Hai Nhóm Quỹ Kết Dư Trên 935.100 Tỷ đồng - VnExpress

Sáng 17/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đến nay ước đạt trên 935.100 tỷ đồng; trong đó ba quỹ thành phần kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỷ đồng.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, về cơ bản các quỹ ngắn hạn đều bảo đảm chi trả và "có kết dư lớn". Quỹ ốm đau, thai sản năm thứ 2 liên tiếp mất cân đối thu - chi nhẹ (số thu nhỏ hơn số chi), nhưng vẫn có nguồn kết dư chuyển sang năm sau.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, số dư hàng năm cao. Trong đó, kết dư Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp năm 2019 hơn 6.100 tỷ đồng, năm 2020 là 5.900 tỷ đồng; số thu năm 2020 gấp hơn 5 lần số chi.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư năm 2019 hơn 9.000 tỷ đồng. Năm 2020, tổng chi từ nguồn Quỹ này tăng 49,2% (trợ cấp thất nghiệp cho hơn một triệu người), tương đương 6.217 tỷ đồng so với năm 2019, song vẫn kết dư gần 3.600 tỷ đồng.

Theo bà Thúy Anh, thực tế những năm qua cho thấy, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa đi vào cuộc sống và chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là giá đỡ của thị trường lao động. Các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng.

Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Tài chính sớm hoàn thiện việc nghiên cứu, đề xuất các phương thức đầu tư kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội để nâng cao hiệu quả, góp phần bảo đảm cân bằng quỹ trong dài hạn. Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi một số luật để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ phát triển an sinh xã hội bền vững và thích ứng với những tác động, biến đổi xã hội (như dịch bệnh Covid-19), tránh tình trạng kết dư lớn của các quỹ ngắn hạn như Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 17/8. Ảnh: Hoàng Phong

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá, kết dư 4 loại quỹ nêu trên quá lớn. Đơn cử như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong thời điểm Covid-19, thiếu công ăn việc làm, mà số kết dư lên tới trên 89.000 tỷ đồng.

Theo bà Thanh, Quốc hội đã có quyết định tạo hành lang pháp lý với cơ chế cấp bách, đặc biệt cho Chính phủ phòng chống dịch, "vậy nên chăng Quốc hội, Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định một vấn đề cụ thể liên quan đến ngân sách, như dùng 89.000 tỷ đồng kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho các tỉnh có đông công nhân lao động, theo hướng có thể mua vaccine cho công nhân, hoặc hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong điều kiện không có việc làm, thu nhập".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, kết dư các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, hàng năm chỉ giữ lại 10% dự phòng. "Như vậy hoàn toàn không bình thường. Đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, báo cáo chi tiết các mục chi theo cơ cấu chi", ông nói, lấy ví dụ chi Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động điều 42 quy định 8 mục chi, vậy từng mục chi là bao nhiêu?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về số kết dư Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp sáng 17/8. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về số kết dư Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp sáng 17/8. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo Quốc hội băn khoăn, số kết dư như nêu trên phải chăng do quy định mức đóng quá lớn? Nếu đóng quá lớn sẽ tạo gánh nặng cho người sử dụng lao động là các doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước (vì nhà nước cũng phải đóng khoảng 19-20%).

"Hay là do chi quá ít, người lao động tuy đóng nhưng không được hưởng nên tồn đọng nhiều? Hoặc là cả hai, nghĩa là mức đóng cao mà mức chi thì ít? Chính phủ phải làm tường minh chỗ này", ông Huệ nhấn mạnh.

Về đề xuất dùng số kết dư để chi cho một số mục đích, ví dụ mua vaccine, Chủ tịch Quốc hội nói "không đồng tình" vì "không ai được xâm phạm Quỹ này dù chỉ một xu". Đây là quỹ đóng - hưởng chứ không phải là ngân sách Nhà nước. Người nào đóng thì được hưởng và không đóng sẽ không được hưởng.

Vì tính chất quan trọng của các quỹ trên, ông Huệ nói "không chỉ xem xét ở Thường vụ, tới đây sẽ bố trí để Quốc hội thảo luận".

  • Hơn một triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2020
  • 6 lầm tưởng về tiền lương, bảo hiểm xã hội trong giãn cách
  • Có được đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn để hưởng lương hưu cao?

Hoàng Thùy

Từ khóa » Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Là Gì