộc

Tại Phòng Khám và Điều trị béo phì của Viện, bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng thuốc y học dân tộc nhằm lấy lại cân bằng âm dương trong cơ thể và phải ăn theo bảng thực đơn do phòng khám đưa ra. Họ cũng được tư vấn để thay đổi thói quen ăn uống và lối sống.

Bác sĩ Lê Thúy Tươi, cán bộ của phòng khám, cho biết, bệnh nhân điều trị ở đây trung bình giảm được 2-4 kg mỗi tháng, tuy giảm cân nhưng không bị nhăn da. Một số bệnh nhân đã giảm được hơn 30 kg. Chẳng hạn như chị V. (19 tuổi, cao 159 cm, nặng 118 kg), giảm được 37 kg sau 9 tháng điều trị; bà Nguyễn T.L. (64 tuổi, cao 156 cm, nặng 110 kg), giảm 35 kg sau 8 tháng...

Tình trạng béo phì ở TP HCM gia tăng

Gần đây, số bệnh nhân đi khám và điều trị béo phì ngày càng tăng. Bác sĩ Lê Thúy Tươi cho biết, mỗi buổi, phòng khám của Viện Y học dân tộc tiếp nhận 50-70 bệnh nhân, trong khi hồi mới mở chỉ có 5-10 bệnh nhân. Số bệnh nhân nữ chiếm gần 92%. Rất nhiều người đến đây với thể trọng thừa vài chục kg như anh A. (25 tuổi, bảo vệ khu chế xuất Tân Thuận) nặng đến 142 kg, một bác sĩ 42 tuổi ở TP HCM nặng 110 kg, bà M. (64 tuổi, biệt danh người hùng Bàu Cát) nặng 120 kg. Đặc biệt, có một cậu bé mới 11 tuổi mà đã nặng đến 109,5 kg.

Còn tại Trung tâm Dinh dưỡng, tỷ lệ bệnh nhân khám và điều trị béo phì chiếm 1/3 trong số 400-500 trẻ em và 50-60 người lớn được viện tiếp nhận mỗi ngày.

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy:

- Tỷ lệ thừa cân của người lớn (tính tại thời điểm tháng 5/2001) là 18,6%.

- Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân tăng từ 2% (năm 1996) lên 3,5% (năm 2001).

- Tỷ lệ học sinh tiểu học bị thừa cân tăng từ 3,9% (năm 1999) lên 6% (năm 2000).

Dùng chỉ số BMI để đánh giá tình trạng cân nặng

Tính BMI bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m).

- BMI nằm trong khoảng 18,5-25: Hoàn toàn bình thường.

- BMI từ trên 25 đến dưới 30: Thừa cân.

- BMI trên 30: Béo phì

* 30-34,9 : Béo phì độ 1.

* 35-39,9: Béo phì độ 2.

* Trên 40 : Béo phì độ 3.

Thanh Niên

Từ khóa » đi Khám Béo Phì ở đâu