Hàng Loạt Chiêu 'đỡ Giá' Trên Sàn Chứng Khoán, Mục đích Là Gì?

Hàng loạt chiêu 'đỡ giá' trên sàn chứng khoán, mục đích là gì?

Triêu Dương

(TBKTSG) - Trái với động thái bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài trong suốt tháng qua, đẩy giá nhiều cổ phiếu lao dốc và chạm mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp tận dụng cơ hội đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ, trong khi nhiều cổ đông nội bộ, ban lãnh đạo công ty cũng quyết định ra tay “cứu” giá.

Lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau 'gom' cổ phiếu

Cổ phiếu nhóm Vingroup là đầu tàu ‘kéo’ VN-Index tăng điểm

Hàng loạt chiêu 'đỡ giá' trên sàn chứng khoán, mục đích là gì?
Giá cổ phiếu quá thấp như hiện nay có thể thúc đẩy nhiều tổ chức phát sinh tham vọng thâu tóm thù địch mà không cần lượng vốn quá lớn nằm ngoài khả năng như trước đây. Ảnh minh họa Thành Hoa

Hơn 276 triệu là số lượng cổ phiếu mà các doanh nghiệp, cổ đông nội bộ và ban lãnh đạo đã đăng ký mua vào trong hơn một tháng qua, trùng với thời điểm thị trường chứng khoán ghi nhận đà lao dốc tồi tệ nhất trong hơn 10 năm. Trong đó, số lượng cổ phiếu quỹ được đăng ký mua vào chiếm tỷ trọng vượt trội gần 74%, tương đương hơn 204 triệu cổ phiếu, phần còn lại hơn 72 triệu là lượng đăng ký mua vào của các cổ đông nội bộ và ban lãnh đạo công ty.

Một số thương vụ lớn có thể kể đến như Tổng công ty cổ phần (CTCP) Thiết bị điện Việt Nam (GEX) đăng ký mua 29 triệu cổ phiếu quỹ; Nhựa An Phát Xanh (AAA) là 25,7 triệu cổ phiếu; Gemadept (GMD) 25 triệu cổ phiếu; tập đoàn Pan (PAN) 21,6 triệu cổ phiếu...

Ở các thương vụ cổ đông nội bộ, lãnh đạo và người có liên quan mua, có con trai chủ tịch tập đoàn Hòa Phát (HPG) đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (CTCP) Cơ điện lạnh (REE) đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu...

Chiến lược trên dường như cũng mang lại hiệu quả trước mắt, khi giá nhiều cổ phiếu quay đầu phục hồi tích cực, với các phiên tăng trần mạnh mẽ sau các thông tin đăng ký mua vào. Như giá cổ phiếu GEX phục hồi hơn 8% trong tuần qua, trong đó có phiên tăng trần ngày 17-3; AAA và PAN có lúc bật lại đến 22%; SCR tăng 20%; REE tăng 18%; TPB tăng 16%; GMD, CII, HPG tăng 12%; VRC thậm chí tăng đến 39%.

Ngoài những chiêu đỡ giá quen thuộc như mua cổ phiếu quỹ hay cổ đông lớn và ban lãnh đạo đăng ký mua vào, CTCP tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới đây cũng cho biết sẽ lập một quỹ phù hợp với quy định của pháp luật, khuyến khích các thành viên của tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua quỹ nói trên.

Ngoài ra, ban lãnh đạo các công ty cũng có thể công bố các thông tin tốt để hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư khi giá cổ phiếu lao dốc. Tuy nhiên, trước tình hình nỗi lo sợ vẫn đang là chủ đạo, các thông tin tốt có thể ít mang lại hiệu quả như mong đợi.

Thực tế là trong thời điểm này doanh nghiệp cũng khó có được thông tin tích cực, khi kế hoạch kinh doanh năm nay chắc chắn sẽ giảm sút, kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán khó có thể đột biến, thậm chí còn thường giảm sút so với báo cáo sơ bộ; kế hoạch chia cổ tức dự kiến cũng không khả quan.

Mục tiêu đầu tiên của hàng loạt động thái đăng ký mua vào với số lượng lớn như trên dĩ nhiên là nhằm đỡ giá cổ phiếu tránh giảm sâu thêm, khi mà nhiều cổ phiếu thời gian qua đã bốc hơi 20-30% giá trị, thậm chí có mã lên đến 50-60% chỉ trong thời gian ngắn.

Rõ ràng dù chưa biết các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký có thật sự mua vào hay có mua đủ như số lượng đã đăng ký hay không, nhưng những tác động hỗ trợ tâm lý là tích cực, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng rút vốn và bán ròng liên tiếp trong suốt thời gian qua.

Nếu như những phiên giảm sâu vừa qua lấp ló đâu đó có tác động từ việc các công ty chứng khoán bán giải chấp, nhiều nhà đầu tư chủ động tháo bớt margin (giao dịch ký quỹ), khi việc sử dụng margin hiện nay là quá rủi ro, thì thực trạng hiện nay là không ít doanh nghiệp, cổ đông lớn, ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng đang cầm cố cổ phiếu của doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng, phục vụ các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp hoặc cho chính bản thân.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho ngân hàng với giá trị tài sản đảm bảo bằng chính cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Nếu cổ phiếu lao dốc, những đối tượng này buộc phải đóng bổ sung tiền ký quỹ, nếu không các tổ chức cho vay sẽ bán cổ phiếu ra để giải chấp khoản vay.

Thông thường, trước khi bán giải chấp, các tổ chức sẽ có thông báo cho nhà đầu tư biết trước để họ được quyền lựa chọn. Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản để đạt được ngưỡng an toàn tối thiểu quy định, còn không sẽ bị bán giải chấp và do đó càng gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu nặng nề hơn.

Do đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn nộp tiền bổ sung hoặc cầu mong cho giá cổ phiếu nhanh chóng tăng trở lại.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp, thay vì nộp tiền ký quỹ bổ sung, họ có thể lựa chọn đăng ký mua vào cổ phiếu với số lượng lớn, vừa tăng tỷ lệ sở hữu, vừa tác động tâm lý tích cực lên thị trường để đẩy giá cổ phiếu tăng trở lại, thoát khỏi ngưỡng giá nguy hiểm mà có thể kích hoạt các lệnh bán giải chấp.

Rõ ràng nếu phải đóng ký quỹ bổ sung, các thực thể này buộc phải chi ra tiền mặt mà chưa biết có đủ đáp ứng hay không.

Còn nếu chọn sớm chủ động đỡ giá cổ phiếu, trong nhiều trường hợp giá cổ phiếu bật lại nhờ vào yếu tố tâm lý, dòng tiền ăn theo của các nhà đầu tư khác, còn những doanh nghiệp, cổ đông này thực tế trong nhiều trường hợp không cần chi tiền ra để mua đủ như đã đăng ký.

Theo thông báo của nhiều doanh nghiệp, việc mua vào cổ phiếu quỹ cũng nhằm làm tối ưu hóa giá trị cho cổ đông, khi giúp cải thiện chỉ số thu nhập trên cổ phiếu (EPS), từ đó làm tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp theo định giá.

Thực tế đối với những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt hiện nay, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị đình trệ, nhiều nơi có thể phải chọn gửi tiền ở ngân hàng, nhưng lãi suất tiền gửi hiện nay không còn cao thì thay vào đó, họ có thể tận dụng thời điểm giá cổ phiếu giảm sâu để mua vào và sau này khi giá cổ phiếu phục hồi sẽ bán ra, mang lại lợi nhuận còn tốt hơn phương án gửi ngân hàng.

Với những doanh nghiệp vẫn kinh doanh hiệu quả nhưng bị ảnh hưởng chung theo diễn biến xấu của thị trường, việc họ mua vào cổ phiếu quỹ cùng với việc cổ đông nội bộ, ban lãnh đạo mua vào cổ phiếu với số lượng lớn cũng nhằm để chống thâu tóm, khi mà giá cổ phiếu quá thấp như hiện nay có thể thúc đẩy nhiều tổ chức phát sinh tham vọng thâu tóm thù địch mà không cần lượng vốn quá lớn nằm ngoài khả năng như trước đây.

Có lẽ thị trường vẫn chưa quên thương vụ thâu tóm của nhóm cổ đông Ngân hàng Phương Nam đối với Sacombank trước đây.

Dù mục đích là gì, nhưng rõ ràng những ảnh hưởng tích cực lên giá cổ phiếu trước mắt là không thể chối cãi. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng có những đánh giá của riêng mình để xem khả năng hiện thực hóa việc đăng ký mua vào là có đáng tin.

Với doanh nghiệp, có thể nhìn vào lượng tiền mặt có được theo báo cáo tài chính gần nhất. Nếu tiền mặt quá ít, thấp hơn cả giá trị lượng cổ phiếu đăng ký mua thì việc mua vào là thiếu khả thi.

Với cổ đông nội bộ, ban lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể nhìn vào lịch sử những lần đăng ký mua vào trước đây và thực tế có mua hay không để đánh giá. Quá khứ đã cho thấy không ít cổ đông lớn, ban lãnh đạo của doanh nghiệp đã khiến giới đầu tư mất niềm tin, khi đăng ký mua vào nhưng rốt cuộc chỉ mua được một tỷ lệ nhỏ so với lượng cổ phiếu đã đăng ký, thậm chí còn có trường hợp hành động ngược lại là âm thầm bán ra.

Vị trí đặt bình chọn

Từ khóa » đỡ Giá Chứng Khoán