Hai Phú Dũng Cảm, Ngoan Cường đánh Giặc - Báo Hậu Giang

11 tuổi, cậu bé Trịnh Phong Phú đã tham gia gác đường, làm nhiệm vụ thông tin cho cách mạng; 17 tuổi, cậu chính thức gia nhập đội quân du kích đánh giặc ở địa phương... Câu chuyện của Phú những ngày gót giày quân thù còn giày xéo quê hương đến khi nước nhà thống nhất là chuỗi những chiến công.

Trịnh Phong Phú ngày nào giờ là cán bộ lão thành (Hai Phú, ở khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ), giọng sang sảng, ông Hai kể như thể không quên chi tiết nào thời cùng đồng đội mưu trí, dũng cảm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Ông Hai Phú (trái) say sưa kể lại chuyện đánh Mỹ - ngụy cho cán bộ phường Bình Thạnh nghe.

Phục kích bắn hạ địch gọn gàng

Năm 1970, địch phản chiến dữ dội, đồn bót của chúng đóng dày đặc, làm cho phong trào cách mạng nhiều địa phương khó phát triển được, trong đó có xã Long Bình cũ (xã Long Bình, phường Vĩnh Tường, phường Bình Thạnh ngày nay). Tuy vậy, du kích Long Bình vẫn ém quân được ở “kẽ giữa” chờ thời cơ, đêm ngày bám đất giữ làng, bí mật đánh địch, gây cho chúng những thương vong nặng nề.

Tháng 11-1970, được phân công phục kích đánh địch đi tiếp tế, ra vô Chi khu Long Mỹ bằng đường sông (đoạn kinh Ba Chương, ấp Bình Lợi, xã Long Bình ngày nay), Hai Phú cùng anh em sớm thăm dò địa bàn, nắm quy luật hoạt động của địch 3-4 ngày sau thì quyết định. Hôm ra quân, vừa hừng sáng, ông và đồng đội đã chuẩn bị xong cơm nếp mang theo, hạ quyết tâm lần này đi chừng nào lập chiến công mới về.

Y như dự tính, chừng 7 giờ sáng, đơn vị ông phát hiện địch di chuyển từ hướng Long Trị về Chi khu, anh em đã sẵn sàng nổ súng. Tuy vậy, qua xem xét thì chúng ở mé sông bên kia nên nổ súng sẽ không tiêu diệt hết và khó lấy súng đạn nên tất cả hạ nòng. Tới 10 giờ thì đội của ông nghe tiếng vỏ máy Kohler 12 (cu le 12) từ Chi khu chạy ra, trên đó có 4 tên lính vừa đi phát lương về.

Hai Phú kể: “Xác định được mục tiêu, Xã trưởng Ba Thì hạ lệnh “mấy thằng mầy chuẩn bị nghe, xuống sát mé kênh hết”. Lúc này, tôi cầm khẩu AR15 cặp vô bập bè dừa nước, canh ngay thằng lính đầu tiên siết cò, vừa dứt 1 băng thì vỏ lãi mất lái đâm vô bờ, chết không còn tên nào; lấy được 1 khẩu AR15, súng phóng lựu M79, khẩu colt 12… Đây là chiến công lớn của du kích Long Bình đánh phá kế hoạch “bình định” của địch”.

Ở trận phục kích này có nhiều nguyên nhân tiêu diệt gọn, không bị lính nơi khác phát hiện đánh trả mà theo ông Hai là ta di chuyển, ém quân rất kỹ và sự chủ quan của địch; sau khi tiêu diệt, ta kiểm tra thì thấy hầu như chúng chưa bắn trả được bao nhiêu phát. “Chủ quan là có lần tôi nghe được khi chúng hành quân bằng xuồng, thằng chỉ huy có nói: “Tao đi đường vầy nghe, tao ghét nhất là anh em mình hở chút bắn rót rót, có khi Việt cộng bắn mình cũng hỏng biết nữa. Mà thiệt, khi tụi tui bắn mấy tên trên vỏ máy đó rồi, đồn kế bên không nghi ngờ gì”, ông Hai cho biết.

Tiêu diệt toán lính đó xong, đội của ông Hai nhanh chóng rút lui an toàn. Vì ở đây đồn của chúng đóng dầy, cách chừng “ngàn thước” nên không có chuyện tổ chức oanh tạc, truy lùng ta. Vậy là từ đó chúng rất cẩn trọng trong hành quân, gắt gao hơn trong kiểm tra địa bàn, nhưng chẳng làm gì được với du kích thoắt ẩn thoắt hiện.

Ngoan cường chống trả địch

Có lần Hai Phú được phân công canh gác để nhân công phá đường (lộ từ phường Vĩnh Tường về thị xã Long Mỹ ngày nay), ngăn không cho địch hành quân càn quét, chi viện nhau; bị phát hiện, ông và đồng đội nhanh chóng thoát thân, đánh trả một cách ngoan cường. “Hồi đó hả, toàn ở trần, quần xà lỏn, đánh địch thì đeo súng trên vai với 1 đùm lựu đạn thôi; đêm thì không đèn, không ống quẹt, không thuốc lá; muỗi mòng, vắt đỉa thì thôi khỏi nói”, ông Phú nhớ lại.

Cụ thể, tháng 5-1968 (Mậu Thân đợt 2), tổ của ông gồm 5 người canh gác ở 1 đầu đường, khi nhân công cơ bản phá đường xong thì trời cũng tối, lúc này ông Hai và đồng đội lên lộ đi về. Ngang mấy nhà ven lộ, ông ghé vô dò hỏi xem có lính ngụy tuần tra không thì được thông tin có và vừa về đồn, nhưng không ngờ chúng ém ngoài hè (trước đó, đồng đội ông đã bước ra hè). Vậy là súng nổ vang trời, hậu quả, 3 chiến sĩ hy sinh.

Hai Phú và đồng đội còn lại (Tư Hải) thoát chạy. Ông Hai vừa chạy 1 đoạn không xa bên kia vườn thì có 3 tên lính phát hiện, nạt lớn: Ai đó? Hai Phú ứng biến: “Mình nghe” và bắn lại, trúng ngay tên chỉ huy; chúng ném trả lại ông 2 trái lựu đạn nhưng không nổ; phản đòn, Hai Phú tung lại quả M76 nhưng không thương vong. Sau đó, bọn chúng nhả đạn lại như mưa; Hai Phú, Tư Hải vừa bắn vừa tìm đường rút lui khi mà cả 2 thương tích nhiều chỗ.

Lúc này địch cũng gọi được chi viện quần thảo sáng trời. Cả 2 cố nén đau đớn nong dưới mương từ từ bò ra bờ đê, lăn xuống bên kia đê. Ông Phú nhớ lại: “Tới đây là tui biết hết chết rồi mà thương tích đầy người, phải còn 1 đoạn nữa mới tới nơi an toàn, may mà được anh em tiếp viện kè về. Lúc này ta nói hả, đỉa đeo mấy vết thương đùm đùm”.

Ngồi nghe kể lại mà người viết như chứng kiến từng thước phim, khâm phục ý chí kiên cường của du kích, Bộ đội Cụ Hồ.

Nói về ý chí chiến đấu của mình và đồng đội trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trịnh Phong Phú nhấn mạnh: Chúng tôi đánh giặc không sợ chết là gì; càng khó khăn, nguy hiểm càng phải trầm tĩnh để giải quyết tình huống. Với Mỹ - ngụy là “chơi tới còn viên đạn cuối cùng; đầu hàng hả, miễn đi”…

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Từ khóa » Sung M79 Cua My