Hàng Trăm Tiểu Thương Chợ Đại Quang Minh đồng Loạt Phản đối Vì ...
Có thể bạn quan tâm
Có mặt tại Trung tâm Thương mại dịch vụ Đại Quang Minh (thường được gọi là chợ Đại Quang Minh), chuyên bán nguyên phụ liệu may mặc, tại địa chỉ 31-33-35 Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5, TP.HCM), phóng viên ghi nhận cảnh mua bán vẫn đang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương ở đây cho biết, thời gian tới có thể họ sẽ phải xin ngừng kinh doanh vì việc tăng giá thuê quầy sạp "quá sức chịu đựng" của đơn vị quản lý chợ - Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại Sài Gòn (Satraseco).
Thông báo điều chỉnh giá thuê quầy sạp, ký kết hợp đồng mới được Satraseco gửi tới các tiểu thương vào ngày 23.3.2022. Sau khi nhận được thông báo, tiểu thương chợ Đại Quang Minh đã đồng loạt phản đối, bằng việc nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị, cũng như treo bảng/ băng rôn tại quầy sạp của mình. Theo quan sát của phóng viên, trên các tấm bảng/ băng rôn này ghi những dòng chữ có nội dung: Yêu cầu Ban giám đốc Satraseco đối thoại với tập thể tiểu thương!, Phản đối Satraseco chiếm dụng vốn tiểu thương, Cực lực phản đối Satraseco tăng giá thuê trên 200%…
Bên ngoài Trung tâm Thương mại dịch vụ Đại Quang Minh. Ảnh: Ngô Gia
Giá thuê quầy sạp tăng trên 200%?
Cũng như nhiều tiểu thương khác, ông Nguyễn Duy Lam (thuê quầy A18) nhận được thông báo về việc ký kết hợp đồng thuê quầy sạp số 55, ngày 23.3.2022 từ Satraseco. Theo thông báo, bên cho thuê (Satraseco) cho biết hợp đồng của ông Lam tại chợ sẽ hết hạn vào ngày 31.3.2022, và muốn tiếp tục thuê quầy sạp tại đây thì hợp đồng cũ của ông sẽ gia hạn thời gian thuê đến hết ngày 30.6.2022.
Bên cho thuê cũng thông tin sẽ ký kết mới toàn bộ hợp đồng cho thuê quầy sạp tại Trung tâm, với thời hạn hợp đồng là một năm, trong đó giá thuê (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ ngày 1.7.2022-31.12.2022 là 9,9 triệu đồng/tháng (làm tròn); từ ngày 1.1.2023-30.6.2023 là 13,3 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, ông Lam sẽ phải đóng tiền cọc tương đương ba tháng tiền thuê quầy. Sau ngày 31.5.2022, nếu ông Lam không đăng ký và ký hợp đồng mới coi như đã từ chối quyền ưu tiên thuê quầy sạp tại Trung tâm. Bên cho thuê sẽ thu hồi lại mặt bằng thuê sau khi hết thời hạn hợp đồng cũ.
Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị, ông Lam cho biết so với giá thuê sạp hiện đang phải trả (6,7 triệu đồng/tháng cho diện tích 6,38m2) thì mức điều chỉnh giá cho thuê của hợp đồng mới đã tăng 50% cho nửa năm đầu của hợp đồng. Nửa năm tiếp theo tăng thêm 50% nữa thì tính gộp, giá thuê sạp đã tăng 100% trong một năm.
Theo nhẩm tính của tiểu thương này thì giá thuê như vậy đắt hơn 30 lần chợ Tân Bình, đắt gấp ba lần Thương xá Đồng Khánh ở cách đó không xa. "Khi giá thuê mặt bằng đắt thì mình phải bán giá cao lên mới đủ chi phí. Mà giá cao thì không bán lại người ta, mình chỉ bán giá sỉ", ông Lam bộc bạch.
Vừa bán hàng vừa tiếp chuyện phóng viên, ông Lam cho biết sức mua hiện nay nếu ngày nào thuận lợi lắm thì cũng chỉ bằng 80% so với trước thời điểm dịch bệnh. Nếu tăng giá mặt bằng cao như vừa thông báo thì tiểu thương như ông sẽ rất kẹt.
Ngậm ngùi chia sẻ tháng 7 tới có thể tạm ngưng kinh doanh, ông Lam mong muốn sẽ có cuộc tiếp xúc giữa ban đại diện của tiểu thương chợ Đại Quang Minh và người có trách nhiệm của Satraseco để trao đổi, thương lượng tìm ra hướng giải quyết hợp tình hợp lý cho tiểu thương an tâm tiếp tục làm ăn buôn bán.
Băng rôn treo tại một ki ốt ở chợ Đại Quang Minh. Ảnh: Ngô Gia
Tiểu thương L.M (đề nghị phóng viên viết tắt tên), một người buôn bán lâu năm ở đây, cũng bày tỏ việc không tán thành vì giá mặt bằng tăng quá cao so với sức chịu đựng. Xác nhận cũng nhận được thông báo vào ngày 23.3.2022 như ông Lam, tiểu thương này cho biết trước năm 2018 sạp có diện tích 8,4m2 của mình chỉ phải đóng 3,6 triệu đồng/tháng.
Với giá hiện nay đang đóng là 8 triệu đồng, nếu đồng ý ký hợp đồng mới, ngoài phải đóng ba tháng tiền cọc, tiểu thương này sẽ phải đóng 14,7 triệu đồng/tháng cho nửa năm đầu và 19,6 triệu đồng/tháng cho nửa năm tiếp theo của hợp đồng thuê.
Ông Lê Văn Cường, giới thiệu là một thành viên trong Ban đại diện của tiểu thương chợ Đại Quang Minh, cho biết năm 2017 cũng đã có một lần Trung tâm điều chỉnh giá cho thuê quầy sạp tăng cao và bị tiểu thương chợ Đại Quang Minh phản đối. Riêng quầy F2 của vợ chồng ông chịu mức điều chỉnh tăng 40% vào thời điểm đó.
Ông Cường cho biết vợ chồng ông hiện đang "gánh" tiền mặt bằng 6 triệu đồng/tháng. Công việc buôn bán ở chợ này đã gắn bó mấy chục năm nay, nếu nghỉ thì không biết phải làm gì nên dù doanh thu thường xuyên âm nhưng vợ chồng ông vẫn chấp nhận cắn răng bù lỗ. Ông Cường chia sẻ, dù tình hình kinh doanh đã trở lại sau dịch nhưng "hiện nay ai (tiểu thương) buôn bán hoà vốn là giỏi rồi".
Đề đạt nguyện vọng của tiểu thương, ông Cường nêu các ý chính, gồm: Không tăng giá mặt bằng vô lý như hiện nay; Không đóng tiền ký quỹ (tiền cọc); Ký hợp đồng dài hạn (ít nhất hai năm/lần). Trong sự việc hiện nay, theo ông Cường thì ngoài việc gửi các văn bản cho tiểu thương, phía công ty cũng chỉ chấp nhận gặp và đối thoại với từng người.
Ông Cường cho biết tiểu chợ Đại Quang Minh đã lập Ban đại diện từ năm 2017, muốn gặp đối thoại với lãnh đạo có trách nhiệm của Satraseco nhiều lần nhưng chưa gặp được. Đó là lý do mà tiểu thương đã viết nhiều đơn thư, gửi nhiều đơn vị hữu quan để "cầu cứu". Trong văn bản gửi ngày 2.6.2022 để tên chung là Tập thể tiểu thương tại trung tâm thương xá Đại Quang Minh mà phóng viên Người Đô Thị tiếp cận được, tiểu thương kiến nghị UBND phường, quận cùng Ban giám đốc Satraseco ấn định một ngày để tiểu thương "bày tỏ nỗi lòng cũng như lắng nghe nỗi khổ của tiểu thương chúng tôi nhằm đạt được mục đích của đôi bên".
Những tấm bảng phản đối nâng giá mặt bằng được treo tại các quầy sạp ở chợ chợ Đại Quang Minh. Ảnh: Ngô Gia
Khi đặt câu hỏi về việc có hay không việc tăng giá mặt bằng 200% như các tấm bảng đang treo tại nhiều quầy sạp, phóng viên ghi nhận được thông tin, đó là tại thông báo của quầy 3-6/35 + 6/33 thì giá thuê hiện tại cho đến 30.6.2022 là 25,5 triệu đồng/tháng (làm tròn), giá thuê mới từ ngày 1.1.2023 là 54,9 triệu đồng/tháng mà theo tiểu thương như vậy là tăng 214,9%. Ngoài ra, các tiểu thương cho rằng chu kỳ tăng giá thuê là sáu tháng một lần, mỗi lần trên 100% gây hoang mang, mất ổn định trong kinh doanh.
Trong văn bản phúc đáp gửi Satraseco, Tập thể tiểu thương chợ Đại Quang Minh nêu nhiều vấn đề, trong đó có nội dung khẳng định: Bà con tiểu thương khẳng định không phản đối việc tăng giá thuê nhưng Satraseco phải thực hiện công việc nâng cấp cơ sở vật chất hoàn chỉnh đúng như lời nói rồi mới có cơ sở tăng giá tương xứng. Còn hiện tại Công ty Satraseco cần tôn trọng, cầu thị xem xét ý kiến đề xuất của bà con tiểu thương để tăng giá hợp lý theo thông lệ của thị trường (*), tương xứng với cơ sở vật chất, dịch vụ cung cấp hiện có và phải có lộ trình phù hợp...
Đại diện Satraseco: Điều chỉnh giá thuê quầy sạp là phù hợp!
Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị, ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco, cho biết mặt bằng kinh doanh của Trung tâm Thương mại dịch vụ Đại Quang Minh nằm trên hai khu đất (số 31-33-35 Châu Văn Liêm và số 6 Tống Duy Tân, phường 14, quận 5), là tài sản thuộc sở hữu của Satraseco. Hoạt động của Trung tâm là quản lý, cho thuê quầy sạp kinh doanh mặt hàng nguyên phụ liệu ngành may mặc. Ông Hanh xác nhận, ngày 23.3.2022, Satraseco có gửi thông báo đến các tiểu thương đang thuê quầy sạp về việc ký kết hợp đồng thuê quầy sạp mới từ ngày 1.7.2022.
"Sau khi xem xét, đánh giá tổng thể và toàn diện các yếu tố, Satraseco đưa ra đề nghị tăng giá cho thuê các quầy sạp, địa điểm kinh doanh tại Trung tâm Thương mại dịch vụ Đại Quang Minh. Tuy nhiên, Satraseco chưa nhận được sự đòng thuận của phần lớn các tiểu thương về việc ký kết hợp đồng mới và nhận được một số đơn khiếu nại của tiểu thương với những suy diễn và yêu cầu vô căn cứ", ông Hanh cho biết. Tổng giám đốc Satraseco cho biết, ngày 20.4.2022, Satraseco cũng đã có làm việc với Đảng ủy, UBND phường 14 và Phòng kinh tế quận 5 để trình bày về phương án ký lại hợp đồng và điều chỉnh giá thuê tại Trung tâm Đại Quang Minh.
Theo ông Hanh, sau cuộc làm việc này, trong tháng 5.2022, Satraseco đã gửi thư mời họp đến các tiểu thương để tổ chức buổi họp nhằm gặp gỡ, tiếp xúc với các tiểu thương thông tin và vận động tiểu thương hiểu rõ các chủ trương của công ty. Đồng thời, buổi họp này cũng nhằm gặp gỡ trực tiếp các tiểu thương để trao đổi rõ những nội dung thay đổi trong hợp đồng mới. Tuy nhiên, tại hai buổi họp này, các tiểu thương không đến hoặc đến nhưng không thiện chí để cùng ngồi lại thương lượng, giải quyết.
Hoạt động buôn bán tại chợ Đại Quang Minh. Ảnh: Ngô Gia
Trả lời câu hỏi của phóng viên, rằng Satraseco đã điều nghiên và dựa vào tham chiếu nào để áp mức điều chỉnh nâng giá mặt bằng như vừa qua, Tổng giám đốc Satraseco cho biết từ năm 2020 công ty đã tổ chức thăm dò, khảo sát giá mặt bằng thuê, đặc biệt là các mặt bằng trong bán kính gần chợ Đại Quang Minh. Việc điều chỉnh giá cho thuê quầy sạp, do vậy dựa vào các yếu tố, như mức giá của thị trường, hệ số K (vị trí cụ thể của từng quầy sạp trong mặt bằng Trung tâm), diện tích sạp, mức giá của hợp đồng cũ. Vì vậy, tuỳ vào các tham chiếu trên mà các khách hàng (gồm 5 khách hàng doanh nghiệp và các tiểu thương đơn lẻ) sẽ có mức điều chỉnh giá thuê khác nhau và điều này "phù hợp với mặt bằng chung của thị trường", "đúng quy định pháp luật".
Ông Hanh cho biết, từ năm 2020 công ty đã có kế hoạch xây dựng lộ trình tăng/ giảm giá thuê để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Điều này thể hiện tại biên bản làm việc ngày 20.4.2022 với Phòng kinh tế quận 5 về lộ trình tăng/ giảm giá. Trong đó năm 2020 và 2021 là giảm thuê. Tháng 4.2022, hết thời hạn hợp đồng nhưng công ty vẫn giữ ổn định giá thuê từ tháng 1.2022 đến tháng 6.2022. Tháng 7.2022, Satraseco ký hợp đồng mới có thời hạn một năm, với giai đoạn 6 tháng đầu sẽ tăng từ 40%-60% (mức tuyệt đối chỉ tăng từ hơn 1 triệu đông/tháng) và giai đoạn 6 tháng tiếp theo sẽ tăng từ 40% - 50% (mức tuyệt đổi chi tăng từ hơn 1 triệu đồng/tháng).
Khẳng định Satraseco đã không tăng giá thuê quầy sạp trong nhiều năm, ông Hanh cho biết việc tăng giá ở thời điểm hiện tại là hành động cấp thiết đề đảm bảo hoạt động của công ty được diễn ra bình thường, mặc dù mức giá cho thuê vẫn thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Thời gian qua, chia sẻ khó khăn của các tiểu thương vì ảnh hưởng đại dịch, Satraseeo đã gia hạn hợp đồng với mức giá cũ thấp hơn nhiều so với thị trường hiện tại (kể từ ngày 1.1.2021 đến tháng 6.2022). Đến nay tình hình kinh tế đã được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nên Satraseco mới tiến hành giao kết hợp đồng mới và đề xuất mức giá thuê mới.
Theo Tổng giám đốc Satraseco thì giá thuê quầy bình quân tại Đại Quang Minh chỉ ở mức 2 triệu - 5 triệu đồng/tháng, nên khi tăng 50-100% thì số tuyệt đối tăng chỉ khoảng một vài triệu đồng. "Số tiền này không lớn so với doanh thu hàng tháng vài trăm triệu đồng của tiều thương", ông Hanh nhận định.
Trả lời mức điều chỉnh giá mặt bằng với con số tăng hơn 200%/năm, ông Hanh lý giải mặt bằng này không phải là quầy sạp thông thường mà là một căn nhà khách hàng thuê rất lâu rồi. Mặt bằng thuê 20m2 này cũng có giá thuê cao nhất tại chợ Đại Quang Minh đến thời điểm hiện nay là 25 triệu đồng/tháng (làm tròn).
Trong khi đó, nói về quy định ba tháng tiền cọc, ông Hanh cho rằng điều hày "hoàn toàn hợp lý" nhằm đảm bảo cảc tiểu thương thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong suốt quá trình thuê. Trong hợp đồng thuê năm 2017, số tiền ký quỹ này tương đương hai tháng tiền thuê quầy sạp.
Tổng giám đốc Satraseco thừa nhận thực tế là công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo vì vậy mà tình trạng du di khi vi phạm hợp đồng thuê (như tự ý sang nhượng, đóng tiền trễ, không đóng tiền cọc...) đã xảy ra thời gian qua nhưng chưa được xử lý triệt để. Từ tháng 8.2020 công ty đã đưa ra kế hoạch chấn chỉnh nhưng vì dịch bệnh nên phải tạm dừng, đến năm nay mới làm.
"Phá một cái nếp lâu năm như vậy là cả một vấn đề, vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ (khách hàng)", ông Hanh cho biết, đồng thời lý giải "khi giá thuê về gần sát với giá thị trường thì khoản chênh lệch từ cho thuê lại bị thu hẹp lại và cơ hội sang nhượng quầy của một số người sẽ dần bị mất đi. Đây chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong suốt thời gian qua, họ là những người chống đối quyết liệt nhất và lôi kéo, ngăn cản các tiểu thương khác tiếp xúc, ký hợp đồng với Satraseco".
Ngoài việc điều chỉnh sát với giá thị trường, việc Satraseco ký hợp đồng ngắn hạn cũng là biện pháp cần thiết để tránh tình trạng tiểu thương cho thuê lại/sang nhượng quầy sạp trái với quy định của hợp đồng. "Bản thân công ty cũng muốn ký 2-3 năm cho ổn định nhưng thời điểm này phải thiết lập nội quy rõ ràng, mọi thứ đã vào khuôn khổ, khách hàng tuân thủ đúng cam kết như hợp đồng thì mới tính đến", ông Hanh nói.
Theo Tổng giám đốc Satraseco từ việc gửi văn bản thông báo trước ba tháng việc điều chỉnh giá và ký hợp đồng mới, rồi chuyển sang đối thoại với các tiểu thương là thiện chí "lắng nghe ý kiến và giải đáp cho từng trường hợp" của công ty. Giải thích lý do vì sao chỉ làm việc với từng tiểu thương, đại diện Satraseco cho biết vì công ty ký hợp đồng với từng khách hàng và quyền lợi nghĩa vụ hợp đồng gắn liền với từng trường hợp cụ thể. Việc tiếp xúc, đối thoại với nhiều người, có quyền lợi khác nhau, cùng một lúc sẽ không mang lại hiệu quả cho các bên.
Khẳng định Công ty Satraseco là chủ sở hữu hợp pháp đối với Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh, có toàn quyền quyết định đối với việc sang nhượng, cho thuê, ông Hanh đồng thời cho biết công ty không lựa chọn cách đối đầu với khách hàng mà đang thiện chí, muốn được ngồi lại với từng tiểu thương để thương lượng, giải quyết sự việc được nhanh chóng, tốt đẹp.
Người Đô Thị sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc...
Trọng Văn
______________
(*) Tiểu thương kiến nghị chu kỳ tăng tiền thuê hai năm một lần và mỗi lần tăng không quá 10%.
Từ khóa » Thuê Sạp Chợ An đông
-
Thương Nhân Chợ An Đông đỏ Mắt Chờ Sang, Thuê Sạp - PLO
-
Cho Thuê Sạp Kinh Doanh Tầng Trệt Chợ An Đông 2 Năm Không Tăng Giá
-
Ế ẩm, Tiểu Thương Sang Sạp, Rời Chợ - Báo Phụ Nữ
-
Sang Nhượng , Cho Thuê Sạp Chợ Tại Chợ An Đông Lầu 2
-
Chợ Sỉ Tân Bình, An Đông: Sang Sạp, Cho Thuê Lại Sạp, Dời Về Nhà...
-
Cho Thuê Sạp Chợ An Đông Plaza
-
Cho Thuê Sạp Tại Chợ An Đông Plaza, Tại Lầu 1, Khu Bán Sỉ Quần áo Nữ
-
Cho Thuê Sạp Chợ An Đông Plaza Giá Rẻ Tháng 07/2022
-
Sang Sạp Chợ An Đông Truyền Thống
-
Cho Thuê Cửa Hàng, Sạp, Kiot Gần Chợ An đông
-
TPHCM: Nhiều Tiểu Thương Bỏ Sạp - Tiền Phong
-
Chợ Bán Sỉ Lớn Nhất Sài Gòn ế ẩm Sau Tết, Nhiều Tiểu Thương Ngậm ...
-
Giá Thuê Sạp Chợ Đại Quang Minh Quá đắt đỏ? - Kinh Doanh - Zing