Hai Ngôi Trường Nổi Tiếng Của TP.HCM Và Hành Trình Gắn Kết Với ...
Có thể bạn quan tâm
Phap.fr đã có cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Yến Trinh – Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong và cô Nguyễn Thị Hồng Chương – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai sau khi hai trường này được Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Vincent Floreani trao chứng nhận LabelFrancEducation vào ngày 19.11.2018.
LabelFrancEducation là nhãn hiệu do Bộ Ngoại giao Pháp cấp cho các trường được đánh giá tốt nhất về chất lượng giảng dạy tiếng Pháp trong chương trình song ngữ tiếng Pháp. Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, ông Vincent Floreani từng nhận định trong lễ trao chứng nhận rằng việc hai trường Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong được công nhận chất lượng giảng dạy tiếng Pháp xuất sắc là một phần thưởng xứng đáng cho tâm huyết và sự đóng góp của Ban Giám hiệu cũng như các thầy cô trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp.
Xin hai cô kể thêm về quá trình đồng hành gần hai thập niên của trường Lê Hồng Phong và trường Nguyễn Thị Minh Khai với chương trình song ngữ Pháp – Việt?
– Cô Nguyễn Thị Yến Trinh: Tại TP.HCM, chương trình song ngữ được dạy thử nghiệm từ năm 1992 và đại trà từ năm 1994 theo hai lộ trình A (bắt đầu từ lớp 1) và lộ trình B (bắt đầu từ lớp 6). Trường THPT Lê Hồng Phong là một trong 3 trường cấp III tiếp nhận những khóa học sinh song ngữ thuộc lộ trình A và B đầu tiên của thành phố. Và kể từ năm 1996 đến nay, mỗi năm trường đều nhận vào 2 lớp 10 với sĩ số mỗi lớp ít nhất 30 học sinh. Trước khi trường được phổ cập chương trình song ngữ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), tiếng Pháp, tiếng Anh cũng như tiếng Nga là một trong những môn học được qui định trong chương trình phổ thông. Trong đó, tổ bộ môn tiếng Pháp luôn có nhiều thành tích đáng tự hào và các hoạt động phong phú.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
Ngay từ những năm đầu tiên, theo thỏa thuận khung của AUF với Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD) và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (SGD), trường chúng tôi được xem như là một trong những trường trọng điểm của chương trình song ngữ. Trong suốt 12 năm trong thỏa thuận khung (1994-2006), hằng năm, AUF kết hợp với BGD và SGD tổ chức thi tuyển giáo viên, các khóa đào tạo chuyên môn tại Pháp cũng như trong nước nhằm hỗ trợ một cách có chất lượng và hiệu quả việc dạy và học tiếng Pháp. Chúng tôi cũng được AUF tài trợ về mặt phụ cấp lương cho giáo viên, thiết bị dạy học cũng như tài liệu, sách giáo khoa phục vụ cho chương trình trong thời gian áp dụng thỏa thuận. Sau khi chấm dứt thỏa thuận khung, từ năm 2006 đến nay, theo qui định của BGD, các SGD thực hiện xã hội hóa nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt cho giáo viên trong chương trình.
Cho đến nay, chương trình song ngữ tiếng Pháp vẫn luôn là một chương trình có uy tín, chất lượng và hiệu quả cao, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh tài giỏi và thành công trong nhiều lĩnh vực.
– Cô Nguyễn Thị Hồng Chương: Tháng 9.1998, được sự cho phép của BGD và SGD, 2 lớp song ngữ lớp 10 được mở để tiếp nối chương trình song ngữ cấp Trung học Cơ sở, trường THPT Nguyễn Thị Minh khai chính thức tham gia chương trình song ngữ Pháp – Việt. Kể từ đó, số lượng các lớp song ngữ đã phát triển và ổn định cho đến nay, mỗi khối có 2 lớp. Để tạo điều kiện cho việc giảng dạy và thực hiện những phương pháp sư phạm mới, giáo viên của trường luôn được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, các khóa đào tạo thường xuyên, hội thảo chuyên ngành, chẳng hạn về đổi mới phương pháp giáo dục do Bỉ tổ chức (dự án VVOB) hoặc những dự án của Intel, của Microsoft, BGD, SGD…
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Trường được đầu tư, trang bị tốt với đầy đủ các thiết bị dành cho lớp song ngữ, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh, của AUF và các Đại sứ quán Pháp, Bỉ. Đặc biệt, Tổng lãnh sự quán Pháp đã quan tâm hỗ trợ và phối hợp với nhà trường để tạo nên “Không gian Pháp ngữ” – là một phòng dành riêng cho việc dạy và học tiếng Pháp với các cơ sở vật chất cùng nhiều tài liệu dạy và học quý giá.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện có 45 lớp, được chia thành 3 khối là 10, 11 và 12, trong đó, mỗi khối có 2 lớp song ngữ. Trường có nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu với các nước, phong phú cả về số lượng và chất lượng. Đối với bộ môn tiếng Pháp, trường đã từng tổ chức các chuyến đi giao lưu học tập với các trường kết nghĩa tại Pháp như trường trung học Albert Camus ở ngoại ô Paris (từ 2000 đến 2012), trường Jean Moulin ở Lyon (2002-2015).
Với những lợi thế của một trường được công nhận LabelFrancEducation, nhà trường có những dự định gì sắp tới để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo song ngữ Pháp – Việt, thưa hai cô?
– Cô Nguyễn Thị Hồng Chương: Trên nền tảng đã được xây dựng, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy tiếng Pháp. Để giúp học sinh có nhiều hoạt động đa dạng nhằm nâng cao trình độ tiếng Pháp, trường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ triển khai giao lưu hằng năm với ít nhất một trường thuộc khối LabelFrancEducation hoặc một trường của Pháp đồng thời tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, xây dựng và phát triển CLB Pháp ngữ. Trường cũng sẽ giới thiệu, phổ biến chứng chỉ DELF quốc tế và đồng hành với các em học sinh để cải thiện tỷ lệ đậu chứng chỉ này (trên 60% học sinh có bằng DELF B1 khi ra trường). Ngoài ra, với những học sinh giỏi và yêu thích tiếng Pháp, chúng tôi sẽ bồi dưỡng để các em có được sự chuẩn bị tốt nhất trong các kỳ thi của thành phố.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được trao chứng nhận LabelFrancEducation
– Cô Nguyễn Thị Yến Trinh: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào là một trong những trường được công nhận LabelFrancEducation. Trường Lê Hồng Phong sẽ luôn cố gắng để giữ vững và phát huy danh hiệu này cũng như sẽ ngày càng nâng cao chất lượng việc học và dạy tiếng Pháp trong nhà trường. Về nhân lực, cùng với SGD, các đơn vị đào tạo như Đại học Sư phạm, Đại học KHXHNV, chúng tôi sẽ tuyển thêm giáo viên có trình độ nhằm củng cố và bổ sung đội ngũ giáo viên giỏi của trường. Về chất lượng giảng dạy, chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên học tập trong nước, ngoài nước và theo học các khóa tập huấn đào tạo của BGD, SGD cũng như các tổ chức Pháp ngữ nhằm nâng cao kiến thức và bồi dưỡng năng lực chuyên môn.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong được trao chứng nhận LabelFrancEducation
Về việc học tiếng Pháp, chúng tôi khuyến khích các em tham gia những hoạt động ngoại khóa hữu ích nhằm tạo thêm hứng thú, đam mê đối với bộ môn tiếng Pháp: câu lạc bộ tiếng Pháp, học tiếng Pháp với các giáo viên tình nguyện người Pháp, tham gia các hoạt động ngày Quốc tế Pháp ngữ, ngày di sản văn hóa Pháp, ẩm thực Pháp, các cuộc triển lãm, sự kiện văn hóa Pháp, xem phim Pháp…, phối hợp và tổ chức một cách tốt nhất và hiệu quả nhất chương trình giao lưu văn hóa với các trường trung học tại Pháp. Chúng tôi vẫn luôn duy trì mỗi năm tuyển vào ít nhất 70 học sinh, trong đó vừa chương trình song ngữ, vừa chương trình chuyên tiếng Pháp nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của học sinh.
Về mặt cơ sở vật chất, sau khi công trình xây dựng được hoàn thành (khoảng đầu năm 2020), chúng tôi dự định sẽ dành một khu vực cho bộ môn tiếng Pháp. Thư viện tiếng Pháp cũ (CDI) sẽ được sắp xếp lại, trang bị thêm sách tham khảo cho giáo viên và học sinh vào số lượng sách đã có sẵn. Phòng nghe nhìn (Salle Multimédia) sẽ được trang bị các phương tiện nghe nhìn phục vụ các hoạt động học tập, kỹ năng nghe hiểu và xem phim. Phòng Pháp ngữ (Salle Francophone) sẽ là không gian dành cho các em học sinh lớp Pháp sinh hoạt Câu lạc bộ, hoạt động nhóm, văn nghệ, tổ chức hoạt động ngoại khóa…, và 8 phòng học dành cho các lớp tiếng Pháp chính khóa và các lớp bồi dưỡng tiếng Pháp trái buổi…
Các cô nhận xét thế nào về những nét “đặc thù” của học sinh song ngữ? Chương trình này đã mở cánh cửa du học Pháp cho nhiều học sinh ra sao, thưa hai cô?
– Cô Nguyễn Thị Yến Trinh: Các em học sinh lớp song ngữ thường rất năng động, sáng tạo, thông minh trong học tập (có thể thấy rõ qua những giải cao trong các kỳ thi Học Sinh Giỏi Quốc gia, Olympic và Học Sinh Giỏi Thành phố hằng năm); dễ thương, gần gũi với thầy cô (tự tay làm thiệp, hoa tặng thầy cô nhân ngày 20.11, tổ chức sinh nhật, làm video clip tặng giáo viên tiếng Pháp); tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ, thể thao và ngoại khóa (nghiên cứu khoa học và robot). Quán quân 2015, top 20 – 2016 và Á quân 2017 của cuộc thi Miss Áo dài đều là nữ sinh lớp song ngữ tiếng Pháp!
Học sinh song ngữ trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tại sự kiện Những ngày sáng tạo Pháp-Việt 2018
Từ nhiều năm nay, chương trình song ngữ đã mở ra cho các em nhiều cơ học du học tại Pháp cũng như ở các nước nói tiếng Pháp. Đa số các em sau khi tốt nghiệp cấp 3 và hoàn thành xong chương trình song ngữ đều du học Pháp hoặc theo học chuyên ngành tiếng Pháp của các trường Đại học tại Việt Nam như Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách Khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Đại học Luật, PUF, Đại học Hoa Sen… Nhiều em vẫn đang sống và làm việc tại Pháp, một số khác làm việc tại các công ty Pháp ở Việt Nam.
– Cô Nguyễn Thị Hồng Chương: Thời khóa biểu của học sinh các lớp song ngữ khá “dày”, với lượng kiến thức được tiếp thu nhiều vì ngoài chương trình tiếng Việt thông thường còn có chương trình tiếng Pháp. Do đó, các em được rèn luyện khả năng sắp xếp công việc một cách khoa học, tận dụng tốt thời gian. Ngoài ra, do đặc thù chương trình song ngữ có nhiều hoạt động đa dạng nên các em được làm quen với việc giao tiếp từ rất sớm, rất dạn dĩ, dễ hòa đồng. Đây là những hành trang cần thiết khi các em theo học những bậc cao hơn ở nước ngoài. Rất nhiều cựu học sinh song ngữ của trường Nguyễn Thị Minh Khai đã đạt được thành công ở trong và ngoài nước, có thể kể đến Dustin Phúc Nguyễn hiện là VJ khá nổi tiếng ở TPHCM; thầy Phạm Quang Tâm, trước đây là du học sinh ở Pháp, hiện là chuyên viên môn tiếng Pháp của SGD và là giáo viên môn Toán Pháp của trường…
Học sinh song ngữ trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại sự kiện Những ngày sáng tạo Pháp-Việt 2018
Là những ngôi trường do người Pháp xây dựng từ rất lâu đời, hai cô có thể chia sẻ về lịch sử của trường, đặc biệt là những điểm “thân quen” với nước Pháp?
– Cô Nguyễn Thị Hồng Chương: Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được xây dựng vào năm 1913, năm 2018 vừa qua đã kỷ niệm 105 “tuổi”. Trước đây, trường từng mang tên Áo Tím, Gia Long. Có thể thấy, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, những “chất” Pháp luôn đồng hành với trường, từ các tên gọi thuở xưa cho đến kiến trúc cổ kính vẫn vững chãi sau hơn một thế kỷ chào đón bao thế hệ học trò…
Ban đầu trường chỉ có những lớp đồng ấu (Enfantin) và những lớp cao đẳng (Supérieur) của bậc sơ học. Năm 1922 trường đã khánh thành Ban nữ trung học học đường với cái tên Collège de Jeunes Filles Indigènes (Trường Nữ sinh Bản xứ). Màu tím được chọn là màu áo đồng phục cho nữ sinh thời bấy giờ, tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của thiếu nữ Việt Nam. Vì thế trường còn được gọi là Trường Áo Tím.
Áo Tím đã từng là niềm tự hào của một thế hệ nữ sinh không chỉ học giỏi, đức độ mà còn biết đặt mơ ước của mình vào những lý tưởng cao cả và thực hiện hành trình mơ ước đó trên mọi nẻo đường đất nước. Năm 1940, trường được đổi tên là Lycée Gia Long, màu áo tím của nữ sinh được chuyển sang màu áo trắng tinh khôi cùng với huy hiệu bông mai vàng. Và sẽ không ngạc nhiên khi trường được mang tên người nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai sau ngày đất nước thống nhất.
Trải qua lịch sử trăm năm, bao lớp học trò đã trưởng thành từ ngôi trường này, trong đó không ít người đã được vinh danh trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, khoa học, giáo dục như: bà Nguyễn Ngọc Dung (nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí của Bộ ngoại giao, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc), bà Bùi Thị Mè (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương binh Xã hội), bà Trương Mỹ Lệ (nguyên Phó ban tổ chức Thành ủy), bà Võ Thị Thắng (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch), bà Vũ Thị Nhung (nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương), bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ)…
Tiếp nối truyền thống của những “Collège”, “Lycée” thuở trước, từ hai thập niên qua, trường Nguyễn Thị Minh Khai có thêm một “chất” Pháp khác: chương trình song ngữ.
– Cô Nguyễn Thị Yến Trinh: Trường THPT Lê Hồng Phong đã được công nhận là một trong những di sản văn hóa của thành phố cần được gìn giữ và bảo tồn. Trường được xây dựng từ năm 1927, cách đây hơn 90 năm, theo kiến trúc Pháp. Với những người đã từng sống, học tập và làm việc nơi đây, ngôi trường không chỉ là trung tâm giáo dục chất lượng cao phía Nam, di tích kiến trúc nghệ thuật mà còn là niềm tự hào của bao thế hệ. Theo dòng thời gian, dù trường Lê Hồng Phong có nhiều thay đổi, khác biệt so với Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký ngày xưa, nhưng bản sắc, tinh hoa và nét riêng của trường vẫn được giữ nguyên vẹn. Tên gọi Pétrus Ký vẫn luôn gắn liền với ngôi trường, với một giai đoạn lịch sử, với cái tên Collège de Cochinchine, với nhân vật lịch sử, ông Trương Vĩnh Ký, người thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây, 11 ngôn ngữ phương Đông, được đánh giá vào hàng thứ 18 trong số các nhà bác học thế giới thời bấy giờ.
Ngay từ những ngày đầu tiên mới thành lập, trường đã là nơi tiếp nhận những học sinh phải vượt qua một kỳ thi tuyển gắt gao , là niềm mơ ước của bao thế hệ học sinh Sài Gòn và miền Nam thời bấy giờ, và là nơi sản sinh ra những học sinh ưu tú tốt nghiệp tú tài Pháp. Các thế hệ vẫn còn ghi nhớ tên tuổi các thầy cô người Việt Nam như ông Nguyễn Văn Chì, ông Phạm Thiều, ông Nguyễn Tấn Gi Trọng, cũng như các giáo sư người Pháp đã tận tâm với nghề, với người như ông Pouzancre, ông Collard, ông Cudenet, ông Paquier, ông Petit Colin, ông Dutheil, ông Marquis, bà Gioan… Và những tên tuổi mà người Pháp và người Việt đều biết đến như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với những nhạc phẩm nổi tiếng vượt thời gian; GS Trần Văn Khê, Tiến sĩ môn Nhạc học, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật… Ngoài ra, một số các nhà lãnh đạo của Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh cũng là cựu học sinh của trường như ông Nguyễn Minh Triết, ông Trương Tấn Sang… Chính vì thế, nhắc đến trường Lê Hồng Phong, chúng ta nghĩ ngay đến những dấu ấn lịch sử, nét văn hóa Việt- Pháp và nhiều thế hệ tài năng. Mỗi khi cần tái hiện một không gian xưa của thời Pháp, các nhà làm phim đều nghĩ ngay đến ngôi trường Pétrus Ký, nhiều bộ phim đã được quay nơi đây, trong đó có phim L’Amant.
Xin cảm ơn hai cô!
Từ khóa » Trường Quốc Tế Dạy Tiếng Pháp
-
Danh Sách Các Trường Tiểu Học Quốc Tế Tại TPHCM Giảng Dạy Ngôn ...
-
Ecole Internationale Française Saint Ange: Trang Chủ
-
Trường Quốc Tế Pháp Marguerite Duras Và Trường Colette QUẬN 9
-
TRƯỜNG QUỐC... - Tuyển Dụng Nhân Sự Tiếng Pháp Tại Việt Nam
-
Các Trường Dạy Tiếng Pháp ở Thành Phố Hồ Chí Minh - Allezy
-
Giới Thiệu Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Institut Français Du Vietnam
-
[PDF] Các Lớp Mẫu Giáo‐Tiểu Học ở Trường Quốc Tế Pháp Marguerite Duras
-
Cập Nhật Danh Sách Các Trường Quốc Tế Tại TPHCM - Kênh Tuyển Sinh
-
Điều Kiện Tuyển Sinh 2022-2023 - Lycée Français Alexandre Yersin
-
Top 10 Trung Tâm Dạy Tiếng Pháp ở TPHCM Tốt Nhất - Saigon Review
-
Ngoại Ngữ - USTH
-
Trường Mầm Non Quốc Tế La Petite Ecole - Nguyễn Văn Hưởng
-
Học Tiếng Pháp Ở Đâu Tốt Nhất - CAP FRANCE
-
VNU – IFI Thông Báo Tuyển Sinh Lớp Tiếng Pháp Cho Người Mới Bắt đầu