Hầm Than - TỈNH CÀ MAU

Hầm than là nghề truyền thống vốn gắn bó từ lâu đời với cư dân sinh sống trên các lâm phần ở Cà Mau. So với nhiều nơi trong cả nước thì không có nơi nào ở nước ta sản xuất nhiều than củi như ở tỉnh Cà Mau.

Mô hình hầm than xây lò trước, rồi chất củi vào để hầm. Ảnh: Phạm Hoàng.

Theo nhiều tài liệu còn lưu trữ, trước năm 1945, tỉnh Cà Mau có trên 700 lò hầm than. Cuối năm 1954 và đầu năm 1955, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu xuống tận Cà Mau để khai thác than đước. Riêng Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) “mở cúp”, xây lò than. Trong năm 1959, Trần Lệ Xuân sản xuất được 60.000 tấn than. Những năm sau giải phóng, những dấu tích lò than của Trần Lệ Xuân vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi trên khu vực rừng ngập mặn Cà Mau.

Đối với nhiều cư dân vùng rừng ở Cà Mau, hầm than là một trong những kế sinh nhai, cung cấp chất đốt, nhiên liệu cho thị trường.

Nguyên liệu hầm than chủ yếu là tất cả nhóm cây gỗ sinh sống trên vùng rừng ngập mặn và ngập lợ ở Cà Mau. Tuy nhiên, các loại cây người dân Cà Mau thường sử dụng để hầm than là đước, vẹt, dà, cóc, tràm… Thông thường, trước khi đưa vào hầm than, gỗ nguyên liệu phải mới đốn, còn tươi, lột sạch vỏ, được cắt từng đoạn ngắn theo quy cách.

Gần 1 thế kỷ qua, cách thức hầm than ở Cà Mau vẫn không có gì thay đổi và có 2 mô hình chủ yếu: hầm than không có lò cố định (chất củi trước sau đó mới đắp lò để hầm) và mô hình xây lò trước rồi chất củi vào để hầm than.

Mô hình hầm than không có lò cố định. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Hầm than không có lò cố định: Trước khi hầm, củi được xếp trên mặt đất hoặc đào âm xuống khỏi mặt đất khoảng 3 – 4 tấc. Việc đào âm xuống làm cho chân lò thêm vững, lò kín hơi và giữ được độ nóng. Dùng cỏ rác bao phủ xung quanh khối củi đã chất nhằm ngăn không cho lớp bùn dính vào củi, tạo độ thoáng khí cần thiết để giúp cho hơi nóng lan tỏa, có khoảng trống dẫn lưu đưa khói và hơi nước thoát ra ngoài và làm chín than. Sau đó, lấy bùn nhão ở ven sông đắp kín khối củi theo cách thức cần thiết. Khi đắp kín, lò được khoét cửa (rộng khoảng 1,5 tấc x 3 tấc) để đốt lửa. Ngoài cửa lò, lò còn được khoét 1 số lỗ khói để cho khói và hơi nước thoát ra ngoài. Cửa lò thường nằm sát dưới chân lò và phía trên hướng gió để đảm bảo lửa cháy liên tục. Sau đó, tiến hành đốt lò. Thông thường lò đất đốt khoảng 24 đến 48 giờ (tùy theo lò lớn nhỏ) là than chín.

Mót than. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Hầm than lò gạch: Lò được xây dựng sẵn, có tính kiên cố, ổn định, quy mô hơn các mô hình hầm than khác.

Khi hầm than, củi được xếp vào lò theo theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang. Khi chất củi thường phải xoay đầu (to – nhỏ, lên - xuống) cho khít chặt, đều nhau. Xếp củi càng chặt thì càng tốt. Nếu xếp lỏng thì khối lượng củi – than sẽ sụt giảm, than không chín đều, khó theo dõi trong quá trình hầm và than dễ bị vụn nát, hư hỏng. Khi chất củi xong, cửa chất củi được ráp gạch sát lại với nhau và trét đất để bịt kín và tiến hành đốt lửa ở cửa lò. Trong quá trình hầm than lửa phải được cháy liên tục. Với lò có đường kính khoảng 4 mét phải đốt liên tục trong khoảng 10 ngày đêm thì than mới có thể chín hết. Người hầm than giỏi có thể nhìn màu khói và mùi than là có thể biết than chín hay chưa chín. Sau khi xác định than bên trong đã chín, dùng đất nhão bịt kín tất cả cửa lò, lỗ khói và những chỗ nứt, ngăn không cho o xy từ bên ngoài vào để làm tắt lửa lò và cho than nguội dần. Sau đó, tiến hành bốc dỡ, thu hoạch sản phẩm.

Ngày nay, do khoa học công nghệ phát triển với nhiều bếp gas, bếp điện, bếp từ, bếp cảm ứng và nhất diện tích rừng đang bị suy giảm nghiêm trọng nên nghề hầm than củi ở Cà Mau cũng đang dần bị mai một.

Nghề hầm than vừa được UBND tỉnh Cà Mau công bố nằm trong danh mục 40 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh để các ngành, địa phương bảo tồn, phát huy các giá trị và thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật.

Từ khóa » Hình ảnh đốt Than Củi