Hàn Quốc Khuyến Khích Phát Triển Dự án đầu Tư BTL, Giảm Chi Từ ...

đường sá

Hình thức hợp tác công - tư đã phát huy hiệu quả, giảm chi từ ngân sách. Ảnh: TL.

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển BTL

BTL là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Hàn Quốc được đánh giá là một trong các quốc gia ở Châu Á áp dụng thành công hình thức hợp đồng BTL trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cho phép áp dụng hình thức hợp đồng BTL cho các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà ở của quân đội.

Để có thể thành công, Chính phủ Hàn Quốc đã có rất nhiều chính sách tài chính hỗ trợ khu vực tư nhân như áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cung cấp các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi, ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng).

Mức phí định kỳ nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư phụ thuộc vào vòng đời kinh tế của dự án và hỗ trợ của nhà nước. Về nguyên tắc, mức phí này gồm chi phí đầu tư xây dựng công trình cộng với lợi nhuận (thông qua tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư) và chi phí vận hành.

Chi phí vận hành bao gồm chi phí bảo dưỡng, chi phí sửa chữa và các chi phí cần thiết để vận hành công trình. Mức chi phí vận hành hàng năm được xác định theo mức cố định và ghi trong hợp đồng; mức chi phí vận hành hàng năm thực tế có thể được điều chỉnh trên cơ sở mức độ cung cấp dịch vụ của dự án. Tỷ suất lợi nhuận được xác định bằng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng với biên độ nhất định cho từng dự án, phụ thuộc vào mức độ rủi ro của từng dự án.

Để phát triển hình thức hợp đồng BTL, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách riêng cho các dự án BTL như hỗ trợ cho các dự án đa năng của địa phương, miễn thuế giá trị gia tăng khi chuyển giao công trình cho nhà nước, giảm quy mô vốn chủ sở hữu từ 5 triệu USD xuống còn 1 triệu USD để được miễn giảm thuế doanh nghiệp, hình thành quỹ hạ tầng cho các doanh nghiệp xây dựng của địa phương.

Một điểm đáng lưu ý của Hàn Quốc khi thúc đẩy hình thức hợp đồng BTL là cho phép nhóm một số dự án riêng lẻ tương tự nhau thành một dự án có quy mô đủ lớn để thu được lợi thế về tính kinh tế của quy mô như một số quốc gia khác như Anh, Úc, Nhật Bản.

Ở Anh, thường gộp khoảng 20 trường học thành 1 dự án. Bên cạnh đó, các hạ tầng có chức năng tương tự nhau cũng nên gộp thành 1 dự án, ví dụ: khi phòng học của trường được đầu tư xây dựng mới, mở rộng hay hiện đại hóa thì các hạ tầng như phòng thể dục, bể bơi, thư viện, bãi đỗ xe cũng nên được đầu tư. Điều này giúp khách hàng có nhiều sự thuận tiện hơn, gia tăng hiệu quả đầu tư.

Quản lý tài khóa đối với dự án BTL

Hạch toán và báo cáo các khoản thanh toán từ ngân sách nhà nước cho các dự án BTL ở Hàn Quốc vẫn gây ra các tranh cãi. Một số quan điểm cho rằng, khoản thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư BTL là các nghĩa vụ tài chính trực tiếp (cam kết chi) của chính phủ đối với nhà đầu tư; do đó, dự án BTL cần phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương (tương tự như các dự án đầu tư công).

Theo Hiến pháp của Hàn Quốc, khi chính phủ vay nợ thì chi phí thanh toán cho các khoản nợ gốc và chi phí tài chính liên quan đến khoản vay gốc phải được báo cáo trong bảng cân đối ngân sách. Về bản chất đây các cam kết thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư trong cả thời hạn hợp đồng BTL là các khoản nợ của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ nên báo cáo các khoản thanh toán cho nhà đầu tư BTL tương tự như dòng ngân sách trả nợ của Chính phủ trong bảng cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, Bộ Kinh tế và Tài chính của Hàn Quốc lại cho rằng khoản thanh toán cho nhà đầu tư BTL không giống như các dự án đầu tư công. Bởi lẽ, nhà đầu tư thu xếp nguồn vốn để thực hiện đầu tư và vận hành dự án, nhà nước mua lại dịch vụ do nhà đầu tư cung cấp nên không thể coi đây là các khoản nợ của chính phủ. Do đó, các dự án này không do Quốc hội phê duyệt chủ trương như các dự án đầu tư công. Chính phủ chỉ báo cáo tổng nhu cầu vốn hằng năm để thanh toán cho nhà đầu tư trong báo cáo dự toán ngân sách hàng năm để trình Quốc hội thông qua.

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL bắt đầu xuất tại Việt Nam từ năm 2015, song đến nay, chỉ có 2 dự án đầu tư theo hình thức này tại Quảng Ninh.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc sẽ giúp các cơ quan của Việt Nam trong quá trình nghiên cứu các chính sách phát triển hình thức hợp đồng BTL, BLT trong tương lai cũng như trong xây dựng, ban hành Luật PPP trong thời gian tới./.

Khổng Gia Hân

Từ khóa » Ví Dụ Hợp đồng Btl