Hai Lĩnh Vực được Lựa Chọn Chất Vấn Phù Hợp Với Diễn Biến Thực Tế

Hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn phù hợp với diễn biến thực tế ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/8, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời chất vấn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành.

Một số thành viên Chính phủ đã cùng giải trình một số nội dung đại biểu nêu ý kiến.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần “sát thực tế, rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao” đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 96/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới, khó, những thách thức an ninh phi truyền thống, làm cơ sở xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh nhuệ, chính quy, hiện đại vào năm 2030.

[Chất vấn Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch]

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm và không để oan sai; chủ động, thường xuyên nắm chắc và dự báo sát đúng tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phương án về tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, có phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến và địa bàn trọng điểm.

Đẩy mạnh thi hành Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành; làm tốt công tác rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để bố trí kinh phí thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Công an nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, các lực lượng phòng, chống ma túy quốc tế đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh và xuyên quốc gia; tích cực triển khai chuyên đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng; kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động tín dụng đen.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần có có giải pháp đấu tranh hiệu quả với các hình thức tín dụng đen qua mạng xã hội, các App và website; xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân không chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn nhưng các đơn vị, địa phương khác lại phát hiện và xử lý.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn và chiếm đoạt tài sản.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia; sớm hoàn thành ban hành Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng.

Hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn phù hợp với diễn biến thực tế ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Anh đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Nghị định về cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó và phát triển ngành nghề dịch vụ này để phát triển kinh tế và tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hoạt động này, ngăn ngừa, hạn chế đánh bạc, cá cược trái phép.

Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet, quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, xử lý tình trạng sim rác; đẩy nhanh tiến độ cấp phép căn cước công dân có gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử, bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời.

Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai tích hợp thông tin ứng dụng thẻ căn cước trên các lĩnh vực, góp phần giảm bớt các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, bắt đầu từ ngày 1/1/2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi).

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp phép căn cước công dân có gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời; đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai tích hợp thông tin ứng dụng thẻ căn cước trên các lĩnh vực, góp phần giảm bớt các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, bắt đầu từ ngày 1/1/2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi).

Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân để có biện pháp phòng ngừa, kịp thời.

Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin kết nối dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ công phục vụ nhân dân.

"Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về xuất nhập cảnh, hộ chiếu theo mẫu mới của công dân Việt Nam; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch, như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch.

Hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn phù hợp với diễn biến thực tế ảnh 3Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thuý đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch; khẩn trương ban hành quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình này.

Cùng đó, rà soát, đánh giá việc triển khai Luật Du lịch năm 2017 và pháp luật có liên quan, chú trọng cụ thể hóa các quy định về tăng cường hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; sớm cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của quỹ.

Có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.

Khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa để phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, như sửa đổi Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn; xây dựng văn bản quy phạm điều chỉnh lĩnh vực văn hóa; nghiên cứu xây dựng Đề án hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nghiên cứu, đề xuất các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước 2045.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa và công nghiệp văn hóa. Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường hợp tác giao lưu về văn hóa, xúc tiến quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Đối với việc bảo tồn và phát huy di sản, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích. Triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đồng thời quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách và có chính sách xã hội hóa hợp lý để thu hút đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó phân bổ đủ kinh phí thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phối hợp với các địa phương trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử và văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là cho thế hệ trẻ, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử.

Xây dựng, hoàn thiện các bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng, địa bàn dân cư và cả trên không gian mạng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực, hiệu lực đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở thực hiện tốt chính sách, chế độ phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết này tại phiên họp tháng 9 hàng năm. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết khi được ban hành.

Trên cơ sở Nghị quyết và thực tiễn thi hành pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên giải trình, giám sát cho từng lĩnh vực phụ trách, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Chất Lịm