Hàn Quốc Lần đầu Phóng Thành Công Vệ Tinh Bằng Tên Lửa Nội địa

Vụ phóng hôm 21-6 cũng cho thấy Seoul hiện sở hữu những công nghệ quan trọng cần thiết để phóng vệ tinh do thám và chế tạo tên lửa lớn hơn trong bối cảnh căng thẳng với CHDCND Triều Tiên.

Bộ Khoa học cho biết tên lửa ba tầng Nuri đã đưa thành công vệ tinh lên không gian. Vệ tinh này đã truyền tín hiệu về tình trạng của nó tới một trạm của Hàn Quốc ở Nam Cực. Nó mang theo bốn vệ tinh nhỏ hơn sẽ được phóng trong những ngày tới để quan sát Trái đất và các sứ mệnh khác, các quan chức Bộ cho biết. "Khoa học và công nghệ của Hàn Quốc đã có một bước tiến vượt bậc", Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-Ho nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình tại trung tâm phóng.

"Chính phủ sẽ tiếp tục các chương trình táo bạo hướng tới việc trở thành một cường quốc vũ trụ cùng với người dân" – ông nói. Trong một cuộc họp video với các nhà khoa học và những người khác tham gia vào vụ phóng, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chúc mừng vì thành tích này và giữ lời hứa trong chiến dịch của mình là thành lập một cơ quan hàng không vũ trụ nhà nước. Video truyền hình trực tiếp cho thấy tên lửa cao 47 mét bay lên không trung giữa ngọn lửa sáng và khói trắng dày đặc. Vụ phóng đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới đưa vệ tinh vào không gian bằng công nghệ của riêng mình.

Đây là lần thứ hai Hàn Quốc phóng tên lửa Nuri. Trong lần thử đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái đã không thành công vì động cơ của giai đoạn thứ ba của tên lửa bị cháy sớm hơn so với kế hoạch.

Triều Tiên đã đưa các vệ tinh quan sát Trái đất vào quỹ đạo vào năm 2012 và 2016. Các vụ phóng của Triều Tiên dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc vì chúng bị coi là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa bị cấm của nước này.

Tên lửa Nuri được phóng vào không gian

Kể từ đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã gửi một loạt vệ tinh vào không gian, nhưng tất cả đều sử dụng công nghệ tên lửa hoặc bãi phóng của nước ngoài.

Hàn Quốc có kế hoạch phóng thêm tên lửa Nuri trong những năm tới. Nước này cũng hy vọng sẽ gửi một tàu thăm dò lên mặt trăng, chế tạo các phương tiện phóng không gian thế hệ tiếp theo và đưa các vệ tinh quy mô lớn vào quỹ đạo.

Giới chức Hàn Quốc cho biết tên lửa Nuri không có mục đích quân sự.

Kwon Yong Soo, cựu giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Nếu bạn đặt một vệ tinh lên đầu tên lửa, nó sẽ trở thành một phương tiện phóng vào vũ trụ. Nhưng nếu bạn gắn một đầu đạn lên nó, nó sẽ trở thành một vũ khí".

"(Một vụ phóng thành công) thực sự có ý nghĩa vì chúng tôi cũng thành công trong việc thử nghiệm một tên lửa tầm xa có thể được sử dụng để chế tạo một tên lửa tầm xa" – ông nói.

Hàn Quốc đã có tên lửa có thể tấn công toàn bộ Triều Tiên, nhưng một số chuyên gia cho rằng nước này cũng cần tên lửa tầm xa hơn vì xung quanh là các cường quốc quân sự trong khu vực và là các đối thủ tiềm tàng.

"Nếu chúng ta chỉ nghĩ về Triều Tiên, một tên lửa tầm xa không có nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Nhưng thật đáng tiếc khi các cường quốc quân sự như Trung Quốc và Nga đang ở gần chúng ta" - Kwon nói.

Ông cho biết vụ phóng thành công của Nuri chứng tỏ Hàn Quốc có khả năng đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo.

Hàn Quốc hiện không có vệ tinh do thám quân sự của riêng mình và phụ thuộc vào vệ tinh do thám của Mỹ để giám sát các cơ sở chiến lược ở Triều Tiên. Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch sớm phóng vệ tinh giám sát của riêng mình.

Anh Duy

Từ khóa » Hình Bãi Phóng Tên Lửa