Hàng Second Hand Cao Cấp Là Gì, Mua ở đâu để Tránh đồ Giả?

Bên trong cửa hàng Milan Station ở Hồng Kông. Đây là một địa điểm mua hàng second hand xa xỉ được bảo chứng nguồn gốc rõ ràng mà nhiều fashionista biết đến. Ảnh: Instagram @milanstation

Bên trong cửa hàng Milan Station ở Hồng Kông. Đây là một địa điểm mua hàng second hand xa xỉ được bảo chứng nguồn gốc rõ ràng mà nhiều fashionista biết đến. Ảnh: Instagram @milanstation

Trong thế kỷ 21, hàng loạt thương hiệu túi xách, đồng hồ nâng giá. Để sở hữu món hàng hiệu, đôi khi việc mua nó trực tiếp tại các cửa hàng thì nằm ngoài tầm với của nhiều người. Một lựa chọn cho bạn là mua hàng second hand cao cấp.

Hàng second hand cao cấp là gì?

Hàng second hand là những sản phẩm đã qua sử dụng một lần. Chủ nhân của nó, vì nhiều lý do, mà bán món đồ này đi. Có thể vì chủ nhân không còn cảm thấy nó phù hợp với phong cách thời trang của bản thân, bị demodé, hoặc đang cần xoay tiền.

Thời trang xa xỉ, do chất lượng cao cấp mà khó hư hao khi so sánh với hàng bình dân. Túi xách, giày dép second hand đôi khi được rao bán ở trạng thái gần như mới tinh. Vì vậy, chọn mua món đồ hàng hiệu đầu tiên ở thị trường second hand là một điều khôn ngoan, nếu bạn sẵn sàng bỏ thời gian và công sức tìm kiếm.

Ngày nay, hàng second hand đã thoát khỏi hình tượng “hàng SIDA”. Trong thế kỷ 21 cũng xuất hiện hàng loạt công ty chuyên kinh doanh hàng second hand cao cấp. Họ rất kỹ lưỡng trong khâu giám tuyển để tránh tiếp tay cho hàng giả. Vì vậy, ngày nay, mua đồ second hand không phải là chuyện bị khinh rẻ – đặc biệt nếu nhờ cách này mà bạn tậu được một món đồ quý hiếm.

Lý do nên mua hàng second hand cao cấp

Một đôi giày lười Gucci Loafer còn tinh tươm như mới. Ảnh: Instagram @therealreal

Tìm được món đồ vintage, hàng hiếm

Thị trường second hand là nơi duy nhất bạn tìm được các thiết kế vintage, hoặc đã bị ngừng sản xuất. Một ví dụ là dòng túi Multicolore mà cựu giám đốc sáng tạo Marc Jacobs bắt tay cùng Takashi Murakami thiết kế cho Louis Vuitton. Hoặc các mẫu sản phẩm phiên bản giới hạn.

Bảo vệ môi trường khi giảm thiểu nhu cầu sản xuất mặt hàng mới

Các món đồ hàng hiệu nổi tiếng là lâu bền, khó hư hỏng. Nếu bạn muốn mua hàng hiệu không vì chạy theo trào lưu mới nhất, mà chỉ đơn giản vì muốn sở hữu một món đồ chất lượng cao, trường tồn qua năm tháng, thì tìm đến thị trường second hand là hoàn toàn chấp nhận được. Thói quen mua sắm này giúp giảm thiểu việc phải sản xuất mặt hàng mới, đồng thời ngăn ngừa vứt bỏ những mặt hàng cũ chất lượng còn tốt.

Lưu ý gì khi đi săn hàng second hand?

Đề nghị xem hộp nguyên thủy, biên lai gốc khi mua hàng second hand xa xỉ. Ảnh: Bag Hunter

Đề nghị xem hộp nguyên thủy, biên lai gốc khi mua hàng second hand xa xỉ. Ảnh: Bag Hunter

Cẩn thận trước hàng giả

Đối với những món đồ giá trị cao – như túi xách, giày dép, nữ trang và đồng hồ – bạn nên ưu tiên cho loại còn nguyên đai nguyên kiện: Có hộp sản phẩm gốc và biên lai gốc. Không có những giấy tờ này, bạn khó mà xác minh nguồn gốc sản phẩm.

Lưu ý về vấn đề bảo trì, bảo hành, và xây dựng mối quan hệ với thương hiệu

Tại một số thương hiệu – Rolex, Chanel, Hermès – có những món đồ bạn không thể mua nếu không phải là khách hàng lâu năm của thương hiệu. Khi mua sắm ở thị trường second hand và tạm bỏ qua các cửa hàng chính hãng, bạn có thể sẽ không xây dưng được mối quan hệ tốt với thương hiệu để có thể sắm sửa những item “đinh” của hãng.

Ngoài ra, đôi khi hãng sẽ không chấp nhận bảo trì, bảo hành cho món đồ bạn mua ở thị trường second hand, nếu bạn không có biên lai và tag mã hàng hóa gốc.

Bạn có thể mất nhiều thời gian để tìm được món đồ ưng ý

Do thì trường second hand thượng vàng hạ cám, để mua được món đồ hiệu ưng ý, đôi khi bạn sẽ phải mất thời gian dài lùng sục. Bên cạnh đó, nếu tìm được item hài lòng, bạn phải nhanh tay đặt hàng ngay, vì mỗi sản phẩm là độc nhất vô nhị trên thị trường second hand.

Những điểm mua hàng second hand cao cấp, xa xỉ đáng tin cậy

Một đôi Air Jordan hiếm của Nike chất lượng tốt thường có giá cực cao trên thị trường second hand. Ảnh: Instagram @vestiaireco

1. Nhóm website toàn cầu

Đây là những công ty đời mới chuyên kinh doanh hàng second hand. Với số lượng “khủng” và website e-commerce chuyên nghiệp, họ cho phép khách hàng ngắm nghía sản phẩm kỹ lưỡng trước khi đặt mua.

Ưu điểm là họ có rất nhiều lựa chọn. Giá được trưng bày ngay trên web để bạn dễ so sánh giá cả. Việc thanh toán đơn giản. Gửi hàng cũng nhanh chóng. Nếu không hài lòng với sản phẩm, bạn có thể xin đổi, trả hàng.

Khuyết điểm là với số lượng hàng chuyển nhượng cao, đôi khi họ sẽ để lọt vài mặt hàng giả trong khâu kiểm nghiệm. Hoặc ảnh trên web trông đẹp nhưng đến khi nhận mặt hàng thật thì hỡi ôi, chất lượng rất kém. Lời khuyên chung cho bạn khi mua sắm hàng second hand cao cấp trên những website này là: Nếu mức giá quá hời, thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại.

VESTIAIRE COLLECTIVE

Đây là một công ty công nghệ có trụ sở tại Paris, Pháp. Ra đời năm 2009, Vestiaire Collective đang dần dần trở thành địa điểm mua sắm hàng second hand đáng tin cậy khi nhận được sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn.

Cụ thể, trong năm 2020–2021, Vestiaire Collective nhận 216 triệu đô-la Mỹ tiền đầu tư từ tập đoàn Kering, cũng là công ty sở hữu các thương hiệu như Gucci, Saint Laurent, Alexander McQueen, Brioni, Balenciaga. Với sự đầu tư này, Vestiaire Collective phải đảm bảo tăng cường xác thực nguồn gốc các mặt hàng second hand mà hãng nhận chuyển bán.

Đồng thời, tập đoàn Kering cũng đẩy bán một số mặt hàng tồn kho cũ qua Vestiaire Collective. Thương hiệu đầu tiên thử nghiệm chính là Alexander McQueen. Alexander McQueen sẽ cung cấp những mặt hàng mới tinh thuộc những bộ sưu tập cũ đã ngừng bán tại các cửa hàng; hoặc các món đồ cho stylist thuê, mượn, qua sử dụng nhẹ.

Vestiaire Collective thông báo màn bắt tay với Alexander McQueen qua Instagram. Ảnh: Instagram @vestiaireco

THE REALREAL

The RealReal có trụ sở tại thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California, The RealReal đã lên sàn chứng khoán năm 2019. Điều này đủ nói lên tầm vóc kinh doanh của công ty này.

The RealReal từng bắt tay với nhiều thương hiệu xa xỉ để bày bán các mặt hàng cũ chính thức từ kho hàng của thương hiệu. Có thể kể đến Gucci, Prabal Gurung, Stella McCartney.

The RealReal có nhiều các mẫu túi quý hiếm, ví dụ mẫu Hermès Zip Retourne Pegasus. Ảnh: Instagram @therealreal

REBAG

Trong số các bên bán hàng chuyển nhượng xa xỉ thì Rebag có review tốt nhất từ người tiêu dùng. Công ty có trụ sở tại New York, Mỹ này được đánh giá là có hình ảnh chụp sản phẩm chân thật nhất.

Tương tự như The RealReal hay Vestiaire Collective, Rebag có một đội ngũ các chuyên gia thẩm định sản phẩm, đảm bảo hết mức có thể là món hàng second hand là đồ thật, tránh tiếp tay cho hàng fake.

Ảnh: Instagram @Rebag

FARFETCH SECOND LIFE

Farfetch nổi tiếng là một website e-commerce chuyên phân phối hàng xa xỉ mới. Tuy nhiên, ít ai biết là hãng có một phân khúc khác chuyên mua bán hàng second hand.

Farfetch nhận đầu tư tài chính của Chanel và tập đoàn Richemont (sở hữu thương hiệu Cartier, Chloé, Piaget). Vì vậy, công ty phải đảm bảo chống hàng giả toàn diện khi mua bán hàng second hand để không làm mếch lòng chủ đầu tư.

Farfetch bành trướng mạnh mẽ khi được các tập đoàn lớn đầu tư. Ảnh: Instagram @eyesmag

2. Các cửa hàng địa phương

Trước khi các website toàn cầu nổi lên, thì những thủ phủ mua sắm cũng đã có nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh hàng second hand cao cấp.

Ưu điểm của những cửa hàng này là bạn có thể dễ dàng xem xét chất lượng sản phẩm trước khi mua. Tránh trường hợp mua phải một sản phẩm “treo đầu dê bán thịt chó”, ảnh trên mạng thì đẹp mà sản phẩm thật thì tan nát.

Khuyết điểm là bạn phải tốn thêm vé máy bay để đến được những cửa hàng này!

Tại Châu Á, hai thành phố dân săn lùng hàng vintage, second hand cao cấp ưa chuộng nhất là Singapore và Hồng Kông.

Thành phố miễn thuế Hồng Kông nổi tiếng với chuỗi cửa hàng Milan StationFrance Station. Hai cửa hàng này thuộc công ty lên sàn chứng khoán Hồng Kông, mở cửa từ năm 2007, có vô vàn kinh nghiệm trong việc sàng lọc mặt hàng cao cấp xa xỉ thật, tránh hàng fake.

Singapore thì quy tụ cửa hàng flagship của vô vàn các thương hiệu thời trang cao cấp. Cũng vì vậy mà tại đây có nhiều cửa hàng chuyên mua bán hàng second hand đáng tin cậy. Trong số đó có BagBazaar, The Attic Place tại con đường mua sắm Orchard Road.

Đến cửa hàng Milan Station tại Hồng Kông, bạn có thể dễ dàng xem tận mắt các sản phẩm second hand trước khi quyết định mua sắm. Ảnh: Instagram @milanstation

Một thiên đường săn hàng second hand nữa chính là khu vực Trung Đông.

Xứ dầu mỏ Dubai, Ả Rập Xê-Út nổi tiếng là giàu có. Đi kèm với hàng loạt cửa hàng xa xỉ là những shop chuyên kinh doanh thời trang second hand cao cấp. Một ví dụ cho bạn là The Luxury Closet. Ngoài những địa điểm mua hàng địa phương thì The Luxury Closet cũng vận chuyển hàng đi khắp thế giới.

Ở Việt Nam, bạn có thể thử Joolux.

Joolux là thương hiệu startup vừa xuất hiện trên chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ. Theo trình bày từ CEO Tạ Xuân Hiển, ưu điểm của Joolux là sở hữu công nghệ trị tuệ nhân tạo (AI). Sản phẩm sẽ được quét (scan), phóng to và so sánh với 50 triệu dữ liệu để đảm bảo sự chân thật của sản phẩm. Hiện tại, Joolux hoạt động theo mô hình e-commerce trực tuyến là chủ đạo, bên cạnh một cửa hàng chính ở TP.HCM.

3. Các ngôi sao!

Đỗ Mạnh Cường mạnh tay bán hạ giá các món đồ hàng hiệu mà anh sắm sửa cho các con qua mạng xã hội. Ảnh: Milor Trần

Nghe thì có vẻ lạ nhưng đôi khi các ngôi sao sẽ bán chuyển nhượng các sản phẩm trong tủ đồ của mình. Có thể vì họ…không còn chỗ chứa. Như trường hợp của Hoà Minzy, thì nữ ca sỹ đã thanh lý hàng loạt món đồ yêu thích để kiếm tiền đầu tư cho MV! Đỗ Mạnh Cường cũng gây hot mạng xã hội hồi đầu năm 2021 khi bán đi hàng loạt đồ hiệu mà anh mua cho các con.

Nguồn mua hàng second hand này được xem là đáng tin cậy vì các ngôi sao thành đạt chẳng thể nào chơi hàng fake! Tuy nhiên, khó mà nói trước được khi nào các ngôi sao sẽ thanh lý tủ quần áo. Vì vậy bạn sẽ phải theo dõi họ rất sít sao.

>>> Xem thêm: ĐỒ VINTAGE: CÓ CŨ CŨNG PHẢI BIẾT CÁCH CHƠI

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Từ khóa » Mua Quần áo Hiệu Cũ