Hải Phòng: Di Tích đền Bà Đế đang Bị Xâm Hại Nghiêm Trọng

Đền Bà Đế thực và hư

Không chỉ người Hải Phòng, rất nhiều du khách cả nước trong từng tỉnh biết đến đền Bà Đế, nằm sát chân sóng biển ở quận Đồ Sơn - ngôi đền gắn với truyền thuyết về nỗi oan trái của một người con gái. Đó là bà Đào Thị Hương ở vùng Tây Nam Đồ Sơn, đã được dân làng lập miếu thờ ở dưới chân núi Độc. Chúa Trịnh phong cho nàng là "Hậu đế". Trong một lần về thăm miếu, vua Tự Đức ban sắc trọng "Đông Nhạc Đế Bà Trịnh chúa phu nhân".

Dân Đồ Sơn kể lại, sợi dây thừng và cái cối đá là nghi vật thờ tại miếu, mãi sau này mới bị mất. Người Đồ Sơn lấy ngày 24, 25 và 26 tháng 2 âm lịch hàng năm làm ngày cúng giỗ. Những người thành tâm từ bốn phương kéo về cầu xin phúc lành

Trước đây, cứ dịp sau Tết Nguyên đán mới có người về lễ bái, nhưng ngày nay, quanh năm du khách ghé thăm và vãn cảnh sơn thủy hữu tình.

Đền Bà Đế đang biến dạng

Hiện, cơ quan chức năng thuộc quận Đồ Sơn đang lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền, đề nghị công nhận di tích văn hóa cho đền Bà Đế. Khác với sự mai một, thậm chí mất gần hết dấu tích văn hóa vật thể, của tháp Tường Long, chùa Vân Bản, chùa Hang... ở Đồ Sơn do nguyên nhân chiến tranh, đền Bà Đế dường như đang được phát triển ngày một to lớn hơn. Song, sự mở mang đó lại thiếu bàn tay của các nhà chuyên môn bảo tồn di tích, quản lý và định hướng, nên đền đang bị xâm hại thậm chí biến dạng về tính xác thực nguyên gốc.

Đền Bà Đế trước kia chỉ là một miếu thờ bà Đào Thị Hương, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bà Lưu Thị Quế Hoa thành tâm thủ từ, hằng ngày lo việc hương đăng tại miếu, đã vận động nhân dân đóng góp công đức và đầu tư kinh phí tự có để mở mang.

Có điều người thông hiểu nguồn gốc đền Bà Đế không khỏi ngạc nhiên, những năm gần đây, khu đền lại mọc lên nhiều cung, cửa, lầu, các, điện thờ đến thế, du khách vái mãi không hết. Nhiều du khách tự hỏi: phải chăng đền đang bị lạm dụng các yếu tố văn hóa khác với mục đích thương mại.

Đáng chú ý, liền kề có đại tự Thanh Thiên Tịnh Vân ở tiền môn, các học giả Hán Nôm cũng không hiểu nơi đây thờ ai. Mới đây còn mọc lên một dãy điện thờ và người ta tự gắn vào đó là thờ thần Biển, thần Sơn Lâm... Rồi lại có lầu chúng sinh, tức là thờ các chân linh của chúng sinh. Phía trước bên trái đền Bà Đế lại cũng mới dựng lên một ngôi chùa (có gắn tượng Phật) nằm án ngữ, choáng mất một không gian phóng thoáng hướng ra biển của đền Bà Đế.

Không hiểu việc xây dựng trên đã được chính quyền địa phương cho phép chưa. Và nếu không được quan tâm, rất dễ dẫn đến tình trạng khách tới thăm không hiểu đền thờ những ai, điển tích thế nào.

Khu đền Bà Đế có phong cảnh trời, mây, non, nước, sóng vỗ quanh năm, lại có sự tích linh thiêng về người phụ nữ quang minh chính đại và oan ức, nên nhân dân tới thăm viếng mỗi ngày một đông. Theo các nhà quản lý, ngày cao điểm có tới hàng vạn lượt người đến thắp hương. Chính quyền thị xã Đồ Sơn (quận Đồ Sơn ngày nay) đã quan tâm đầu tư hàng tỷ đồng, mở mang đường xá và các công trình hạ tầng cơ sở để nâng cao chất lượng phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu di tích văn hóa.

Được biết, cùng với việc đầu tư, triển khai một loạt các dự án tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử văn hóa ở Đồ Sơn hiện nay, UBND quận sẽ quy hoạch chỉnh trang khu vực đền Bà Đế, thì việc quản lý đền cũng cần được quan tâm, để thống nhất về quy hoạch xây dựng, thống nhất quản lý nguồn đóng góp công đức.

Đặc biệt, phòng ngừa các hoạt động mê tín dị đoan, đảm bảo nội dung ý nghĩa đích thực và độ chính xác của di tích đền Bà Đế, chấp hành nghiêm chỉnh luật di sản văn hóa trước khi trình hồ sơ đề nghị Nhà nước cấp bằng công nhận di tích văn hóa

Từ khóa » đền Thờ Bà đế Hải Phòng