Hải Phòng Với Hoạ Sĩ Đặng Tiến - Văn Hóa Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm
(VHDN) – Họa sĩ Đặng Tiến sinh năm 1963, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; Ủy viên Thường vụ BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng.
Chân dung họa sĩ Đặng Tiến
Nếu làm một con số thống kê về những bức họa với bối cảnh Hải Phòng, có lẽ họa sĩ Đặng Tiến không thể nhớ hết. Chỉ biết rằng, chiếm phần lớn trong số các tác phẩm của ông là đề tài phong cảnh, đất và người Hải Phòng. Người trai ngõ Muối (phố Cầu Đất) năm xưa giờ là người có tranh “hot” bậc nhất trong số những họa sĩ đang sống, làm việc hoặc xuất thân từ Hải Phòng.
Họa sĩ Đặng Tiến đến với hội họa bằng những khúc rẽ tình cờ nhưng đầy duyên phận. Có năng khiếu và đam mê hội hoạ từ nhỏ được truyền lại từ người cha vốn là người yêu và có khả năng về mỹ thuật, song do thoát ly, gia đình tham gia kháng chiến và bận công việc mà không đến được với hội họa. Năm 1976, cha ông mất khi mới 49 tuổi, chưa kịp thực hiện lời hứa cho con trai đi học vẽ. Lúc ấy, Đặng Tiến đang học lớp 6 (hệ 10 năm). Tự mày mò với đam mê của mình, Đặng Tiến nhập môn với giáo trình mỹ thuật duy nhất có trong nhà là cuốn sách “Bước đầu học vẽ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cũng từ ấy, việc trang trí cho báo tường suốt thời đi học còn lại, Đặng Tiến cũng luôn tự làm (trước đây hay nhờ cha). Khi học lớp 10 tại Trường cấp 3 Thái Phiên, cô giáo dạy văn đã khuyên Đặng Tiến thi mỹ thuật. Do không có thông tin về quy chế, không gửi tranh sơ tuyển, cũng như chưa có sự chuẩn bị về việc luyện năng khiếu, việc thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật ngày nay) của Đặng Tiến không thành. Tuy vậy, niềm đam mê vẫn đeo đuổi, Đặng Tiến tham gia các phong trào văn hoá, đoàn thể của phường Cầu Đất (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) vừa kiêm chạy hàng ở chợ Ga cho mẹ để lo cho gia đình. Dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thành công đầu tiên là khi Đặng Tiến vẽ bộ phim đèn chiếu “Một chuyện ở phường” kể về cuộc đời có thật của một “đại ca đất Cảng” đã hoàn lương. Đại diện cho địa phương dự thi Liên hoan phim đèn chiếu toàn quốc năm 1985, phim của Đặng Tiến đoạt Huy chương Vàng.
Đặng Tiến – Nắng sớm – Sơn dầu (100cm x 150cm) 2022
Kể về bước ngoặt quan trọng khi đầu quân cho Báo Hải Phòng, Đặng Tiến vui vẻ ôn lại: “Người “phát hiện” ra tôi chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hiện nay. Cùng sinh hoạt đoàn thể ở phường Cầu Đất, Sơn giới thiệu tôi với cha mình là nhà báo Kim Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Hải Phòng hồi đó khi cơ quan báo đang tìm hoạ sĩ trình bày, minh hoạ. Làm việc tại Báo Hải Phòng khi đó còn có hoạ sĩ Trần Quang Huân, con trai hoạ sĩ Thọ Vân – một họa sĩ nổi tiếng của Hải Phòng. Từ cái “duyên” này, Đặng Tiến có dịp gặp gỡ và học hỏi họa sĩ Thọ Vân, rồi họa sĩ Nguyễn Hà, cũng là họa sĩ thế hệ trước tâm huyết với nghệ thuật. Điều thú vị là cả hai họa sĩ nổi tiếng kể trên đều là “hàng xóm” của Đặng Tiến ở phố Cầu Đất. Theo Đặng Tiến, niềm đam mê hội họa của ông được tiếp sức và nhân lên từ hai họa sĩ đồng hương bậc thầy đó.
Mai Châu mùa hoa xoan 2018
“Qua hai họa sĩ gạo cội mà tôi luôn kính trọng, tôi vỡ ra nhiều điều. Ngoài tiếp thu những kiến thức về nghề, tôi cũng học được ở các ông về nhiều khía cạnh văn hoá. Với các họa sĩ trẻ hiện nay cũng thế, họ cũng nên được nghe góp ý, phê bình, phản biện thẳng thắn để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm của mình hơn là nhận những lời khen hoa mỹ. Với các bạn trẻ mới bước vào nghề, tôi thường khuyên họ hãy bắt đầu từ tranh tĩnh vật – đồ vật, bình hoa…những thứ đơn giản, thân thuộc ngay bên cạnh mình. Trước hết, quan sát để hiểu cấu trúc vật mình vẽ, luyện về bố cục, hoà sắc…, sau khi có kỹ năng, sự chủ động về hoà sắc… mới vẽ những gì phức tạp hơn. Một điều quan trọng nữa là luôn trau dồi cho mình cả kiến thức văn hoá thông qua việc đọc sách. Người có phông văn hoá thấp khó mà có bước đi dài trong nghệ thuật!”.
Mùa hoa xoan 2017
Tôi ấn tượng với những bức tĩnh vật của Đặng Tiến và đặc biệt thích sắc tím độc đáo trong vô số tranh của ông. Nhiều người yêu hội họa đã gọi là “màu tím huyền thoại” của Đặng Tiến bởi dùng màu tím cho đẹp là điều không đơn giản! Đặng Tiến kể, hồi bé đi sơ tán, ông thấy yêu những rặng xoan, hàng phi lao được trồng nhiều ở ngoại thành. Bởi vậy nhiều bức tranh mùa xuân của Đặng Tiến với hoa xoan tím hoặc hàng phi lao lúc đông về luôn gây xúc động và được nhiều người yêu hội họa sưu tập. Tranh ông không chỉ thể hiện cái tài của họa sĩ, mà còn gợi bao ký ức. Kể từ năm 1987, bức tĩnh vật chất liệu bột màu đầu tiên của Đặng Tiến dự triển lãm mỹ thuật tại Cung Văn hóa Lao động Việt Tiệp Hải Phòng và ngay sau đó được mua với giá tương đương hai chỉ vàng. Đến nay, có những bức phong cảnh của Đặng Tiến được bán với giá hơn chục ngàn đô la Mỹ.
Năm 1990, Đặng Tiến gửi 3 bức họa tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Hải Phòng thì được chọn treo cả 3 bức. Trong đó một bức được chọn in vào vựng tập triển lãm. Đó là niềm tự hoà rất lớn đối với một họa sĩ không qua trường lớp, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Cả 3 bức tranh phong cảnh ấy, Đặng Tiến đều vẽ về Hải Phòng, trong đó bức “Tam Bạc đêm trăng” làm Đặng Tiến bâng khuâng, tiếc nhớ nhất. Phố và sông Tam Bạc cũng chiếm tỷ lệ rất lớn trong tranh phong cảnh của Đặng Tiến sau này bên cạnh những nét đẹp của Cát Bà, Thủy Nguyên, Đồ Sơn, Kiến Thụy…
Tam bạc
Đã từng kinh qua các chất liệu từ bột màu, màu nước, phấn màu, lụa, sơn dầu, sơn mài, nhưng nhiều năm trở lại đây đa số các tác phẩm của Đặng Tiến là sơn dầu. Tranh Đặng Tiến “đắt hàng”. Đến nhà ông bây giờ không có nhiều tranh bởi hầu hết đã nằm trong các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Có những bức vừa vẽ xong, sơn còn đang ướt đã được nhà sưu tập mua. Đặng Tiến không giữ được nhiều tranh của mình. Công tác chụp ảnh và lưu trữ lại cũng kém. Vì vậy, nhiều khi ông thấy xúc động khi gặp lại tranh của mình được giữ trang trọng ở một bộ sưu tập nào đó. “Thú thật, bán tranh đi rồi, nhiều lúc tôi thấy hụt hẫng và tiếc lắm, nhưng khi thấy tranh được gìn giữ bởi người khác, tôi lại yên lòng vì tin họ sẽ bảo quản tốt hơn tôi”.
Nắng xuân Mường Hịch
Năm 1998, Đặng Tiến có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Nhà Triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền (Hà Nội) gây được ấn tượng với đồng nghiệp và người yêu hội họa. Công tác nhiều năm tại Báo Hải Phòng, rồi vì nể, Đặng Tiến làm đến chức Thư ký tòa soạn, có những lúc công việc quá bận rộn, áp lực, do báo có nhiều ấn phẩm, tăng trang… khiến cho việc vẽ nhiều lúc đứt đoạn. Đặng Tiến quyết tâm bứt ra khỏi công việc hành chính sự vụ. Ông xin về làm biên tập cho Tạp chí Cửa Biển của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng từ cuối năm 2012 và chuyên tâm với hội họa. Năm 2017, sau gần 5 năm chuyển công tác, Đặng Tiến bày triển lãm cá nhân lần thứ hai của mình tại Eight Gallery (TP Hồ Chí Minh). Triển lãm gây tiếng vang với số lượng tác phẩm bán gần hết. Đến nay, Đặng Tiến tham gia trên 30 triển lãm chung trong nước và quốc tế. Ông cũng vừa tham gia triển lãm chung với các họa sĩ nổi tiếng của Mỹ thuật Việt Nam tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Bến Vắng – Giải C Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng lần thứ 22 tại Hải Dương năm 2017
Hai nhiệm kỳ được bầu làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng (từ năm 2013 đến nay), họa sĩ Đặng Tiến đã góp phần phát triển phong trào và đội ngũ của Hội ngày càng lớn mạnh. Việc tổ chức các trại sáng tác, triển lãm trong nước và triển lãm giao lưu với nước ngoài, động viên lực lượng họa sĩ trẻ tích cực sáng tác; tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam và các họa sĩ tên tuổi của cả nước, một số cơ quan, doanh nghiệp tại Hải Phòng đã tạo ra “cú hích” cả về lượng và chất, Mỹ thuật Hải Phòng đang tạo được đà phát triển, tạo được dấu ấn so với các vùng miền khác. Tất cả điều đó có sự đóng góp công sức đáng kể của ông.
Với Đặng Tiến, gắn bó với Hải Phòng, vẽ tranh về Hải Phòng mãi còn là chặng đường dài phía trước.
Ngày Xuân ở Thủy Nguyên – 2018
HỌA SĨ ĐẶNG TIẾN: Sinh ngày 25/4/1963 tại Hải Phòng
Các giải thưởng:
Giải C, Giải thưởng Hoa phượng đỏ năm 1990
Giải B, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1996
Giải B, Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng 1996
Tặng thưởng, Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 1997
Tặng thưởng, Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 2008.
Giải B, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 2016
Giải C, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng (Mở rộng) 2017
Giải C, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 2018
Giải C, Cuộc thi sáng tác VHNT “Hải Phòng khát vọng vươn lên” 2019
Triển lãm:
02 triển lãm cá nhân:
- Triển lãm Tranh Đặng Tiến tại Nhà Triển lãm 16- Ngô Quyền- Hà Nội năm 1998
- Triển lãm cá nhân “Tôi và thời gian”tại Eight Gallery, 8A Phùng Khắc Khoan, Q.1 – TP. HCM 2017
Hơn 30 triển lãm nhóm trong nước và quốc tế.
Vũ Thúy Hồng
- In trang này
Từ khóa » Hoạ Sĩ ở Hải Phòng
-
Mỹ Thuật Hải Phòng
-
Đặng Tiến - Mỹ Thuật Hải Phòng
-
Mỹ Thuật Hải Phòng | Facebook
-
Một Số Họa Sĩ Với Hải Phòng Xưa - Tạp Chí Mỹ Thuật
-
Xem 37 Bức Tranh Nude Của 14 Hoạ Sĩ Hải Phòng Sống Tại Hà Nội
-
Họa Sĩ Đặng Tiến: ''Lẽ Ra Tôi Phải Dành Nhiều Thời Gian Hơn Cho đam ...
-
Mỹ Thuật Hải Phòng Tích Cực Kết Nối Với Thế Giới | Tin Tức
-
Khai Mạc Triển Lãm Mỹ Thuật “Cha Và Con” - Báo Hải Phòng
-
120 Tác Phẩm Tham Gia Triển Lãm Mỹ Thuật Hải Phòng 2019
-
Tranh Hải Phòng “xuất Ngoại”: Nâng Tầm Vị Thế Mỹ Thuật đất Cảng
-
Triển Lãm Mỹ Thuật Hải Phòng Năm 2021: Quy Tụ Sắc Màu Của Cả Nước
-
“Nắng Thu” ở Hải Phòng | VĂN CAO GALLERY
-
Mỹ Thuật Hải Phòng - Hai Phong - Glartent