Hán Cao Tổ: Lưu Bang - Vị Hoàng đế Sáng Lập Triều đại Nhà Hán

Hán Cao Tổ tên là Lưu Bang, tên tự là Quý, tuổi Tỵ. Sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường. Tính cách tự do tự tại, phong lưu phóng khoáng. Có sự xảo quyệt của nông dân, và cũng có sự trượng nghĩa của một bậc hào hiệp. Sau khi khỏi binh, rất giỏi dùng người, tiếp thu ý kiến. Từ khi Lưu Bang chém rắn trắng khỏi nghĩa đến khi đăng cơ xưng vương, xảy ra rất nhiều sự kiện kịch tính và ngẫu nhiên. Ông làm Hán Vương 4 năm, xưng đế 8 năm, ốm chết, thọ 62 tuổi.

Hán Cao Tổ: Lưu Bang. Ảnh minh họa
Hán Cao Tổ: Lưu Bang. Ảnh minh họa

Năm sinh, năm mất: 256 TCN -195 TCN.

Nơi an táng: Trường Lăng (nay ở phía đông thành phố Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây), Thụy hiệu là Cao Hoàng Đế, miếu hiệu là Cao Tổ.

Công – tội: Kế thừa và phát triển thể chế của nhà Tần, cải cách và nới lỏng nền chính trị hà khắc của Tần Thủy Hoàng, tạo thời cơ cho nhân dân nghỉ ngơi làm ăn, đặt nền móng cho cơ nghiệp 200 năm của nhà Hán sau này. Đáng tiếc là ông lại đi vào con đường bế tắc, phân đất cho con cái, anh em. Nên không lâu sau khi ông mất, các phiên quốc lại bắt đầu tấn công lẫn nhau, thế lực của bọn họ thậm chí còn uy hiếp cả trung ương. Tình trạng này cho đến thời Vũ Đế mới được giải quyết triệt để.

Mục lục

Lai lịch của Lưu Bang

Giai đoạn này Lưu Bang vẫn còn được gọi là Lưu Quý, mãi cho đến khi gia nhập liên minh với Sở ông mới đổi tên thành Lưu Bang.

Mẹ ngoại tình

Một buổi tối mùa hè năm 257 TCN, Lưu Thái Công đang trên đường trở về nhà ở ấp Phong huyện Bái (ngày nay là huyện Phong tỉnh Giang Tô) thì có người nói với ông ta rằng ,vợ ông đang đi cùng với một người đàn ông đến gốc cây bên ngoài cổng tây.

Lưu Thái Công tức giận, vội vàng đi tìm vợ. Vợ ông cũng là người có chút nhan sắc, khi chưa xuất giá cũng đã từng có điều tiếng không hay. Khi đó, trời bắt đầu đổ mưa, sấm chớp ầm ầm nên ông ta phải trú tạm dưới một gốc cây. Chờ khi mưa tạnh, Lưu Thái Công chạy lên bờ đê, nhìn thấy hai người đang nằm ôm nhau trên thảm cỏ dưới đê.

Lưu Thái Công do dự một lúc rồi trở về. Ông ta kể với mọi người rằng: khi vợ ông đang trông lều cho người làm vườn thì dưới ánh chớp có một con rồng đỏ xuất hiện, quấn vào người vợ ông.

Lưu Bang thuở thiếu thời ăn chơi xa đọa

Mùa xuân năm sau, vợ Lưu Thái Công sinh hạ một người con trai, ông ta đặt tên con là Quý. Trên Lưu Quý còn có 2 người anh trai nữa.

Ngay từ thuở thiếu thời, Lưu Quý đã tỏ ra khác người, thông minh, phong lưu, không làm việc gì, cả ngày rủ rê bạn bè dạo chơi khắp nơi nên có biệt danh là “thiếu niên” (“thiếu niên” ở đây không có nghĩa là trẻ tuổi mà là chỉ kẻ không nghề nghiệp, lưu manh, vô lại), khiến cho Lưu Thái Công tức giận mắng con là đồ vô lại.

Những kẻ lưu manh tụ hợp với nhau thì không thể không làm chuyện xấu, nhưng Lưu Quý lại có thể trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Bạn bè của Lưu Quý có cả chính đạo lẫn tà đạo. Trong quan phủ thì có Thư lại Tô Hà, Bổ khoái Tào Tham. Lưu Quý bị bắt vào ngục chỉ mấy ngày là bọn họ cũng tìm được lý do để thả ra. Nếu phạm trọng tội, Quận thủ truy xét không thả ra thì ông ta lại trốn vào giới hắc đạo. Những tay giang hồ như Trương Nhĩ, Vương Lãng đều có thể cho Lưu Quý nương náu.

Làm quan thời Tần

Sau này, Lưu Quý chán cảnh chơi bời lêu lổng, muốn tìm một chức quan sai để làm. Tô Hà và Tào Sâm lại bày mưu cho ông làm chức “Tứ Thuỳ đình trưởng”. Chức năng của đình trưởng là giúp cho việc trị an, bắt bọn trộm cắp. Lưu Quý từ kẻ phạm pháp trở thành người chấp pháp, đến Bái Công (huyện trưởng) cũng trở thành bạn của ông ta.

Bái Công có một người họ hàng họ Lã, là người Đơn Phụ (nay ở phía nam huyện Đơn tỉnh Sơn Đông) đến nương nhờ để trốn kẻ thù ở quê nhà. Quan lại trong huyện và những nhân vật có tiếng tăm trong thành đều đến dự tiệc tiếp đón Lã Công do Bái Công tổ chức. Tô Hà chủ trì bữa tiệc, ra quy định mỗi người đến chúc mừng phải tặng lễ vật trên một ngàn đồng tiền mới được ngồi trong phòng lớn. Lưu Quý đến mà không mang theo xu nào, người canh cửa hỏi ông ta tặng lễ vật bao nhiêu, ông ta trả lời là 1 vạn đồng tiền. Thế là Lưu Quý được mời ngồi ở phòng lớn.

Lã Công thấy vậy, vội vàng đứng dậy nghênh tiếp Lưu Quý. Tô Hà đứng bên cạnh, nói nhỏ: “ông Lưu này là kẻ lưu manh, ngài đừng tin”. Thế nhưng Lã Công vẫn ngây người nhìn Lưu Quý không rời mắt.

Sau khi tan tiệc, Lã Công giữ Lưu Quý ở lại, nói rằng: “Lão phu biết thuật xem tướng, thấy rằng tướng ngài rất quý, tiền đồ vô cùng xán lạn”, khiến Lưu Quý vô cùng vui mừng. Sau đó, Lã Công gả người con gái lớn của mình là Lã Trĩ cho Lưu Quý. Tuy Lưu Quý đã có vợ là Tào thị và con trai Lưu Phi nhưng vốn bản tính háo sắc, thấy Lã Trĩ xinh đẹp, đoan trang thì lập tức đồng ý.

Làm đình trưởng thì ngoài việc cai quản trị an của khu vực, mỗi năm còn phải áp tải phạm nhân đến Hàm Dương xây dựng lăng mộ Ly Sơn 2 lần. Một lần, Lưu Quý tận mắt nhìn thấy Tần Thủy Hoàng xuất cung tuần du. Khí thế uy dũng của đội tùy tùng khiến Lưu Quý rất ngưỡng mộ, nói với bạn bè: “Chà, như thế mới là bậc đại trượng phu!”

Giai đoạn khởi nghĩa chống Tần

Nguyên nhân trực tiếp khiến Lưu Quý khởi nghĩa

Tần Thủy Hoàng năm thứ 37 (210 TCN), Lưu Quý thừa lệnh Bái Công áp tải tù nhân đến Hàm Dương. Vừa ra khỏi huyện Bái không xa, đã có không ít tù nhân bỏ trốn. Việc này khiến cho Lưu Quý rất lo lắng, bởi để tù nhân bỏ trốn hoặc áp tải chậm trễ phải chịu tội chém đầu.

Khi đến Đại Trạch, nhân lúc trời mưa to, tù nhân bỏ trốn càng nhiều. Những người đi cùng như Phàn Khoải, Chu Bột, Hạ Hầu Anh định sẽ lấy dây thừng trói các tù nhân lại với nhau. Nhưng Lưu Quý không đồng ý, nói rằng: “Nhiều tù nhân bỏ trốn như vậy, dù sao cũng mắc tội chết rồi, cần gì phải làm khó họ nữa. Chi bằng chúng ta hãy thả họ ra để họ tự tìm đường sống”.

Bọn tù nhân hỏi Lưu Quý sẽ trốn đi đâu. Lưu Quý trả lời: “Đành trốn lên rừng vậy”. Thế là rất đông tù nhân nguyện trốn theo Lưu Quý. Đây chính là lực lượng đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa của Lưu Quý.

Điển cố: “Chém rắn trắng”

Đêm hôm đó, khi Lưu Quý cùng đám tù binh bỏ trốn vào rừng thì có người đi trước báo rằng ở phía trước có một con rắn trắng lớn chắn đường. Lưu Quý rút kiếm chém chết con rắn đó. Điển cố “Cao Tổ chém rắn trắng khởi nghĩa” có nguồn gốc từ đó. Việc chém con rắn trắng vốn không có gì ghê gớm, nhưng Phàn Khoái lại bịa ra một câu chuyện ly kỳ.

Phàn Khoái kể rằng: khi ông ta đi đến chỗ chém con rắn, thấy một bà già ngồi khóc ở ven đường. Bà ta nói rằng con trai bà là con của Bạch Đế, bị con của Viêm Đế giết chết. Câu chuyện này được lan truyền, khiến cho hình tượng Lưu Quý lại càng trở nên thần bí.

Lưu Quý dẫn theo mấy trăm người chiếm vùng núi Mang Đãng, một nơi có địa thế tốt, ở giữa vùng biên giới của mấy quận, không có ai quản lý, và lại ở gần địa bàn của Trương Nhĩ – bạn cũ của Lưu Quý. Một thời gian sau, Lã Trĩ dẫn theo con trai tìm đến nơi đó.

Lưu Quý hỏi: “Sao nàng tìm được chỗ này?”

Lã Trĩ đáp rằng: “Chàng ở chỗ nào thì chỗ đó có mây ngũ sắc hội tụ, muốn tìm thì có gì khó”.

Thực ra, Phàn Khoái đã phái người gửi thư chỉ đường cho bà ta.

Trần Thắng và Ngô Khởi bị đánh bại

Sau khi Trần Thắng và Ngô Quảng khởi nghĩa, chỉ trong vài ngày, các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng phát trên cả nước. Lưu Bang cùng với Tiêu Hà, Tào Tham thống lĩnh binh sĩ công thành, nhân dân huyện Bái đều ủng hộ ông ta, chỉ vài ngày sau là thành công.

Sau khi vào thành, Lưu Quý giết chết quận thú, được các vị bô lão và hào kiệt của huyện Bái tôn làm Bái Công. Năm đó, Lưu Quý 48 tuổi.

Nhưng không lâu sau, chủ lực của cuộc khởi nghĩa là Trần Thắng và Ngô Khởi bị tướng Tần là Chương Hàm đánh bại. Trần Thắng bị giết, nghĩa quân cũng phải trốn vào trong rừng. Lưu Quý cùng Tiêu Hà, Tào Tham, Phàn Khoái, Chu Bột, Hạ Hầu Anh chiêu binh mãi mã, quy tụ được mấy ngàn người và cũng chiêu mộ được Trương Lương – người có vai trò quan trọng đối với đại nghiệp của Lưu Quý.

Đổi tên thành Lưu Bang, liên minh với Sở

Năm 208 TCN, Hạng Lương, con trai danh tướng Hạng Yến của nước Sở trước đây, chiêu tụ nghĩa quân khắp nơi về huyện Tiết, bàn bạc đại kế chống Tần. Lưu Quý đổi tên là Lưu Bang, coi tên lúc nhỏ là tên tự. Lưu Bang cũng thống lĩnh đội quân của mình gia nhập liên minh này.

Dưới sự chỉ đạo của Hạng Lương, nghĩa quân lập cháu của Sở Hoài Vương trước đây là Tâm làm vương (vẫn gọi là Sở Hoài Vương), Hạng Lương làm Đại tướng quân, quyết chiến với tướng Tần là Chương Hàm. Sau khi đánh thắng được một vài trận, Hạng Lương bắt đầu kiêu ngạo. Tháng chín năm đó, Chương Hàm đại phá quân Sở ở Định Đào, Hạng Lương tử trận.

Tiến đánh Hàm Dương

Sau khi dẹp tan quân Sở, Chương Hàm cho rằng quân Sở không còn đáng lo ngại nữa, liền chuyển hướng sang tấn công nước Triệu. Vua Triệu là Yết thấy rằng không thể kháng cự lại quân Chương Hàm, bèn sai người đến thành Tiết cầu cứu Sở Hoài Vương.

Sở Hoài Vương quyết định xuất binh cứu Triệu. Do trước đây bị chú cháu Hạng Lương, Hạng Vũ chèn ép vô cùng nhục nhã, nên lần này ông ta không trọng dụng Hạng Vũ. Quân cứu trợ chia làm hai cánh: một do Lệnh Tống Nghĩa làm chủ tướng, Hạng Vũ làm phó tướng, Phạm Tăng làm tiểu tướng, nhanh chóng tiến về hướng bắc. Cánh quân còn lại do Lưu Bang làm chủ tướng, tiến về phía tây đến Quan Trung, áp sát phía sau quân Tần. Sở Hoài Vương còn giao hẹn với các tướng lĩnh: “Ai vào Quan Trung trước, người đó làm vua”. Tức là, ai đánh vào thành Hàm Dương trước, người đó có thể làm Tần Vương.

Cánh quân của Lưu Bang

Lưu Bang đã gặp may mắn lớn, bởi quân Tần giao chiến với quân của Hạng Vũ, suốt dọc đường, ông ta không phải đánh trận đánh lớn nào. Tháng 8 năm sau, Lưu Bang đã đánh đến Vũ Quan, trực tiếp uy hiếp Hàm Dương.

Triệu Cao hốt hoảng, bí mật cho người đến đàm phán với Lưu Bang, dự tính lấy Vũ Quan làm ranh giới, phân chia Quan Trung, với điều kiện cho hắn ta làm Tần Vương.

Mấy hôm sau, Triệu Cao sai con rể là Diêm Nhạc giết chết Hồ Hợi.

Tuy nhiên, sau khi Hồ Hợi chết, Triệu Cao cũng không thể vội vàng xưng vương, bắt buộc phải lập cháu của Tần Thủy Hoàng là Tử Anh làm vua bù nhìn. Nhưng Triệu Cao không ngờ Tử Anh đã lập mưu giết chết hắn.

Biết được tin này, sau khi bàn bạc với Trương Lương, Tiêu Hà, Tào Tham, Lưu Bang tập tức xuất binh, chỉ mấy ngày sau đã vào thành Hàm Dương. Tử Anh dâng ngọc tỷ đầu hàng Lưu Bang. Sự nghiệp vĩ đại của Tần Thủy Hoàng đã kết thúc trong tay cháu của ông ta. Lưu Bang vui sướng vạn phần, cứ ngồi mãi trên ngai vàng trong cung Hàm Dương, không buồn đứng dậy. Sau đó, Trương Lương phải nhiều lần thuyết phục, cảnh cáo, ông ta mới dẫn quân đến trấn thủ Bá Thượng ở ngoài thành.

Lưu Bang đưa ra pháp lệnh ba điều với dân chúng Hàm Dương, quản thúc quân lính không phạm phải một điều nào, giành được thắng lợi to lớn về chính trị.

Từ khi Lưu Bang khỏi nghĩa đến khi vào thành Hàm Dương, trên thực tế chưa phải trải qua trận chiến khốc liệt nào, dễ dàng chiếm được Quan Trung.

Cánh quân của Hạng Vũ

Cánh quân Sở còn lại không được may mắn như Lưu Bang. Sau khi đến Hàm Dương, Tông Nghĩa liền án binh bất động. Hạng Vũ giết chết Tông Nghĩa, tự phong làm chủ tướng. Hạng Vũ dẫn quân cấp tốc vượt sông Chương, đánh chìm toàn bộ thuyền bè, đập vỡ hết nồi nêu, biểu thị quyết tâm không quay trở lại. Sau khi đến Cự Lộc, giao chiến với quân Tần 9 lần, tận tay giết chết vô số binh sĩ. Quân Chướng Hàm đại bại thây chất thành đống, máu chảy thành sông.

Hạng Vũ cũng là tuổi Tỵ giống Lưu Bang nhưng kém Lưu Bang 24 tuổi. Khi chiến thắng trận Cự Lộc, Hạng Vũ mới 26 tuổi.

Không lâu sau đó, Chương Hàm đầu hàng. Sau khi chôn sống 20 vạn quân Tần, Hạng Vũ tiến quân thẳng về Hàm Dương.

Hạng Vũ xuất phát từ Bành Thành (ngày nay là Từ Châu tỉnh Giang Tô), trên đường đi liên tiếp lập kỳ công, nhưng không ngừng giết hại dân chúng trong thành, chôn sống binh lính, nên có ác danh là “tên đồ tể”.

Khi đến cửa Hàm Cốc, Hạng Vũ hay tin Lưu Bang đã vào thành Hàm Dương thì rất tức giận, lệnh cho Đại tướng quân Anh Bố tấn công cửa Hàm Cốc, đóng quân ở Hồng Môn cách Bá Thượng 40 dặm.

Ngày hôm sau, Hạng Vũ dẫn quân tiến vào Hàm Dương, sau khi giết chết Tử Anh ở trong ngục thì phóng hỏa đốt cháy thành Hàm Dương. Tương truyền lửa cháy liền 3 tháng mới tắt.

Lưu Bang “dâng” Hàm Dương cho Hạng Vũ

Lúc đó, Hạng Vũ đã là minh chủ của quân chư hầu, trong tay có 40 vạn đại quân, còn quân của Lưu Bang chỉ không đầy 8 vạn. Việc tiêu diệt Lưu Bang thật dễ như trở bàn tay. Hạng Vũ thấy rằng đây là thời cơ hiếm có, liền lên kế hoạch tiến quân đến Bá Thượng.

Hạng Vũ có một người chú là Hạng Bá, 49 tuổi, trí dũng song toàn, chỉ có điều quá coi trọng nghĩa khí. Trước đây, khi Hạng Bá bị quân Tần truy sát đã được Trương Lương cưu mang. Nên khi nghe tin Hạng Vũ đánh Lưu Bang thì ngay trong đêm tối đến tìm Trương Lương để báo tin. Trương Lương lập tức báo cáo lại với Lưu Bang, hai người bàn mưu mua chuộc Hạng Bá. Lưu Bang bèn cho mở tiệc khoản đãi và hứa trở thành thân gia với Hang Bá. Khi chia tay, Lưu Bang nói với Hạng Bá: “Tôi may mắn mới được vào thành Hàm Dương trước. Tôi ghi lại tên quan lại và dân chúng vào sổ, niêm phong các kho lại rồi lập tức rút ra Bá Thượng, đợi Hạng Vương đến. Ngay cả Tử Anh tôi cũng không dám tự mình xử lý. Quả thật không biết đã làm gì đắc tội với Hạng Vương. Ngày mai, tôi sẽ đến Hồng Môn nói rõ với Hạng Vương”.

Về đến Hồng Môn, Hạng Bá kể lại những lời của Lưu Bang với Hạng Vũ và còn nói đỡ cho Lưu Bang: “Lưu Bang là người nhân nghĩa, tuy vào thành trước nhưng chỉ trông cổng thành cho ngài, không tơ hào đến bất cứ thứ gì trong thành Hàm Dương. Sở Hoài Vương đã có giao ước rằng ai vào thành Hàm Dương trước thì người đó làm vương. Vậy mà Lưu Bang lại đợi ngài ở Bá Thượng, tất cả đều đợi ngài quyết định. Ngày mai, Lưu Bang còn đến Hồng Môn bái kiến ngài nữa”. Hạng Vũ vốn không có thâm thù gì với Lưu Bang, hai bên cũng chưa từng có mâu thuẫn gì nên liền tin lời của Hạng Bá và còn chuẩn bị yến tiệc để tiếp đãi Lưu Bang. Nhưng Phạm Tăng lại khuyên Hạng Vũ nên nhân cơ hội này giết chết Lưu Bang.

Sáng sớm ngày hôm sau, Lưu Bang và Trương Lương dẫn theo Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh và hơn 100 kỵ binh đến Hồng Môn. Lưu Bang nói với Hạng Vũ rằng mình không hề có ý muốn làm Quan Trung Vương, chỉ là do may mắn nên mới vào thành Hàm Dương trước, chưa từng tơ hào đến thứ gì trong thành, cho binh sĩ đóng ở ngoài thành cũng chỉ là để trông giữ thành cho Hạng Vương, mọi điều đều tuân theo sự định đoạt của Hạng Vương…

Hạng Vũ thấy thái độ thành khẩn, cung kính của Lưu Bang thì không còn nghi hoặc gì nữa, nói rằng: “ở thành Tiết, chúng ta từng kết làm huynh đệ. Sở dĩ có hiềm khích là do Tào Vô Thương nói rằng Lưu huynh vào thành Hàm Dương trước là âm mưu muốn xưng vương”.

Trong buổi yến tiệc, Phạm Tăng đã sắp xếp cho Hạng Trang múa kiếm giúp vui để nhân cơ hội đó giết chết Lưu Bang. Nhưng Trương Lương đã sớm phát hiện ra âm mưu đồ, gọi Phàn Khoái vào trong trướng. Phàn Khoái nhân cơ hội đó, lớn tiếng trách móc Hạng Vũ vi phạm giao ước, làm những việc trái với nhân nghĩa Hạng Vũ sợ mất uy tín với các chư hầu nên từ bỏ ý định giết Lưu Bang.

Khi tiệc gần tàn cuộc, Trương Lương ra hiệu cho Lưu Bang ra ngoài rồi khuyên ông trốn thoát từ nhà vệ sinh. Lưu Bang được Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh hộ tống đi bộ về Bá Thượng, về đến nơi, ông liền ra lệnh giết Tào Vô Thương.

Giai đoạn Hạng Vũ xưng vương – Tây Sở Bá Vương

Yến tiệc ở Hồng Môn kết thúc, Hạng Vũ phong đất cho các chư hầu. Hạng Vũ tự phong là Tây Sở Bá Vương, cai quản vùng phía Tây của nước Sở cũ.

Hạng Vũ phong Lưu Bang làm Hán Vương, Ba Thục

Ông ta nghe lời Phạm Tăng, phong Lưu Bang làm Hán Vương, phái đến Ba Thục, lập kinh đô là Nam Trịnh. Vì Hán Vương đã có đất phong nên Trương Lương phải đi theo ông ta. Trước khi đi, Trương Lương nói với Lưu Bang: “Khi ngài vào đến Ba Thục thì hãy thiêu hủy hết sạn đạo trong núi, để cho người đa nghi như Bá Vương thấy rằng ngài đã không còn dã tâm với vùng quan ngoại, khiến cho ông ta không để phòng ngài nữa”.

Vào đến Ba Thục, Lưu Bang liền làm theo lời dặn của Trương Lương, thiêu hủy tất cả sạn đạo trong núi.

Sau sự kiện ở Hồng Môn, danh tiếng của Lưu Bang vang vọng khắp nơi. Các nước chư hầu, tướng lĩnh đều coi Lưu Bang là người quân tử khoan dung, nhân nghĩa, khiêm nhường, lũ lượt xin đi theo. Khi đến Ba Thục, cả đoàn người ngựa đã lên đến mười mấy vạn người, gấp đôi số quân khi mới vào thành Hàm Dương. Hàn Tín, Trần Bình cũng bỏ quân Sở, đi theo Lưu Bang.

Sau khi đến Ba Thục, Lưu Bang phong cho Tô Hà là tướng quốc, Tào Tham làm đại tướng, Hạ Hầu Anh làm thái phó. Những người như Kỳ Tín, Chu Bột cũng đều được sắc phong.

Một năm sau, quân Ba Thục đã tinh nhuệ, lương thực dồi dào, quân số đã lên đến 20, 30 vạn. Lưu Bang cùng với Tô Hà và quân sĩ mưu tính việc đuổi Hạng Vũ ra khỏi Trung Nguyên.

Lưu Bang cảm thấy mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ thiếu một thống soái anh minh chỉ huy quân đội. Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín nhưng Lưu Bang không coi trọng người này, cho rằng kẻ thư sinh không làm được việc lớn nên không dùng.

Giai đoạn Hán – Sở giao tranh

Thiên hạ lại rơi vào cảnh loạn lạc

Do việc phong đất không công bằng nên không lâu sau, thiên hạ lại rơi vào cảnh loạn lạc. Người đầu tiên chống lại Hạng Vũ là Điền Vinh nước Tề. Dưới sự ủng hộ của Điền Vinh, các chư hầu như Bành Việt, Trần Dư cũng lần lượt nổi dậy tạo phản. Hạng Vũ vô cùng tức giận, lập tức khởi binh chinh phạt.

Hàn Tín vốn có tài thao lược, biết được thời cơ đã đến, bèn âm thầm bỏ đi, mưu cầu tiền đồ cho bản thân. Sau khi Tiêu Hà biết chuyện, không ngại tuổi cao, đường xá hiểm trở, liền phi ngựa đuổi theo.

Cuối cùng, Lưu Bang cũng phong Hàn Tín làm Đại tướng quân.

Để phân tán sự chú ý của ba vương hầu là Chương Hàm, Tư Mã Hân, Đổng Ế. Đầu tiên, Hàn Tin phái quân tu sửa lại những sạn đạo đã phá hủy hai năm trước, ngày đêm thi công. Ban đêm, cách xa mấy chục lộ cũng nhìn thấy ánh đèn tỏa sáng.

Lưu Bang hỏi Hàn Tín: – Xuất quân qua sạn đạo phải không?

Hàn Tín đáp: – Không!

– Không xuất quân từ đó thì tu sửa làm gì?

– Tu sửa nó là để cho người bên ngoài xem!

Lưu Bang cùng với Hàn Tín thống lĩnh đại quân ngầm vượt từ Trần Thương, nhanh chóng tiêu diệt quân của ba chư hầu. Hàn Tin phát tán “truyền đơn” khắp nơi, đại ý: “Các vị hương thân phụ lão. Bái Công mà nhân dân kính trọng đã trở lại rồi…”. Đúng như Hàn Tín dự liệu, dân chúng ở khắp nơi đều hoan nghênh Hán Vương.

Tư Mã Hân và Đổng Ế đã đầu hàng, chỉ còn Chương Hàm vẫn kiên trì cầm cự.

Hạng Vũ là một nhà chính trị bất tài

Hạng Vũ là một tướng quân tài ba nhưng lại là một nhà chinh tri bất tài, tính tình bảo thủ cố chấp, không chiu nghe theo lời khuyên của Phạm Tăng và các mưu sĩ khác. Ngày càng dấn sâu vào con đường sai lầm.

Sau khi trở về Bành Thành, Hạng Vũ âm mưu giết chết Sở Hoài Vương. Tuy Sở Hoài Vương chỉ là một ông vua bù nhìn nhưng được mọi người trong thiên hạ công nhận là người đại diện cho quốc gia. Nếu Hạng Vũ giết ông ta thì sẽ tạo cơ hội cho các nước chư hầu chống lại mình.

Hai việc lớn mà Hạng Vũ cần phải giải quyết lúc này, một là phát binh thảo phạt Điền Vinh nước Tề, hai là giải cứu cho Chương Hàm đang bị quân Hán vây hãm. Phạm Tăng khuyên Hạng Vũ nên đối phó với Lưu Bang trước, việc của Điền Vinh không đáng lo. Nhưng chủ ý của Hạng Vũ lại hoàn toàn ngược lại. Hạng Vũ coi thường Lưu Bang, cho rằng một nông dân như Lưu Bang thì không làm nên việc gì. Điền Vinh là quý tộc nước Tề, có khả năng lôi kéo các chư hầu khác. Hơn nữa, Điền Vinh đã từng phản đối chú của Hạng Vũ là Hạng Lương. Chỉ riêng điều này cũng đủ để dạy cho hắn một bài học. Nhưng sau khi dẫn quân đến nước Tế thì lập tức sa vào vũng lầy chiến tranh, chinh chiến suốt mấy tháng không dứt.

Lưu Bang tận dụng thời cơ

Lưu Bang gặp thời vận, nghe theo ý kiến của Trương Lương, tổ chức tang lễ trang trọng cho Sở Hoài Vương. Lưu Bang bỗng chốc trở thành vị minh chủ thảo phạt Sở, rất nhiều chư hầu đi theo ông ta. Chỉ trong một thời gian ngắn, đại quân của Lưu Bang đã lên đến 60 vạn người.

Lưu Bang ra lệnh cho Hàn Tín tiếp tục bình định Tam Tân (Hạng Vũ chia nước Tần cũ làm 3 phần, phong cho Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế) để củng cố hậu phương, còn ông dẫn quân tiến về phía đông, chiếm được quê nhà của Hạng Vũ là Bành Thành.

Hạng Vũ nghe tin, thống lĩnh 3 vạn quân tinh nhuệ vội vàng trở về quê nhà, đánh bại quân Lưu Bang ở sông Tuy Thủy, ngay cả đến Lưu Thái Công và Lã Trĩ cũng bị bắt làm tù binh. Quân các nước chư hầu đi theo Lưu Bang thấy quân Hán bị chết vô số, tranh nhau bỏ chạy. Lưu Bang chạy một mạch đến Huỳnh Dương (ở hướng đông bắc Huỳnh Dương tỉnh Hà Nam ngày nay) mới thoát được sự truy đuổi của quân Sở.

Hàn Tín đến cứu giá, sau khi đánh thắng vài trận, xoay chuyển cục diện thì lại phái người đi thuyết phục Anh Bố phản Sở, khiến Hạng Vũ mất đi một cánh tay đắc lực. Rồi quay lại đánh quân Triệu, giết Trần Dư, bắt Triệu Vương Yết làm tù binh.

Nhưng tình hình quân Hán trên chiến trường vẫn không có gì khả quan. Lưu Bang cho rằng là do có Phạm Tăng suy tính mưu kế cho Hạng Vũ. Nên nếu giết người này thì Hạng Vũ sẽ không còn ai giúp sức nữa. Do đó, Trần Bình liền hiến kế ly gián.

Bày mưu giết Phạm Tăng

Hạng Vũ biết Lưu Bang đã ở vào đường cùng nên phái người đến chiêu hàng. Lưu Bang mở yến tiệc thịnh soạn khoản đãi sứ giả của Sở nhưng khi biết là do Hạng Vũ phải đến thì sai người dọn hết, chỉ cho bày toàn cơm rau đạm bạc và còn nói rằng: “Ta tưởng là người của Phạm lão tướng quân phái đến, hóa ra là người của Bá Vương…”. Sau khi sứ giả trở về, thuật lại tường tận với Hạng Vũ. Hạng Vũ rất tức giận, cho rằng Phạm Tăng đã cấu kết với Lưu Bang. Phạm Tăng biết chuyện thì vô cùng phẫn nộ, liền cáo lão về quê, nhưng chưa về đến Bành Thành thì nổi ung ở lưng mà chết.

Đánh nhau ở Huỳnh Dương

Quân Hán và Sở vẫn đánh nhau ở Huỳnh Dương. Hạng Vũ vốn tính nóng nảy, lại đưa ra hạ sách ép Lưu Bang đầu hàng. Ông ta bắt Lưu Thái Công lên đầu thành, lệnh cho người hét lớn: “Lưu Bang, nếu ngươi không đầu hàng, ta sẽ luộc chín cha của ngươi”. Lưu Bang đáp lại: “Hạng Vũ, khi ở thành Tiết, chúng ta đã kết nghĩa huynh đệ, cha của ta cũng là cha của ngươi. Nếu ngươi luộc chín lão già đó thì nhớ để phần ta một bát canh”.

Hạng Vũ rất tức giận liền đề nghị Lưu Bang đánh tay đôi. Lưu Bang cười nói “Dù đánh thắng ngươi thì cũng chỉ là cái dũng của kẻ thất phu. Việc đó ta không làm”.

Sau đó, Lưu Bang kể ra mười tội lớn của Hạng Vũ như giết hại dân chúng, chôn sống binh lính. Hạng Vũ nổi điên lên giương cung bắn trúng ngực Lưu Bang. Lưu Bang không muốn làm dao động lòng quân, liền ung dung nói rằng: “Nhà ngươi chỉ bắn trúng ngón chân ta mà thôi”.

Gài bẫy đánh bại Sở

Trong một năm sau đó, quân Hán sống dựa vào nguồn kinh phí do Tiêu Hà kinh doanh ở Quan Trung chu cấp, dần dần củng cố lực lượng, lớn mạnh hơn quân Sở nhiều lần. Còn quân Sở thì ngày càng suy yếu. Sau đó, hai bên giảng hòa, giao hẹn lấy Hồng Câu làm ranh giới, chia đôi thiên hạ, đình chiến ở giới tuyến quân sự. Hạng Vũ phóng thích Lưu Thái Công và Lã Trĩ. Đó là tháng 10 năm 203 TCN.

Tuy nhiên, Hạng Vũ không ngờ đã mắc bẫy của Lưu Bang. Khi Hạng Vũ vừa lui binh về hướng đông thì Lưu Bang liền tấn công quân Sở. Lưu Bang một mặt phong vương cho Hàn Tín, Bành Việt để khích lệ, động viên lòng trung thành của họ, rồi lại lệnh cho các chư hầu như Anh Bố, Chu Ân cùng đến hội chiến, vây hãm Hạng Vũ ở Cai Hạ (nay là bờ bắc sông Đà huyện Linh Bích tỉnh An Huy).

Quân Hạng Vũ đã cạn kiệt lương thảo, không còn khả năng phản kích, trận địa ngày càng bị thu hẹp. Buổi tối, Trương Lương lại lệnh cho những binh lính là người nước Sở hát những bài Sở ca thê lương để khơi dậy nỗi buồn ly hương của quân Sở, khiến không ít quân Sở đào ngũ.

Hạng Vũ biết đã đường cùng, quyết định hôm sau sẽ quyết chiến một trận cuối cùng với Lưu Bang. Tối hôm đó, Hạng Vũ đã cùng với ái thê Ngu Cơ uống rượu từ biệt.

Sáng sớm hôm sau, Hạng Vũ dẫn theo 800 kỵ binh phá vòng vây xông ra, khi đến Ô Giang Khẩu thì chỉ còn lại 28 người. Lúc đó, từ trong bụi lau xuất hiện một con thuyền nhỏ, người chèo thuyền nói với Hạng Vũ: “Lão phu đã đợi đại vương ở đây lâu rồi, Lên thuyền của lão qua sông thì Hạng Vương sẽ được an toàn!”

Nhưng Hạng Vũ lại đứng im bất động. Phía sau quân Hán đã đuổi đến gần. Hạng Vũ lắc đầu nói rằng: “Ta còn mặt mũi nào để gặp lại dân chúng Giang Đông nữa”, rồi rút kiếm tự sát.

Lưu Bang chính thức lên ngôi Hoàng Đế

Sau khi đánh thắng Hạng Vũ, khắp thiên hạ không còn ai là đối thủ của Lưu Bang nữa. Lưu Bang được chư hầu khắp nơi ủng hộ làm hoàng đế, tuyên bố quốc hiệu là Hán, đóng đô ở Trường An (nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây), lập Lã Trĩ là hoàng hậu, lập con trai của Lã Trĩ là Lưu Doanh làm thái tử.

Thanh trừ lực lượng đối nghịch, củng cố địa vị

Trong thời gian tranh đấu với Hạng Vũ, do yêu cầu của thời cuộc, Lưu Bang đã phong vương cho 7 chư hầu. Nay những chư hầu này đã không còn tác dụng gì nữa, thậm chí còn trở thành chướng ngại cho chế độ trung ương tập quyền nên Lưu Bang dần dần triệt tiêu từng chư hầu.

Trong số các chư hầu thì Hàn Tín có thế lực mạnh nhất. Tuy Hàn Tín không có binh quyền nhưng để hắn sống thì vẫn là một mối lo. Nên nhân lúc Hàn Tín đến Trường An tấn kiến, Lưu Bang đã giam lỏng ở thành Lương. Cao Tổ năm thứ 11 (196 TCN), Lã Hậu lệnh cho Tiêu Hà lập mưu giết chết Hàn Tín.

Trương Lương tùng cảnh tỉnh Hàn Tín rằng nay đại nghiệp đã thành, sẽ có ngày bị Cao Tổ thanh trừ. Nhưng Hàn Tín không nghe.

Còn Trương Lương là người vô cùng thông minh, ông ta nhanh chóng từ bỏ mọi tước vị, ở nhà dưỡng bệnh. Do Trương Lương biết che giấu tài năng nên đã thoát khỏi họa diệt thân.

Sau khi Lưu Bang thanh trừ lực lượng đối nghịch trong triều, lệnh cho quý tộc và gia quyến của 6 nước dời đến Quan Trung để khống chế họ được sát sao hơn nữa.

Để tập trung và củng cố quyền lực của hoàng đế, Lưu Bang không còn bái lạy cha nữa, để Lưu Thái Công xưng là thần tử với mình, sau đó lại lập Thái công làm Thái thượng hoàng. Công trạng và quyền lực của Tiêu Hà quá lớn, nên bị Lưu Bang kiếm cớ bắt giam, khiến triều thần không ai dám đứng, ngồi ngang hàng với ông ta nữa. Đến anh em đồng hao như Phàn Khoái cũng suýt chút nữa bị khép tội mưu phản. Toàn bộ quyền lực của triều đình đều nằm trong tay Lưu Bang.

Trị vì đất nước

Tuy nhiên, trải qua nền chính trị hà khắc mấy chục năm của nhà Tần, lại thêm gần mười năm loạn lạc, vương triều Đại Hán của Lưu Bang chỉ là một nhà nước nghèo nàn hữu danh vô thực. Người dân sống trong cảnh nghèo đói, dân số ít ỏi, khắp nơi đều là dân lang thang và ăn mày. Do đó, Lưu Bang đặt việc phát triển sản xuất lên hàng đầu, thi hành những chính sách khoan dung như giảm thuế, phóng thích tù nhân, giải phóng nô lệ, cắt giảm quân đội, khuyến khích sinh sản. Dân chúng được sống sung sướng hơn trong vài năm.

Lưu Bang qua đời

Năm 196 TCN, khi Lưu Bang chinh phạt Anh Bố, bị trúng một mũi tên lạc, lại thêm tâm trạng u uất nên bệnh ngày càng nặng. Tuy đã đoạt được thiên hạ nhưng vẫn có rất nhiều việc không được như ý. Năm sau, Lưu Bang qua đời vì bệnh nặng ở cung Trường Lạc, thọ 62 tuổi.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

« Tần Nhị Thế: Hồ HợiHán Huệ Đế: Lưu Doanh »

Từ khóa » Kế Vị Lưu Bang Là Ai